Tiến dâng Hài Nhi Giêsu lời chúc tụng và trái tim hoan hỉ
(Trích từ tập sách của Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
ĐẤNG TUYỆT MỸ trong nơi nghèo hèn. NXB. Đồng Nai. 2023. T.35-45)
Henry Van Dyke có thuật lại câu chuyện nhan đề: “CÒN MỘT NHÀ ĐẠO SĨ KHÁC NỮA”, kể về nhân vật thứ tư là người lẽ ra đã cùng ba nhà đạo sĩ đi tìm Vua dân Do thái mới sinh. Nhân vật này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban có mang theo một túi đựng những viên kim cương để dâng tặng cho vị ấu vương. Thế nhưng trên đường đến điểm hẹn, Artaban đã phải dừng chân để giúp đỡ một người nghèo đói nằm bên vệ đường. Do đó khi đến nơi thì ông không còn thấy ba vị kia đâu. Dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Vua Cứu Thế. Trên đường tìm kiến, mỗi lần gặp một người khốn khổ, ông lại bán đi một viên kim cương để giúp đỡ. Sau nhiều năm, Artaban đã dần dần trở thành một lão già ốm yếu, thế mà ông vẫn chưa gặp được Vua Do thái như lòng hằng mong ước.
Rồi 33 năm sau, khi đang trọ trong thành Giêrusalem, Artaban thấy cả thành xôn xao náo động vì cái tin nhà cầm quyền đang đem một tội nhân đi hành hình thập giá. Artaban tò mò hoà theo dòng người đi xem. Khi nhìn thấy tội nhân đang vác cây thập tự bị té ngã nhiều lần, linh tính cho biết đó chính là vị Vua Cứu Thế mà ông hằng tìm kiếm. Ông liền đi theo Người trên đường thương khó. Rồi khi tội nhân bị đóng đinh và bị treo trên thập giá, Ông muốn đến gần ôm lấy vị Vua kia, nhưng không thể được vì bị bọn lính canh ngăn cản. Bỗng chốc Artaban thấy vị Vua mở mắt ra nhìn ông và ông nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai rằng: “Này Artaban, con đừng buồn nữa. Ta cám ơn con vì bao năm qua đã nhiều lần con tặng quà cho Ta. Nhiều lần Ta đói con đã cho bánh ăn, Ta khát con đã cho nước uống, Ta rách rưới con đã cho đồ mặc, Ta là khách lạ con đã đón ta vào nhà ở trọ…”.
Nghe những lời ấy, Artaban cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Ông hiểu rằng: Các món quà xưa nay ông đã chia sẻ cho người nghèo là ông đã dâng tặng cho chính Vua Giêsu Cứu Thế. Món quà đó không nhất thiết phải là tiền bạc vật chất, nhưng còn là tình người, là sự thông cảm với những ai đang bị đau khổ, là thái độ khiêm tốn sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vụ lợi.
Câu chuyện trên đưa ta đi vào câu chuyện Ba nhà đạo sĩ đến thăm Chúa Hài Đồng được nhắc tới trong chương đầu tiên của Tin Mừng thứ nhất của thánh sử Mátthêu.
Trước đó, thánh sử kể về gia phả của Chúa Giêsu, cũng như biến cố truyền tin của Thiên Thần dành cho thánh Giuse. Qua đó chúng ta nhận ra được sự hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử Ítraen và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân tộc này, nhưng cũng vượt qua dân tộc này để ơn cứu độ đến với muôn dân.
Tiếp nối với hai trình thuật trên, thánh Mátthêu kể cho chúng ta nghe về biến cố khác cũng rất thú vị. Đó là câu chuyện các nhà chiêm tinh xa xôi tìm đến với Hài Nhi Giêsu được sinh ra ở làng Bêlem nhỏ bé. Chúng ta cùng đọc lại trình thuật này: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: ‘Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời’.
Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: ‘Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người’. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,1-12).
Khi đọc trình thuật trên, chúng ta thấy có một cái khung rõ rệt với nhân vật là các nhà chiêm tinh. Chúng ta cũng thấy các nhà chiêm tinh là nhân vật chính trong bài Tin Mừng. Họ đi tìm Hài Nhi mới sinh để bái lạy Người.
Ngoài ra, đoạn Tin Mừng nhắc đến biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu ở tại Bêlem. Thánh sử Mátthêu tiếp tục nhắc đến tên của Hài Nhi là Giêsu. Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Điều này cũng được diễn tả trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho thánh Giuse: vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).
Như thế, chúng ta thấy ý nghĩa thần học được nêu lên ở đây, là chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi, mới có thể ban ơn cứu độ. Hài Nhi Giêsu có sự liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, liên kết trực tiếp với quyền năng thánh thiêng và cứu độ. Khi chiêm ngắm những gì Chúa Giêsu làm trong hành trình sứ vụ, sẽ nhận ra được ý nghĩa của tên Giêsu. Ngài đã cứu chữa người bất toại nằm trên chõng do những người khiêng đưa xuống từ mái nhà. Ngài đã đưa mắt nhìn đến người phong hủi, khi anh ta xin Ngài: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Ngài đã trả lời: Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41). Với người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm, Ngài không giận dữ, khi bà ta lén đụng vào tua áo của Ngài với một niềm tin đơn sơ là sẽ được khỏi. Ngài đã gọi bà ra trước đám đông và nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34), và còn biết bao ơn chữa lành cứu rỗi mà Đức Giêsu ban phát. Thật vậy, đi đến đâu Ngài ban phát ơn lành đến đó.
Bài Tin Mừng cho ta biết Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem. Đó là địa danh của một làng nhỏ cách Giêrusalem khoảng 8 Km về phía Nam. Nhưng Bêlem có nghĩa là gì? Bêlem có nghĩa là “nhà bánh”. Thánh sử còn nói rõ, Chúa Giêsu sinh ra trong thời vua Hêrôđê trị vì. Như thế, Chúa Giêsu sinh ra trong một địa danh và trong một lịch sử rõ rệt được ghi dấu qua nhân vật là vua Hêrôđê. Đến bây giờ chúng ta vẫn có thể kiểm chứng được địa danh và nhân vật này trong lịch sử. Vì vậy, câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giêsu không phải là một huyền thoại nào cả. Chúa Giêsu sinh vào cuộc đời và Người muốn ghi chính tên mình vào cuốn sách lịch sử nhân loại, tại một vùng đất rõ rệt và trong một giai đoạn lịch sử của một dân tộc. Khi Ngài sinh ra, như Mátthêu kể lại, có các nhà chiêm tinh từ phương đông tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu.
Câu chuyện này đã hấp dẫn nhiều hoạ sĩ trong nhiều thời đại, như hoạ sĩ người Hà Lan Jan Gossaert đã vẽ bức tranh diễn tả sống động cảnh ba nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa Hài Đồng. Bức tranh được vẽ vào khoảng năm 1510-1515 và hiện được trưng bày ở National Gallery, London, Anh Quốc. Jan Gossaert (1478-1533) trở thành hoạ sĩ vào năm 1503 ở Antwerp, Hà Lan. Sau đó ông học hỏi thêm về nghệ thuật hội hoạ ở bên Ý và áp dụng các điều ông học vào trong các bức tranh của ông vẽ ở Hà Lan. Danh hoạ Gossaert thuộc trường phái hội hoạ phục hưng. Bức tranh ba nhà chiêm tinh thờ lạy hài nhi Giêsu là một trong những bức tranh của ông để lại nhiều dấu ấn.[1]
Giờ đây chiêm ngắm bức tranh, ta thấy có nhiều chi tiết với nhiều màu sắc tương phản rất sống động. Trong tranh không chỉ có các nhân vật được diễn tả trong Tin Mừng Mátthêu, mà hoạ sĩ còn đưa vào những nhân vật khác như các thiên thần, nhóm người đứng quan sát chứng kiến cảnh các nhà chiêm tinh dâng lễ vật cho Hài Nhi và thờ lạy Hài Nhi. Có cả hai chú chó ở phía trước bức tranh nữa.[2]
Trước khi tiếp tục chiêm ngắm bức tranh, ta cùng tìm hiểu về ba nhà chiêm tinh. Họ là ai vậy?
Ba nhà nhà chiêm tinh còn được gọi là các đạo sĩ hay ba vua. Trong bản văn tiếng Hy Lạp là magos, diễn tả những người khôn ngoan, chuyên môn nghiên cứu tinh tú trên trời. Trong truyền thống Giáo Hội, câu chuyện các nhà đạo sĩ được đọc với câu Thánh Vịnh:
“Từ Tácsít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ảrập, Xơva,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật” (Tv 72,10).
Cũng như với lời của tiên tri Isaia:
“Đức Chúa là Đấng Cứu Chuộc và là Đức Thánh của Ítraen,
Người phán thế này:
Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy
vì uy quyền của Đức Chúa là Đấng trung thành,
là Đức Thánh của Ítraen, Đấng đã tuyển chọn ngươi” (Is 49,7).
Với Ratzinger, “theo hai đoạn Thánh Kinh trên các nhà đạo sĩ từ Phương Đông ‘trở thành’ các vị vua, và cùng với họ có cả lạc đà hai bướu, một bướu đều đến hang đá. Và nếu lời hứa của bản văn này đẩy xa điểm xuất phát của những vị này cho đến Phương Đông thật xa (Tarschisch = Tartessos bên Tây Ban Nha), thì lưu truyền đã triển khai về tính phổ quát đã được báo trước của vương quốc các vị vua này; các vị vua như đại diện cho ba lục địa đã được công nhận thời đó: Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. Vị vua đen cũng thuộc về nhóm này: trong vương quốc của Chúa Giêsu không có sự phân biệt về dòng giống và xuất xứ. Nhân loại ở trong Người và được kết hiệp với nhau nhờ Người, mà không đánh mất sự phong phú của tính đa dạng. Sau này, người ta lại chia các vị vua tượng trưng cho số tuổi của con người – thiếu niên, trưởng thành và già lão. Đây cũng là một ý tưởng hay, cho thấy những hình dáng khác nhau của đời sống con người trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su, mỗi thời đoạn mang một ý nghĩa và sự hiệp nhất nội tâm.
Tư tưởng căn bản vẫn là: những người khôn ngoan từ phương Đông là một khởi điểm, họ cho thấy sự lên đường của nhân loại hướng về Đức Kitô, khai mở một tiến trình, xuyên suốt cả lịch sử. Không phải chỉ có họ là những con người đã tìm được con đường đi đến Đức Kitô. Họ hiện diện như một sự mong chờ sâu lắng của tâm trí con người, sự chuyển động của tôn giáo và lý trí con người đến gặp Đức Kitô”.[3]
Ngoài ra, còn có truyền thống gọi ba vua với tên Caspar, Melchior và Balthasar (thế kỷ VIII). Sau đó, Caspar được coi là một người da đen.
Giờ đây mời bạn cùng tôi ngắm khung cảnh của bức tranh. Khung cảnh là sân phía trước ngôi nhà, nơi Đức Mẹ đang ngồi bế Chúa Hài Đồng trên tay. Sau Đức Mẹ là cảnh vòm cửa thông suốt của dãy nhà và người xem có thể nhận ra được bầu trời xanh là hậu cảnh phía sau, làm cho khung cảnh của dãy nhà và của những nhân vật được nổi bật hơn. Tương hợp với màu xanh của bầu trời là màu xanh da trời của áo choàng Đức Mẹ đang mang, rất nổi bật nhất và thu hút người xem ngay trong giây phút đầu tiên.
Chúng ta để ý thái độ của Mẹ. Đôi mắt Mẹ nhìn xuống Chúa Giêsu. Tay phải Mẹ đang giữ Chúa Hài Đồng ngồi trong lòng, tay trái Mẹ giúp Chúa đón nhận lễ vật của một nhà chiêm tinh và ở trong tranh được diễn tả là một vị vua. Vị này tên là Melchior và đang sụp lạy trước Hài Nhi, đôi mắt ông hướng nhìn về Hài Nhi và đôi tay chắp lại diễn tả lòng kính trọng và thờ lạy của ông. Đúng như trong Tin Mừng Mátthêu diễn tả: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 21,11).
Melchior dâng gì cho Chúa? Melchior dâng Chúa một cái chén với vàng ở bên trong, cùng vương trượng bằng vàng được đặt dưới đất trước Hài Nhi Giêsu. Lễ vật này tượng trưng cho vương quyền của Đức Kitô. Nhìn đến Hài Nhi Giêsu, chúng ta thấy Hài Nhi được hoạ sĩ diễn tả thật đẹp. Với đôi mắt mở to, Hài Nhi giơ tay đón nhận lễ vật là cái chén cùng vàng là của lễ được đặt ở trong đó. Việc Hài Nhi Giêsu đón nhận chén dâng lên cho Người làm cho chúng ta hướng về việc Chúa Giêsu sẽ đón nhận chén đắng theo thánh ý của Cha trên trời, trong biến cố ở vườn Cây Dầu, trước khi Người bước vào con đường thương khó.
Nhà chiêm tinh thứ hai với nước da sậm đến từ Châu Phi, theo truyền thống là Casper, đang đứng phía bên phải của Mẹ Maria. Ông đang đứng trang nghiêm với lễ vật trên hai tay. Chúng ta để ý thái độ trân kính của ông dành cho Hài Đồng Giêsu qua việc ông dùng chiếc khăn trắng để cầm lễ vật. Ông như đang chờ tới phiên mình được vào yết kiến Hài Nhi Giêsu, mà đối với ông và hai vị kia, Người là Vua Dân Do Thái (x.Mt 1,2).
Nhà chiêm tinh thứ ba, theo truyền thống, có tên là Balthasar. Ông đứng đang sau Melchior và cũng ở trong tư thế chờ đến phiên mình yết kiến. Tay phải ông cầm lễ vật và đôi mắt ông hướng nhìn về Hài Nhi Giêsu. Ngoài ra, chúng ta cũng để ý đến bình đựng lễ vật của Casper và Balthasar được thợ kim hoàn làm thật tỉ mỉ và hình dạng theo kiểu mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa hay đựng các thánh cốt. Trong hai bình lễ vật này chứa đựng nhũ hương tượng trưng cho Thiên tính của Chúa Giêsu và mộc dược tượng trưng cho con đường khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Cùng với chén vàng của Melchior, hai bình lễ vật của hai ông này diễn tả sự trân kính đặc biệt của họ dành cho Hài Nhi Giêsu.
Tương hợp với sự trân kính của ba nhà chiêm tinh là sự trân kính của các thiên thần. Hai thiên thần phía trên ở tiền cảnh với áo trắng và áo hồng đang cung kính chắp tay như Melchior và đôi mắt hướng về với Hài Nhi Giêsu. Đó là thái độ thờ lạy của các ngài. Thiên thần mặc áo mầu xanh lá cây có viền văn hoa vàng đang cầm một dải khăn có hàng chữ ở trên. Đó là chữ gì?
Ở đây, có người cho rằng hoạ sĩ đã đưa khung cảnh của các mục đồng đến với Chúa vào bức tranh. Phía sau Mẹ Maria là một hành lang dài và có một chú lừa đang cúi đầu ăn chút gì trên sân. Các mục đồng đang đứng ở gần bên. Chúng ta nhận ra họ với quần áo và dáng vé bề ngoài rất bình dân và đang đứng sau cây cột bên trái và đàng sau Đức Mẹ, cũng như đang đứng đàng sau hàng rào vào sân. Tất cả đều hướng về biến cố đặc biệt này. Theo thánh Luca, thì khi các mục đồng được các thiên thần báo tin về biến cố Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu, các thiên thần đã hát bài ca này: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Đó cũng là hàng chữ ở trên tấm khăn mà thiên thần mặc áo xanh lá cây đang cầm.
Nhân vật đang đứng đàng sau và bên phải Đức Mẹ là thánh Giuse. Ngài đứng khuất vào phía trong nhà, chỉ có một nửa thân mình với chiếc áo dài mầu đỏ được tỏ lộ cùng tay trái đang cầm cây gậy. Điều đó diễn tả sự khiêm tốn của thánh Giuse và đúng theo tinh thần của biến cố này, là thánh Mátthêu trong trình thuật ba nhà chiêm tinh đến thờ lạy và dâng lễ vật cho Hài Nhi, thánh Giuse hoàn toàn không được nhắc tới. Như thế thánh nhân âm thầm đứng ở hậu cảnh cách khiêm tốn.
Nhìn đến hậu cảnh của bức tranh và ở phía trên, chúng ta thấy các thiên thần đang hiện diện trực tiếp trên nơi Hài Nhi Giêsu và các ngài đều diễn tả thái độ cung kính và thờ lạy Hài Nhi. Cũng ở phía trên nhưng là trực diện hướng về chỗ Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu, chúng ta nhận thấy hình ảnh của chim bồ câu. Đó là biểu tượng về Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động để Mẹ Maria được thụ thai Hài Nhi trong biến cố truyền tin (x.Lc 1,26-38). Ở phía trên chim bồ câu là hình ảnh của ngôi sao đang chiếu sáng rực rỡ. Ngôi sao này đã dẫn ba nhà chiêm tinh đến với Chúa Hài Đồng và đã đậu lại trước nơi Chúa Hài Đồng sinh ra (x.Mt 2,9-19).
Ngoài ra, chúng ta thấy hậu cảnh xa của bức tranh là cảnh điêu tàn của đế quốc Rôma, để chuẩn bị cho vương quốc Đức Kitô xuất hiện và triển nở.
Cuối cùng chúng ta mượn lời thơ của thánh Têrêsa Hài Đồng dâng Chúa Hài Đồng:
“Con đến đây, xin giấu con trong tả lót của Người,
và trong nôi Người con muốn muôn đời ở lại.
Ở đó con có thể cùng các thiên thần ca hát,
nhắc nhớ lời niềm vui của Người ngay từ buổi ban đầu.
Ôi Giêsu! Xin nhớ lời các mục đồng và đạo sĩ,
tiến dâng Người lời chúc tụng và trái tim hoan hỉ”.
(Thơ Ôi Giêsu, Đấng chí ái của con, xin hãy nhớ)
[1] Encyclopedie of Painting. Edited by Bernard S. Myers. Crown publishers. New York 1979. 4. Edition. About Gossaert Jan. S.208.
[2] Tham khảo từ John S. Dixon. The Christian Year in Painting. Art/Book Publishing. London 2018. S.52-57.
[3] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.135-136.