Người Chứng Thứ Nhất – Chương III: Tiếng Gọi Lên Đường

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG III: TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG

Anre PhuYen 4Sau sáu tháng hoạt động tại ba phủ phía Nam: Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên, giáo sĩ Đắc Lộ trở về Quảng Nam, thì bạn đồng liêu là Benoit de Mattos đã theo tàu Bồ Đào Nha về Ao Môn rồi. Trước thái độ thù nghịch của Ông Nghè Bộ tại Dinh trấn Quảng Nam, giáo sĩ hoạt động rất kín đáo. Nhưng ông quan này cũng dò xét thấy, và tống đạt cho giáo sĩ một sắc lệnh của Công thượng vương bắt phải dời xứ. Sau khi hội ý với các bổn đạo, cha Đắc Lộ tuân lệnh nhà vương, hy vọng vài ba tháng sau sẽ trở lại.

Rời Quảng Nam ngày 2 tháng 7 năm 1641, giáo sĩ qua Phi Luật Tân rồi về Ao Môn. Nhớ lời hẹn với giáo hữu Việt Nam, cuối tháng giêng 1642, nhân có chuyến tàu Bồ Đào Nha, giáo sĩ lại từ Ao Môn sang Hội An.

Trước hết giáo sĩ vào trình diện ông quan trước đã trục xuất mình và dâng tặng mấy đồ vật lạ của Tây phương. Ông Nghè Bộ đổi thái độ rất nhiều. Tiếp đó giáo sĩ lên thẳng Thuận Hóa trình diện chúa Nguyện và dâng cho chúa mấy chiếc đồng hồ mặt in chữ Hán. Chúa Thượng rất hài lòng giữ giáo sĩ ở lại trong Phủ. Trong thời gian ở kinh đô, lúc ấy là Kim Long, ban ngày giáo sĩ cắt nghĩa toán học cho nhà vương, ban đêm ra giảng đạo ở ngoài thành.

Sau ít lâu, sợ giáo sĩ gây thanh thế quá nhiều, chúa Thượng không muốn để ông ở phủ chúa nữa, song cũng không nỡ trục xuất khỏi xứ. Thế là giáo sĩ lại lần lượt đi khắp nước, thăm viếng các bổn đạo cũ, giảng đạo cho người chưa biết Thiên Chúa, cả hai nhiệm vụ rất có kết quả. Tuy nhiên, từ sau khi tàu Bồ Đào Nha nhổ neo, giáo sĩ phải hoạt động kín đáo hơn, đi đâu thường dùng cáng có mui che khuất, ban ngày ẩn náu, ban đêm ngủ ngoài đồng.

Chính trong giai đoạn này, giáo sĩ Đắc Lộ đã hoàn thành công cuộc rất quan trọng, làm nền móng cho việc xây dựng hàng giáo sĩ Việt Nam: đó là việc tổ chức một đoàn thầy giảng có hệ thống và sinh hoạt cộng đồng.

Tông đồ Việt Nam

Buổi khai nguyên Thiên Chúa giáo, các thánh tông đồ đi tới đâu thì chọn người ở đó làm phó tế, linh mục hay giám mục, để mở rộng việc truyền giáo. Thời ấy, bộ giáo luật chưa thành hình, các thánh tông đồ và các vị giám mục thừa kế trực tiếp, chỉ lấy quyền mình mà tuyển chọn những giáo hữu nhiệt thành, đạo đức, và phong cho các chức vụ trong Hội thánh. Khi đạo càng truyền rộng ra, thì luật lệ càng nghiêm chỉnh chặt chẽ, việc phong chức thánh càng khó khăn hơn. Đối với các nhà truyền giáo ở giữa dân ngoại trong thế kỷ XVII, vấn đề này thật là phức tạp. Không có quyền truyền chức thánh, không có phương tiện đào tạo ngay các linh mục theo những luật lệ và điều kiện đã quy định sẵn, các vị này, do nhu cầu thúc bách, đã tạo ra một giải pháp trung gian mà đến nay vẫn còn cần thiết: đó là các “Thầy giảng” lựa chọn ngay trong số các giáo hữu tại địa phương để tham gia nhiệm vụ truyền giáo.

