“Tông đồ sinh viên mang tính giằng co hơn là thách đố”

Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngắn với thầy Ngô Văn Sơn, S.J., trưởng sinh viên Công Giáo vùng Thủ Đức. Hy vọng những điều thầy chia sẻ sẽ cung cấp cho chúng ta một vài thông tin bổ ích về hoạt động tông đồ sinh viên.

Các bạn sinh viên Công Giáo Thủ Đức cùng quý cha và quý thầy đồng hành.

(Nguồn: Ảnh bìa trang facebook chính thức của Sinh viên Công Giáo Thủ Đức)

Xin chào thầy Sơn, thầy có thể giới thiệu bản thân một chút cho độc giả được biết không ạ?

Xin chào mọi người. Tên đầy đủ của tôi theo bố mẹ đặt là Giuse Ngô Văn Sơn, từ khi vào dòng Tên được thêm thành Giuse Ngô Văn Sơn, S.J.. Tôi đang học năm cuối của giai đoạn triết lý tại Học Viện Thánh Giuse – dòng Tên.

– Theo tôi được biết, thầy đang là trưởng vùng sinh viên Công Giáo Thủ Đức, xin thầy nói qua một chút về các nhóm sinh viên Công Giáo mà mình đang đồng hành được không ạ?

Việc đồng hành với các em sinh viên Công Giáo (SVCG)  là mối quan tâm của nhiều dòng tu. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, đồng hành cùng sinh viên Công Giáo Thủ Đức (SVCGTĐ) có dòng Đức Bà Truyền Giáo, dòng Phanxicô, dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm, dòng Đức Mẹ Canvê, dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria dòng Tên. Ban Điều Hành (BĐH) SVCGTĐ năm nay gồm cha đặc trách Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, S.J., thầy Phêrô Đào Anh Tuấn, S.J.., bản thân tôi cùng các bạn sinh viên đại diện thuộc 14 nhóm. Tổng số sinh viên khoảng 1000 em. Bình quân mỗi nhóm có 50-70 em.

– Tôi thắc mắc không biết các nhóm sinh viên vùng này được thành lập từ khi nào?

Thật ra, để tìm một mốc chung cho các nhóm thì rất khó, nhưng cách chung, các nhóm của SVCGTĐ được thành lập chính thức khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu do nhiều dòng quy tụ và hoạt động riêng lẻ, nhưng gần 10 năm nay được giao cho dòng Tên phụ trách chính. Chúng tôi đã quy tụ 14 nhóm lại và thành lập SVCGTĐ.

– Phải chăng sinh hoạt của các nhóm sinh viên chỉ là hoạt động xã hội đơn thuần thưa thầy?

Với tên gọi Sinh Viên Công Giáo thì hẳn vấn đề ưu tiên của SVCGTĐ là mang tính Công Giáo. Chúng tôi được mời gọi huấn luyện sinh viên thành những Kitô hữu trưởng thành, những trí thức thấm nhuần Tin Mừng, yêu mến và xây dựng xã hội và Giáo Hội, có tinh thần trụyền giáo, và sống chứng nhân trong môi trường. Cụ thể, chúng tôi giúp họ biết cầu nguyện theo phương pháp I-nhã, biết hồi tâm xét mình/nhận định ngày sống, rồi làm quen với Linh Thao qua các khóa Linh Thao hè được tổ chức cho sinh viên.

– Thầy có thể cho độc giả biết cụ thể hơn về sinh hoạt của các nhóm không ạ?

– Các nhóm nhỏ, tức 14 nhóm nói trên, thường sinh hoạt vào tối thứ 7 hoặc Chủ Nhật, bắt đầu lúc 18h45 và kết thúc lúc 21h. Nội dung của các buổi sinh hoạt liên hệ đến các chủ đề đức tin, tình bạn, nhân bản và các vấn đề nóng bỏng của xã hội và Giáo Hội. Hàng tháng còn có tĩnh tâm tháng theo nhóm; hàng năm có những sinh hoạt chung, đặc biệt có các khoá Linh Thao hè dành riêng cho sinh viên.

– Vậy đâu là vai trò của các thầy trong các nhóm sinh viên này thưa thầy?

Quý thầy hiện diện trong các nhóm không phải để lên chương trình và chạy chương trình, nhưng là để đồng hành. Việc đồng hành chính yếu của quý thầy là thiêng liêng trong các chương trình sinh hoạt. Bên cạnh đó, các thầy cũng trao đổi với từng cá nhân giữa các bạn trong nhóm khi họ gặp những thách đố về việc sống đạo giữa đời hay những điều gì liên quan đến cuộc sống của các bạn. Tuy nhiên, đôi khi các bạn chưa quen với việc điều hành nhóm sao cho có hiệu quả, thầy đồng hành sẽ góp ý thêm để việc tổ chức và điều hành nhóm tốt hơn.

– Xem ra vai trò của quý thầy trong các nhóm rất quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn thường nghe các thầy chia sẻ rằng tông đồ sinh viên là công việc thách đố nhất đối với các thầy học viên trẻ. Thầy có thể giải thích “thách đố nhất” có nghĩa là gì không ạ? Theo nhận định của riêng thầy, lời bình luận này có xác đáng không?

Dĩ nhiên, mỗi người có một quan điểm. Mỗi thời điểm lại có những suy nghĩ khác nhau. Theo thiển ý, tôi nhận thấy việc tông đồ sinh viên mang tính giằng co hơn là thách đố. Thật vậy, khi anh đồng hành với sinh viên, một mặt, anh phải diễn tả sự quan tâm của anh làm sao cho người khác thấy sự quan tâm anh dành cho họ là một sự quan tâm chân thành, không giả dối hay đóng kịch; đồng thời cũng diễn tả làm sao cho họ thấy được căn tính thật sự của mình, tức một người tu sĩ.

– Vậy tôi có thể nói giải quyết mối giằng co thầy vừa chia sẻ là thách đố lớn nhất đúng không ạ?

Vâng, có thể nói như vậy.

– Qua 2 năm giúp sinh viên, thầy còn nhận thấy khó khăn nào không?

Với bản thân tôi, điều khó khăn nhất nằm ở khả năng nhận định. Thật vậy, khi được quan tâm cách này hay cách khác, anh không dễ dàng nhận định được mọi vấn đề, nhất là phân biệt được những rung cảm và chuyển động của nội tâm mình. Thật không dễ dàng để gọi tên cho từng loại cảm xúc xảy đến trong nội tâm mình và phân chia thành từng mảng cho những cảm xúc đó. Chẳng hạn như cảm xúc nào thuộc sinh lý, cảm xúc nào thuộc tâm lý, cảm xúc nào thuộc tâm linh… Bên cạnh đó, anh phải luôn biết nhận định mình phải gặp gỡ người khác thế nào để họ thấy họ đang gặp gỡ với một người đã được thánh hiến cho Chúa.

– Với nhiều kinh nghiệm đã qua, xin thầy chia sẻ làm thế nào để thầy vượt qua được những thách đố và khó khăn như thế.

Tôi cảm nghiệm rằng, để vượt qua được những thách đố và khó khăn (nếu có), một tay anh phải biết bám lấy Chúa, một tay anh phải biết ôm lấy anh em cùng sống chung với mình.

– Thầy có thể nói rõ hơn điều này được không?

Ý tôi muốn nói đến tầm quan trọng thiết yếu của đời sống cầu nguyện và đời sống cộng đoàn.

– Ngoài những khó khăn, thầy có thể chia sẻ về những thuận lợi của việc tông đồ sinh viên không ạ?

Sau hai năm đồng hành với sinh viên, tôi nhận thấy thuận lợi nằm ở chỗ này: Sinh viên cách chung đều mong có một môi trường mà ở đó họ được thấu hiểu, và họ cũng mong một đời sống chân thật, đạo hạnh; bởi vì dù sao, họ vẫn là những con người đầy lý tưởng và hoài bão.

– Chắc hẳn sự đồng hành của quý thầy sẽ giúp ích cho các em sinh viên, nhưng thầy có nghĩ rằng hoạt động nhóm như thế sẽ giúp ích cho ơn gọi của thầy?

Tôi thấy mình đang tương quan với những người trẻ và người trẻ luôn cần một cái gì đó nhiều hơn là sự chăm sóc về phương diện kỹ thuật. Họ cần đến tình người, cần đến sự quan tâm chân thành. Tôi nghĩ điều này giúp ích rất nhiều cho tôi trong đời tu, bởi sống với người trẻ, tôi biết lúc nào nói về Chúa và lúc nào không nói gì thì tốt hơn, biết khi nào thì khơi lên những lý tưởng cao đẹp cho họ và khi nào thì nhẫn nại và hy vọng, biết khi nào thì cương quyết khi nào thì mềm mỏng. Sống với người trẻ giúp tôi thấy đời tu của tôi  rất đời và rất người, nhưng cũng rất tu và rất Chúa.

– Vậy đây có phải là hướng nhắm sứ mạng của thầy trong tương lai?

Tôi muốn đồng hành với người trẻ Việt Nam hôm nay bằng Linh Thao, chia sẻ Lời Chúa, thao luyện nhẹ nhàng và chút kiến thức tâm lý mà tôi đã được thụ huấn trong những năm tháng học đại học và những tháng ngày rèn luyện trong Dòng. Tôi muốn chú ý đặc biệt đến sứ vụ giúp Linh Thao cho người trẻ. Tôi nhận thấy, vào thời buổi này, sự mung lung, rối loạn, bao nhiêu chủ nghĩa mới ra đời và các thay đổi nhanh chóng đã làm cho người trẻ đương thời rất khó có thể thiết lập một trật tự cho đời sống của mình và đáp trả cách xác quyết và vui vẻ lời mời gọi của Chúa trong từng cảnh huống sống của họ. Tôi cảm nghiệm, chính Linh Thao đã vạch ra một con đường và một phương pháp đặc biệt quý báu để giúp mọi người tìm kiếm Thiên Chúa, ngay trong bản thân mình, xung quanh mình và trong mọi sự để nhận ra ý Chúa và đem vào đời sống thực tế.

– Xin chân thành cám ơn thầy vì những chia sẻ rất chân thành và hữu ích. Xin Chúa ban phúc lành cho công việc tông đồ thánh thiện này, và xin Ngài tuôn đổ ơn lành xuống trên thầy, quý thầy đồng hành và các bạn sinh viên trong vùng.

Xin cám ơn vì đã cho tôi cơ hội chia sẻ về công việc tông đồ của mình. Xin quý vị độc giả cầu nguyện cho tôi, quý thầy đồng hành và các bạn sinh viên.

Thực hiện: Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *