Con người muôn dân nước thuộc bao đời vẫn ngày đêm khẩn cầu cùng Thiên Chúa. Có lúc họ nói, Thiên Chúa nói với họ. Có lúc họ thấy Thiên Chúa lặng thinh. Vậy Ngài nói tiếng gì? Sống tại cộng đoàn thánh Phêrô Canisiô ở Rôma, tôi nhận ra ngôn ngữ của Thiên Chúa cách rõ hơn.
Trong nhà có 60 người: hơn một nửa là các cha các thầy về hưu vì tuổi già, còn non một nửa là các cha thầy đang làm việc. Điều nổi bật là mỗi người mỗi quốc tịch khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, thuộc đủ loại châu lục chủng tộc màu da ngôn ngữ văn hoá… Vì sống trên đất Ý, nên ngôn ngữ chính là tiếng Ý. Mọi người đều nói tiếng Ý. Có các vùng ngôn ngữ lớn khác như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Trung Hoa…
Vì chưa biết tiếng Ý, nên tôi được “đặc cách” là đi học tiếng Ý, là trở nên “em bé” bi bô tập nói, tập hỏi trong nhà, được mọi người chỉ dẫn và sửa cho từng âm, từng chữ, từng câu. Vì chưa biết tiếng Ý, tôi được nói chuyện bằng tiếng Anh.
Một cha hơn 90 tuổi nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh. Ngài hỏi tôi: Con có vui khi đến đây ở với chúng ta không? Dạ, con cảm thấy vui và lạ. Thế thì con sẽ thấy cuộc sống ở đây rất tốt đẹp. Con thấy không, ở đây mọi người thuộc mọi quốc gia và ngôn ngữ, nhưng ở đây chỉ có một ngôn ngữ mà thôi. Tôi định bụng nghĩ là tiếng Ý, nhưng không, cha nói: Đó là Charity, là tình yêu mến của Thiên Chúa, là mọi người quan tâm nhau. Tôi bấm bụng: Cha thâm thuý thật.
Khi cha khác hỏi tôi bằng tiếng Ý, tôi chỉ lắp bắp được một chút, nói là mới biết vài chữ và bắt đầu học, thì một cha khác tiến lại nói với cha đó. Dù cha nói bằng tiếng Ý, nhưng nghe lõm bõm được vài chữ cùng với việc nhìn cử điệu của các cha, tôi cũng đoán ra ý: em đó là người Việt mới tới, mới bắt đầu học tiếng Ý, cứ tưởng tượng bây giờ chúng ta sang Việt Nam và bắt đầu học tiếng Việt xem, thật là thú vị và thách đố đấy. Thế là mọi người nhìn nhau cười vui.
Có thầy khác, bây giờ trí nhớ không còn minh mẫn nữa, nhưng thầy rất vui vẻ. Lần nào gặp, thầy cũng chào hỏi từ xa. Dù thầy nói tiếng Ý, nhưng rất dễ hiểu, vì lần nào cũng là chào nhé, con tên là gì, từ đâu tới, thầy là Anphongso, chúc một ngày tốt lành.
Một cha già khác nữa, lần nào gặp, cha cũng cười và nói bằng tiếng Ý: Con là người Việt Nam à! Tốt lắm… Còn các cha trẻ thầy trẻ thì nói chuyện nhiều hơn và giúp tôi làm quen với con người, ngôn ngữ và môi trường mới. Các vị rất thích thú với tiếng Việt, nhờ tôi tập phát âm cho vài chữ, nhưng tôi thấy các ngài phát âm tiếng Việt còn vất vả hơn tôi phát âm tiếng Ý nữa. Các ngài khó mà nhận thấy sự khác biệt giữa các thanh khác nhau.
Cha Bề Trên cộng đoàn, ngoài 60 tuổi người Chile kể: Hồi cha tới ở nhà này là lần đầu tiên cha tới Ý. Khi đó cha chưa biết gì về tiếng Ý ngoài câu chào và cám ơn. Tôi buột miệng: Con cũng giống như cha vậy. Cha nói: Có khác đấy, khi ấy cha hơn 50 tuổi còn con giờ chưa tới 30, khi ấy cha phải làm bề trên ngay cho tới giờ, còn con đâu phải làm bề trên. Tôi tròn mắt: Thế cha cũng học từ đầu. Cha nói: Đúng vậy, học tiếng Ý từ vỡ lòng, còn khi cha làm việc thì ban đầu cần người phiên dịch; ngay cả bây giờ, trải qua chục năm mà mỗi ngày cha vẫn dành một giờ để tự học tiếng Ý, vì tiếng Ý của cha chưa tốt. Tôi thầm tạ ơn Chúa: Cha đúng là gương sáng.
Mọi người thân thiện trong ánh mắt cử chỉ, mà miệng luôn nói lời chào và cám ơn. Có lẽ, ngôn ngữ của Thiên Chúa thì đơn sơ như thế…
Tứ Quyết, SJ