Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 11 Thường Niên: Sức sống phải từ bên trong

Không biết nên vui hay buồn với trào lưu khoe khoang của nhiều người? Giới trẻ gọi từ khoe khoang là “flex”. Hiểu nôm na, đây là cách người trẻ khoe khoang thành tích, những điều hãnh diện về bản thân, gia đình theo một hướng dí dỏm, hài hước và truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Chắc là có những niềm vui nho nhỏ với trào lưu này, nhưng hệ quả thật tai hại. Khoe dễ dẫn chúng ta chuộng hình thức bên ngoài hơn chiều sâu nội tâm. Sự thật là chiều sâu bên trong mới làm nên sức sống của hoa trái bên ngoài. Chẳng hạn bạn có tài đức làm giàu, thì sự giàu có đó là kết quả của công sức bạn làm ra. Nếu bạn làm ngược lại tiến trình này, thì sự giàu có đó hoàn toàn trống rỗng và mau qua.

 

Hạt giống biểu trưng cho Lời Chúa. Ảnh: Canva

 

Tin mừng Chúa Nhật 11 hôm nay (Mk 4,26-34) giới thiệu cho chúng ta về sức sống mãnh liệt đến từ bên trong. Để diễn giải mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn liên quan đến hạt giống. Chủ vườn gieo hạt sống vào lòng đất. Với những điều kiện tốt nhất, hạt giống ấy âm thầm nảy mầm, vươn thành cây tươi tốt và đơm hoa kết trái. Nếu để ý, bộ rễ của cây này có sức nuôi cho toàn thân và trổ bông hạt, hứa hẹn mùa bội thu. Thật tốt để chúng ta chú ý vài điểm sau:

  • “Người vãi hạt giống xuống đất” tượng trưng cho những ai gieo rắc Lời Chúa, hoặc những người rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
  • “Hạt giống nẩy mầm và mọc lên” biểu tượng cho Lời Chúa hay những hạt mầm của đức tin, vốn đang ở trong lòng ta.
  • “Việc hạt giống nẩy mầm và mọc lên” tượng trưng cho sự phát triển tự nhiên và kỳ diệu của đức tin trong lòng người, điều mà con người không thể hiểu hết hay kiểm soát được.
  • “Người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên” nói lên sự phát triển của đức tin. Tiến trình này một phần cần ta chăm bón, nhưng cần nhớ rằng nó còn nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa
  • “Đất tự động sinh ra hoa màu” tượng trưng cho tâm hồn con người, nơi Lời Chúa được gieo vào. Khi Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, nó sẽ tự nhiên sinh hoa kết trái nếu môi trường tâm hồn thuận lợi.
  • “Quá trình phát triển của cây lúa” gồm ba giai đoạn: cây lúa mọc lên, trổ đòng đòng, và thành bông lúa nặng trĩu hạt. Đây là hình ảnh về sự trưởng thành của đức tin qua các giai đoạn khác nhau, từ khi mới nảy mầm cho đến khi trưởng thành.
  • “Người ấy đem liềm hái ra gặt khi lúa chín”, nghĩa là khi đức tin đã trưởng thành và đến lúc thu hoạch, người gieo sẽ nhận được thành quả của mình. Đây cũng là hình ảnh về Ngày Phán Xét cuối cùng, khi Thiên Chúa sẽ đến và thu hoạch những linh hồn đã trưởng thành trong đức tin.

 

Nếu hiểu như trên, chúng ta thấy nội lực mới làm nên số phận. Ta chỉ thành công, thành nhân, và thành con Chúa khi chăm bón cho những nội lực bên trong mình. Đó là những tài năng, là những giá trị làm người, làm con Chúa. Trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, có nhiều đoạn viết về tài năng và khả năng của con người. Tài năng, nén bạc (Mt 25,14-30) của mỗi người có ít nhiều khác nhau, nhưng ân sủng của Thiên Chúa là như nhau. Thiên Chúa biết chúng ta cần bao nhiêu ân sủng để tài năng ấy được phát triển, để phục vụ chính mình, gia đình mình, người khác và tôn vinh Thiên Chúa.

 

Tôi rất tiếc, nếu ai dùng tài năng của mình để gây tai hại cho con người! Đó không phải là hoa trái tốt, nhưng là hậu quả của nội lực xấu xa. Chắc không ai muốn rơi vào cảnh điêu tàn đó. Một giải pháp mà Tin Mừng hôm nay chỉ cho mỗi người: “Hãy để Lời Chúa lớn lên trong tâm hồn mình.” Thật vậy, Lời Chúa trong Kinh Thánh có vai trò hướng dẫn lương tâm (nội lực) con người, giúp chúng ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa và đạt được sự bình an nội tâm cũng như sự cứu rỗi. Chẳng hạn khi sống theo Lời Chúa, chúng ta:

  • Lấy Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105). Lời Chúa giống như ngọn đèn dẫn đường, giúp con người biết đâu là đúng, đâu là sai, và sống theo đường lối ngay thẳng.
  • Lời Chúa giúp ta nhận biết và tránh xa tội lỗi: “Con giữ Lời Chúa trong lòng, để con không phạm tội cùng Chúa.” (Tv 119,11).
  • Thanh lọc và biến đổi tâm hồn: “Thiên Chúa thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống”. (Ep 5,26).
  • Mang lại sự bình an và an ủi: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14,27).
  • Sau cùng nhưng chưa hết, Lời Chúa khơi dậy lòng yêu thương và tha thứ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc”. (x. 1 Cr 13,4-7).

 

Để kết thúc, Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta đi ngược dòng đời. Xã hội mời gọi chúng ta phô trương, Thiên Chúa mời chúng ta chăm sóc cho tâm hồn. Xã hội đẩy chúng ta vào đường gian dối, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến nẻo chính đường ngay. Xã hội bày ra những mồi ngon ngọt để ta sập bẫy, Thiên Chúa rọi ánh sáng vào lòng để ta đi đúng đường. Ước gì mỗi người thường xuyên xem lại mảnh đất của lòng mình. Đâu là những hạt mầm đang nảy sinh trong lòng tôi? Hãy nuôi dưỡng những hạt mầm chất lượng, những đức tin làm nên thành công và hạnh phúc thực sự, bạn nhé!

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …