Vị trí của Đại Việt, Phù Nam, Chăm Pa… (tt): Hiện tượng gọi là Nam tiến – Dòng lưu chuyển nhân chủng

IV. HIỆN TƯỢNG GỌI LÀ NAM TIẾN: DÒNG LƯU CHUYỂN NHÂN CHỦNG

Như vậy, vào thế kỷ II, vì sự phân hóa của lịch sử, trên phần đất Việt Nam, ta thấy hiện 3 khu vực: Đài Cồ Việt, Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp tiến triển theo hình rẻ quạt. Tình trạng như vậy phải dẫn tới chiến tranh và những hậu quả của nó: cảnh tàn sát sinh linh, cảnh bắt tù binh về làm nô lệ, hãnh diện bên chiến thắng, tủi nhục phía bại vong… Một sử gia ngồi ở thành Thăng Long sẽ ghi nhận như sau: 1069 quân Lý chiếm Quảng Bình, Quảng Trị, 1471 Lê Thánh tông chiếm Đồ Bàn; chúa Nguyễn lần lượt lấy Phú Yên (1611), Khánh Hòa (1653), Bình Thuận (1693), Sài Gòn (1689), Châu Đốc (1759). Thế rồi thêm thắt vào là sức tưởng tượng của những thi sĩ thấy “những tháp Chàm gầy mòn vì mong đợi”, “những tượng Chàm lở lói rỉ rên than những

… người Việt vui cười

Người Chiêm than khóc biết đời nào nguôi.

Ấy vậy mà không ai ngạc nhiên để so sánh về tính cách dã man có gì khác nhau giữa trận Lê Thánh tông chiếm Đồ Bàn, bắt tù binh đem về, và trận Tây sơn – Trịnh ở Thuận Hóa (1785) mà kết quả là quân Phạm Ngô Cầu bị tàn sát gần hết, còn một số chạy ra ngoài thì bị dân chúng chẹn giết[1].

Sự căm ghét chiến tranh không ngăn người ta can đảm nhận rằng đó là một hiện tượng thường xuyên của nhân loại để khiến người ta đủ bình tĩnh suy đoán một cách khách quan. G. Bouthoul trong nhiều quyển sách[2] đã cho rằng nguyên nhân dân số khích động tâm lý tranh chấp, chống chỏi giữa các tập thể dân tộc, nổ bùng thành chiến tranh. Tình trạng khiểm soát dân số ngày xưa không cho phép ta đủ tài liệu đối chiếu, kiểm chứng. Nhưng bằng vào những sự trình bày và ngay trong ý nghĩa của chữ Nam tiến, lý thuyết của Bouthoul có vẻ ngầm được công nhận. Có tình trạng tràn về nam là vì sự phát triển dân số của đồng bằng Nhĩ Hà được tăng tiến với các công trình cải tiến nông nghiệp: đắp đê Cơ Xá dưới đời Lý Nhân tông, khai khẩn trang trại, tổ chức đồn điền.

Nhưng nhìn kỹ một chút, dòng lưu chuyển nhân chủng có lẽ không phải xuôi một mạch giản dị như vậy. Như đã phân tích trên, tập thể nhân chủng ở Lâm Ấp buổi đầu không khác gì mấy đám dân bị trị ở Cửu Chân, Nhật Nam và có lẽ cả Giao Chỉ nữa. Tính cách rẻ quạt của hai ảnh hưởng văn hóa dần dần tách biệt hai khu vực: Đại Việt đậm đà sắc thái mongolic và Chiêm Thành mã lai hóa về giống người.

Chiến tranh xảy ra có tác dụng tích cực về sự pha trộn. Không biết những trận chiến giữa liên quân Chân Lạp Chàm chống đối Đại Việt ở Hà Tĩnh. Nghệ An vào tiền bán thế kỷ 10 đã cung cấp bao nhiêu thổ dân làm nô lệ xây Angkor Vat. Không lẽ những trận đánh chém Sạ Đẩu (1044) chỉ bắt có Mỵ Ê, trận 1060 chỉ bắt có Chế Củ rồi tha về? Chỉ biết rõ rệt nhất là trận Đồ Bàn, Lê Thánh tông bắt ba vạn tù binh Chàm dâng ở Thái miếu. Số người này được đem phân phối ra làm nô lệ ở các điền trang công thần trong khi trận Đồ Bàn trước đó (1446), những người đầu hàng được phân tán ra ở các đạo. Vì đối với chính quyền Thăng Long, họ là những phiến dân nên có người còn giữ họ âm chàm như Chế Mạn, nô lệ Nguyễn Văn Lang, có người chuyển họ Phan như Phan Ất, tỳ tướng của Trần Cao.

Tài liệu còn thật ít, nhưng chúng ta cũng biết đến những người Thượng mang họ Đinh ở Quảng Ngãi, những người ở Bình Định mang họ Ngõ, những người ở miền Tây Nam Việt mang họ Danh, họ Thạch, hay chỉ có tên mà không biết họ là gì khiến cho những viên chức bạt mạng đôi khi phải ghép bừa vào một dòng họ nào đó cho tiện sổ sách. Lịch sử còn lại một Đặng Tất, Ông Ích Khiêm, còn Tiểu phủ sứ Nguyễn Văn Tấn; một ít người làm văn còn biết thi sĩ Nguyễn Văn Tư.

Chúng ta chú ý đến những họ vua (Trần, Lê… nhất là Nguyễn) mà tính cách quốc tính khiến cho mọi người khi chuyển họ vẫn ham muốn lựa chọn cho có dấu hiệu quý phái, cho khỏi có vẻ lạc loài. Không biết người “dịch đình nô” của xứ Trà Vinh mang tên Ốc nha gì trước, nhưng khi là Cai Đội thì nghiễm nhiên là Nguyễn Văn Tồn. May mắn hơn, ta biết những viên chức Chàm có tên chuyển âm là Bô Kha Đáo, Thôn Ba Hú, Môn Lai Phù tử thành Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Chiêu, kẻ Cai Cơ, người Chưởng Co, Tán lý, nắm giữa binh vụ quan trọng nhất của Nguyến Ánh.

Tính cách quy tụ tạp đa trên chỉ khiến những người có quan niệm giản dị về sự đồng nhất ngôn ngữ và nhân chủng mới ngạc nhiên thôi. Mọi người đều biết một dân tộc có thể có nhiều ngôn ngữ và một ngôn ngữ có thể do nhiều dân tộc sử dụng. Vì lẽ đó, như ý kiến của LM Cadière và ông Hồ Hữu Tường, vấn đề gọi là diệt chủng trong lịch sử Việt Nam chỉ là vấn đề chuyển đổi ngôn ngữ thôi. LM cho ta biết qua một tài liệu ở thế kỷ 15 rằng các làng chung quanh Huế và ở thung lũng sông Gianh còn theo phong tục Chàm và nói tiếng Chàm nữa. Theo Giáo sĩ J. Koffler, quân Nam hà của chúa Nguyễn chống cự được họ Trịnh một phần nhờ ở cánh quân Chàm của họ hỗ trợ…[3]

Sự thay đổi xảy ra như thế nào? Có lẽ phần lớn do sự bắt chước ngôn ngữ, lối sống, như hiện nay đang xảy ra ở trên Cao Nguyên: “người Cau (Thượng) bắt chước người Yoan (Việt), người Yoan bắt chước người Tây”[4]. Việc học Việt ngữ có khi phải đến sau một giai đoạn có tính cách tiêu cực: giai đoạn phủ nhận tiếng nói nguyên thủy. Đó là trường hợp chẳng hạn ở làng Xà ca nả (quận Phú Tâm, Ba Xuyên), dân làng hầu hết người Tiều (Triều châu) mà không nói tiếng Tàu, chỉ nói tiếng Miên; trái lại, dân làng Miên Xà Me (quận Chà Nho, Ba Xuyên) lại chỉ nói chuyện bằng tiếng Tàu?[5]

Đổi thay lại cũng do những cuộc phối ngẫu pha trộn. Người thị dân ăn trắng mặc trơn ở đô thành ngày nay chắc sẽ giẫy nẫy lên chê dân “Đàng thổ” thối mùi mắm “pò hóc”, dân “Hời” dơ, hôi như mọi. Nhưng hãy nhìn các túp lều xơ xác trên miền quê Khánh Hòa để không thấy chênh lệch cùng khổ với các nhà xây quanh bằng hàng rào cây chết ở Bình Thuận; hãy về Miền Tây để thấy các nhà mái lá dừa, là cần đước đâu cũng như đâu, mới hiểu sự phối ngẫu không phải là điều khó khăn. Đám vua tôi triều Lê phải ra một lệnh cấm lấy đàn bà con gái Chàm để cho “phong tục được thuần hậu” đủ biết tình trạng phổ biến của hiện tượng này, nhất là những nơi chính quyền trên danh  nghĩa thì có đó song chẳng thấy đâu. Ở đây, có khi cũng phải có một giai đoạn trung gian cho sự chuyển hóa: đám con lai của người Miên lấy người Tàu, sinh ở thế hệ đầu, đáp ứng hiện tượng heterose của định luật Mendel, đám “đầu gà đít vịt” đó, cả gái lẫn trai, nói tiếng Việt, có những nét đặc biệt duyên dáng khiến có tiếng vang trên sách vở và khiến các bạn trẻ tân binh quân dịch được huấn luyện ở Trung tâm Quang Trung thường nghĩ đến những người bạn gái quyến rũ ở miền Tây để mà nhớ tiếc.

Chiến tranh qua rồi là những mối giao tiếp cá nhân trở lại bình thường. Nếu không, làm sao Nguyễn Văn Lang điều khiển được Chế Mạn, chiếm Tây đô, đón Giản tu công Oánh về kinh giết vua; làm sao Trần Cao  ngồi trong thành, tin cẩn để cho Phan Ất cầm quân đánh Trần Châu? Xứ Bình Định còn lưu lại chùa Ông Đá kèm theo một câu chuyện kể rõ giao tình Chàm-Việt trong những tiếp xúc cá nhân, mật thiết đến nỗi ít ra cũng loại được những suy đoán sai lầm của người sau.

Chuyện đại khái như sau:

Huỳnh Tấn Công, người Đà Nẵng, theo ghe tải lương ra Thăng Long ăn học, bị đắm ghe dạt vào vùng Ninh Bình được một phú hộ là Lý Xuân Điền cứu giúp và còn chu cấp tiền bạc đi nốt về Kinh. Đến nơi, Huỳnh gặp người bác làm Ngự Sử thăng chức Tề tướng nên mới tiến cử Lý đánh giặc Ngô. Khoa thi đế, huỳnh đậu cả văn, võ Trạng. Theo Hoàng đế thân chinh đánh Chàm, mắc kế không thành, vua bại quân tan, Huỳnh bị bắt làm nô lệ. Cùng lúc quan Tể tướng bị Tàu Ô giết hại, không gửi được tiền chuộc Huỳnh phải bị bán cho Miên, Miên bán cho Lào. Khi còn với Chiêm, Huỳnh được sống thung dung nhờ dùng hột vông cứu viên Chàm chủ nô khỏi bệnh thiên thời.

Lý xuân Điền liệu tiền chuộc không đủ phải đi Hội An buôn bán kiếm lời. Cháy nhà, trải gian truân, tiền chuộc lo liệu vừa xong thì nghe tin Huỳnh bị bán cho Lào. Viên quan Chàm, chủ cũ của Huỳnh, nhân gả con gái cho một nhà cự phú miền trong, bèn đòi sính lễ 5 thớt voi đem chuộc Huỳnh, đã không chịu Lý thối tiền chuộc mà còn cầm hai người ở lại chơi ít lâu mới cho về nước.

Chuyến về cũng đầy tai nạn, nhưng trời vẫn độ người lành nên Huỳnh, Lý mấy năm sau trở vào thăm quan Chàm. Viên quan này mừng rỡ đón tiếp và chỉ cho xem hai tượng đá do ông sai tạc để thờ hai người. Ở chơi ít lâu, ông quan mắc bệnh tạ thế, Huỳnh, Lý chôn cất tử tế mới trở về nước.

Đó là tích chuyện của chùa Song Nghĩa, tục gọi là Chùa Ông Đá ở làng Nhạn Tháp, quận An Nhơn. Hai tượng đá còn lại để chứng minh câu chuyện là hai hình quan võ uy nghi với mũ, mảng hia hốt. Người người đến chiêm bái đều khen là giống tạc. Nhưng theo ý chúng tôi, đó chỉ là hai thẻ đá được tô vẽ cho mang áo mão, phẩm phục và thêm vào đó là tưởng tượng của khách thập phương.

Nhưng điều quan hệ tưởng không phải ở đó. Ngoài ý nghĩa thờ đá sẽ nói sau, ta lưu ý trong sự tích Song Nghĩa tự về sự hiện diện của thành phố Hội An buôn bán phồn thịnh, tình trạng nô lệ của tù binh bên chiến bại. Câu chuyện có lẽ xoay quanh năm 1376, năm Trần Duệ tông tự làm tướng đánh Chiêm Thành, bị hãm trong thành Chà Bàn mà chết. Chính trong suốt thế kỷ 14 này đã có những cuộc hòa hoãn và chiến tranh giằng co quan trọng giữa hai nước: 1301, dưới đời Trần Anh tông, Thượng hoàng Nhân tông sang Chiêm rồi trở về, gả công chúa Huyền Trân đổi hai châu Ô, Lý (1306), đánh chiêm Thành (1311, 1318, 1326), sứ Chiêm Thành (1342), sứ sang Chiêm (1346), Chiêm Thành lấn cướp Hóa châu (1365), đánh bại Đỗ Tử Bình (1367), cướp Kinh đô (1377-78), Thánh Hóa (1382), Quảng Oai (1383), tiến đến Hoàng giang (1389), chết Chế bồng Nga (1390), đuổi Lê Quý Ly (1391-1400). Những trận bại vong to tát nhất của Đại Việt xảy ra sau khoảng năm 1376. Trường hợp của Huỳnh Tấn Công có phải là tượng trưng cho số người Thanh Hóa, Nhĩ Hà bị bắt làm nô lệ không? Có bao nhiêu nô lệ như vậy đã đem lại sự giàu sang cho nước Chiêm nhờ số tiền bán đi? Không được biết.

Chỉ nhắc lại rằng, chắc họ chìm ngập trong đám dân thống trị miền nam cũng như về sau, những người này nói tiếng Việt dẻo như kẹo, trong khi dưới mắt chuyên viên, họ hiện rõ với đôi mắt tròn, thẳng, mặt bẹt, không giống tí nào với mắt xếch, mí lót, ở miền ngoài. Người viết bài này nhìn tấm hình J. Y. Claeys chụp người đàn bà Bình Định thấp bé, nhăn nhúm (Introduciton à l’Etude du Champa et de l’Annam; pl. XVII), phải hoảng nhiên mà về lấy hình mẫu thân che mái tóc vấn trần, rồi bâng khuâng so sánh…

Cho nên, trên con đường gọi là Nam tiến, có những chặng tiếp nối bởi những giòng người trong những giai đoạn khác nhau. Khi một vương triều này mạnh thế hơn vương triều khác, thì những tiểu chuẩn sinh hoạt, văn hóa – nhân chủng nữa, được lấy nơi phía kẻ chiến thắng và ảnh hưởng ấy mạnh mẽ, rõ rệt ở vùng ranh giới. Vùng Bình Trị Thiên có bao nhiêu dòng họ Chàm hóa Việt rồi lại trở thành Chàm trước giữ tên tuổi Việt hẳn? Trung tâm xuất phát của những đoàn người lập nghiệp xuôi nam là Nghệ Tĩnh, là Bình Trị Thiên, là Lưỡng Quảng, là xứ Bình Phú; biết bao nhiêu người theo Thị Rịa lập nghiệp ở Mô Xoài, là dân lưu đày hay tự lưu đày, lang thang trên ruộng lậy miền Tây đi tìm nguồn cứu rỗi, biết bao nhiêu trong số đó là con cháu dân thành Khu Túc, Phật Thệ, Indrapura, Vijaya?

Tính cách Việt hóa về mặt ngôn ngữ giải thích được điều khác biệt trong việc sử dụng Việt ngữ hiện tại ở hai miền nam, bắc. Hãy tạm không kể đến những đặc sắc địa phương, người ta vẫn thấy rằng người miền ngoài sử dụng Việt ngữ tinh thuần hơn người miền trong. Những lỗi lầm về mặt phát âm, theo nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ, là do tính lười biếng (la loi du moindre effort). Nhưng lắng nghe người Miên nói tiếng Việt nửa vời, có ai không nghĩ rằng tính không-chịu-cố-gắng chính là do nơi sự cố gắng hết sức mà vẫn bị giới hạn bởi sự chuyển đổi hệ thống phát âm vì còn mới quá nên không kịp thích nghi?

Tất nhiên, khi nói đến người miền Thủy Chân Lạp, ta không quên đám con cháu Minh dân của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu. Có những người lên đến tột đỉnh danh vọng mà không gặp cái nhìn ghen ghét nào của người bản xứ (Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tứ, Phan Thanh Giản, Lý Văn Phức…), có những người loay hoay, chí thú làm ăn, gặp phải sự xung đột chung quanh khiến cho thứ bực “ba” mà người ta nhận cho “các chú” vào đại gia đình Việt Nam, phải biến thành một chữ đệm cho những tính từ chỉ sự trạng không mấy tốt đẹp: ba rọi, ba mang, ba trợn, ba lia, ba… tàu. Giải thích mối mâu thuẩn này thuộc lĩnh vực văn hóa, sẽ nói sau.


[1] Lưu ý rằng hiện tượng đổ nát của các di tích Chàm là kết quả của sự thay đổi triều đại cũng như là chuyển đổi chủng tộc. Ai lang thang trên các bờ đất đỏ của thành Đồ Bàn, có ngậm ngùi xúc động, cũng phải nhớ rằng quy mô đó là của Hoàng Đế thành chứ không phải thành Caban. Lời chú theo “Hồng Đức bản đồ” (Viện Khảo cổ xuất bản, 1962, 99) có chỉ chỗ tạm trú trên đường vào nam là tháp Con Gái. Tháp Con Gái ở đâu? Bản đồ trang 97 chỉ rõ tháp Con Gái 12 tòa ở phía nam bên trong thành. Hiện nay, ở phía nam chỉ có hòn tháp Cảnh Tiên. Danh xưng Cảnh Tiên hình như là lưu dấu của thời “con gái”. Vậy mà tháp Cảnh Tiên bây giờ chỉ đứng trơ trọi giữa đồng mía nào đâu là quán xá ăn ở của thế kỷ 17?

[2] Les Guerres, Elemenis de polemologie, Payot – La Guerre, P.U.F.- Le Phenomene guerre, Pte Bibl. Payot, Paris. Thuyết của G. Bouthoul thực ra uyển chuyển hơn lời tóm lược trên của ta nhiều. Nhưng trong những tác phẩm về sau, yếu tố nhân số được ông nhấn mạnh hơn.

[3] Đoạn này còn 3 dòng bị mất chữ (trong bản PDF), nhưng nội dung cũng xoay quanh vấn đề pha trộn các sắc dân.

[4] Dambo, Les Populations Montagnardes du Sud Indochinois, Saigon, France-Asie. No special 49-50, 1955, 15.

[5] Lời kể của anh Q. T., tân binh quân dịch, người Tiều, không biết tiếng Tàu, qua lua đủ tiếng Miên và nói tiếng Việt giỏi như một tay anh chị Cầu Muối.

Kiểm tra tương tự

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *