Đừng ngại khóc bạn ơi!

“Cười lên bạn nhé!”, lời mời gọi ấy đã vang lên, diễn tả ước ao về một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Nhưng khốn nỗi đời đâu chỉ toàn vui, tiếng cười giòn giã đến mấy rồi cũng tan theo gió mây, để lại những khoảng dài trống vắng. Thế nhưng, đặc tính “hai mặt” dù muốn dù không vẫn chiếm lấy phận người. Vui qua đi để buồn ghé lại, cười tắt ngấm và nước mắt rơi. Thế nên, xin đừng ngần ngại khóc. Ở đây không phải chuyện cố khóc, nhưng khóc chỉ vì sống thật với lòng mình.  

Có người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nước mắt là một liệu pháp tốt cho sức khỏe và tâm lý con người. Trang New York Times đã trưng ra nhiều lợi ích của nước mắt.[1] Nó có lợi cho đôi mắt và đặc biệt cho việc chẩn đoán bệnh. Một bác sĩ sau khi nghiên cứu còn cho rằng việc cố nén nước mắt ở đàn ông là lý do khiến họ gặp nhiều chứng bệnh liên quan đến căng thẳng tâm lý hơn nữ giới. Thật vậy, một nghiên cứu mới cho biết leucine-enkephalinprolactin trong nước mắt giúp giảm căng thẳng và làm dịu nỗi đau. Có nước mắt là để khóc, đó là quy luật của tự nhiên.

Có nhiều nguyên nhân khiến ta khóc, nhưng dù nguyên nhân nào đi nữa, những giọt nước mắt chân thành luôn là dấu chứng của lòng trắc ẩn. Khóc vì vui sướng trước sự thành đạt của con cái, bạn bè; khóc vì cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp, những giọt nước mắt sẻ chia ấy đã góp phần làm hạnh phúc được nhân đôi. Tuy nhiên, trước khổ đau của anh chị em đồng loại trong cảnh bắt bớ bạo tàn và tị nạn chiến tranh, nhìn thấy ruộng đồng nứt toác và nước lũ ngập nhà, chứng kiến rừng chết và biển chết, con tim mỗi người có thổn thức và trào tràn cảm thương qua những giọt nước mắt hay chăng? Chắc hẳn lòng cảm thương ấy không cần phải tỏ cho ai khác thấy. Quan trọng hơn, đời ta là cuộc hiện diện với người. Và cuộc hiện diện ấy chỉ tròn đầy khi mỗi người biết liên đới với nhau, trong hạnh phúc cũng như khổ đau, chí ít bằng những giọt nước mắt.

Và rồi một lúc nào đó tôi chợt khóc cho riêng mình. Một cuộc tình vỡ, một người thân ra đi, thất bại đường học hành sự nghiệp, ốm đau bệnh tật, hay có khi chỉ vì nỗi cô đơn mơ hồ khi thấy mình lạc lõng giữa biển đời vần vũ; ngại ngần chi mà không khóc? Nước mắt khi ấy là lời thừa nhận “tôi bất lực trước cuộc đời!” Khóc vì thấy mình quá nhỏ bé và giới hạn, khóc vì nhận ra tôi không hề là chủ nhân của đời tôi. Đó là khi tôi cần khiêm nhường cúi xuống để ngả tay xin lòng thương xót. Tôi hãy cho người khác cơ hội để được hiện diện với tôi trong những biến cố vui buồn. Nước mắt khi ấy đồng thời là lời khẩn thiết “tôi cần bạn!”, cần chị, cần anh. Và sâu xa hơn cả, tôi cần Thiên Chúa, vì chính Ngài mới là ông chủ của hoàn vũ và của đời tôi.

Khóc ư? Đừng hòng! Đó chỉ là yếu đuối, là chuyện đàn bà trẻ con. Nếu lời ấy đúng, thử hỏi tại sao Thượng Đế lại để tuyến lệ tồn tại trên thân thể người nam nhi? Khóc và nước mắt có thể nói là quà tặng của Đấng Tạo Hóa. Và nữa, yếu đuối không hệ tại ở hành vi. Yếu đuối thuộc về cảm thức, thái độ, và quan trọng hơn cả là chọn lựa sống; trong khi khóc chỉ là hành vi bên ngoài của một nội tâm trắc ẩn và khiêm nhường.

Thế nên, xin đừng ngần ngại khóc khi bạn được thôi thúc hãy làm như vậy. Khóc, đơn giản vì chúng ta là người. Biết đâu khi khóc, bạn và tôi trở nên người hơn chăng?

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

[1] http://www.nytimes.com/1984/02/22/garden/personal-health-002144.html

Kiểm tra tương tự

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Năm cách mang lại hạnh phúc cho mẹ

Liệu chúng ta đã thể hiện đủ lòng biết ơn và tình yêu thương dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *