« Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần »
(Cv 2, 1-11 ; 1Cor 12, 3b-7.12-13 ;
Ga 20, 19-23)
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra « khuôn mặt » của Chúa Cha và Chúa Con, nhờ lời nói và ngôi vị của Đức Giê-su, thì dường như chúng ta không thể hình dung ra « khuôn mặt » của Ngôi Ba Thiên Chúa, nghĩa là khuôn mặt của Chúa Thánh Thần. Vì thế có người nói, Thánh Thần không có « khuôn mặt ». Thực vậy, Lời Chúa trong các bài đọc của Thánh Lễ hôm nay đều nói về Thánh Thần bằng những hình ảnh rất đa dạng và năng động :
- Trước hết, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Thánh Thần được ban từ hơi thở của Đức Ki-tô phục sinh : « Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. »
- Trong bài Tin Mừng cũng theo thánh Gioan của Thánh Lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Giê-su còn dùng hình ảnh nước để nói về Thánh Thần : « Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” » ; và thánh sử Gioan giải thích : « Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận » (Ga 7, 38-39)
- Và theo bài đọc 1, trích sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Thần đến ngang qua tiếng gió mạnh và dưới những hình lưỡi, giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.
Do đó, thay vì dừng lại ở việc tìm biết, nói hay giảng giải về Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Người hoạt động trong tâm hồn chúng ta như một năng động đến từ Chúa Cha và Chúa Con, thay vì để cho những năng động khác chi phối chúng ta ; nhờ đó tâm hồn chúng ta sẽ trở thành « thiêng liêng », nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô.
Vì vậy, chúng ta có thể nói: Thánh Thần không có « khuôn mặt » nhưng Người làm cho chúng ta có « khuôn mặt » của con Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của Đức Giê-su Ki-tô, Người Con duy nhất và chí ái của Thiên Chúa Cha.
- Thánh Thần và ơn bình an
Sau khi Đức Ki-tô phục sinh, vào ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ đang ở trong tâm trạng sợ hãi. Vì thế, ơn đầu tiên mà Đấng Phục Sinh muốn thông truyền cho các môn đệ là ơn bình an: “Bình an cho anh em!” Bình an của sự sống mới, nhưng Chúa lại muốn thông truyền cho các môn đệ và cho chúng ta ngay trong sự sống đầy thách đố này; bởi lẽ chính Ngài đã sống ơn bình an này ngay trong cuộc Thương Khó đầy nhọc nhằn và đau đớn.
Chắc chắn chúng ta cũng đã trải qua những hoàn cảnh như thế, và có kinh nghiệm về sự viếng thăm của Đức Ki-tô phục sinh, ngang qua Lời của Ngài. Đức Ki-tô phục sinh “viếng thăm”, “đi ngang qua” những tình huống khác nhau như thế của những người thuộc về Ngài, của từng người chúng ta, của cả nhân loại. Xin cho chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa trong cầu nguyện và trong ngày sống của chúng ta, và nhất là trong những thử thách làm chúng ta sợ hãi và đóng kín.
Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Điều này cho thấy:
- Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá. Như thế, tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh.
- Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra, nhưng vẫn là một.
- Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài. Đó chính là để chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Chúa.
Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh, và sự sống Phục Sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay.
Đức Ki-tô phục sinh lại ban ơn bình an một lần nữa cho các môn đệ, trước khi trao sứ mạng và sai đi: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai thầy, thì thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, ơn huệ Thánh Thần đến từ hơi thở của Đức Ki-tô phục sinh ; và Thánh Thần làm cho chúng ta sống bằng hơi thở của Đức Ki-tô phục sinh, nghĩa là sống sự sống mới của Ngài. Thánh Thần làm cho sức sống mới của Đức Ki-tô bừng lên như ngọn lửa, như không thiêu rụi hay hủy diệt, nơi các môn đệ, để họ có thể sống ơn gọi và sứ mạng đến cùng trong bình an. Trong tương lai đầy thách đố của ơn gọi và của sứ vụ, các môn đệ và chúng ta cũng vậy, cần Thánh Thần thông truyền ơn bình an của Đức Ki-tô phục sinh biết bao.
- Thánh Thần làm cho nói « các thứ tiếng »
Theo sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Thần làm cho người ta nói được các thứ tiếng. Nếu vậy thì hay quá, bởi vì chúng ta quá vất vả khi phải học ngoại ngữ : tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hoa… Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kĩ trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, đó không phải là sự kiện các tông đồ nói giỏi ngoại ngữ nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhưng đó là một kinh nghiệm thiêng liêng : Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu nhau, làm cho chúng ta trở nên một, dù chúng ta là ai, dù chúng ta có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nguồn gốc, giới tính, tính tình, tài năng, ngoại hình… như thánh Phao-lô nói : « Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. »
Xưa kia, trong biến cố tháp Babel, loài người không còn hiểu nhau, chia rẽ nhau, vì mỗi người, mỗi dân tộc đều đầy tham vọng, qui về mình, thay vì qui về Thiên Chúa, thì với ơn huệ Thánh Thần, loài người chúng ta lại đến được với nhau, sống huynh đệ với nhau và hiểu được nhau ở chiều sâu. Và đây là một kinh nghiệm thiêng liêng của đức tin, vượt xa chuyện nói giỏi ngoại ngữ. Trong các diễn đàn quốc tế, ai cũng nói được ngoại ngữ, nhưng đâu có tự động xây dựng được sự hiệp nhất đâu ?
Vậy điều gì làm cho loài người chúng ta, mỗi người chúng ta, tuy khác biệt, nhưng hiểu được nhau và hiệp nhất với nhau, nếu không phải là ra khỏi mình để « loan báo những kì công của Thiên Chúa » (Cv 2, 11) và đón nhận Đức Ki-tô vào lòng mình, vào cuộc đời mình, như Thánh Phaolo nói : « không ai có thể nói rằng: Đức Giê-su là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí. »
Và điều gì làm cho chúng ta trở nên một dưới tác động của Thánh Thần, nếu không phải là « ngôn ngữ tình yêu », yêu mến Chúa và yêu mến nhau ?
- Thánh Thần và ơn tha thứ
Thánh Thần thông truyền sức sống mới của Đức Ki-tô phục sinh để chúng ta được bình an và nói được ngôn ngữ của tình yêu. Nhưng để có thể yêu mến nhau, chúng ta không thể không tha thứ cho nhau, đón nhận nhau, bao dung nhau và chấp nhận những khác biệt. Vì thế, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Ki-tô ban Thánh Thần cho các Tông Đồ chính là để ban ơn tha thứ :
Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.
(c. 22-23)
Như thế, ơn huệ Thánh Thần được ban cho các tông đồ, chính là để tha thứ. Chúng ta không có chức thánh, nhưng vẫn có thể làm chứng về lòng thương xót của Chúa, bằng cách bao dung và tha thứ cho nhau, vì chính chúng ta đã được Chúa bao dung và tha thứ cách vô hạn và nhưng không, trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
Xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự thật của Đức Ki-tô, và sự thật lớn nhất đó là : không có gì tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Như thế, Thánh Thần sẽ làm cho thành sự điều Chúa Cha và Đức Ki-tô ước ao, đó là chúng ta trở nên một, như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một.
* * *
Thánh Thần không có « khuôn mặt », nhưng mang lại cho chúng ta « khuôn mặt » của Thiên Chúa, Người làm cho chúng ta sống ơn gọi là « hình ảnh của Thiên Chúa », nghĩa là trở nên con Thiên Chúa như Đức Giê-su Ki-tô và như thế, trở nên một như Thiên Chúa là một. Như chính Đức Ki-tô đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa Cha trước khi bước vào hành trình Vượt Qua : “Xin cho họ nên một, như chúng ta là một.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc