“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
…
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…” ( Tố Hữu)
Theo như dự định, anh chị em Nhóm SVCG Hải Hà sẽ đến thăm hỏi bà cụ Cân ( hay cụ Hạnh) lúc 17h. Dò tìm theo địa chỉ 1021-H9, nằm trong ngõ nhỏ đối diện bách hoá Thanh Xuân, đoàn chúng tôi đã hỏi địa chỉ của cụ từ bác bán nước đầu ngõ. Địa chỉ khá lòng vòng khi chúng tôi cứ đi đến ngã tư là lại phải hỏi đường. Có vẻ như bà cụ sống rất gần gũi với những người dân nơi đây, hỏi ai hầu như họ cũng đều biết địa chỉ bà cụ. Sau một đoạn đường, chúng tôi đã tìm đến ngõ tổ dân phố số 3-H9.
Đầu ngõ là một cây đa cổ thụ rất lâu đời, chúng tôi tiếp tục hỏi tìm nhà cụ và được mọi người tận tình dẫn đường. Đến nơi, cả đoàn không khỏi bàng hoàng… Căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội, chỉ chưa đầy 9m2 ấy lại là nơi tá túc của một bà lão đã hơn 80 tuổi. Không người thân thích, không nguồn động viên, cụ sống lặng lẽ và cô độc như cây tầm gửi thác nhờ vào số trời… Trời cho sống thì biết sống, trời đưa đi sớm “còn tốt hơn, sống thêm nữa làm gì cho nó khổ” (trích lời cụ Cân).
Lối vào nhỏ hẹp, tối tăm, để vào được nhà cụ thì từng người đi một, vì không vừa hai người đi cùng được, Cụ lần mò mãi trong thứ ánh sáng nhập nhòe từ cái bóng đèn tròn, cuối cùng cụ cũng tìm thấy chiếc chìa khóa để mở cửa đón chúng tôi vào nhà… Nhà cụ, nói đúng hơn là một căn phòng chứa (có lẽ) đã từ thời Pháp thuộc hay Mỹ chiếm gì đó, ẩm thấp và chật hẹp, bừa bộn những thức đồ linh tinh: nào hũ, nào gói, nào những cái bình ga mini, nào bếp ga, xoong, nồi,… có cả những thứ rất bé nhỏ giản đơn thường ngày mà cụ nhặt về hoặc vỏ hộp bánh kẹo người ta biếu, cụ để lại… Căn phòng kín bưng, bí bức và nồng nặc mùi…Mùi của nền nhà ẩm thấp, mùi của thuốc, của bệnh tật, mùi của cô độc và buồn rầu, mùi của túng bấn, khổ cực xâm chiếm khắp không gian nhỏ hẹp ấy và nghẹn ngào trong lòng chúng tôi…
“Con cháu tôi, chúng nó mỗi đứa một nơi, đứa thì chết, đứa thì đi lấy chồng xa… Đấy, tối đến đi bán về mà nhìn căn nhà thấy buồn,… nhà cửa vắng tanh, vắng ngắt, người ta ở xung quanh đây thì cũng toàn dân buôn bán nhỏ với thợ làm thuê cả, đi suốt ngày, làm gì có ai ở nhà mà sang chơi với bà lão này” (bà cười)
Nụ cười của bà, nụ cười méo mó ẩn trong vô vàn nếp nhăn in dấu nước mắt và tuổi tác, nụ cười mà có lẽ đối với chúng tôi, nó đẹp… Đẹp một cách nhẹ nhàng. Đẹp trong cái vẻ lam lũ. Đẹp trong yêu thương. Đẹp vì trong vô vàn nếp nhăn buồn rầu và cô độc ấy, nó là thứ duy nhất chứng tỏ rằng cụ vẫn tha thiết được sống, được yêu và được hòa nhập với cuộc sống vui vẻ ngoài đời…. Trong bốn bức tường kín mít, bức bối kia, trong cái lớp rong rêu ẩm ướt, bệnh tật kia, đó là một tâm hồn. Dù mưa, dù gió, dù nắng gắt, tâm hồn ấy vẫn lặn lội đẩy xe ra đi, lầm lũi ngồi dưới chân cầu cân đo sức khỏe cho những vị khách vãng lai qua đường. Dù khó, dù nghèo, dù túng bấn,… vẫn không hề lấy quá một đồng,một cắc nào của vị khách kia. Dù buồn và cô độc đến mòn mỏi tâm can, tâm hồn ấy vẫn luôn nở nụ cười mỗi khi nhìn thấy mọi người. Cụ là thế, đơn độc mà lạc quan, nghèo nhưng “đói cho sạch, rách phải cho thơm”… không được để người khác xem thường mình.
…Cụ, có lẽ đã phải trải qua những cơn đau ghê gớm lắm. Cũng phải, thanh niên trai tráng dầm gió, giãi sương cả ngày còn nhọc huống chi là người tuổi cao sức yếu như cụ. Cái lưng còng còng khiến cả thân người cụ trở nên yếu ớt biết bao nhiêu. Nhưng nghe cụ nói mà chúng tôi không khỏi vui mừng: “Cả mấy chục năm từ thuở 57 bỏ Thái Bình lên Hà Nội đến nay, đây là lần đầu tiên tôi ốm đấy chứ. Nghe bác sĩ bảo bệnh mà tôi giật mình!”. Phải vậy chứ, con người đã bươn chải nắng gió cuộc đời, ngấu nghiến nó, đối đầu và thách thức nó thì có bệnh tật nào có thể xâm chiếm được?! Gan của thép đấy! Phải thách thức với lửa nung hàng ngàn độ C rồi lại tuồn vào nước lạnh thì mới có thể vững vàng chiến đấu để duy trì sự tồn tại được. Cụ bảo cứ mỗi lần đi mua thuốc là chúng nó lại tống cho cụ hàng chục viên một ngày… Cụ uống được từng đấy! Quả là đáng nể phục thật!
Chúng tôi và cụ cứ ngồi đấy, cứ đứng đấy, trò chuyện, rồi lại cười, rồi lại nghẹn ngào, và cứ thế mà yên tâm. Cụ nói chuyện nhiều lắm, về công việc của cụ, về bệnh sỏi thận, về thuốc thang và những cơn đau, nhưng khi nhắc về gia đình, con cái, cụ lặng lời, nghẹn lòng, gạt mấy cuộn tóc vương trên mắt… có lẽ cụ cố kìm lòng để trái tim thôi mềm yếu đi…
Hẳn là vậy, cái giết chết con người không chỉ là bệnh tật, vũ khí hạt nhân, thuốc kháng sinh hay chất độc hóa học, mà còn là sự sống cô độc, thiếu vắng tình thương. Và cái chết thực sự khiến con người không bao giờ sống lại được nơi cuộc sống vĩnh hằng chính là cái chết dần chết mòn, chết trong thiếu tình thương, mất hết niềm tin vào mọi người, mọi thứ, chôn vùi ước vọng lớn lao nhất của cuộc đời mình, bán rẻ cái quyền tự do chiến đấu vì sự sống.
Nhưng thật may mắn… nụ cười của cụ vẫn nở, vẫn đẹp và vui tươi vì cụ hiểu rằng: bên cạnh cụ là cô hàng xóm thi thoảng sang hỏi han mình,… là mấy đứa sinh viên tụi tôi cứ đi học về là lại ghé chỗ cụ bán để trò chuyện và chọc cụ vui,… là hàng trăm, hàng triệu con người khác nữa sẽ luôn âm thầm tiếp sức cho cụ, giúp cụ bươn chải cuộc sống,… là tôi, là bạn sẽ thắp lên niềm tin và niềm lạc quan vào tương lai dẫu còn ngắn ngủi phía trước của cụ… Cụ đã giúp chúng tôi ngộ ra một điều: Cuộc sống luôn là những thách thức, hãy chiến đấu với nó bằng tất cả bản năng sinh tồn của mình, để sống, để tồn tại và để vượt lên trên chính bản thân mình, hãy cười dù khó, hãy bó cái khổ lại để cuộc đời luôn tươi.
Cụ vẫn cười… lặng ngồi khi người cuối cùng trong đoàn chúng tôi lên xe và ra về…
Chúa đồng hành cùng cụ và nâng đỡ chúng con.
Luôn cười… đẹp và vui như vậy, cụ nhé! Thương cụ… chúng con yên tâm!
Therese Ốc, nhóm SVCG Hải Hà, Hà Nội