“Ai liều mất sự sống mình vì Tôi…” (14.11.2021 – Chúa nhật – Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)

 

“Ai liều mất sự sống mình vì Tôi…”
(Lc 9, 23-26)

Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong Thánh Lễ này, chúng ta mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Năm. Cụ thể, có tất cả 96 vị thánh tử đạo: 37 thánh tử đạo linh mục và 59 thánh tử đạo giáo dân, nam và nữ. Các vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Như chúng ta vừa nghe, đa số các thánh tử đạo là giáo dân nam và nữ. Vậy chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội và nhất là cho tất cả các Ki-tô hữu, là chính chúng ta, có được niềm xác tín tuyệt đối nơi tình yêu muôn ngàn đời bền vững của Thiên Chúa dành cho chúng ta, bất chấp mọi sự, theo gương của các thánh tử đạo. Như lời thánh Phao-lô nói:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

 

  1. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

Hôm nay, trong Thánh Lễ này, Đức Giê-su mời gọi một lần nữa với từng người trong chúng ta một cách đặc biệt. Một cách đặc biệt, đó là bởi vì, chúng ta là nòi giống, là con cháu, là hoa trái của máu các vị thánh Tử Đạo, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng đến mức độ anh hùng, theo gương của các Thánh Tử Đạo của chúng ta.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta, sống ơn gọi gia đình hay ơn gọi tu trì, đều cảm thấy lời mời gọi này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời này, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.

Nhưng kinh nghiệm sống của các Thánh Tử Đạo, của các bậc cha anh, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho thấy rằng lời gọi này của Đức Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối, lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt.

Thật vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.

Cách sống này có vẻ khắc khổ, sầu bi, đầy vất vả và đau khổ, nhưng nếu được sống bằng tình yêu, sự trung tín, lòng mến, tình thương, tình bạn, thì một cách sống như thế sẽ biến thành niềm vui và hạnh phúc sâu xa và bền vững. Như thánh Au-gus-ti-nô nói, trong tình yêu thì không có đau khổ; và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi.

 

  1. “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”

Nhưng lời của Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa: “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Chúa mời gọi chúng ta đi theo con đường của Chúa, và chúng ta có thể tự do ưng thuận hay không. Nhưng hậu quả rất là nghiêm trọng và không thể đảo ngược được, đó là mất đi sự sống hay cứu được sự sống mãi mãi. Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ qua đi. Và Đức Giê-su mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi vì Chúa và theo gương của Chúa, để có thể nhận lại sự sống.

Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa khó hiểu và vừa vừa khó sống. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

  • Đó là hạt lúa mì, vốn phải chịu chôn vùi và nát tan, để nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh nhiều hạt khác.
  • Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều này đặc biệt đúng nơi những người mẹ: người mẹ phải cho đi chính máu thịt, chính sự sống của mình khi cưu mang sự sống mới, là đứa con; và nhất là khi có những người mẹ, phải hy sinh sự sống của mình để sinh con.
  • Đó là đời dâng hiến, là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ, để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm nơi nhiều người.

 

  1. Qui luật muôn đời của sự sống

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

Như thế, lời của Đức Giêsu không chỉ là một thách đố tận cùng, nhưng còn là Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống mới, phong phú và viên mãn, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống.

 

* * *

Và đó cũng là niềm xác tín của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà chúng ta mừng kính hôm này. “

Ai liều mất mạng sống mình vì tôi,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Đó hiển nhiên là lời hứa ban lại sự sống ở đời sau. Nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay rồi, và ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 26-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 26/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Lòng trung thành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *