Tại sao Chúa Kitô chẳng thể tha thứ tội lỗi chúng ta với một nụ cười?

Tác giả: Mauricio Artieda

Tôi muốn nói rằng đây không phải là điều dễ trả lời. Đã có rất nhiều người viết về chủ đề này rồi. Phần tôi, tôi không có ý định nói tất cả mọi khía cạnh của đề tài thần học rất phong phú và đa dạng vốn thu hút một bộ phận lớn các thần học gia Kitô giáo. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ dành riêng cho các nhà thần học. Bạn nghĩ thử xem, một đứa trẻ cũng có thể hỏi: “Ba ơi, tại sao Chúa Giêsu chết trên Thập Giá? Ngài có phải là Thiên Chúa không? Đã bao giờ bạn nghĩ cách để trả lời câu hỏi ấy nếu đứa con yêu quí của bạn đặt ra? Tôi từng đọc nhiều cuốn sách liên quan đến đề tài này, nhưng ở đây, tôi không có ý làm một tóm lược lịch sử thần học để đưa ra lời đáp. Hiển nhiên việc biết những lập luận và những lý do mà bộ môn thần học đưa ra để đối thoại với lý trí con người là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngay từ đầu, mỗi người phải hiểu mình đang đứng trước một mầu nhiệm mà con người có lẽ không bao giờ đạt được một hiểu biết thấu đáo. Xin lưu ý rằng tôi không có ý nói đến một thực tại không thể lĩnh hội vốn tự đóng khung trong chính nó. Quả thực, trong lối nhìn Kitô giáo, mầu nhiệm này là một thực tại vượt quá tri thức con người. Tuy thế, nhờ Mạc Khải mầu nhiệm này dần dần được tỏ lộ. Điều này thiết yếu giúp con người biết rằng ẩn dưới mầu nhiệm sự dữ là thứ gì đó lớn hơn nhiều lần so với điều họ có thể nghĩ tới. Và nếu người ta có thể mon men bước vào mầu nhiệm ấy, ngay cả chỉ mới bắt đầu biết vài nét chấm phá nho nhỏ trong đó, thì tất cả tri thức được xem là gần với sự thật như thế luôn là ân sủng được ban xuống chứ không do bởi nỗ lực cá nhân con người.

Về vấn đề rất quan trọng này, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm riêng tư đã đánh động tôi sâu sắc và giúp tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa của Thập Giá Chúa Kitô. Chuyện xảy ra vài tháng trước, khi tôi có cơ hội đến Auschwitz, một thị trấn miền nam Ba Lan, nơi có trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc Xã thời Thế Chiến Thứ II. Hàng ngàn người đã chết ngay tại nơi ấy. Hầu hết họ là những người Do Thái, nhưng trong đó có những người Kitô giáo và một số thuộc những tôn giáo khác. Và đây cũng chính là nơi thánh Maximilian Kolbe đã anh dũng hy sinh.

Auschwitz được dựng nên với những trại riêng biệt. Đây là nơi những tù nhân sống và làm việc. Những trại này ngày nay trở thành những bảo tàng nhỏ trưng bày những đồ dùng, dấu tích của những người đàn ông đã từng ở đó hầu tưởng nhớ những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ lúc bấy giờ. Tôi chỉ đề cập đến nam giới bởi lẽ dù phụ nữ và trẻ em cũng đã bị đem tới đây, nhưng ngay sau khi xuống tàu, vì bị xem là không đủ sức cho công việc vốn đòi hỏi một người nam trưởng thành đảm nhận, nên người ta đã chuyển họ đi nơi khác.

(cảnh báo: hình ảnh dưới đây có thể gây đau buồn)

Concentration Camp

Concentration Camp

Trong từng trại, người ta có thể thấy nhiều đồ dùng cá nhân của những người đã từng ở đây, những phòng tắm cũng như những phòng họ ở – trong những điều kiện ác độc, dã man.

objetos

Bodies Camp Dead

Bathroom

Tôi phải thừa nhận, thái độ của tôi trong phần lớn chuyến tham quan chỉ là thái độ của một du khách tò mò muốn biết nhiều về những biến cố vốn để lại những ấn tích đau thương trong lịch sử nhân loại vào thế kỷ 20. Điều ngay lập tức thay đổi lối nhìn của tôi chính là những giọt nước thình lình trào ra trên đôi mắt một người phụ nữ trong lúc chúng tôi bước vào một căn phòng rộng lớn. Nơi đây, người ta triển lãm một lượng tóc rất lớn mà quân Phát-xit cắt từ những nạn nhân – ai mà biết họ sử dụng cho việc gì trong những xưởng dệt của Đức Quốc Xã xưa.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận điều ấy, nhưng chính những giọt nước mắt của người phụ nữ đã giúp tôi nhận ra mình đang sống bên ngoài biến cố. Có lẽ hơn bao giờ hết, chỉ trong giây lát, tâm hồn tôi suy ngẫm về một vực thẳm lớn lao của lòng thù ghét, sự thờ ơ và lãnh đạm. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi kinh nghiệm một sự khước từ tất cả những gì Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đã nói với tôi. Dường như Thiên Chúa đã thực sự bị quên lãng nơi trại tập trung này. Và không thứ gì hoặc không ai có thể lấp đây khoảng trống của sự phân cách giữa Ngài và nhân loại vốn do con người lạm dụng tự do của mình đã tạo nên.

Hair

 

Tôi rời căn phòng ấy và thấy trong lòng đầy phẫn nộ. Trong những lớp giáo lý, tôi đã nói với học viên của tôi hàng ngàn lần rằng sự tự do là một món quà đầy mãnh lực đến nỗi cùng với nó con người có thể phủ nhận cả Thiên Chúa. Tuy thế, tôi chưa từng nghĩ về sự cô đơn và trống rỗng bên trong điều tôi đã nói. Tôi đi vào dãy phòng vệ sinh chung để lấy lại một chút bình tâm, nhưng tôi chẳng thể kìm lại dòng lũ những hình ảnh và ký ức đang cuồn cuộn nổi lên tâm trí tôi. Những ký ức ấy trở thành trong tôi một lịch sử đau thương không sao nói thành lời.

campos-3

Bodies Camp

Từ giây phút đó, tôi bắt đầu đặt ánh mắt mình trên những thứ khác nữa. Tôi ngưng không chụp hình và cố gắng hoàn tất chuyến hành trình với một tâm thức thiêng liêng mở ra với mầu nhiệm đang ở ngay trước mắt. Nhưng tôi không chắc mình đã đụng chạm tới tinh thần ấy. Thực tế trong lúc đó tôi cảm thấy trong mình một sự căm phẫn, oán hờn. Có lúc tôi đối diện với Thiên Chúa và cảm thấy xấu hổ về tình trạng của tôi, phận người của tôi.

Tại lối ra của trại, một người bạn vừa đuổi kịp và hỏi tôi có thấy hình những cậy thập giá không. Tôi hỏi: “Thập giá nào?” Anh ta giải thích ngắn gọn rằng có thể một vài tù nhân Kitô giáo đã khắc hình những cây thập giá lên những bức tường của xà lim nơi họ ở, và có ai đó đã khắc cả hình Thánh Tâm Chúa Giêsu lên đó nữa. Tôi không biết chắn điều gì đã thôi thúc người ấy rút điện thoại ra và chỉ cho tôi thấy những tấm hình này – có lẽ biểu hiện của tôi là một nửa ngạc nhiên, và một nửa khác nghỉ ngờ – nhưng tôi thấy phải cám ơn anh ta rất nhiều …

Cross on the Wall

Tôi cám ơn anh ta không phải vì những tấm hình đẹp. Thật đáng ngạc nhiên, tôi thậm chí đã không nghĩ tới, “Quá tuyệt vời – niềm cậy trông nơi những con người, dẫu đang phải chịu đớn đau, tù ngục, vẫn tín thác vào tình yêu Chúa Giêsu.” Tự biết rằng đó là chuyện thông thường, nhưng điều tôi nghĩ và cảm nghiệm sâu sắc khi nhìn những tấm hình chính là “Trái tim của những con người ấy đòi một lễ đền tội, ai đó phải trả giá cho sự dữ gớm ghiếc này?” Đừng hỏi tôi tại sao, nhưng tôi cảm thấy cây thập giá được khắc lên tường là lời tuyên cáo đòi hỏi sự công bình, là sự biểu lộ rất đỗi con người về nền tảng siêu hình của thế giới. Thế giới không có lời nào để giải thích tận căn cho vấn đề sự dữ, đơn giản, vì tự nó vốn là sự thinh lặng tuyệt đối.

Và rồi ai là người có thể trả giá cho cả trại tập trung Auschwitz? Có lời nào để lấp đầy cái hố sâu thẳm thẳm con người đã tạo ra chăng? Người có thể trả giá chắc chắn không phải là Hitller và những người theo ông ta. Cái giá mà tội lỗi để lại quá lớn đến nỗi không một trái tim nhân loại nào có thể bù đắp được. Vực thẳm sâu này đòi một hy lễ đền tội khác, không phải của con người nhân loại, nhưng của một con tim đặc biệt hơn, có khả năng nói một lời sâu hơn biển cả. Hành động tội lỗi ghê tởm này như vực sau trong lịch sử cần một hy lễ lớn lao từ Trái Tim của Đấng Thánh.

Jesus on the Wall

Thật khó để người ta có thể tìm thấy một nụ cười bình an nơi những cây thập giá và của trái tim được khắc ghi nơi trại tập trung Auschwits. Nếu sự tha thứ luôn hàm ý một hành động của tình yêu, thì thách đố của việc tha thứ có thể chỉ được chinh phục nhờ một Đấng có thể trao ban tình yêu và điều thiện hảo vượt trên vực sâu thăm thẳm của sự oán ghét, hững hờ. Và thập giá được vẽ ra nơi đường chân trời như con đường Thiên Chúa chọn để sửa chữa, để điều chỉnh sự dữ nghiêm trọng mà con người trong sự tự do của họ đã tạo ra. Tôi không chỉ nói về tại tập trung Auschwitz, nhưng tôi cũng đang nói về lịch sử nhân loại, về sự dữ con người tạo ra mỗi ngày. Tôi vốn đã nghĩ đến một nguy cơ khi viết bài này, đó là phải nghĩ Thập Giá Chúa Kitô xuất hiện nơi đây để điều chỉnh sự dữ của những người “thực sự dữ” như Hitller, những tên Phát-xít, Osama Bin Laden,… Bạn có nghĩ những người trong bức hình này là những con quái vật?

Employees

Không! Họ không phải là quái vật, tuy nhiên, họ là những người làm việc trong trại tập trung Auschwitz. Sự dữ đi vào cuộc sống nhân loại như một sự xảo trá và cũng như một sự thinh lặng nhiệm mầu. Nó đến bất chợt như một tia, và nó khiến con người cứ khư khư gữi lấy những chọn lựa ngoan cố và nguy hiểm mà họ không sao lường trước. Hãy nhớ rằng đôi khi người ta có thể cảm tưởng dường như sự dữ như thể đang vắng mặt, bởi lẽ lúc ấy, nó ngụy trang dưới hình thức một sự bình tâm, dưới những lý do rất tốt, chẳng hạn như sự quan tâm lành mạnh dành cho chính bản thân mình, nhưng từng bước, từng bước nó dẫn người ta tới một sự vô tâm, vô cảm đối với người khác. Có lẽ tội lỗi của ta không mang dáng dấp của trại tập trung Auschwitz, nhưng ẩn sâu bên trong, chẳng phải nó cũng cùng là một dạng dửng dưng, một thái độ vô tâm vô cảm, một sự khước từ để trở thành một con người đích thực đó sao?

Có lẽ mỗi người chúng ta đều cần được sự tha thứ từ những cây thập giá và những trái tim được khắc ghi nơi trại tập trung Auchwitz. Đây cũng là ý tưởng tác động mạnh mẽ trên tôi ngày hôm đó. Và tôi hy vọng ý tưởng ấy vĩnh viễn ở lại trong tôi. Có lẽ sự dửng dưng và những tội “nhẹ” của tôi – đi ngược lại với điều tôi tin – không thể được chữa lành bằng một nụ cười giản đơn, nhưng phải bằng lễ hy sinh của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xin Thiên Chúa thứ tha !

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ

Lược dịch từ: https://catholic-link.org/why-couldnt-christ-forgive-our-sins-with-a-smile-warning-disturbing-images/

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *