Chương 27 – Thánh I-nhã Chinh Phục Người Thầy Của Mình – Phanxicô Xaviê – Cho Việc Phụng Sự Chúa Kitô
“Kẻ ấy dùng Linh Thao để dẫn Phanxicô Xaviê đến đời sống phục vụ Thiên Chúa.” (Tự Thuật, 82)
Suy niệm
Phanxicô Xaviê là thao viên, là người đồng hành, và là người bạn tốt nhất của Thánh I-nhã. Giống như Phêrô Favre, cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê thật ngắn ngủi, sinh 1506 và mất 1552. Được hoán cải vào năm 27 tuổi, Phanxicô được thụ phong linh mục năm 31 tuổi và 05 năm sau được sai đi Ấn Độ. Ngài qua đời ở tuổi 46 trong khi đang hướng lòng về đất nước Trung Hoa. Ngày nay, Giáo Hội tôn phong ngài là thánh bổn mạng các xứ truyền giáo.
Đang khi theo học tại Paris với Phêrô Favre và I-nhã, ngài đã chia sẻ mọi thứ với họ. Tình bạn đó thật sâu đậm và bền vững, ngay cả khi ngài đang ở bên phương Đông xa xôi. “Ngài luôn mang bên mình chữ ký của các bạn như là một báu vật.” Quả thực, ngài là một con người chiêm niệm đang khi miệt mài trong sứ vụ truyền giáo. Cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể vào buổi tối đem lại cho ngài sức mạnh để dấn thân trong sự xa cách và cô đơn cùng cực nơi phương Đông xa xôi.
Khi đang còn học ở Paris, Thánh I-nhã chất vấn Phanxicô với câu hỏi: “Này Phanxicô Xaviê, được lợi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích lợi gì?” Qua các bài tập Linh Thao, Phanxicô đã được biến đổi để quy phục Đức Kitô, vị Vua Hằng Sống. Ngài bắt đầu một cuộc sống mới, trở thành linh mục, người tông đồ, và là nhà truyền giáo. Trong suốt mười một năm miệt mài trong sứ vụ truyền giáo, chiều dài quãng đường ngài đi qua có thể bằng gấp ba lần chu vi trái đất. Một anh em Giêsu hữu đồng hành với ngài ở Ấn Độ nói về ngài như thế này: “Anh ấy không cao mà cũng chẳng thấp, anh ấy luôn giữ được phẩm giá của mình, và không kiểu cách. Anh ấy luôn giữ được sự an bình với nụ cười luôn trên môi; anh ấy ít nói nhưng lời nói thì thật sâu sắc.”
Phanxicô không để cho những thứ mau qua cuốn hút mình, nhưng luôn khiêm nhường; với tâm hồn tràn đầy hy vọng, ánh mắt ngài luôn dõi theo vị Vua Hằng Sống.
Câu hỏi giúp phản tỉnh:
- Bạn có kinh nghiệm được sự thúc đẩy hay một tiếng gọi để “Tin Mừng hoá” thế giới không? Điều đó quan trọng như thế nào trong cuộc đời bạn?
- Theo bạn, “rao giảng Tin Mừng” thực sự nghĩa là gì?
- Theo bạn, đâu là những phẩm chất quan trọng nhất nơi một người tông đồ trong thế giới hôm nay?
- Bằng phương cách nào, đời sống thường ngày và đời sống cầu nguyện của bạn được hội nhất với nhau?
Trực giác của Thánh I-nhã
“Bất cứ ai muốn thành công trong việc giúp đỡ người khác, người ấy phải có lòng khiêm nhường hơn việc giữ vững phẩm giá của mình.” (Bartoli, Vita IV, 36 trang 365).
Suy gẫm với Lời Chúa: Mt 9,35-38 và 10,1-10
Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.