Thời sinh viên bao giờ cũng quan trọng và thường để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí mỗi người. Nhiều bạn đã tìm được hạnh phúc khi bước qua thời sinh viên ấy, nhưng có lẽ không ít bạn còn luyến tiếc và hối hận trong thời gian đáng nhớ này, vì chưa làm được điều họ mong ước, để rồi hôm nay thầm ước “giá mà…!”. Thú thật, con đường đại học không quá dài để ta chần chừ và phung phí thời gian một cách vô nghĩa. Tuy nhiên, con đường ấy cũng chẳng quá ngắn để cho ta có thể vươn đến ước mơ khám phá bản thân, chuẩn bị chính mình (trưởng thành nhân bản và trau dồi tri thức) để biết đối diện với cuộc sống đa phức này một cách tinh tường.
Thời gian ở Đại học không dài vì bạn nào học kỉ lục lắm cũng chỉ đến bảy năm là cùng. Nếu vậy, ngày nhận tấm bằng Đại học trễ nhất cũng chỉ đến ngưỡng hai lăm hoặc hai bảy tuổi thôi, trong khi “Tam thập nhi lập” vẫn là chưa muộn. Tuy vậy, thời gian vốn chẳng chờ đợi ai và cũng chẳng ai lấy lại được một khi nó đã đi qua, bốn hay bảy năm trong trường Đại học sẽ chẳng mấy chốc trôi vào dĩ vãng. Quá khứ như “lượng ga” (gas) – một nguồn năng lượng có hạn, mà bạn đã sử dụng; khi ấy, bạn sẽ chẳng gặt hái được gì nếu như không biết đầu tư và sử dụng nguồn năng lượng ấy cách khôn ngoan, không kiên trì theo đuổi mục đích đề ra trong cuộc sống thường ngày. Bởi vì “anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không” (Benjamin Franklin).
Bốn năm hay bảy năm học Đại học có ngắn quá ư? Không! Nó sẽ là những năm dài tháng tận với đầy thất vọng nếu ta sống thiếu suy xét về việc sử dụng thời gian thế nào cho hợp lý. Nếu không sống tốt giây phút hiện tại, ý nghĩa cuộc đời ta sẽ mờ nhạt và dần mất hướng. Những gì là thú vị cuộc sống cũng ẩn khuất dần. Khi ấy, ta dường như vô tình hoặc cố ý làm ngơ trước một sự thật ta vẫn luôn đi kiếm tìm câu trả lời: đâu là nền tảng hay mục đích của cuộc đời: Tôi là ai và sống để làm gì?! Một khi không dám đối diện với những nghi vấn ấy, ta rơi dần vào sự chán nản và thất vọng. Hệ quả là, ta dễ vùi đầu dán mắt vào những thứ vô bổ: chè chén nhậu nhẹt, vui thú thâu đêm suốt sáng với những chuyện phiếm phù trên mạng dưới đời, tìm kiếm hư danh ảo vọng, hết “anh hùng bàn phím” đến “đi bão rồi chém gió”.v.v…
Nhưng phải chăng thời sinh viên cho phép ta rơi vào tình trạng bi đát ấy? Không, đó đã là quá khứ rồi, và bởi hiện tại vẫn còn đang ở trong tầm tay của bạn. Hãy bắt đầu ngay hôm nay bởi “tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại” (Mahatma Gandhi). Khoảng thời gian bốn đến bảy năm đủ để bạn chuẩn bị cho tương lai tươi sáng của mình bằng việc chú tâm rèn luyện bản thân, trau dồi nhân cách cách và tích lũy tri thức cho mình. Trước hết, rèn luyện bản thân để dần trưởng thành nhân cách. Điều đó mời gọi ta cần tập luyện bốn nhân đức: khôn ngoan, can đảm, công bình và tiết độ. Trong đó, ba nhân đức: khôn ngoan, can đảm và tiết độ cần ở nơi bạn một sự kiên nhẫn luyện tập; còn nhân đức công bình đòi hỏi một thái độ trung thực của bạn đối với chính mình và tha nhân. Dĩ nhiên, đức tính trên hết và cao đẹp biết bao mà ta ao ước kiếm tìm là lòng bác ái (biết cảm thông và chia sẻ) dành cho nhân loại nói chung.
Thứ đến, giai đoạn sinh viên là cơ hội để ta xây dựng tòa nhà tri thức cho bản thân. Quả thật, sẽ chẳng bao giờ là muộn để ta học một điều gì đó. Bạn có biết, tác giả của tập truyện nổi tiếng ‘Harry Potter’ – nữ nhà văn nước Anh J. K. Rowling bước sang tuổi 28 mới bắt đầu thành công, họa sĩ Van Gogh trước tuổi 27 chưa biết vẽ ?! Với họ, học hành chẳng bao giờ là muộn cả, ta cũng vậy. Hơn nữa, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của tri thức. Nhờ tri thức, ta không chỉ biết về thế giới, về nhân loại mà còn dần khám phá ra chính mình. Chính nhờ biết điểm mạnh điểm yếu của mình, ta mới có thể huấn luyện bản thân dần hoàn thiện hơn cả nhân đức và tri thức. Dĩ nhiên, ta không thể làm điều đó một mình bởi chính Tạo Hóa cho ta thời gian, sức khỏe, trí tuệ và mối tương quan với người khác để ta thực thi công việc lớn lao ấy để sống hạnh phúc. Hơn nữa, vì “nhân đức là tri thức” (Socrates) nên chính khi ta cố gắng tiếp nhận và trau dồi tri thức, cũng là lúc ta đang hoàn thiện bản thân. Dầu vậy, để có thể thực hiện được sứ mạng lớn lao này, việc nhỏ nhất và trên hết phải làm là trở nên ông chủ để quản lý thời gian của chính mình. Theo đó, ta cần biết xác định đâu là điều quan trọng và cấp bách phải thực hiện ngay (mục tiêu ngắn hạn), sau đó là những việc quan trọng nhưng chưa gấp lắm (chiến lược dài hạn). Nói cách khác, một câu hỏi cần được đặt ra cho ta: đâu là vấn đề chính yếu và phụ thuộc ta phải thực hiện lúc này để hướng về một tương lai xán lạn hơn cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội?
Là một sinh viên Công giáo, việc nỗ lực trong học tập và sống đạo vẫn luôn và mãi luôn cần thiết cho bản thân mỗi người trẻ. Chính khi chuyên tâm thực hiện bổn phận hiện tại của mình: rèn luyện các nhân đức, trau dồi tri thức và biết để tâm tới nhu cầu của người khác là ta đang sống CHO VINH DANH CHÚA giữa đời thường. Dĩ nhiên, để được như vậy, ta cần đặt cuộc đời mình trên nền tảng là một đời sống thiêng liêng và thân thiết với Chúa vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5b). Ước mong lý tưởng sống “CHO VINH DANH CHÚA” luôn là động lực chính, là nguồn sức mạnh thúc bách mỗi con tim, từng khối óc của các bạn, để ta biết cam kết dấn thân trong giây phút hiện tại. Nhờ đó, quá khứ của bạn mới có thể được thêu dệt bằng những giây phút thực sự ý nghĩa, chẳng còn luyến tiếc hay hổ thẹn với những điều mình đã sống.
Năm mới đã tới, cầu chúc cho các bạn có một quả tim mới, một quyết tâm mới để dám sống tích cực và dấn thân trong việc học (học làm người và làm con Chúa), để Danh Cha cả sáng Nước Cha hiển trị giữa đời!
“Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi thất vọng dù khi mỏi mòn, con vẫn cậy trông nơi Người!” (Karl Rahner)
JMJSW