Việc dùng các thầy giảng đã có ở Nam Mỹ từ thế kỷ XVI, và tại Á Châu, chính thánh Phanxicô Xaviê cũng đã áp dụng tại An Độ. Phương cách này được Tòa thánh khuyến khích, và thánh Phanxicô Borgia có đề cập đến trong các chỉ thị gởi cho các cha dòng Tên năm 1567.

Tại Việt Nam, vấn đề thầy giảng cũng nảy sinh do nhu cầu truyền giáo và hoàn cảnh lịch sử như trên, nhưng do một sự sắp đặt riêng của Chúa Quan Phòng, tổ chức này đã trở nên một phương pháp chuẩn bị trực tiếp để thiết lập hàng linh mục vì tất cả các linh mục Việt Nam đầu tiên đều xuất thân từ hàng thầy giảng. Đó là công nghiệp đặc biệt của giáo sĩ Đắc Lộ.1

Thực ra trước khi giáo sĩ Đắc Lộ đến Đàng Trong lần thứ nhất (cuối năm 1624) và trở lại lần thứ hai (1640), giáo sĩ Buzomi và các đồng liêu đã dùng giáo hữu người Việt cộng tác vào việc truyền giáo, và cũng gọi là “thầy giảng” song những thầy giảng này không có khấn hứa, không thành đoàn thể. Chính trong thời kỳ truyền giáo ở xứ Bắc từ 1627 đến 1630, giáo sĩ Đắc Lộ đã có sáng kiến lập đoàn thầy giảng đầu tiên, với những phần tử nổi tiếng như Antôn và Phanxicô, trước là thầy chùa, Ynhaxô và Anrê v.v…

Đoàn thầy giảng này làm lễ khấn vào tháng 5 năm 1630, trước khi giáo sĩ Đắc Lộ phải trục xuất. Từ đó, mặc dầu trong xứ không có giáo sĩ nào, họ vẫn hăng hái truyền giáo, chỉ trong 10 tháng đã dạy dỗ và rửa tội được 3.340 người, và xây cất hai mươi ngôi thánh đường ở khắp xứ.

Nay trở lại với xứ Đàng Trong lần nữa, giáo sĩ Đắc Lộ lại dùng kinh nghiệm tốt đẹp đó để củng cố và bành trướng Giáo hội miền Nam. Ngài không ngờ rằng tổ chức mới này sẽ đem lại kết quả còn vẻ vang hơn tổ chức trước, vì trong mười thầy giảng đầu tiên, có đến ba vị được phúc tử đạo, mà trong ba vị đó, lại có một anh hùng lừng lẫy: thầy giảng Anrê.

Giáo sĩ ghi chép công cuộc gây dựng đoàn thầy giảng trong năm 1642 như sau:

“… Tôi bắt đầu đi về phía Nam, qua hết các tỉnh, đến tận biên cảnh Chiêm Thành, rồi lại ngược lên phía Bắc, đến tận giáp giới Đàng Trong.

“Lòng đạo đức của giáo hữu vẫn như các năm trước, nên tôi không có điều gì đặc biệt phải nói, nhưng tôi không thể không kể đến ơn Đức Chúa Trời đã xui khiến mười thanh niên đến hợp tác với tôi trong việc truyền bá Đức Tin cho dân chúng ở đây. Mười thanh niên ấy ở các tỉnh khác nhau mà đến, nhưng có một tâm hồn như nhau, tất cả đều dâng mình cho Chúa và tận tâm với Hội thánh. Trong số đó có ba người được Chúa ban phúc tử đạo vinh quang: Ay là hiền nhân Anrê đến với tôi tại Phú Yên; thầy Ynhaxô một nhân vật có địa vị lớn, vì trước đã làm quan, có kiến thức rộng vì tinh thông hán học, nhất là có nhân đức cao cả, vì chính là một đấng thánh. Thầy nguyên quán ở một tỉnh phía Bắc, được tôi rửa tội, rồi từ đó không muốn rời tôi nữa, và nói thật ra, chưa bao giờ tôi được hạnh ngộ như đã gặp thầy.

“Người thứ ba là Vinh Sơn, đã nài nẵng tôi từ lâu để nhập đoàn thầy giảng; thân phụ là một giáo hữu rất lâu đời ở Quảng Nghĩa, đã bằng lòng dẫn thầy đến cho tôi, mặc dầu thầy là hy vọng lớn lao của cả gia đình và là sự nương tựa của ông trong tuổi già.

“Bảy thầy giảng khác đều giống hệt như ba thầy trên…”2

Từ nhà mẹ đến nhà Chúa.

Con đường nào đã dẫn cậu Anrê từ một thiếu niên nơi đồng bãi, trở nên một phần tử xuất sắc trong đoàn thầy giảng nói trên?

Sau khi được rửa tội vào khoảng tháng 5 năm 1641, thiếu niên Anrê vẫn ở nhà với mẹ. Trước kia, bà đã chăm sóc dạy dỗ con, thì từ lúc con vào đạo, bà lại càng chăm sóc hơn nữa, nhờ đó mà Anrê sớm có căn bản đạo đức. Giáo sĩ Đắc Lộ nói:

“Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép Rửa tội chưa bao lâu, thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới”.3

Chẳng bao lâu, tự thâm tâm, Anrê đã nghe tiếng gọi thiêng liêng:

“Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”.4

Dịp may đưa đến: năm 1642, giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Phú Yên lần thứ hai 5. Anrê liền ngỏ ý tình nguyện đi theo giáo sĩ giúp việc truyền giáo. Thoạt đầu, giáo sĩ từ chối không nhận, vì nghĩ rằng thời buổi cấm đạo, không nên đem nhiều người theo. Vả lại, Anrê hãy còn nhỏ tuổi, chưa biết giảng dạy cho bổn đạo, mà chữ nghĩa cũng còn ít. Nhưng Anrê vẫn năn nỉ mãi không thôi, lại cậy nhờ những người quen thuộc nói giúp, sau cùng cả hai mẹ con cùng đến van nài, giáo sĩ phải nhận lời.6

Thế là Anrê từ giã gia đình, đồng ruộng, từ giã dòng sông Cái với nghề chài lưới, giữ bỏ trần tục giữa buổi hoa niên để đi theo tiếng gọi của Chúa. Mười bảy thế kỷ trước, một trường hợp y hệt như vậy đã xảy đến cho một Anrê khác, bổn mạng của Anrê này. Đó là lúc Chúa Cứu Thế bước vào đời công khai truyền giáo. Trên bờ sông Giođan, hai thanh niên nghe nói Người là Đấng Cứu Thế, liền tự ý đi theo Chúa. Chúa quay lại hỏi: Các bạn đi tìm ai? – Họ trả lời: lạy Thầy, Thầy ở đâu? – Chúa nói: hãy đến rồi sẽ biết. – Họ liền theo về nơi Chúa ngụ và đã trở nên Tông đồ Chúa trước hết: Gioan, ngót 20 tuổi và Anrê. Ngày hôm sau, Anrê lại dẫn anh một mình là Simon, làm nghề chài lưới đến cùng Chúa, được Chúa nhận và đổi tên là Phêrô, nghĩa là đá. Lần lượt, Chúa chọn thêm chín người khác nữa lập thành giáo đoàn thập nhị tông đồ.7

Trường huấn luyện

Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, cho nên lại có một Anrê, trên bờ sông Cái, bỏ hết mọi sự để theo Chúa. Được nhận vào đoàn Tông đồ đầu tiên ở xứ Nam cùng với chín thành niên khác, lựa chọn trong lớp ưu tú của giáo đoàn sơ khởi, Anrê bắt đầu thời kỳ tập sự. Lúc ấy giáo đoàn có hai trụ sở chính: Đà Nẵng và Hội An. Mỗi nơi đều có nhà thờ chung cho bổn đạo, và nhà riêng cho cha Đắc Lộ và các thầy. Những khi gặp khó khăn phải ẩn náu, đoàn tông đồ thường ở Hội An hơn ở Đà Nẵng. Nhưng nói cho đúng hơn, đó là một trường huấn luyện lưu động: đoàn tông đồ vừa học tập vừa thực hành, học tập ngay trong thực hành, nay đây mai đó, không khác gì mười hai tông đồ của Chúa Cứu Thế xưa kia.

Tại “trường Thầy giảng” hay “Chủng viện” đầu tiên này ở xứ Nam, giáo sĩ Đắc Lộ vừa là giám đốc, linh hướng và giáo sư chính. Là đệ tử của đại thánh Ynhaxô, sáng lập dòng Tên, giáo sĩ lại có dịp đem ra áp dụng các nguyên tắc của vị thánh tổ, vừa chăm lo đào tạo nhân đức đến bậc anh dũng, vừa chú ý mở rộng trí thức, nâng cao trình độ văn hóa của người tông đồ.

Ngoài sự thuyết giáo hằng ngày và hướng dẫn đạo đức thường xuyên của giáo sĩ, các thầy giảng cũng có sẵn một số tài liệu huấn luyện căn bản, đồng thời là những lợi khí thực tập việc truyền giáo.

Hồi mùa xuân năm trước (1641), giáo sĩ Đắc Lộ đã nhận được một số sách tôn giáo do các cha Dòng Tên in ở Đàng Ngoài, giáo sĩ liền cho chép ra làm nhiều bản để tiện dụng ở các họ giáo Đàng Trong8. Ta biết rằng lúc cha Đắc Lộ còn ở xứ Bắc, ngài đã bắt đầu soạn cuốn sách giáo lý bằng chữ “quốc ngữ”9, mà sau này (1651) nhà in của Tòa thánh La Mã đã phải đúc chữ riêng để ấn hành: Cuốn Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà beào (vào) đạo thánh Đức Chúa Blời (Trời, Lời)10. Giáo sĩ cũng soạn sách suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu, và bà công chúa Catarina, em chúa Trịnh Tráng, là một nữ thi sĩ, soạn quyển tiểu sử Chúa Giêsu bằng thơ nôm11. Nay trở lại Đàng Trong, giáo sĩ không thể không đem ra khai thác các tài liệu ấy, nhất là cuốn Phép giảng tám ngay.

Tác phẩm này, gọi như thế, vì các đề tài giảng dạy chia ra tám ngày – như tám chương sách – trình bày khá cặn kẽ các kiến thức căn bản về Đạo, cả về hai phương diện giáo lý và lịch sử. Cứ nội dung và hình thức, đó là một tài liệu tiện dụng cho các thầy giảng, và cả cho các giáo sĩ – hơn là “sách phần” phổ thông cho bổn đạo.

Mặt khác, cha Đắc Lộ còn nhập cảng một số sách do các cha dòng Tên soạn và in bằng chứ hán ở Trung Hoa, như cuốn giáo lý mà ngài dâng tặng quan thái sư, hay bộ sách toán pháp tặng chúa Thượng.12

Ta biết rằng, từ năm 1584, tại Trung Quốc đã xuất bản một cuốn giáo lý đầu tiên bằng chữ hán, do giáo sĩ Ruggieri, dòng Tên, biên soạn. Ít lâu sau, cuốn ấy được thay thế bằng một tác phẩm đầy đủ hơn, thích hợp hơn với khung cảnh văn hóa Trung Hoa, do giáo sĩ Mateo Ricci (Lợi Mã Đậu), dòng Tên người Ý, soạn trong chín năm liền, từ lúc còn ở Triều Châu (Quảng Đông) năm 1594, và ấn hành tại Bắc Kinh năm 1603 dưới nhan đề Thiên Chúa thực nghĩa. Giáo sĩ Ricci còn soạn và xuất bản nhiều sách chữ hán khác để phổ biến lý tưởng Thiên Chúa giáo, như các cuốn:

Giao hữu luận

Thiên Chúa giáo yếu

Kỳ nhân thập thiên

Những tác phẩm này gây ảnh hưởng rất lớn trong giới sĩ phu Trung Quốc, và giáo sĩ Ricci nghiễm nhiên trở thánh một vị “tiến sĩ” thời danh13. Giáo sĩ Đắc Lộ cùng một dòng tu với giáo sĩ Mã Đậu, và đến Ao Môn chỉ cách 13 năm sau khi ông này từ trần ở Bắc Kinh (1610), không thể nào không thừa hưởng gia tài văn hóa đó. Là một nhà giáo dục, đã từng làm giáo sư ở tu viện Ao Môn trong mười năm, nay phải đào luyện các tu sĩ Việt Nam biết chữ hán, lẽ nào cha Đắc Lộ không đem xử dụng các sách giáo khoa giá trị có sẵn ấy, nhất là cuốn giáo lý hán văn.

Ngoài việc tu luyện nhân đức và học tập giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm và chữ hán, các thầy giảng lại tiếp tục học các khoa kinh sử cổ điển, vừa để bồi bổ văn hóa truyền thống, vừa để rút ở đó những lý luận thích ứng để áp dụng vào khoa minh giáo14. Về môn học này, trong đoàn thầy giảng có sẵn một giáo sư tài ba là thầy giảng Ynhaxô, một vị sinh đồ15 và cựu quan ở Chính Dinh. Và thầy giảng Anrê Phú Yên đã tỏ ra một môn sinh xuất sắc hơn cả. Giáo sĩ Đắc Lộ làm chứng:

“Tôi giao thầy (Anrê) cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Ynhaxô, là người rất khôn ngoan, thông thái, để học văn chương Trung Quốc; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Ynhaxô phải nói với tôi rằng: trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê; thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó”. 16

Trên, ta đã thấy, ngay từ những năm còn nhỏ bé ở quê nhà, Anrê đã được mẹ cho theo học chữ nghĩa thánh hiền. Nay thầy 18 tuổi, với một trí thông minh và một chí hiếu học như vậy, Anrê đã phải học hết Tứ thư, Ngũ kinh, căn bản luân lý và văn hóa Á Đông.

Tóm lại, trường các thầy giảng, ngoài tính cách là trường tu sĩ, còn là trường quốc ngữ đầu tiên, và cũng là trường đầu tiên ở xứ Nam dung hợp hai nền văn hóa Đông Tây. Riêng về chữ quốc ngữ, các thầy giảng có lẽ không chỉ đóng vai học trò, mà còn có thể đã góp ý kiến với giáo sĩ Đắc Lộ, giúp giáo sĩ rút kinh nghiệm thực tế để hoàn bị lối phiên âm quốc ngữ17, và sửa chữa bản thảo cuốn giáo lý và cuốn tự điển Việt Bồ La của ngài.18

Trong khi theo đuổi việc tu đức và học vấn, thầy giảng Anrê lại chăm chỉ làm việc phần xác, một phương tiện thánh hóa rất hiệu nghiệm. Giáo sĩ Đắc Lộ cho biết:

“Người thầy không khoẽ mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác.”19

Ngày nay ta thấy các thầy trợ sĩ trong dòng tu, làm mọi việc: dọn dẹp nhà thờ, dọn nhà, nấu bếp, giặt ủi, đi chợ, làm vườn, làm ruộng, phá rừng, chăn nuôi v.v… Thầy giảng Anrê đã làm một phần những dịch vụ ấy với tất cả sự tận tâm để nên thánh bằng cần lao, như biết bao vị đại thánh của Giáo hội.

Thời kỳ huấn luyện này kéo dài từ khoảng giữa hoặc cuối năm 1642 đến hết tháng bảy năm 1643. Tóm tắt những hiệu quả đối với thầy giảng Anrê về đường nhân đức, giáo sĩ Đắc Lộ đã ghi:

“Anrê ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn thầy đã biểu lộ ra ngoài; thầy sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ; thầy có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất kính trọng mọi người, khiến ai ai cũng đều cảm phục”. 20

Giáo sĩ lại cho biết, đối với Anrê, tất cả những thiên tư về đường tự nhiên chẳng làm hại chút nào đến những thiên tư về đường siêu nhiên, và:

“Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phụng sự kẻ khác”.21

Lời thề năm ấy…

Vào khoảng giữa năm 1643, tàu Bồ Đào Nha đã trở qua lần nữa, và sau một thời gian đậu ở Hội An, đã bán hết hàng hóa, chỉ còn chờ ngày nhổ neo về Ao Môn. Nghe tin ấy, giáo sĩ trở về Hội An22 để gặp các người Bồ Đào Nha. Mọi người khuyên giáo sĩ xuống tàu với họ, tạm rời xứ ít tháng để vua quan yên lòng, rồi chuyến sau sẽ trở lại, sẽ lại trình diện chúa Nguyễn, và có lẽ sẽ được tự do hơn trong việc giúp đỡ bổn đạo.

Cha Đắc Lộ nhận lời khuyên hợp lý ấy. Nhưng trước khi rời xứ, giáo sĩ muốn tổ chức lễ khấn hứa long trọng cho các thầy giảng, cũng như ngài đã làm ở Đàng Ngoài trước khi bị trục xuất.

Để làm việc hệ trọng này, giáo sĩ đã chọn ngày lễ kính thánh Ynhaxô, 31 tháng 7. Một sự lựa chọn đầy ý nghĩa: sau khi đã được huấn luyện theo tinh thần và phương pháp của vị thánh tổ, các thầy lại làm lễ xuất phát dưới sự bảo trợ của Người để lên đường đi chinh phục các linh hồn, khác nào như phần tử của đại gia đình dòng Tên vậy.

Hôm ấy, nhà thờ Hội An23 trang hoàng rất trọng thể, đông chật các giáo hữu. Trong một bầu không khí trang nghiêm, sốt sắng, mười thanh niên – trong đó có Anrê Phú Yên – tay cầm đuốc sáng, tiến lên trước bàn thờ. Sau khi phủ phục làm việc thống hối và cầu nguyện Chúa Thánh Thần, họ đặt tay lên sách Phúc Am “tuyên thệ suốt đời phụng sự Hội thánh, không bao giờ lấyvợ, và sẽ vâng lời các cha Dòng đến giảng đạo trong nước hoặc những vị thay mặt các cha”.24

Các thầy đọc lời khấn hứa rất sốt sắng, nước mắt dàn dụa, khiến những người chứng kiến vô cùng xúc động, và thêm vững mạnh trong nhân đức Tin. “Phần tôi – lời cha Đắc Lộ – đứng cạnh bàn thờ, nhìn thấy những con người trong sạch kia dâng mình làm của lễ cho Chúa cách thành khẩn như vậy, tôi sung sướng vô cùng, trong lòng ngợi khen Thiên Chúa, nước mắt chảy dòng dòng”.25

Sau đó giáo sĩ chỉ thị cho các thầy giảng những việc phải làm trong khi giáo sĩ vắng mặt. Các thầy giảng được chia làm hai toán. Một toán do Ynhaxô cầm đầu, sẽ hoạt động ở các dinh phía Bắc, đến tận sông Gianh. Một toán phụ trách các phủ miền Nam, đến tận đèo Cả, dưới quyền điều khiển của Đamasô.

Thầy giảng Anrê Phú Yên rất có thể xin gia nhập phái đoàn miền Nam, để được dịp về thăm mẹ già, ra mắt bà con họ hàng. Nhưng không! Ông đã là thành phần của phái đoàn miền Bắc, luôn luôn hoạt động bên cạnh thủ lĩnh Ynhaxô26. Vì vâng lời hay lựa chọn tự do, cử chỉ này đã biểu lộ ý chí siêu thoát, nhân đức khiêm nhường và tinh thần tận hiến của ông cho sự nghiệp tông đồ.

Ynhaxô, trưởng toán miền Bắc, được cử kiêm lãnh nhiệm vụ chỉ huy toàn thể các thầy giảng. Đó là một thanh niên sĩ khí, nguyên quán tại Liêm Công, gần Cửa Tùng, trong tỉnh Quảng Trị, sinh năm 1609, đời chúa Nguyễn Hoàng. Học thức rộng, tinh thông kinh sử, ông được bổ một chức quan trong Dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức Vương thái phi. Ông đã lập gia đình, song vợ chết sớm. Ông trở lại đạo cùng một năm với thầy giảng Anrê (1641) hồi 32 tuổi, nhờ một người chú có đạo giới thiệu với cha Đắc Lộ, và được rửa tội tại Quảng Nam. Giáo sĩ đặt cho ông tên thánh là Ynhaxô vì nhận thấy ông là người văn học sáng trí, học đạo rất mau và thông hiểu nhiều lẽ cao siêu, xứng đáng là môn đệ vị thánh sáng lập dòng Tên. Sau đó ông từ chức quan, bỏ hết của cải, danh vọng, để nhập đoàn thầy giảng. Ong rất khiêm nhường nên không nhận chức Bề trên, song cha Đắc Lộ truyền cho ông phải vâng lời, ông mới chịu27. Mọi người đều hoan hỉ về việc tranh cử ấy, vì thầy Ynhaxô “lớn tuổi hơn, có khả năng hơn hết, và nhất là cũng rất nhân đức như các thầy khác”. 28

Giáo sĩ Đắc Lộ cảm phục ông nhất là vì “ông được Chúa ban ơn riêng có biệt tài giảng thuyết, đến nỗi nhiều khi giảng, suốt đêm mà người nghe không chán, không một thính giả nào đã nghe ông mà không muốn ông cứ nói mãi”. Và giáo sĩ nói thêm: “Tôi biết chắc nhiều người đọc những dòng này khó lòng mà tin điều tôi nói, song chắc chắn tôi chỉ nói điều mà tôi đã thấy”. 29

Như vậy, thầy giảng Anrê, cũng như các bạn đồng sự, đã được hưởng nhờ nhiều do tài ba, học thức cũng như kinh nghiệm và nhân đức của thầy đoàn trưởng Ynhaxô.

Bổ túc cho nền giáo dục căn bản ở gia đình và những gương sáng trong họ giáo quê hương, trường thầy giảng đã hoàn thành việc đào tạo Anrê, giúp Anrê tiến bước cao trên đường thánh thiện và đầy đủ khả năng tông đồ.

Chú thích

(1) Nguyễn Hữu Trọng, Les Origines du Clergé Vietnamien, tr.107-109.

(2) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.187-188. Sau đây, sẽ nói rõ thêm về thầy giảng Ynhaxô.

(3) A.R, Glorieuse mort tr.76

(4) A.R, Glorieuse mort tr.76

(5) Có lẽ khoảng giữa năm, theo văn mạch ở chương XXI, Voyages et Missions, tr.184-188

(6) Theo Glorieuse mort tr.77, Anrê “nài xin hơn một năm” mới được nhập đoàn thầy giảng. Theo Voyages et Missions (1854), tr.187, thầy giảng Anrê “đến gặp cha Đắc Lộ khi giáo sĩ đến Phú Yên” (khoảng giữa năm 1642); cứ văn mạch thì có lẽ ông theo giáo sĩ ngay từ lúc đó. Vậy “hơn một năm nài xin” tức phải kể ngay từ lúc rửa tội (tháng 5-1641). Đối chiếu P.B. Truyện Đàng Trão, tr.47.

(7) Jo.I,35-51. Khi viết Phúc âm, thánh Gioan không kể tên mình ở chỗ này, song nhiều nhà nghiên cứu Phúc âm coi là chính tác giả. Đối chiếu: Daniel-Rops: Jésus en son temps, tr.190-191.

(8) Relation Cardim, kể trong Cadière, Princesse chrétienne tr.114-115.

(9) Xem Chappoulie, Rome et les Missions d’Indochine, I tr.35.

(10) Cuốn này in bằng hai thứ tiếng La Tinh và Quốc ngữ đối chiếu, dày 319 trang, nhan đề La tinh: “Cathechismus pro ijs qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus. Lần đầu tiên được dịch đầy đủ ra tiếng Pháp và in làm phụ lục trong Chappoulie, s.đ.k từ tr.147 đến 261.

(11) Rhodes, Histoire du royaume de Tonkin, tr.26.

(12) Xem chương V dưới đây.

(13) Mateo Ricci là người đầu tiên đã dịch bộ sách toán học của Euclide ra một thứ tiếng Á Châu, Hoa ngữ (1607), và cũng là người đầu tiên dịch bộ Tứ thư ra một thứ tiếng Châu Au, La tinh (1591-1593). Ông còn để lại một bộ ký sự về việc truyền giáo ở Trung Hoa bằng tiếng Ý rất giá trị: Storia dell’Introduzonei del Christianesimo in Cina (1609). Cuốn toán học nhan đề: Kỷ hà nguyên bản Viên Dung hiệu nghĩa.

(14) Đối chiếu: A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222

(15) P.B. Truyện Đàng Trão, tr.105 – Theo phép thi đời Lê, ai đậu ba kỳ thi hương gọi là sinh đồ. Đến thời Nam-Bắc phân tranh, năm nhâm thân 1632, đời chúa Sãi, có mở các kỳ thi để chọn các hàng quan lại cấp nhỏ, song chưa đặt thành quy củ. Đến đời chúa Thượng, năm đinh hợi 1647, đặt lại thể lệ các khoa thi. Thi “chính đồ” đậu hạng nhất gọi là giám sinh, được bổ tri phủ tri huyện, hạng nhì gọi là sinh đồ, được bổ làm huấn đạo, hạng ba cũng gọi là sinh đồ, song chỉ được bổ làm lễ sinh hoặc nhiêu học. Từ đời Minh Mạng, sinh đồ, đổi là tú tài – Philipphê Bỉnh gọi Ynhaxô là sinh đồ, hẳn căn cứ vào tài liệu cha Đắc Lộ nói “trước ông đã làm quan, và tinh thông hán học”: vậy ít nhất ông cũng phải có bằng sinh đồ.

