Phần IX: Các Mô Hình của Hội Thánh

1309207577.nv

Bây giờ chúng ta tập trung vào Hội Thánh. Đối với nhiều người, già cũng như trẻ, tin vào Hội Thánh thì khó hơn là tin vào Thiên Chúa hoặc tin vào Đức Giêsu. Tin vào một Thiên Chúa tình yêu và tin vào một Đấng Cứu độ đã chết vì chúng ta là một chuyện. Điều đó thật sự khác với việc tin vào một nhóm người bình thường và đầy giới hạn như tôi. Vấn đề đối với Hội Thánh là Hội Thánh ấy đầy những con người tội lỗi và giới hạn. Tin vào Hội Thánh có thể sẽ dễ dàng nếu Hội Thánh chỉ là một thực tại thánh thiêng, và chỉ dành riêng cho những người thánh thiện. Nhưng sự thực lại không phải thế. Mặc dù có Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn Hội Thánh, nhưng những thành viên thì đầy giới hạn.

Suy nghĩ và thảo luận

Đánh giá sự vững mạnh của đức tin theo những gợi ý sau (sắp xếp theo trình tự từ 1 đến 10)

  1. Tin vào tình yêu Thiên Chúa
  2. Tin vào Đức Kitô
  3. Tin vào Hội Thánh

Trong ba điều trên, điều nào thấp nhất? Tại sao lại thế?

HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT MẦU NHIỆM

Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu về mầu nhiệm Hội Thánh. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ dựa vào quan điểm của Avery Dulles S.J. trong tác phẩm khá nổi tiếng với tựa đề Các Mô Hình Hội Thánh (Doubleday, NY, 1972). Tác phẩm này là một trong những tác phẩm ảnh hưởng nhất trong công việc giáo dục tôn giáo. Đóng góp tuyệt vời của Dulles là cố gắng chỉ ra rằng nỗ lực đưa ra một định nghĩa hay mô tả đơn giản về Hội Thánh sẽ đưa đến thất bại. Hội Thánh là một “mầu nhiệm” không tuân theo một mô tả nào. Từ “mầu nhiệm” không có nghĩa là một bí ẩn. Nó nói đến một thực tại Thiên Chúa đang làm việc và hiện diện. Nó hàm chứa một ý nghĩa phong phú và sâu xa mà con người không thể nắm bắt hết được. Với ý nghĩa như thế, con người cũng được xem như là một mầu nhiệm. Chúng ta cũng không tuân theo bất kỳ một miêu tả hay một định nghĩa nào. Dulles đưa ra năm “mô hình” khác nhau về Hội Thánh. Những mô hình này giúp chúng ta có được những cách hiểu khác nhau về Hội Thánh nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau. Chúng là những yếu tố cần thiết của Hội Thánh và ăn khớp với nhau. Khi đặt chúng trong tương quan với nhau, các mô hình này có thể giúp chúng ta hiểu tốt hơn về bản chất của Hội Thánh.

Suy nghĩ và thảo luận

Để giúp chúng ta có được một khái niệm tốt hơn về “các mô hình”, chúng ta có thể sử dụng nó để mô tả về mình. Bạn là con, là sinh viên hay bạn của ai đó. Bạn có thể được miêu tả dưới các góc độ tâm lý, sinh lý, xã hội và tâm linh. Nếu bạn yêu cầu người bạn thân, thầy cô và cha mẹ miêu tả về mình, họ sẽ miêu tả bạn thế nào?

 HỘI THÁNH NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN: ĐỨC TIN, TÌNH BẰNG HỮU VÀ PHỤC VỤ

Mô hình đầu tiên chúng ta sẽ xem xét là mô hình cộng đoàn. Ngày này, khi nói đến từ “Hội Thánh,” người ta thường nghĩ ngay đến các tòa nhà. Hoặc có thể họ nghĩ ngay đến việc “đi đến nhà thờ”. Tuy nhiên, ý nghĩa trước hết của từ này là diễn tả một cộng đoàn dân Chúa. Hội Thánh là những người có niềm tin. Tân Ước sử dụng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả về Hội Thánh, nhưng hình ảnh có ảnh hưởng lâu dài đến cách hiểu về Hội Thánh là miêu tả của thánh Phaolô khi tuyên bố Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn sống ở thánh phố Cô-rin-tô. Đây là một thành phố cảng nổi tiếng đầy dẫy những hành vi vô luân. Nơi đây, thánh Phaolô đã thu lượm được nhiều thành công, nhưng sau khi ngài rời khỏi đó thì sự chia rẽ lại xảy ra. Họ tranh dành nhau về việc ai là người quan trọng nhất trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy rằng trong Hội Thánh, tất cả những đặc sủng và những khả năng mình có là để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung…… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.

Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1Cr 12: 4-7. 12-18. 27).

Có nhiều điều quan trọng trong hình ảnh của thánh Phaolô:

  1. Hội Thánh là tập hợp của những đa dạng và đặc sủng riêng của nhiều con người. Sự khác biệt này là một yếu tố thiết yếu nơi Hội Thánh. Chúng ta không phải bắt chước người khác. Đặc sủng riêng của mỗi người là dành cho toàn thể cộng đoàn.
  2. Mặc dù trong Hội Thánh có sự đa dạng nơi những thành viên, nhưng lại được liên kết với nhau nhờ Thánh Thần. Hội Thánh là một, không phải vì mọi thành viên đều giống nhau, nhưng những khác biệt nơi các thành viên được liên kết với nhau nhờ hoạt động của Thánh Thần luôn làm việc nơi mỗi người.
  3. Hội Thánh là hiện thân (thân thể) Chúa Kitô trên trần gian. Thiên Chúa phục sinh cần thể xác, tâm hồn, lòng dũng cảm, trí thông minh, sự tốt lành, lòng quảng đại, sự quan tâm của chúng ta để làm cho Ngài hiện diện giữa chúng ta.
  4. Nhiệm thể Chúa Kitô được tạo nên từ những con người không phải đều là thánh. Do đó Hội Thánh là một tổng hòa giữa trần tục và thánh thiêng. Chúa Thánh Thần hợp nhất và thúc đẩy là yếu tố thánh thiêng, nhưng con người được hợp nhất và được thúc đẩy lại tràn đầy yếu đuối và mỏng giòn.

Thánh Phaolô quan niệm Hội Thánh là một cộng đoàn duy nhất với những đặc sủng đa dạng và phong phú tiếp tục làm cho hình ảnh Đức Kitô hiện diện sống động trên trần gian. Có lẽ cách tốt nhất để trở nên một phần trong nhiệm thể Chúa Kitô là đến để nhận ra đặc sủng mình được ban tặng, không ngừng phát triển đặc sủng ấy và trao ban liên lỉ. Phung phí đặc sủng của mình không chỉ là lừa dối chính bản thân họ, nhưng còn lừa dối tất cả những người lẽ ra họ phải phục vụ.

Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ đặc sủng cao quý mà chúng ta có thể trao ban là chính con người chúng ta, bởi vì đặc sủng cao quí nhất là tình yêu:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1Cr 13:1-7;13)

Hội Thánh là một cộng đoàn Kitô hữu được biết đến và được phân biệt với các cộng đoàn khác nhờ đó là một cộng đoàn yêu thương.

Khái niệm Hội Thánh như là một cộng đoàn đóng vai trò quan trọng đặc biệt nơi hội thánh địa phương. Hội Thánh không phải là Giáo Hoàng, hay các Giám mục; Hội Thánh tồn tại nơi mọi người quy tụ lại trong niềm tin. Đối với hầu hết mọi người, kinh nghiệm đức tin phần lớn có được nơi các giáo xứ. Trong giáo xứ, mọi đặc sủng được ban tặng phải được sử dụng vì ích chung của mọi người, cũng như vì những nhu cầu của toàn thể cộng đoàn.

Ngày nay, nhiều người nhận thấy rằng cơ cấu giáo xứ quá rộng đôi khi rất khó để có được kinh nghiệm về cộng đoàn Kitô hữu. Chính vì thế, các giáo xứ ngày càng có nhiều nhóm cộng đoàn đức tin nho nhỏ. Những người trong các nhóm này thường gặp nhau để cầu nguyện, học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh hoặc thăng tiến xã hội. Đôi lúc, các nhóm này thể hiện những bận tâm về xã hội như công lý và hoà bình, trẻ em vị thành niên, hội cao niên, hội các bà mẹ đơn thân, hội những người ly thân,…

Trong Tân Ước, có hai yếu tố phác họa các đặc tính của cộng đoàn Kitô hữu. Đó là: cộng đoàn hiệp bằng hữu (Koinonia), và cộng đoàn phục vụ (Deaconia). Cả hai đều hết sức quan trọng. Yếu tố thứ nhất nói đến nhu cầu giá trị căn bản của con người, đó là tình bằng hữu và tương quan xã hội. Vì thế, các giáo xứ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện, dã ngoại, múa hát, câu lạc bộ trẻ,… Yếu tố thứ hai nhắc nhở chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta phục vụ những người cần được phục vụ, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật.

Yếu tố cuối cùng khi nói đến Hội Thánh xét như là một cộng đoàn là một “cộng đoàn” của đức tin. Mối liên kết bền chặt của cộng đoàn không đến từ yếu tố xã hội, hay cá nhân, nhưng là thiêng liêng. Người Kitô hữu liên kết với nhau trong cùng một đức tin. Sự liên kết này phá bỏ mọi ngăn cách về mặt địa lý, ngôn ngữ, văn hoá và quốc gia. Sự nối kết thiêng liêng này đôi khi được hiểu như là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *