Nơi sinh Chân phước Anrê Phú Yên

anre1Thời điểm thầy Anrê Phú Yên chào đời là thời điểm Phú Yên đang còn trong giai đoạn bắt đầu khai phá, khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang nầy là những đoàn di dân từ Thuận Quảng, phía Bắc Phú Yên, như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ông cha của thầy Anrê Phú Yên thuộc những người di dân nầy.

Lúc bấy giờ Phú Yên là vùng đất mới được chúa Nguyễn ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên việc khai khẩn đất hoang, lập làng vẫn còn nhiều yếu tố trở ngại, như về an ninh trật tự ở biên giới phía Nam với Chiêm Thành, khí hậu khắc nghiệt, nước độc, chướng khí từ rừng hoang cỏ rậm và ác thú ở miền núi. Do đó chỉ còn vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt vùng châu thổ sông Cái (châu thổ vùng Bà Đài), khí hậu hiền hòa, dễ bắt con cua con cá, trồng được lúa nước, cách xa biên giới phía Nam, là vùng “đất vàng” được các di dân ưu tiên chọn lựa định cư. Dinh Trấn Biên cũng được thành lập tại vùng châu thổ nầy. Xét những điều kiện nầy, có thể gia đình của Anrê đã chọn vùng châu thổ sông Cái để định cư. Toàn bộ vùng châu thổ nầy, ngày nay thuộc giáo xứ Mằng Lăng và giáo xứ Chợ Mới.[1]

Đầu năm 1639, toàn bộ các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong đã bị chúa Nguyễn trục xuất. Lúc bấy giờ Cha Đắc Lộ đang ở Ma Cao. Cha tận dụng ảnh hưởng của các thương nhân người Bồ đối với chúa Nguyễn để cha được ra vào Đàng Trong tất cả bốn lần. Lần thứ nhất (02/1640 – 8/1640), lần thứ hai (12/1640 – 7/1641), lần thứ ba (01/1642 – 9/1643), lần thứ tư (01/1644 – 03/7/1645). Trong chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ hai, cha Đắc Lộ đã tận dụng cơ hội để thăm viếng tín hữu Phú Yên. Nhân dịp nầy cha rửa tội cho Anrê Phú Yên tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.

Xét hoàn cảnh sự hiện diện của cha Đắc Lộ tại Dinh Trấn Biên lúc nầy, có thể cha chỉ thăm viếng các tín hữu và qui tụ các tân tòng trong phạm vi những làng lân cận Dinh Trấn Biên. Học giả Phạm Đình Khiêm đã viết: “ Xét vì cuộc viếng thăm của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến, mà chính là những người ở ngay chỗ trấn lỵ và phụ cận”.[2]

Từ nhận định nầy, Học giả Phạm Đình Khiêm đi đến một nhận định khác: “Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”.[3]

Học giả Phạm Đình Khiêm đã đặt vấn đề “Phải chăng (Lò Giấy) đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”. Và vì chỉ là nghi vấn không thể chứng minh được nên ngay sau đó ông khẳng định: “Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3.000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.[4]

Thật ra, Lò Giấy là một giáo họ được thành lập sau năm 1747 và trước năm 1850. Trong thống kê của các thừa sai năm 1747, Phú Yên có 06 nhà thờ và  67 nhà nguyện của các giáo họ liên hệ, trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính trong vùng, là trú sở của các thừa sai.[5] Trong số 06 nhà thờ và 67 nhà nguyện của thống kê năm 1747 chưa thấy có tên giáo họ Lò Giấy, và ngay cả Mằng Lăng cũng chưa có trong thống kê nầy.

Trong thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Cuênot Thể, Phú Yên được chia làm hai xứ, xứ phía Bắc và xứ phía Nam. Trong đó, Lò Giấy và Mằng Lăng thuộc xứ phía Bắc. [6]

Với các chứng cứ trên đây cho thấy việc xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên là một khẳng định chưa đủ chứng cứ lịch sử. Nói cách khác, không thể xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên. Do đó, quan điểm của Học giả Phạm Đình Khiêm dễ được chấp nhận: “nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.

Lm Võ Đình Đệ

TGM Qui Nhơn

 


[1] Giáo xứ Chợ Mới  được tái thành lập ngày 28 tháng 5 năm 2013. Phần đất giáo xứ Chợ Mới hiện nay là phần đất được tách ra từ giáo xứ Mằng Lăng.
[2] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sđd, trang 40.
[3] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sđd, trang 42.
[4] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sđd, trang 43
[5] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.II, Paris 2000, p. 191-192.
[6] Mission de Quinhon,  Mémorial no. 58, 31 Oct. 1909, p. 152.

Kiểm tra tương tự

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Vết nứt cần có

“ Hãy rung lên những hồi chuông nào vẫn còn có thể vang vọng được. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *