[Suy tư Tin Mừng] Ai người vô tội?

Các bạn thân mến,

Nói về tương quan thân thiết và cá vị giữa con người và Thiên Chúa, còn hình ảnh nào gần gũi cho bằng ẩn dụ về hôn nhân. Kinh Thánh thường dùng ẩn dụ hôn nhân để nói về tương quan thân thiết giữa Thiên Chúa và con người. Tương quan này được diễn tả bằng giao ước tình yêu vô điều kiện. Tuy nhiên giao ước này chịu nhiều thử thách cùng với những thăng trầm của cuộc sống. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt đang phạm tội ngoại tình phản ánh tình trạng cuộc hôn nhân thiêng liêng của bạn và tôi trên hành trình theo Chúa.

1. Cuộc hôn nhân thăng trầm

Nếu như lật lại những trang Kinh Thánh, bạn sẽ thấy có vô số những trích đoạn nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người được so sánh bằng ẩn dụ về cuộc hôn nhân (St 2, 24), (Is 62, 4-5), (Hs 3, 1-13) (Mt 19, 6), (Eph 5, 30-31). Những trích đoạn Kinh Thánh này phần nào nói về cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương Israel đã ra tay uy quyền giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Đồng thời ký kết với họ một giao ước vĩnh cửu. Nhưng thay vì giữ một lòng trung thành Giao Ước với Thiên Chúa, họ đã đơn phương bẻ gẫy giao ước, bất trung, từ bỏ Thiên Chúa, tôn thờ ngẫu tượng, chạy theo thần ngoại, thực hiện lối sống vô luân. Điều này đã làm cho Thiên Chúa giận dữ. Tuy nhiên, thay vì đánh phạt, Thiên Chúa lại xót thương và ra tay cứu giúp. Lịch sử cứu độ từ đó mở ra một chương mới. “Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Ðồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được Ðức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Ðấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (Is 62, 4-5)

Các tông đồ thời Chúa Giê-su cũng thế, trước đó thề sống chết một lòng đi theo Thầy. “Bỏ thầy con biết theo ai, Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68) Nhưng sau đó, khi Thầy bị bắt, các ông mỗi người một nơi, bỏ chạy thoát thân, để Thầy lại một mình trong cô đơn và sầu muộn. Chính lúc Thầy cần có người để chia sẽ nhất, các ông bỏ lại Thầy một mình. Chính trong giờ phút này, Ngài cảm thấy cái giá của sự trung thành và tình yêu tận hiến.

Cũng thế, sau bao nhiêu năm sống đời Ki-tô hữu, bạn và tôi cũng đã bao lần chối bỏ mối dây hôn phối thiêng liêng giữa bạn và Thiên Chúa ngang qua việc chiều theo những cám dỗ, đam mê và sự vị kỷ để rồi bạn và tôi cũng dần xa đường lối Thiên Chúa. Dường như ngay trong tâm hồn con người, nơi không gian thiêng liêng nội tâm có điều gì đó của sự li tâm, điều gì đó xen giữa cuộc hôn nhân thiêng liêng, chia cắt tình yêu và sự trung thành giữa bạn và Thiên Chúa. Điều này dẫn đến sự bất trung và phản bội mà nó được phản ánh rõ nhất trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình hôm nay. Vậy mỗi người chúng ta tự hỏi, tôi là ai trong câu chuyện đó.     

2. Tôi là ai trong những người có mặt ở đó

Hẳn rằng trong câu chuyện ngày hôm đó có nhiều khuôn mặt nổi lên, những khuôn mặt đại diện cho sân khấu cuộc đời và tình trạng tâm hồn của bạn và tôi.

Tôi là người phụ nữ bị bắt đang phạm tội ngoại tình. Chắc hẳn tôi cảm thấy bị xấu hổ vì tội lỗi của mình bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ và tòa án lương tâm. Dân chúng đàm tiếu, dè bỉu và giơ tay định ném đá. Phải chăng hình ảnh tội lỗi bị phơi bày, phần nào phản ánh tình trạng công chính nguyên thủy bị tội lỗi làm vấy bẩn. Chính Chúa Giê-su mang lấy sự xấu hổ của con người để trả lại cho con người tình trạng tươi mới.

Tôi là một ai đó trong đám đông có mặt hôm đó. Kẻ hô hào, kẻ giơ đá định ném, kẻ kết án chết cho chị. Nhưng phải chăng họ cũng đang định ném đá vào lòng tự trọng của chính mình và lòng từ bi Chúa, khi hiện trạng của người phụ nữ lại phản ánh chính tâm hồn và trái tim của họ. Hòn đá họ đang định ném người phụ nữ tội nghiệp lại quay lại ném vào trúng trái tim họ. Những cánh tay giận dữ đang nén giận xuống người phụ nữ đáng thương. Đôi khi tôi chuyển trọng tâm, chuyển dịch tỗi lỗi của chính mình vào người khác hòng thoát tội và trốn tránh trách nhiệm. Người đàn ông đã đồng lõa với chị nay ở đâu. Điều nguy hiểm hơn là tôi có khuynh hướng bao dung với chính mình nhưng lại tỏ ta khắc nghiệt với người khác.

Còn Chúa Giê-su, Ngài thinh lặng viết trên cát, để rồi xóa đi những tội lỗi của bạn và tôi. Không gian chuyển từ sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài đến không gian tĩnh lặng bên trong.” Không gian chỉ còn hai con người: một người đáng thương và Đấng đầy lòng xót thương. (Augustine, Tractate XXXIII. (33), Chapter VII. 40–53; VIII. 1–11) Rất may Ngài viết tội của bạn và tôi trên cát, Ngài không viết trên đá. Nếu Ngài viết trên đá chắc có lẽ muôn đời cũng không xóa được. Ngài không kết án, nhưng thông cảm, bày tỏ lòng xót thương và mời gọi chị hoán cải và thay đổi lối sống làm lại cuộc đời. Ngài trả lại nhân phẩm và phẩm giá làm con Chúa cho chị. Ngài ban cho chị ánh sáng và mở ra cho chị một tương lai. Như thế, Đấng là “quan tòa và nhà lập pháp duy nhất là chính Thiên Chúa”. Tôi là ai mà kết án người khác!       

3. Ai người vô tội

Sau khi đọc câu chuyện và nghe Chúa Giê-su hỏi đám đông, có một điều gợi lên cho bạn và tôi suy nghĩ. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8, 7). Ai trong chúng ta là người công chính trước mặt Thiên Chúa. Dĩ nhiên sự công chính không phải đến từ lề luật, mặc dầu lề luật Do Thái cho phép ném đá người phạm tội ngoại tình (Lv 20, 10), nhưng đến từ sự công chính và lòng thương xót của Chúa. Sự công chính đến từ lòng tin vào Chúa Giê-su.

“Ai trong các ông vô tội” mỗi người ý thức mình là một tội nhân được Chúa thương cứu chuộc. Đồng thời khi ý thức những giới hạn của chính mình và những yếu đuối của anh chị em mình, thay vì kết án, bạn và tôi có sự thông cảm và khiêm tốn để vươn mình đến Chúa. Dầu biết rằng tội lỗi kéo bạn và tôi xuống nhưng chúng ta cũng ý thức để cho Chúa kéo chúng ta lên cao.

Tôi và bạn đặt tin tưởng và hy vọng vào lòng từ bi Chúa. Người sẽ mở “một con đường giữa sa mạc, một dòng sông tưới gội đất khô cằn. Sa mạc và vùng đất khô cằn của tâm hồn là vùng đất của sự chết. Chỉ khi vùng đất chết ấy để cho “cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su băng qua, bạn và tôi mới hy vọng được phục sinh với Ngài.

Cũng thế như tảng đá Ma xa và Mơ-ri-va tuôn chảy dòng nước giải tỏa cơn khát cho con cái Israel trong sa mạc, bạn và tôi cũng hãy để dòng nước tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su trên thánh giá trao ban sự sống và biến đổi trái tim của bạn, từ trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt, và nhất là thành ngôi nhà của sự sống, tình yêu và sự thông hiệp.      

Gioan Phạm Duy Anh SJ 

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *