Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… Ai trong chúng ta khi nhắc đến cái chết cũng cảm thấy có chút gì đó trầm buồn và lo sợ. Có một nỗi sợ rất hiện sinh trồi lên trong tâm trí khi ta nghĩ đến chuyện một ngày nào đó ta sẽ chết. Thế giới và vũ trụ bao la này đã trải qua không biết bao nhiêu chặng đường. Có nhiều cái mới hồi sinh, cũng là nhờ có nhiều cái phải chết. Ta ý thức rất rõ rằng cái chết thật ra cũng chỉ là sự chấm hết của một hành trình sống và hiện hữu trên dương gian, chứ tự bản thân nó không phải là một cái gì đó cụ thể. Và vì bản chất của mọi sinh linh là muốn sống, nên khi nghĩ đến chuyện phải kết thúc sự sống đó, ta thấy sợ, một nỗi sợ như để cưỡng lại và níu kéo. Nhưng dù ta có nỗ lực đến đâu, có quyền phép đến cỡ nào, ta cũng chẳng thể nào tự mình vượt lên khỏi thân phận phải chết mà ta đang mang trong người đây.
Dù muốn hay không, dù khi sống trên đời con người ta có khác nhau đến thế nào, họ cũng sẽ gặp nhau ở một điểm chung của cuộc hành trình dương gian: cái chết.
Hẳn là có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu chúng ta liên quan đến sự chết. Khi chết, mình sẽ thế nào nhỉ? Cái cảm giác lúc chết nó thế nào? Cái khoảnh khắc khi mình trút ra hơi thở cuối cùng trong người có hương vị ra sao? Đặc biệt, khi chết rồi, ta có còn là ta nữa không? Cái xác ta nằm đó, không động không đậy. Bao nhiêu người khóc than. Bao nhiêu người cầu khấn. Mọi hận thù cũng coi như hoá giải. Khi ta còn sống, có thể có nhiều người chẳng ưa gì ta. Như khi ta chết rồi, ta nằm chơ vơ đó, chẳng thể làm gì được họ, nhưng họ lại tỏ ra rất cung kính với ta. Chẳng ai dám xúc phạm đến ta, chẳng ai dám buông lời nhục mạ ta… Cái chết của ta làm cho ta trở nên linh thiêng, nên thần thánh. Hương khói nghi ngút, những bản nhạc u buồn vang lên. Người thân đưa tiễn ta trên những con người quen thuộc tiến đến nghĩa trang, nơi ta được đưa về với lòng đất, với sự mục nát, sự tối tăm, sự thối rữa, sự lãng quên.
Ta sợ bị lãng quên, sợ bị mất hút, sợ trở thành cái không-là-gì. Đó là lý do vì sao khi còn sống, ta luôn cố gắng hết sức để làm cho mình được nhiều người biết đến. Càng được biết đến, ta càng thấy mình hạnh phúc, càng thấy sự hiện hữu của mình có giá trị, thấy mọi sự như đón chào ta. Chết đi rồi, sẽ chẳng còn ai cho ta vào thế giới của họ nữa. Ta bị cho ra rìa. Cái còn lại của ta trên mặt đất này có chăng cũng chỉ là tấm hình đặt trong chiếc khung vuông vức và một chút tro tàn vốn ngày xưa là thân xác của ta, cái ta đã rất nâng niu, chiều chuộng. Bị lãng quên, ta cũng chẳng là gì hết. Thế giới hữu hình đã không còn là chỗ của ta. Ta bỗng chốc hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói “trần gian là quán trọ”. Ta đến trong thế giới, rồi lại bỏ nó mà đi, về một cõi nào đấy. Cõi vô hình chào đón ta, khi cái hữu hình không còn cho ta cư ngụ.
Người ta cố gắng dùng những hình ảnh mang nét thi vị để nói về cái chết nhằm làm giảm bớt đi tính thê lương của nó. Cái chết thường được ví như một giấc ngủ ngàn thu, có ý muốn nói đến một sự yên nghỉ sau một cuộc hành trình dài với bao nhọc mệt lo nghĩ. Cả một đời bươn chải, đối diện với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, khi đã hoàn thành nó, người ta nằm xuống, nhắm mặt lại, nghỉ ngơi, không còn bận tâm nữa. Nhưng sự yên nghỉ ở đây mang tính “ngàn thu”, vĩnh viễn. Người ta nhắm mắt, buông tay như một hành vi không thiết tha gì với cuộc đời này, để mặc nó trôi đi đâu thì trôi. Sự yên nghỉ khơi gợi lên trong ta một trạng thái an bình, tiêu diêu, thoát gánh hồng trần. Âu cũng là một phần thưởng! Cũng có người vì cái chết như chiếc lá vàng rụng xuống đất, nhường chỗ cho những chiếc lá non mơn mởn đâm chồi. Chiếc lá vàng trở về với nơi nó bắt đầu, hoà quyện chính mình vào đất, làm nên chất dinh dưỡng cho cây. Chiếc lá non kia có lớn được, cũng là nhờ chiếc lá vàng này chịu tan rữa… Dù có dùng hình ảnh nào đi chăng nữa, ta vẫn không thể nào không thừa nhận tính chất u buồn của cái chết. Dù là yên nghỉ, dù là về cội, cái chết vẫn thể hiện sự chiến thắng của nó trên tất cả mọi loài.
Con người sẽ mãi mãi ở trong sự kiềm kẹp của cái chết nếu như không có Đấng, từ trời cao xuống thế, trải qua tất cả kinh nghiệm nhân sinh, đón nhận cả cái chết như một phần của kiếp người và chiến thắng nó bằng sự phục sinh. Nhìn vào Đấng ấy – người đầu tiên đã đi từ sự sống tiến vào cái chết, rồi lại trong cái chết bước vào sự sống mới – ta mới thấy rằng chết chẳng phải là hết như người ta vẫn tưởng. Thậm chí, ta cũng nhận ra rằng sự sống mà ta đang thụ hưởng thật ra chỉ là khúc dạo đầu cho một sự sống khác, trường cửu, trọn vẹn và viên mãn hơn gấp trăm triệu lần. Cái chết đóng vai trò như cánh cửa chuyển giao, nơi người ta bước qua rồi chợt bừng dậy niềm hạnh phúc khôn tả vì đã được trở về nhà mình, trở về trong tình yêu ấm áp, trở về để được ôm lấy như một bảo vật. Được như thế, mới thật sự là yên nghỉ!
Niềm tin vào Đấng Phục Sinh mang đến cho chúng ta một hy vọng lớn lao, rằng chỉ cần ta bám theo gót của Ngài, ta cũng sẽ được chung hưởng niềm vui vinh quang của Ngài.
Quả vậy, người ta chỉ sợ chết và không muốn chết khi người ta còn quá bám víu vào những cái ở thế giới hữu hình này. Còn những ai đã thanh thoát với mọi sự thì coi cái chết cũng nhẹ tựa lông hồng. Họ không tìm đến cái chết như một kẻ mất trí, nhưng đón nhận nó như một tất yếu của cuộc sống, một phần của thân phận người. Họ cũng không quá đau buồn khi mất đi một người mà họ vô cùng yêu mến. Con tim có thể cảm thấy đau vì phải chia lìa người mình thương, nhưng niềm tin mang đến cho họ hơi ấm và niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, họ sẽ được đoàn tụ trong một cuộc hội ngộ chẳng bao giờ phai. Ta có ngày sinh ra, thì cũng có ngày chết đi. Nhưng ta được mời gọi để hướng về cái chết như để thực hiện một bước nhảy định mệnh cho số phận mình. Ta chết đi không phải để bị quên lãng (vì chẳng ai bị quên lãng trong ký ức của Tạo Hoá cả!), nhưng là để được chung hưởng vinh quang, một vinh quang dành cho những ai đã can đảm chiến đấu bằng sức mạnh của thập giá, và đã chiến thắng cùng với Đấng Phục Sinh.
Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.