Cách Cầu Nguyện Phải Tránh và Cách Cầu Nguyện

Có những cách cầu nguyện có sức thánh hóa, lại có những cách cầu nguyện chẳng những vô ích mà còn nguy hại. Trong đoạn Tin Mừng Lc 18, 9-14, Chúa Giê-su đưa ra hai mẫu cầu nguyện: một của người pha-ri-sêu và một của người thu thuế. Bài cầu nguyện hôm nay, chúng ta cùng xin Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách cầu nguyện nào phải tránh và cách cầu nguyện nào nên theo.

Download Cách cầu nguyện phải tránh…

Đối với người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn, để cầu nguyện, ông chọn cách “đứng riêng ra một mình” Đứng riêng ra vì ông nghĩ chỉ mình ông là công chính. Ông nói “vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Ông đứng riêng một mình vì ông sợ sự ô uế của người bên cạnh lây nhiễm vào ông. Lời cầu nguyện của ông đầy những công trạng. Ông “tạ ơn Chúa” vì những việc ông đã làm. Lời ông nói hoàn toàn sự thật, nhưng nguy hại ở chỗ, càng cầu nguyện, ông càng thấy càng thấy mình “không như bao kẻ khác”. Ông tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Ông mang hình ảnh của Adam xưa kia trong vườn địa đàng đã tách mình ra khỏi Eva khi đổ lỗi cho bà. Ngược lại, chính Chúa Giê-su đã lội xuống dòng sông, ôm lấy tội lỗi của thế nhân vào mình. Ngài đã không tách mình ra khỏi đám dân “tham lam, bất chính, ngoại tình”, nên chính Chúa Cha đã tuyên xưng Ngài trước mặt muôn dân “Con là con yêu dấu của ta”. Trong cầu nguyện, thay vì thấy tội lỗi của mình và xin Thiên Chúa đoái thương, ông lại thấy tội lỗi của người anh em, và còn khinh chê người anh em nữa. Ông thật khác xa với bản chất ban đầu khi ông được dựng nên – bản chất nên một với mọi người.

Dường như cầu nguyện đối với ông chỉ là phương tiện, một phương tiện để ông kể công với Thiên Chúa. Càng cầu nguyện, cái “tôi” của ông càng lớn; và càng cầu nguyện, ông càng thấy tội của người khác. Trong cầu nguyện, thay vì tìm Chúa, ông lại tìm những công trạng của ông. Ông đâu có biết, dù công trạng của ông có lớn lao đến đâu, thì ông cũng chỉ là thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để được cứu rỗi. Với cách cầu nguyện như thế, lòng của ông không có chỗ cho tình thương của Chúa ngự vào. Vì thế, chính Chúa tuyên bố, người này, sau khi về nhà, sẽ không được nên công chính, nghĩa là không được biến đổi để nên con cái của Thiên Chúa.

Ngược lại, người thu thuế đến đền thờ, nhưng chỉ dám “đứng đằng xa”. Ông ý thức được thân phận tội lỗi của mình, ý thức được sự bất xứng của ông trước nhan Đấng Cực Thánh. Ông không dám ngước mắt lên trời vì trời là nơi Đấng Cực Thánh ngự. Ông sợ phải đối diện với sự cực thánh ấy vì ông là người tội lỗi. Ông đứng riêng ra vì ông sợ sự ô uế của ông lây nhiễm vào cộng đoàn và làm cộng đoàn trở nên ô uế như ông. Với tâm tình ấy, ông “vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”.

Dù biết mình không xứng đáng, ông vẫn tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa; và khi ông nài xin, ông tin Thiên Chúa đã thương ông và vẫn thương ông. Trong lời cầu nguyện, không thấy ông nhắc đến tội lỗi đã phạm, vì ông tin rằng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự. Đến với Chúa, ông vừa thấy sự bất xứng của mình, nhưng ông cũng thấy tình thương của Chúa dành cho ông. Ông không có nhiều công trạng để dựa vào; điểm dựa duy nhất của ông là chính tình thương của Chúa. Chúa nói “người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”. Được nên công chính, được làm con cái Chúa là món quà cho những ai khiêm nhu tín thác vào tình thương vô biên của Ngài.

Cầu nguyện của tôi có sức thánh hóa hay không, có biến đổi tôi thành con cái Chúa hay không, hệ ở có dành chỗ cho Chúa trong trái tim và buông mình để Chúa huấn luyện.

Chúa ơi,
Hằng ngày chúng con vẫn dành giờ cầu nguyện với Ngài,
nhưng sao chúng con không được biến đổi,
sao chúng con không ngày càng trở nên con của Ngài.
Phải chăng chúng con quá cậy dựa vào tài năng của mình,
những tài năng mà chính Ngài đã ban cho chúng con!

Dù chúng con có làm được những chuyện lớn lao,
dù chúng con thực hiện nhiều công đức,
nhưng, “sự gì sinh ra bởi xác thịt, là xác thịt,
sự gì sinh ra bởi Thần Khí, là Thần Khí”,
những việc tốt đẹp chúng con làm,
chỉ có thể làm chúng con tốt đẹp hơn thôi,
không làm cho chúng con trở nên con của Chúa được.
Chỉ có Chúa mới có thể thánh hóa chúng con,
làm cho chúng con trở nên con cái của Ngài.

Hôm nay, ngang qua dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”,
Chúa mời gọi chúng con hãy nhận biết sự thật của mình,
sự thật chúng con chỉ là thụ tạo,
vương vấn nhiều lỗi lầm,
chúng con cần đến ơn thánh hóa của Chúa,
cần đến tình yêu của Ngài.
Chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã không bỏ rơi chúng con!
Chúng con cám ơn Chúa
vì qua hình ảnh người thu thuế,
chúng con được Chúa mời gọi
mở lòng cậy nhờ và tín thác vào tình yêu của Ngài.
Amen!

Radio Vatican
Nguyễn Hiền Nhu

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tất cả là hồng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 20-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 20-11-2024 (Lc 19,11-28) Khi dân chúng đang nghe những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *