“Ông Phải Đặt Tên Con Trẻ Là GIÊSU” (Mt 1, 21)

I. GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ

1/ Sách Tin Mừng Matthêu (Mt) mở đầu bằng “sách ghi gốc tích” (gia phả) Đức Giêsu Kitô.

Cụm từ tiếng Hy lạp dịch sát là “sách ghi gốc tích” xuất hiện trong sách Sáng Thế (St) 2,4:  “sách ghi gốc tích trời đất khi được sáng tạo”. Sau khi kể về nạn hồng thủy, St 9 dùng từ “gốc tích “để nói về các dân tộc xuất phát từ ông Noê.

Sách ghi gốc tích Đức Giêsu Kitô” nêu danh hai ông tổ Đa-vit và Ap-ra-ham như hai cột mốc, lấy biến cố lưu đày Ba-by-lon làm cột mốc thứ ba, Chúa Giêsu là điểm tới; sau đó kể từ ông tổ Ap-ra-ham xuống cho tới Chúa Giêsu với một động từ “sinh” được lặp đi lặp lại và một khoảng cách đều đặn:

Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vit, con cháu tổ phụ Ap-ra-ham. Ap-ra-ham sinh I-xa-ac, I-xa-ac sinh Gia-cóp… 

“Như thế tính chung lại thì: từ tổ phụ Ap-ra-ham đến vua Đa-vit là 14 đời, từ vua Đa-vit tới biến cố lưu đày ở Ba-by-lon là 14 đời:  và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Kitô cũng là 14 đời.”

Bản văn này nghe có vẻ nhàm chán vì tính cách đơn điệu và những cái tên lạ hoắc mà nội đọc lên đã khó, và mỗi cái tên cũng chẳng nói lên điều gì. Thế mà Phụng Vụ Mùa Vọng lại “bắt” chúng ta nghe tới hai lần: ngày 17 tháng 12 và lễ vọng Giáng Sinh. Trong thánh lễ ngày 17 tháng 12 thì không né được vì chỉ đọc phần “gia phả” (Mt 1,1-17) nhưng thánh lễ vọng Giáng Sinh thì có bài đọc ngắn, chỉ đọc từ “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu” (Mt 1,18-25), nên nhiều linh mục chọn bài đọc ngắn cho gọn lẹ!

2/ Chẳng lẽ tác giả lại mở đầu sách Tin Mừng một cách nhàm chán vô vị đến thế sao?

Đối với người  Việt Nam chúng ta, phong tục đưa con dâu mới đi nhận họ dịp Tết đầu tiên là rất quan trọng, tuy cũng có phiền toái, vì đi Tết nhận họ thì cũng phải có “lỡi”, nhưng cũng có “lời”, vì bên chú, bác, cô, dì… cũng phải có “bao lì xì” xứng vai vế của mình để nhận cháu mới chứ. Thế là “nhận họ thì có nhận hàng”. Nhưng bên trên cái phiền toái là việc xác nhận sợi dây huyết nhục vốn là thiết yếu trong đời sống xã hội, như ông bà ta nói: “họ chín đời còn hơn người dưng”; “một giọt máu đào, hơn ao nước  lã”.

Trong truyền thống của Dân trong Sách Thánh, nhất là từ sau thời lưu đày Ba-by-lon, gia phả là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Hiện nay, Nhà nước Israel đã nhìn nhận và đón về đất Israel những người gốc Hip-ri lưu lạc bên xứ Ê-ti-o-pi-a từ không biết bao nhiêu đời, đến nỗi da đã đen và tóc đã xoăn như lò xo, cũng như những người lưu lạc bên Đông Âu đã thành da trắng mắt xanh, tóc đỏ… vì họ cho rằng những ai có nguồn gốc Israel đều có quyền về sống ở Đất Hứa. Thực chất đó là một lối đọc chính trị, biến Sách Thánh thành công cụ xâm lược phức tạp và cực kỳ nguy hiểm, để biện minh cho sự phân biệt chủng tộc và chối bỏ quyền sống của bao nhiêu triệu người đã sống ở đây từ mấy ngàn năm, chúng ta không nên để mình dễ dàng bị lung lạc để ủng hộ luận cứ này, vì nó dẫn tới sự chối bỏ ơn cứu độ phổ quát bằng cách giảm thiểu vào chuyện đất đai. Chấp nhận nó là chúng ta “tự sát”, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ vì chúng ta da vàng mũi tẹt, hoàn toàn không dính líu tới chủng tộc Do Thái.

Mt và toàn thể các sách Tân Ước cho chúng ta thấy đâu là dòng dõi đích thật của Ap-ra-ham và gia tài đích thật mà mọi người tín hữu của Chúa Giêsu Kitô được hưởng. Chúng ta hãy tiếp tục để  cho sách Tin Mừng dẫn đi nhận họ và nhận hàng… với tư cách là “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,17).

Trước hết thử hỏi tại sao lại đặt hai cụ tổ Ap-ra-ham và Đa-vit làm hai cột mốc? Đức Giêsu Kitô là “con của Đa-vit, con của Ap-ra-ham” (dịch sát). “Là con thì cũng là người thừa kế” (Rm 8,17). Hai cụ này có cái gì đặc biệt liên can tới Đức Giêsu Kitô hơn các cụ khác? Thưa là hai cụ này nhận được những lời hứa đặc biệt quan trọng và thiết yếu. Đức Giêsu không chỉ thừa kế mà là sự thực hiện của các lời hứa ấy, vì thế “sách ghi gốc tích” vạch cho thấy Đức Giêsu Kitô là điểm tới, là sự mãn nguyện của các cụ tổ. Trong Tin Mừng Gioan (Ga) 8,56 Chúa Giêsu quả quyết: “Ông Ap-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng, vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ”. Chuyện như thế này:

Khi Thiên Chúa gọi Cụ tổ Ap-ra-ham thì Thiên Chúa lập giao ước, thề hứa cho Cụ ba điều: một dòng dõi, một miền đất và trở thành phúc lành cho muôn dân (St 12,1-3 và 15,1-19).

Điều tiên quyết là có con nối dòng! Hai ông bà đã gần trăm tuổi mà chưa có mống con nào, cụ ông bị khủng hoảng, cằn nhằn với Thiên Chúa, Thiên Chúa trấn an Cụ bằng giao ước với lời thề (St 15). Sau đó Cụ vẫn còn lo âu vì chờ mãi chưa thấy gì, Thiên Chúa lại hiện ra và nói với Cụ: năm tới sẽ có con. Cụ phục xuống đất giấu mặt mà cười (St 17). Thiên Chúa lại đến dưới dạng ba người khách, được hai Cụ đãi một bữa thịnh soạn. Sau đó Thiên Chúa nhắc lại lời hứa: năm tới Cụ bà sẽ sinh con. Lần này thì Cụ bà nghe lóm được, phá lên cười. Thiên Chúa hỏi : “Sao Xa-ra lại cười?” Cụ bà chối: “Con đâu có cười”. Thiên Chúa bảo “Có, bà có cười” (St 18, 1-15). Đến khi sinh con rồi, Cụ bà nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười và ai nghe biết cũng sẽ mỉm cười với tôi”. Ta đếm được bảy lần cười! Cụ Ap-ra-ham đặt tên cho con là I-xa-ac (nghĩa là Ông Cuời) (St 21,1-7).

Trong “Ông Cười” đã có bóng dáng Đức Giêsu Kitô. Ngày Thiên Chúa thử lòng Cụ Ap-ra-ham, bảo Cụ đem “Ông Cười” lên núi mà giết để tế lễ cho Thiên Chúa hẳn đã làm Cụ Ap-ra-ham phải khóc. Nhưng Thiên Chúa đâu có tàn ác như thế. Thiên Chúa làm cho tiếng cười vang to hơn và dài mãi tới Chúa Giêsu là “Tin rất vui mừng” (Lc 2,10) vang lên suốt lịch sử loài người (x.Tông Huấn mới nhất: Niếm Vui của Tin Mừng) và dẫn tới niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thế nhưng khi đến phiênThiên Chúa bày tỏ lòng yêu thương và thành tín thì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16),  và Thiên Chúa không rút tay lại: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Hàn Mặc Tử mời ngắm trăng để xem trời “giải nghĩa yêu”. Thánh Gioan bảo chúng ta chiêm ngắm chính Thiên Chúa đã “giải nghĩa yêu” như thế nào: “Tình yêu của Thiên Chúa đối vơi chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4,1-10).

3/ Còn Cụ Tổ Đa-vit thì sao?

Cụ nhận được một lời hứa: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi…và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền mãi mãi… Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta: ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 12-16). Nhưng trong thực tế thì biến cố lưu đày Ba-by-lon đã chấm dứt vương quyền nhà Đa-vit.  Chẳng có cái gì “muôn năm” trên trần gian này, bởi vì chính trời đất cũng có ngày tan rã.  Vậy phải chăng lời hứa của Thiên Chúa cho Đa-vit cũng chỉ là hô khẩu hiệu, như người ta thích hô và bắt người khác hô “muôn năm, muôn năm”?  Thiên Chúa trả lời: “ Với Thiên Chúa không có gì là không thể được” (Mc 120,27: Lc 1,37); “chính Ta, Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 36,36).

Tin Mừng Luca sẽ cho thấy lời hứa này được thực hiện nơi Chúa Giêsu bằng cách dùng chính lời hứa này và lời hứa trong Is 7,14 để đan kết bản văn sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,28-37). Còn Tin Mừng Mt dùng một bút pháp khác để vừa cho thấy Đức Giêsu Kitô là sự thực hiện lời hứa, vừa cho thấy ý nghĩa thật của lời hứa.

Trước hết sự phân chia đều đặn làm ba giai đoạn từ Cụ Tổ Ap-ra-ham tới Chúa Giêsu cho thấy  bàn tay của Thiên Chúa điều khiển lịch sừ để thực hiện các lời hứa. Mt dùng thủ thuật quen thuộc trong văn chương Sách Thánh là ý nghĩa các con số: ba lần 14 tức là sáu lần bảy. Con số 7 chỉ sự hoàn chỉnh, tròn đầy. Sáu lần bảy dẫn tới Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu là tột đỉnh làm cho chuỗi số hoàn chỉnh. Thế hệ “Digital” có lẽ khó chấp nhận lối dùng số của Sách Thánh, nhưng “kỹ thuật số” ngày nay cũng là một hình thức dùng số vậy!

(mời xem trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên: Chúa muốn nói gì với con?

Tuần trước, khi trở về thăm quê hương, tôi có dịp gặp gỡ và trò …

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 10 TN: Để Lời Chúa tạo tình thân

Tin mừng Thánh Maccô hôm nay thuật lại bài nói chuyện của Chúa Giêsu dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *