« Bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông
một đứa con trai ? »
(Lc 1, 5-25)
5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron.6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông:9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa.10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.
11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án.12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông.13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.”19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.”21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế.22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.
23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà.24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng.25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
- Truyền tin cho ông Dacaria và truyền tin cho Đức Maria
Sự kiện ông Dacaria và bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn sinh con như lời sứ thần loan báo trong bài Tin Mừng, có tương quan đặc biệt đối với lịch sử cứu độ và đối với lời “xin vâng” của Đức Maria, vốn làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Chúng ta sẽ nghe lại lời “xin vâng” của Đức Maria trong biến cố truyền tin trong Thánh Lễ ngày mai.
Thực vậy, trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, trường hợp bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn thụ thai, được nêu ra hai lần một cách long trọng:
- Lần đầu, trường hợp của bà Elizabet làm nên bối cảnh của trình thuật truyền tin : « Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a » (Lc 1, 26-27)
- Và lần thứ hai, trường hợp của bà Elizabet làm nên chứng từ về quyền năng sáng tạo sự sống của Thiên Chúa ; và lời chứng này đủ mạnh để cho Đức Maria can đảm thưa « xin vâng ». Thực vậy, sứ thần Gabrien đã thuyết phục Đức Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được »
Như thế, sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng vẫn có thể mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi vì sự kiện này nhắc nhớ cách hành động của Đức Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Và rộng hơn nữa, Đức Chúa có thể mở lối cho Dân Người đi, ở nơi không thể, là biển cả, là đường cùng, là tai họa, là sự dữ, là tội lỗi, như lời Thánh Vịnh diễn tả :
Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Người rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người.
(Tv 77, 22)
Và hơn thế nữa, Đức Chúa là Đấng sáng tạo ra sự sống, làm trào vọt ra sự sống từ lòng dạ « vô sinh » của thiên nhiên, trong công trình tạo dựng. Như thế, Thiên Chúa là Đấng có thể làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được.
- « Ông không nói với họ được »
Về chuyện ông Dacaria bị câm, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta, nhưng sau này, ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth. « Không nói được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được ; và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa.
Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, « Gioan » có nghĩa là Thiên Chúa Thi Ân, thì ông « lưỡi ông lại mở ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa :
Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria. Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hi vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.
Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa : « Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là « người câm » vậy thôi ! Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn.
- Hành trình hướng tới lời ca tụng
Mỗi sáng, khi hát bài ca Benedictus, có lẽ chúng ta ít chú ý đến điều gì hay đúng hơn hành trình nào, đã dẫn ông Dacaria đến lời ca tụng bất hủ này. Thực vậy, theo Tin Mừng Luca, bài ca này là điểm tới của cả một hành trình thật dài : khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian bé Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên ; và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.
Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc « tĩnh tâm » dài ; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng « Gioan ». Như thế, rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian « cưu mang » Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng : «
Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: « Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời. »
(c. 23-25)
Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ :
Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người « đầy Thánh Thần » (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành chính là Lời Chúa cho chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc