Lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Ngày 29 tháng 06 năm 2011
Lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.17-18

Mt 16, 13-19

– Đức Giêsu và các môn đệ đến miền Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê, xa khỏi vùng mà Đức Giêsu thường xuyên lui tới. Ở một nơi đặc biệt và trong một bầu khí thân mật.

– Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, dừng lại để quyết định về mối tương giữa hai người, để “trao đổi lòng tin” và qua đó hướng tới giao ước gắn bó với nhau suốt cuộc đời. Hay như chính chúng ta, những tu sĩ, đó có thể là một cuộc tĩnh tâm (định hướng, LT một tháng, tĩnh tâm hằng năm), và trong thời gian này, chúng ta quyết định hay làm mới lại quyết định trao ban lòng tin của mình cho Chúa Giêsu, để đoan nguyện đi theo Ngài trọn đời. Hoặc đơn giản là, trước một giai đoạn mới trong đời sống ơn gọi, chúng ta được mời gọi làm mới lại giao ước của chúng ta với Đức Giêsu: Ngài là ai đối với tôi?

1. « Người ta nói Con Người là ai? »

– Trong cuộc gặp gỡ thân mật, Đức GS hỏi các môn đệ : « Người ta nói Thầy là ai? ». Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao ĐGS lại bắt đầu với câu hỏi này ? Câu hỏi này có liên quan gì hay có vai trò gì, đối với câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? »

– Các môn đệ trả lời : « một số người nói Con Người là Gioan Tẩy Giả ; một số khác nói là Elia ; một số khác nữa nói là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giêsu ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của Gioan, một chút của… ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con TC, nhưng là Con TC theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.

– Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia… ; tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Theo mặc khải CƯ, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình. Phêrô sẽ không hiểu ra điều này, mặc dù tuyên xứng đúng căn tính của Chúa. Vấn đề là đâu con đường Chúa chọn để bày tỏ căn tính ấy cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta.

– Do đó, chúng ta cần phải lắng nghe người khác nói về Chúa ? « Người ta » của hôm nay nói Chúa là ai ? Tôi cần phải quan tâm, phải lắng nghe.

2. Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?

– Đức Giêsu đặt câu hỏi lần thứ hai cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình Phêrô trả lời. Điều này có nghĩa là, câu hỏi này của Chúa đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Mỗi người chúng ta được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.

– Sau bằng đó năm theo Chúa, chúng ta đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn?

– Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Tôi có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách Chúa trở nên Đấng Kitô, cách Chúa trở nên Con TC hằng sống?

3. Câu trả lời của thánh Phê-rô và Phao-lô

– Thánh Phêrô và Phaolô đã trả lời câu hỏi của Đức Giê-su, không chỉ bằng lời tuyên xưng, nhưng còn bằng chính đời mình, bằng chính sự sống mình, như hai bài đọc trích Sách CVTĐ và thư thứ hai gởi Timothe kể lại cho chúng ta.

– Bài đọc 1 kể lại một biến cố trong cuộc đời đi theo và rao giảng Đức Kitô của thánh Phê-rô. Đó là một trong những thử thách tận căn của cầu trả lời bằng cuộc sống, nhưng đó cũng là dấu chỉ của sự giải thoát tận căn khỏi sự dữ và sự chết, đến từ quyền năng của ĐKT phục sinh.

– Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô nói lên những tâm tình sau cùng và sâu xa nhất của mình, trước khi tự nguyện “đổ máu ra làm lễ tế” vì Đức Ki-tô. Ngài xác tín rằng: “Có Chúa đứng bên cạnh” và ban sức mạnh cho Ngài; và rằng Chúa đã cho Ngài thoát khỏi nanh vuốt sư tử, thì Ngài cũng sẽ cho ngài thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa ngài vào vương quốc của Người ở trên trời (2Tm 4, 18).

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Đời sống chứng tá của Kitô hữu trong xã hội thế tục

Nguồn ảnh: Christophe Olinger Chuyến tông du lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Phanxicô …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *