MM Tân, S.J.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo, không dễ nhận ra niềm tin và sự sống đang diễn ra nơi những người không cùng tôn giáo với mình, và ngược lại, người ngoài nhìn vào mình cũng có nhiều chuyện hiểu lầm.
Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao cơ hội gặp gỡ anh chị em lương dân, thậm chí có những nhà thân quen, thế nhưng đến rồi đi, cứ như người “ngoại đạo”.
Theo lời dặn dò của ĐGM Giáo phận khi sai anh chị em lên đường LBTM cho bà con lương dân, chúng tôi đi từng hai người một, trên đường nhắc nhở nhau cầu nguyện, vào nhà thì người này nói, người kia cầu nguyện, để cả ngưới nói và nghe đều nói và nghe trong Thần Khí là Đấng dẫn đưa tất cả vào sự thật.
Lắng nghe để biết ngôi nhà mình vừa đặt chân vào là ai, đâu là niềm tin được dấu ẩn trong cách thờ cúng, qua việc sắp xếp bàn thờ và nhang đèn.
Có dịp ghé vào một nhà miền quê truyền thống, bầu khí linh thiêng bao trùm khách lạ khi ngước nhìn lên bàn thờ, ngay gian chính giữa là hương án CỬU HUYỀN THẤT TỔ, hai bên là hương án cha sinh cha dưỡng và mẹ sinh mẹ dưỡng độ mạng cho người cha và mẹ gia đình. Trên các bàn thờ không có bài vị, cũng không có ảnh chân dung, bài vị và ảnh người mới qua đời chỉ để trên một bàn thờ riêng cho tới ngày mãn tang, bài vị thì đốt đi, ảnh chân dung thì được treo riêng ra một nơi, từ đây người đã khuất được thờ cúng ngay trên bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Thật vậy, hình ảnh ông bà tổ tiên nội ngoại không chỉ nhìn để tưởng nhớ, mà là niềm tin và sự sống: trong mái nhà này, cha mẹ con cái sống dưới bóng mát của ông bà tổ tiên nội ngoại. Trước sân nhà là bàn thờ Trời và Đất, Trời là cha và Đất là mẹ ôm trọn con cái, nhà cửa, ruộng vườn và nuôi sống, đồng thời nhận chìm tất cả trong cõi vĩnh hằng linh thiêng, nơi ông bà tổ tiên đã chạm đến và đang vui hưởng hạnh phúc. Trong cõi sống đích thực vĩnh cửu, sống gửi thác về là vậy, đương nhiên ông bà có thể phù hộ độ trì cho con cháu, do đó mối tương giao gia đình luôn được nối kết bằng lòng hiếu thảo và tình thương mến không rời.
Như thế, trong tâm thức Việt, người sống, sống với nhau trong kiếp sống này, vật đổi sao dời mà lòng dạ sắt son, vì luôn dựa cậy vào đôi tay quyền năng của Thiên Chúa Trời Đất và phúc lộc ông bà: mùa lúa năm nay ông bà cho…cành cây gãy ông bà đỡ… ngay cả khi miệng niệm Phật thì lòng vẫn như thể ngước nhìn trời cao: “Nam mô A Di Đà Phật, con lạy Chúa, con lạy Đức Mẹ…”
Cũng phải chú ý đến cách tin nhận và gặp gỡ các tôn giáo của người Việt,
Vì đạo Việt không có giáo chủ, cũng không có sách giáo lý, mà là truyền giảng chủ yếu qua ca dao tục ngữ và lề thói, vì thế đời sống đạo không quá chặt chẽ, và dễ bị pha trộn nhưng lại vẫn giữ được bản sắc Việt…Thật vậy, đạo HIẾU đâu biết đến cha sinh cha dưỡng, mẹ sinh mẹ dưỡng độ mạng, thế nhưng những con người tốt làmh và thánh thiện thì tại sao lại không thể độ trì cho chúng sanh sau khi đã đạt tới cõi vĩnh hằng, có gì khác biệt ở đây giữa các thánh bổn mạng và các thần độ mạng? Tương tự đạo Phật đâu biết đến ÔNG TRỜI, vậy mà đạo hiếu vẫn có thể dành chỗ cho Đức Phật trên bàn thờ tổ. Hình như các đấng tốt lành thì cứ mở cửa đón vào nhà, nhưng cái căn duyên vẫn là TRỜI, làm nên mối dây liên kết với mọi người và giữa muôn tạo vật.
Mắt ngước nhìn trời cao, biết “Ông Trời có mắt”, con người hòa mình giữa đất trời trên đôi tay quyền năng của Trời.
Nhìn vào sâu thẳm lòng mình, thấy “lưới trời lồng lộng”, người Việt được thức tỉnh để không dám làm điều gì trái lương tâm.
Để cuối cùng hình thành một cung cách Việt: chan hòa, bao dung, thanh thoát, thủy chung và luôn trong sáng.
Hình ảnh Cornêliô trong CVTĐ cũng gặp thấy ở đây: những con người kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, một dân tộc như thế này, thì lòng dạ luôn sẵn sàng để nhận ơn phúc từ Trời.
Vậy thì là môn đệ của Chúa Giêsu, hơn đâu hết, tôi phải tự hỏi xem mình đã và đang làm gì trước sứ mệnh được sai đến với dân tộc mình
CVTĐ kể lại rằng khi những người nhà ông Cornêliô đã đứng trước cửa nhà ông Phêrô, thì cũng là lúc ông nghe lời Thần Khí phán bảo:
“Kìa có 3 người đang tìm ngươi, đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì…(Cv 10,19-20).
Phêrô đã vâng lời, không chút chần chừ, ông đi ngay, dù biết rằng giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ với người Do Thái. Đến nơi, sau khi đã chào hỏi và kể cho nhau biết chuyện gì đã dẫn đến cuộc gặp gỡ hôm nay, Phêrô lên tiếng nói: “quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào, nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận”(Cv 10,34-35), ngay đó, Phêrô đã công bố lời loan báo Tin Mừng bình an.
Thần Khí đã lên tiếng thúc đẩy Phêrô…
Cùng một Thần Khí thúc đẩy vị kế nhiệm Phêrô hôm nay,
Trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, đức giáo hoàng Phanxicô đã tha thiết mời gọi và nhắc nhở bổn phận của mọi Kitô hữu, với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu như sau:
Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan tòa tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37). (EG 49)
“Đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì…”
“Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…”