Hàng ngàn tín hữu đã tập trung tại một quảng trường ở Thượng Hải để khóc thương và đưa tiễn Đức cha Giuse Phạm Trung Lương (范忠良, Fan Zhong-liang), Dòng Tên, giám mục Thượng Hải, Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Công giáo “thầm lặng” Trung Quốc, lãnh đạo cộng đồng Công giáo “thầm lặng” tại Thượng Hải, về nơi an nghỉ cuối cùng. Đức cha Lương vừa qua đời ở tuổi 96 sau một thời gian dài lâm bệnh.
Các tín hữu nói rằng họ được đánh động bởi cuộc đời chịu nhiều sóng gió, bách hại và tù đày vì đức tin Công giáo của Đức cố Giám mục. Năm 1955, Đức cha Lương bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, bị khép vào “tội phản cách mạng” và bị kết án 20 năm tù giam. Tuy nhiên đến năm 1979, cha Phạm Trung Lương đã được trả tự do.
Năm 1985, ngài được bí mật tấn phong Giám mục phụ tá giáo phận Thượng Hải. Năm 2000, ngài được Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Thượng Hải nhưng không được chính quyền Trung Quốc công nhận. Trong nhiều năm qua Đức cha Lương bị bệnh mất trí nhớ, sống ẩn dật trong một căn hộ và bị chính quyền quản chế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Dù không được chính quyền công nhận nhưng đối với nhiều người Công giáo Trung Hoa nói chung và Thượng Hải nói riêng ngài vẫn là mục tử của họ. “Tôi đến đây để chào từ biệt Đức Giám mục của chúng tôi,” một phụ nữ tên Clare, 60 tuổi, người đang có mặt trong đám đông tụ tập bên ngoài căn nhà quàn thi hài của Đức cha cho biết. “Suốt đời ngài đã vững lòng trung thành với Chúa và chấp nhận mọi đau khổ. Tôi thật sự kính trọng ngài,” bà Clare nói tiếp.
Tại quảng trường bên ngoài nhà tang lễ, người ta đã đặt một màn hình lớn để những người đứng ngoài có thể nhìn Đức cha Lương lần cuối. Họ đọc kinh, hát thánh ca, cầu nguyện và nghe một người đàn ông kể về cuộc đời của Đức cố Giám mục. Bên trong nhà tang lễ, thi hài của Đức cha Lương được quàn ở vị trí trung tâm. Các linh mục mặc áo alba trắng với dây Stola đỏ và các tín hữu ngồi xung quanh linh cữu của vị Giám mục quá cố.
Đức cha Giuse Phạm Trung Lương, S.J., gia nhập Dòng Tên Thượng Hải năm 1938, thụ phong linh mục năm 1951, đã phải nếm trải 2 thập kỷ tù đày và lao động cải tạo. Năm 2000 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Thượng Hải nhưng không được Giáo hội do nhà nước quản lý chấp nhận. Ngài đã bị chính quyền cấm làm việc mục vụ và giam lỏng ngài tại nhà riêng cho đến khi ngài qua đời.
Chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh năm 1951. Mặc dù thời gian gần đây mối quan hệ giữa hai bên đã có chút cải thiện và dân số Công giáo tại Trung Quốc đang gia tăng, nhưng hai bên vẫn còn nhiều bất đồng trong đó có việc bổ nhiệm giám mục, truyền chức linh mục v.v.
Thượng Hải được xem là một giáo phận quan trọng vì có mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của Từ Quang Khải, một vị quan đã được cha Matteo Ricci, một linh mục truyền giáo Dòng Tên người Ý rửa tội. Tiến trình xin phong chân phước cho 2 vị này đã được khởi động.
Thánh lễ an táng của Đức cha Giuse do một linh mục làm chủ tế. Trước đó, chính quyền đã khước từ yêu cầu của các tín hữu thuộc cộng đồng Công giáo “thầm lặng” để Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, người kế nhiệm của Đức cố Giám mục chủ sự Thánh lễ an táng.
Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, người được cả Vatican và chính quyền Trung Quốc công nhận, đã bị chính quyền Trung Quốc quản chế và cấm không cho thi hành sứ vụ giám mục vì ngài đã công khai rời bỏ Hội Công giáo yêu nước (một tổ chức do nhà nước lập mà không được sự chấp thuận của Vatican) ngay sau lễ truyền chức giám mục của ngài.
Các thành viên của cả hai cộng đồng “công khai” và “hầm trú” đều tham dự Thánh lễ an táng của Đức cha Giuse Phạm Trung Lương và một số bày tỏ quan ngại về tương lai của giáo phận Thượng Hải.
Tuy nhiên cũng có người bày tỏ niềm lạc quan và hy vọng.
“Đức cha Lương đã giữ vững đức tin của mình trong những thời khắc đen tối nhất. Tôi tin rằng một khi chúng ta noi gương ngài, Chúa sẽ chúc lành cho giáo phận Thượng Hải và chúng ta sẽ có một vị lãnh đạo mới.” Grace, một nữ giáo dân nói.
Chỉnh Trần, S.J.