Kể cũng lạ, cứ 10 bản tình ca thì phải đến 9 bài mang nội dung tan vỡ. Phải chăng “tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở” là đúng? Có lẽ các bản tình ca chỉ khai thác thứ tình ảo mộng, nên phần nhiều chúng đều kết thúc trong dang dở. Sau ngày tình tan vỡ, có những cặp đôi chẳng bao giờ gặp lại. Họ chỉ thoáng cảm nếm thứ tình yêu ngọt ngào ban đầu rồi thôi. Cũng có người dám chấp nhận để tình yêu vỡ, chờ cơ hội, và tìm về nhau với chữ yêu tinh ròng. Sau ngày tan vỡ, tình yêu trở lại với một diện mạo mới, chân thật và có định hướng rõ ràng.
Khi tình yêu trở lại, cả hai đối diện và chấp nhận thực tại về nhau. Giống việc ta ăn một trái nhãn chín, khi đã hết phần thịt trắng, ngọt và thơm bên ngoài, chỉ còn trơ trọi thứ hạt đen, cứng và xấu bên trong. Nhưng lạ lùng thay, chính thứ hạt tưởng chừng vô dụng ấy mới nảy mầm và sinh cây. Tình yêu trở lại cũng vậy, một khi những ảo mộng lung linh tan đi, sẽ còn lại thực tại trọn vẹn về nhau. Và đây mới là khởi đầu đích thực của chuyện tình đôi lứa.
Khi tình yêu trở lại, họ không còn mất giờ để tưởng tượng và mộng mơ về tình yêu. Thay vào đó, họ cử hành tình yêu bằng hành động. Họ yêu thay vì nghĩ về tình yêu. Yêu nghĩa là chấp nhận nhau với không ít cái dở trong thói quen, đón nhận nhau với một vài cái hay trong tính cách. Người này nhận ra mình cần người kia biết bao, như thể họ cần mảnh ghép còn lại để có được bức tranh hoàn chỉnh. Không những thế, yêu đi kèm với lòng chung thủy, vì tình yêu, như hai mảnh ghép, sẽ rạn vỡ lần nữa nếu người thứ ba chen vào. Yêu cũng là biết tôn trọng những cái chung và cái riêng trong tương quan hai người. Dù một mặt người này ước ao thuộc trọn về người kia, nhưng mặt khác, người kia biết rằng người này cũng cần một không gian riêng nhất định. Thế nên, họ yêu nhau thật nhiều mà cũng tự do thật nhiều. Người này không muốn chiếm hữu người kia, và người kia cũng không muốn người này lệ thuộc mình. Có khi, yêu đơn giản là sẵn sàng đón lấy những đau khổ nảy sinh trong tình yêu, dù đau khổ ấy do một trong hai, hay đến từ gia đình bè bạn. Dĩ nhiên, thuộc tính của tình yêu là chung thủy, nhưng quan trọng không kém, tình yêu cũng đi kèm với sự tôn trọng và đức hy sinh.
Tình yêu thực sự không hướng vào trong, nhưng hướng ra ngoài. Tức là, tôi chỉ yêu đúng nghĩa khi tôi biết nghĩ và kiếm tìm điều thiện hảo cho người tôi yêu, thay vì quy mọi lợi ích về mình. Có khi con người dùng hai chữ tình yêu để bao che cho thứ tình vị kỷ. Tôi nói tôi yêu người, nhưng thực tế tôi yêu bản thân mình hơn cả. Nếu người ta thực sự yêu và tôn trọng người yêu, tại sao họ lại đòi người yêu phải thỏa mãn những nhu cầu xác thịt của riêng họ? Khi đó, người yêu không còn là bạn đồng hành cần được tôn trọng. Họ trở thành phương tiện phục vụ cho thú vui riêng.
Vì là bạn đồng hành, nên khi tình yêu trở lại cũng là ngày hai người không còn nhìn về nhau, nhưng nhìn về một hướng. Nếu hướng ra ngoài là bước chuyển cần thiết làm nên tình yêu, thì việc cùng nhìn về một hướng diễn tả đích đến của tình yêu chân thật. Thật thế, một khi hai người xác định yêu nhau một cách nghiêm túc, họ sẽ ngồi xuống và lên kế hoạch cho chuyện tình yêu của mình. Sẽ bớt dần những buổi hẹn hò, những lời đường mật và những món quà tốn kém. Thay vào đó là những cuộc chuyện bàn về tương lai, những lời động viên khích lệ và những tích lũy cả thời gian lẫn tiền bạc. Họ sẽ tính đến chuyện con cái, nơi ở, công việc và vô vàn điều liên quan đến chuyện tình yêu của họ. Ngày tình yêu trở lại, họ muốn đi một bước xa hơn trong việc biến cuộc tình thành mái ấm.
Đó là lý do vì sao các cặp đôi cần khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu nhau trước khi về chung đôi. Dù vài tháng hay nhiều năm, cả hai phải vượt qua những ngày hồng được thêu dệt bằng thứ tình mộng mị. Họ cần cảm được, không nhiều thì ít khoảnh khắc tình vỡ và học chờ tình yêu trở lại.
Và khi tình yêu trở lại, họ bắt đầu thử và tập sống cùng nhau. Cứ như thế, họ đang chuẩn bị cho một tương lai gần đang đến. Đó là ngày chung đôi.
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.