Thứ 7, ngày 24/2/2024 là một ngày đặc biệt với các Giêsu hữu của Pakistan, đặc biệt là cha Robbie D’Lima, SJ. Đặc biệt vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử lễ khấn lần đầu trong Dòng Tên được diễn ra tại Pakistan sau hơn 400 năm có mặt. Riêng với cha Robbie, hôm nay đánh dấu một chương mới trong hành trình theo Chúa. Thánh lễ được diễn ra tại trường trung học Saint Mary’s, Al-Mehtab Park, Lahore với mục đích diễn tả đặc tính tông đồ của lời khấn, cũng như sự hiện diện với mục đích sứ mạng của các Giêsu hữu tại Pakistan.
Cha Robbie là linh mục thuộc giáo phận Karachi. Trong quá trình học chuyên môn thánh kinh tại Biblicum, cha lắng nghe tiếng gọi sâu xa được là Giêsu hữu. Trải qua hơn hai năm nhà tập tại Anh và Pakistan, cha xác tín cách sâu sắc và quyết định trở thành bạn đường Chúa Kitô trong Dòng Tên.
Hiện diện trong thánh lễ có sự góp mặt đơn sơ của cộng đoàn Giêsu hữu, các nữ tu, ứng sinh của Dòng, cộng tác viên và đại diện học sinh từ ba trường học. Phụng vụ của thánh lễ diễn tả một cách sâu xa ý nghĩa của lời khấn như là sự dâng mình tận căn cho Thiên Chúa và cho con người qua ba đặc nét: hiện hữu, phục vụ và tự hủy.
Đầu tiên, lời khấn trong Dòng Tên là nền tảng cho Giêsu hữu hiện hữu theo một cách thức mới. Trong bài chia sẻ, cha Juan Carlos Pallardel, SJ, Thụ ủy Sứ mạng Pakistan, nhấn mạnh tới khao khát nên một với Chúa như là trung tâm của hiện hữu mới. Giêsu hữu được mời gọi để đáp lại những băn khoăn về đời sống của chính họ không chỉ bằng lời nói, hành động, nhưng bằng việc trọn vẹn cam kết chính mình vào tinh thần của Dòng được diễn tả qua Linh Thao và Hiến Pháp. Con đường khó khăn và gập ghềnh này có đích điểm là kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Để diễn tả điều này, cha Robbie được trao Hiến Pháp Dòng như là “giao ước” mới mà Giêsu hữu khao khát trung thành và đào sâu với Thiên Chúa.
Thứ đến, lời khấn diễn đạt căn tính phục vụ của Giêsu hữu. Với Giêsu hữu, lời kêu gọi phục vụ là một hồng ân, nhưng đồng thời cũng là lúc họ đối diện với những giằng co khi phải chọn lựa trong đời sống. Đó là giằng co giữa khó nghèo và sự thoải mái, giữa khiêm tốn và kiêu ngạo, giữa sứ mạng phổ quát và lợi ích cá nhân. Tuy vậy, căng thẳng mà Giêsu hữu đảm nhận không nên được diễn đạt bằng sự âu lo và cáu gắt nhưng bằng niềm vui và trầm tĩnh sâu xa vì ý thức được kêu gọi sống cho những gì cao quý hơn. Cha Juan nhấn mạnh rằng ý thức là người phục vụ phải là nguyên lý cho Giêsu hữu quyết định nên ăn gì, quyết định cách suy nghĩ và hơn hết, quyết định để con tim nên khiêm tốn như Chúa Giêsu (Dss, c3,1).
Giống như những Giêsu hữu hiện diện tại Pakistan hơn 450 trước theo lời mời gọi của Hoàng đế Arkar, cha Robbie và các Giêsu hữu tại đây được mời gọi phục vụ Chúa Kitô giữa lòng quốc gia có đến 99% là anh em Hồi Giáo. Kitô hữu tại Pakistan không chỉ ít về dân số mà còn thiếu thốn về điều kiện sống và tri thức. Chính trong bối cảnh này, lời mời gọi phục vụ cũng là lời thúc giục đi ra và chạm đến đời sống của những con người không thể chạm tới[1] mà văn hóa Pakistan cưu mang.
Cuối cùng, cha Robbie nhận thánh giá khấn trong thánh lễ để nói đến đặc sủng căn bản của Dòng, bước theo Chúa Kitô vác thập giá. Trích từ lời giới thiệu của cha Pedro de Rivadeneira, SJ năm 1559 cho Hiến Pháp Dòng, cha Juan nhấn mạnh “Giêsu hữu là người đã bị đóng đinh vào thập giá với thế gian, và thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá với chính mình”. Ân sủng nhận được trong lễ khấn là động lực cho Giêsu hữu tại lưu vực sông Ấn đối diện với những thực tại trần trụi nhưng hết sức thực tế của sứ mạng. Mầu nhiệm tự hủy mời gọi liên tục đặt mình vào không gian suy tư, và tìm kiếm những giải pháp thực tế cho những thách đố mà sứ mạng đặt ra. Quá trình tự hủy cho sứ mạng đồng thời cũng là sự lớn lên về hiểu biết và nếm trải cách thức Thiên Chúa hoạt động trong vườn nho.
Kết thúc thánh lễ, cha Robbie bày tỏ biết ơn đến biết bao nhiêu người đã nâng đỡ mình trên con đường ơn gọi, đặc biệt trong thời khắc của những bước ngoặt. Chúng ta cùng cầu nguyện cho sứ mạng của Dòng Tên và người dân tại Pakistan, đặc biệt là các Kitô hữu, vốn luôn là nhóm thiểu số và chịu nhiều áp lực từ xã hội. Hy vọng ngày các có nhiều người Việt chạm đến những vùng đất, và đặc biệt những con người không thể chạm tới.
Giuse Phạm Văn Chung, SJ
[1] John O’brien, the Unconquered people, the liberation journey of an oppressed caste (Oxford, 2012)