(16) A.R, Glorieuse mort tr.77

(17) Nhà học giả Nguyễn Văn Tố cũng có nêu ý kiến tương tự trong bài: Le Père Alexandre de Rhodes et la transcription du quốc ngữ. Tạp chí “Indochine”, số 41 (1941), tr.27.

(18) Đó là cuốn Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum, do nhà in của thánh bộ truyền giáo La Mã ấn hành năm 1651.

(19) A.R, Glorieuse mort tr.78

(20) và (21) A.R, Glorieuse mort tr.77

(22) Ở chỗ này, giáo sĩ Đắc Lộ gọi cửa bể này là “Port de la Rivière de Cham” (Voy et Mis, tr.192). Cứ theo mạch lạc tường thuật ở chương XXIII (Voy et Mis) thì cửa này khác hẳn với một cửa bể khác mà giáo sĩ gọi là “Province de Kean” (ibid, 194) hoặc “Port de Kean” (ibid,198)

Vậy “Port de la Rivière de Cham” chính là Hội An, ở cửa sông Thu Bồn. Sông này là sông lớn nhất tỉnh Quảng Nam, và chảy trước dinh trấn Quảng Nam (tại làng Thanh Chiêm ngày nay). Giáo sĩ gọi tỉnh này là “Cacciam” hoặc “Province de Ciam” và dùng chữ “Dinh Ciam” để vẽ địa điểm dinh trấn ở làng Thanh Chiêm, vì vậy sông Thu Bồn được gọi là “Rivière de Cham” và cửa bể là “Port du Cham” (Voy et Mis tr.90, 287). Giáo sĩ ghi cửa bể này trong bản đồ là “Haifo” (có lẽ do chữ “Hải Phố” ngày xưa) hoặc chép “Faiso” (Voy et Mis 1854, tr.146) tức Faifo.

Còn danh từ “Port de Kean” chính là Cửa Hàn, Đà Nẵng, Tourane (giáo sĩ ghi trên bản đồ là “Touron”). Chữ “Kean” có lẽ là phiên âm chữ “Kẻ Hàn”, tiếng bình dân ngày trước chỉ người ở Cửa Hàn (cũng như Kẻ Chợ: Hà Nội). Cũng vậy, chữ “Cacciam”, “Cacham” do Kẻ Chiêm”, người ở làng Thanh Chiêm (chứ không phải như người ta vẫn nghĩ là Kẻ Chàm, với ý nghĩa đất của người Chàm).

(23) Sở dĩ biết được lễ khấn này làm tại nhà thờ Hội An, vì lúc ấy giáo sĩ Đắc Lộ đang có mặt tại đó để sửa soạn đáp tàu đi Ao Môn (Voy et Mis (1854) tr.192) và sau khi giáo sĩ rời xứ, các thầy giảng liền đi Cửa Hàn (Kean, ibid, tr.194) và ở đó một tháng. Căn nhà giáo sĩ cũng như nhà thờ Hội An lúc đó, có lẽ ở phương Sơn Phố ngày nay, trong thành phố Hội An: tại đây, người ta đã tìm thấy mộ cổ của một giáo sĩ dòng Tên chết năm 1726. Vị trí mộ cổ ấy có thể là dấu chỉ địa điểm trụ sở truyền giáo xưa (xem A.Sallet: Le Vieux Faifo, trong B.A.V.H, 1919 tr.501-555).

(24) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193 – A.R, Glorieuse mort tr.79

(25) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193 – A.R, Glorieuse mort tr.79

(26) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193

(27) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.187, 198 – Relation Saccano tr.27 – P.B. Truyện Đàng Trão, s.đ.k, tr.105-107 – Cadière, Princesse chrétienne, B.A.V.H.1939 tr.79. Chú 1, Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, tr.83 – Giáo sĩ Đắc Lộ ghi quê ông Ynhaxô ở làng Hemcum. Cha Cadière nhận định nơi đó là Liêm Công, gần cửa Tùng.

(28) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193

(29) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.301-302

Kiểm tra tương tự

Người Công giáo và sự tự vấn: Chìa khóa để vượt qua sự khác biệt

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …

Xin dạy con đường nẻo của Chúa !

  “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA, dẫn con đi trên lối phẳng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *