“Ad Majorem Dei Gloriam”

Ngày 31 tháng 07 năm 2021
Lễ Thánh Inhaxiô Loyola

Công thức mà các tu sĩ Dòng Tên nhận làm châm ngôn cho Hội Dòng là : « Cho Vinh Danh Chúa Hơn ». Tiếng La-tinh Ad Majorem Dei Gloriam ; viết tắt là AMDG và dịch sát là « Cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa ». Điều ngay rất đúng, vì công thức này thường xuyên xuất hiện dưới ngòi bút của thánh Inhaxiô.

Vinh quang của Thiên Chúa là niềm đam mê của Đức Giêsu : « Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm » (Ga 17, 4) ; và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện ra trên Người : « Đức Giê-su Ki-tô là Đức Chúa cho vinh quang của Thiên Chúa Cha » (Pl 2, 11). Và các Ki-tô hữu được mời gọi hướng mọi hoạt động của mình về Thiên Chúa : « Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa » (1Cr 10, 31).

*  *  *

Điểm độc đáo của thánh Inhaxiô là từ ngữ so sánh : vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa. Điều này phù hợp với một nét tính cách, vốn là đặc tính của ngài, từ khi còn trẻ, và thánh nhân còn diễn tả tính cách này bằng một từ ngữ so sánh khác, cũng thường xuyên xuất hiện nơi ngôn ngữ của thánh nhân : « hơn nữa » (magis). Vào thời gian đầu của hành trình hoán cải, từ ngữ « hơn nữa » được quan niệm như là một thành tích có thể nói mang tính thể thao : ngài muốn thi đua với các thánh, làm như họ và « thậm chí hơn nữa » (Tự Thuật 14). Sau này, từ ngữ này diễn tả nhiều hơn một chuyển động đưa ngài hướng tới Thiên Chúa. Trong Linh Thao, nếu ngài mời gọi kí thác lời nguyện của chúng ta cho Đức Maria để Người mang đến cho Đức Giêsu, và kí thác cho Đức Giêsu để Người nhận lấy ân sủng cho chúng ta, từ Thiên Chúa Cha (LT 63 và 147), bởi vì đó cũng là cách ngài cầu nguyện. Khi làm thế, ngài cảm thấy nơi chính mình rằng, đó không chỉ là lời nguyện của mình được chuyển từ Đấng này sang Đấng kia, nhưng như ngài nói : « Tôi cảm thấy trong tâm hồn là mình đi tới hay được mang tới Thiên Chúa Cha » (NKTL 8). Và nhận thức này về vinh quang Thiên Chúa, luôn xa xôi và không rõ, đưa ngài về với trần thế. Từ cuộc hoán cải của ngài ở Loyola cho đến tận Roma, ngài yêu thích, khi đêm về, « nhìn ngắm bầu trời và các tinh tú, điều mà ông thường làm lâu giờ, vì ông cảm nhận nơi mình có được một nghị lực lớn lao để phục vụ Chúa chúng ta. » (TT 11)

Chiêm ngắm trời cao, nơi đó rạng ngời vinh quang Thiên Chúa, đã làm cho sống động những năng lực của thánh nhân để phục vụ. Phải chăng đó cũng là như thế, khi Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện ? Thật vậy, chúng ta có thể đưa câu kết luận của ý nguyện thứ ba : « Ý Cha được thực hiện » trong kinh Lạy Cha, lên làm câu dẫn nhập : « Dưới đất cũng như trên trời… Ước gì Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện ». Ở trên trời, Danh Thiên Chúa Cha được nhìn nhận và tôn kính một cách tuyệt đối, Vương Triều của Người đã đến, ý của Người được thực hiện hoàn toàn ; vinh quang Thiên Chúa tràn ngập mọi sự. Thế thì, ở dưới đất cũng phải như thế đó. Chúng ta nguyện xin điều này, nhưng lời nguyện của chúng ta phải quay lại thành lời mời gọi làm việc cho sự tăng trưởng của vinh quang Thiên Chúa ở dưới đất, theo cách thức của Đức Giêsu : « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha » (Ga 17, 6) ; « Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian » (c. 18) ; « Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành » (c. 24).

Như vậy, ý nghĩa của từ ngữ so sánh thì thật rõ ràng đối với thánh Inhaxiô : nếu vinh quang Thiên Chúa là tuyệt đối ở trên trời, thì chính chúng ta phải làm vinh quang của Người lớn lên ở dưới đất ! Thánh giáo phụ I-rê-nê đã nói : « Vinh quang của Thiên Chúa, đó là con người sống » : con người không còn là nô lệ nữa, nhưng là người con và có thể gọi Thiên Chúa bằng tên của Người là Cha; đó là trái đất được mời gọi trở nên một vương quốc của công chính và hòa bình ; đó là một nhân loại « được qui tụ dưới quyền của một thủ lãnh duy nhất, là Đức Ki-tô » (Eph 1, 10).

*  *  *

Vì thế, « Vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa » sẽ là cùng đích và tiêu chuẩn của mọi lựa chọn : « đi theo điều mà tôi “cảm thấy” hợp hơn cho vinh quang và sự ca ngợi Thiên Chúa, Chúa chúng ta » (LT 179). Đó cũng sẽ là cùng đích và tiêu chuẩn của những lựa chọn mà Vị Tổng Quản Dòng Tên thực hiện, đối với mọi chi tiết : ngài sẽ làm điều mà ngài xét thấy là tốt « cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và cho sự phục vụ lớn hơn dành cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cho lợi ích phổ quát hơn, đó chính là cùng đích duy nhất mà chúng ta tìm kiếm ở điểm này, cũng như ở trong mọi chỗ khác (Hiến Pháp 508).

*  *  *

Có thể đọc và cầu nguyện :

  • Tv 19 (18), 1-7 : « Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa… ».
  • Is 6, 1-8 : « Hoàn vũ tràn ngập vinh quang của Người ».
  • Ga 17 : « … để cho Con của Cha tôn vinh Cha ».

Giuse Nguyễn Văn Lộc
Viết theo Jean-Claude Dhôtel, SJ,
La spiritualité ignatienne. Points de repère,
Paris, Vie Chrétienne.
Xuất bản lần đầu năm 1990, tái bản năm 2010, trang 44-45.

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *