Trong bài đọc trích thư gửi cho ông Timôthê, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta ba cách để tuyên xưng Chúa Kitô. Đó là: làm con, làm chứng nhân, và làm mẹ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Luôn có một chút điên dại nào đó khi loan báo Tin Mừng
Từ ngữ thứ nhất là: làm con. Thánh Phaolo đã xúc động chảy nước mắt khi nhớ tới và viết thư cho Timôthê. Thánh nhân gọi Timôthê là người con yêu dấu, khi ngài nhớ tới đức tin trung thành của Timôthê. Khi công bố Tin Mừng, thánh Phaolô đã thực hiện với lòng can đảm, đã không làm giảm sứ điệp theo kiểu nói nửa sự thật.
Chính thánh Phaolô nói: Lời rao giảng này thật là điên rồ. Là điên rồ, vì thánh nhân rao giảng về một vì Thiên Chúa đã trở thành con người, đã chịu chết đóng đinh trên thập giá, và đã sống lại. Những điều này thánh nhân công bố cho dân thành Athen. Khi nghe Phaolô nói, người ta bảo rằng: Thôi, chuyện này để ngày mai chúng tôi sẽ nghe. Luôn luôn như thế, lời loan báo về đức tin luôn có chút điên dại. Đức tin là như thế, không hề tầm thường chút nào.
Nếu thiếu chứng nhân thì lời rao giảng mất đi sức mạnh
Từ ngữ thứ hai là: chứng nhân. Đức tin được thông truyền qua các chứng nhân, qua đời sống của những con người sống đức tin. Giống như người ta nói về các Kitô hữu đầu tiên rằng: Xem kìa, họ sống yêu thương nhau làm sao!
Hôm nay, trong mỗi giáo xứ, có ai đó đến, nghe và nói điều này điều nọ. Thay vì nói rằng, họ yêu thương nhau, thì lại nói họ đang hại nhau. Và như thế, miệng lưỡi là con dao được dùng để nói xấu vu khống nhau. Làm thế nào để có thể thông truyền đức tin trong một bầu không khí hư hỏng như thế? Không thể được, vì đức tin luôn cần có chứng nhân. Người ta không nói rằng: Hãy nghe người ấy nói! Nhưng người ta sẽ nói: Hãy nhìn kìa, hãy xem các việc bác ái, hãy xem người ấy đi thăm viếng người ốm đau bệnh tật, tại sao người ấy lại làm như thế? Người ta sẽ tự hỏi rằng: Tại sao người ấy sống như thế? Với đời sống chứng nhân ấy, đức tin sẽ được thông truyền. Bởi vì, trong đời sống ấy có đức tin. Bởi vì đời sống ấy có dấu vết của Chúa Giêsu.
Giáo Hội là người mẹ cưu mang đức tin
Từ ngữ thứ ba là: làm mẹ, làm bà. Đức tin được cưu mang từ cung lòng Giáo Hội là mẹ. Vào thời kỳ độc tài và rất khó khăn về chính trị xã hội, có người nữ tu Albania nọ đi dọc theo bờ sông. Các lính canh cho phép Sơ đi lại một chút như thế, vì nghĩ rằng Sơ chẳng thể làm được gì nguy hại. Biết được điều ấy, các bà mẹ rất nhạy bén, họ biết được khi nào người nữ tu ấy được ra ngoài và đi lại bên bờ sông. Thế là các bà mẹ đã bí mật ẵm con đến để Sơ có thể ban bí tích rửa tội bằng nước sông ấy. Đó là một câu chuyện điển hình.
Tôi tự hỏi mình rằng, các mẹ các bà bây giờ có còn giống như người mẹ người bà được thánh Phaolô nhắc tới trong bài đọc hôm nay hay không? Thánh nhân viết trong thư cho Timôthê rằng: Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ của con là Eunile. Ngày nay các bà các mẹ có còn thông truyền đức tin chân thành cho con cái hay không? Có người sẽ nói: nhưng các con các cháu sẽ đi học giáo lý! Tôi rất buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ không biết làm Dấu Thánh Giá. Và thay vì làm Dấu Thánh Giá, các em chỉ biết rằng, đó là một nghi thức cử chỉ vẽ vẽ vậy thôi. Bởi vì các bà các mẹ đã quên dạy các em điều ấy. Biết bao lần tôi nghĩ về những gì được dạy để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân, chuẩn bị cho cô dâu, cho người sắp làm mẹ. Liệu có cần dạy họ về cách thông truyền đức tin hay không? Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để Ngài dạy chúng ta sống chứng nhân, cách thông truyền đức tin.
Tứ Quyết SJ
Truyền Thông Vatican, 26.01.2018