Con người … hữu thể luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời

 

“Chúng ta đã tiến đến chỗ biết

Con người thực sự là gì.

Rốt cuộc, con người là hữu thể

đã tạo ra phòng hơi ngạt ở Auschwitz,

nhưng cũng là hữu thể

hiên ngang bước vào phòng ngạt hơi

với Kinh Lạy Cha hoặc câu kinh Shema Yisrael trên môi.”

 (Đi tìm lẽ sống, Viktor E. Frankl)

 

Những ai đã từng trải qua hoặc từng nghe đến những ngày tháng thảm họa trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức Quốc xã sẽ không bao giờ quên được những ký ức đau buồn đó. Không thể tưởng tượng được tại sao con người có thể đối xử với đồng loại của mình như vậy. Phải chăng con người có đặc quyền để hủy diệt bất kỳ ai? Đau khổ, tàn khốc và nghiệt ngã là thế, nhưng đâu đó vẫn có điều kỳ diệu xảy ra. Trong cái mà người ta gọi là “địa ngục trần gian,” và vượt lên trên cái chết thương tâm của người đồng loại, vẫn còn nhiều người “ham sống.” Họ quyết chí bằng mọi cách để giữ cho được mạng sống của mình. Họ muốn sống vì họ còn tìm được Lý do cho sự hiện hữu của mình. Họ muốn sống vì họ vẫn còn gia đình cùng những ước mơ dang dở. Dù tương lai có mờ mịt đến đâu, nếu chỉ còn một tia hy vọng, họ vẫn hy vọng ngày mai mình sẽ có được cuộc sống tự do.

Đối nghịch với hình ảnh trên là một thực trang khá đau buồn của thời hiện đại. Số lượng những trường hợp tự tử ngày càng gia tăng. Xã hội càng hiện đại, tiện nghi vật chất càng nhiều lại càng khiến con người dễ rơi vào bế tắc và mất đi động lực sống. Người viết không nói rằng tất cả mọi người ngày nay đều rơi vào tình trạng như vậy. Nhưng thực tế vẫn có nhiều người chọn chấm dứt cuộc sống của mình khi gặp phải khó khăn. Nhiều người sống trong vòng lẩn quẩn của tiền bạc, địa vị và danh vọng. Họ chỉ biết kiếm tiền, tiêu tiền rồi lại vùi đầu kiếm tiền. Cuộc sống của họ dường như chỉ quanh quẩn với những nhu cầu vật chất. Để rồi khi bế tắc và không biết định hướng thế nào họ dễ chán nản và đánh rơi ý nghĩa cuộc đời. Cuộc đời trở nên vô vị. Không phải những người chọn tự tử không ham sống, nhưng vì họ không thấy được ý nghĩa của việc tiếp tục sống và cống hiến nên sống hay chết cũng như nhau.

Hai hình ảnh trái ngược nhau của hai thời đại khác nhau nói lên điều gì: Giữa thời đại của đau thương, con người chọn tìm cách sống; còn giữa thời đại của tiện nghi vật chất, con người lại chọn kết liễu đời mình. Có thể những khó khăn sẽ mang những hình dáng khác nhau tùy vào hoàn cảnh và thời điểm. Chúng ta có thể so sánh thời này khó khăn hơn thời khác. Những người sinh ra ở thời chiến tranh sẽ thấy rằng cuộc sống quá khắc nghiệt. Còn những người sinh ra ở thời bình lại thấy cuộc sống bình dị, đôi lúc tẻ nhạt. Theo quan điểm của người viết, cuộc sống, về bản chất, vẫn vậy. Cuộc sống vẫn luôn có những điều tuyệt vời xen lẫn những chông gai. Có chăng là chúng được mặc lấy những dạng thức và mức độ khác nhau. Nhiều khi chúng ta đòi hỏi sự công bằng cho mọi người. Ai cũng được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn như nhau. Thử hỏi điều này có lý tưởng quá không? Cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, mỗi người trong hoàn cảnh của mình sẽ có những trải nghiệm riêng biệt. Có người sinh ra đã được hưởng hạnh phúc, sự sung túc và giàu có, trong khi nhiều người phải nỗ lực rất nhiều mới có được thành quả nhất định. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người vất vả cả đời cũng chẳng bằng ai. Vậy lỗi ở đây là do ai?

Nếu chúng ta quá cậy vào sự công bằng như trên thì có lẽ chúng ta tìm cả đời cũng chẳng ra. Nếu chỉ mong chờ một sự ban phát từ người khác thì chúng ta sẽ mãi là kẻ thất bại. Cuộc đời luôn quăng cho chúng ta những điều mà chúng ta không ngờ tới. Tác giả Viktor E. Frankl trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” của mình đã nói: “Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa.” Chúng ta sẽ là người chiến thắng hay mãi là kẻ thất bại? Điều này phụ thuộc vào thái độ mà chúng ta chọn để sống từng khoảnh khắc. Đặc biệt, đâu là ý nghĩa mà chúng ta muốn đặt cho cuộc sống của mình. Chúng ta không có tự do chọn việc mình sinh ra thế nào, nhưng chúng ta có tự do để biến những điều đó thành giá trị cho mình và người khác.

Thế nhưng, việc đi tìm ý nghĩa cuộc đời không chỉ diễn ra trong khoảnh khắc này hay khoảnh khắc kia mà là hành trình của một đời người. Chúng ta không thể biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình. Chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi sự. Nhiều người vì chỉ đặt ý nghĩa cuộc sống của mình vào hai chữ “công việc” nên khi còn đi làm thì luôn hăng hái và nỗ lực để thăng tiến càng nhiều trong công việc càng tốt. Nhưng khi nghỉ hưu họ lại đánh mất hết những nhiệt thành đó vì cuộc sống đối với họ không còn ý nghĩa gì nữa, vô cùng tẻ nhạt. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ là công việc mà nó còn là điều gì đó cao cả hơn. Cuộc sống có ý nghĩa tối hậu của nó. Nó là một mầu nhiệm mà mỗi người phải dành cả đời mình để khám phá, mà sự khám phá đó cũng giới hạn phần nào đó trong tính hữu hạn của từng người. Đừng cố định ý nghĩa của cuộc sống vào một việc hay một giai đoạn nào đó. Ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những bí mật khác nhau cần được vén mở. Điều quan trọng là chúng ta cần một Lý do để sống thì ắt chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống rất đáng sống. Không trải nghiệm nào là phí phạm cả. Càng trải qua đau thương thì chúng ta sẽ càng nên mạnh mẽ. Phần thưởng là sự bình an sẽ dành cho những ai đủ kiên trì, tin tưởng và can đảm sống.

Tận sâu trong hiện hữu của mỗi người đều tồn tại một khao khát sống mãnh liệt bởi sự sống là món quà mà chúng ta được ban cho từ Thiên Chúa. Dù chỉ còn một ít hy vọng thôi thì sự sống ấy vẫn tồn tại và có thể bùng lên mạnh mẽ nếu được tiếp thêm sức mạnh từ việc can đảm sống. Hãy nhìn thế giới chung quanh, hãy nhìn những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, những nụ cười mãn nguyện của đôi vợ chồng già, hay niềm vui được về với gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc của người công nhân. Chúng thật đơn giản nhưng lại có sức mạnh lạ thường. Đôi lúc con người chỉ cần những khoảnh khắc đơn sơ ấy thôi lại có thể cảm nghiệm được sức thôi thúc nội tại đẩy mình về phía trước. Mỗi người được sinh ra với một ý nghĩa đặc biệt, hãy tìm và sống chúng một cách tròn đầy nhất để không chỉ bản thân mình mà những người khác có thể được tiếp thêm sức mạnh từ giá trị mà chúng ta tạo nên. Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay, chúng ta mới có thể tạm mãn nguyện với hành trình dương thế của mình.

Hãy luôn tiến về phía trước vì con người là hữu thể được tạo nên để đi tìm và kiến tạo ý nghĩa …

Philip

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …