Bảo vệ Đức tin Công giáo trên Vương quốc Anh: Các Thánh & Chân phước Dòng Tên tại Anh (4)

“Tất cả những điều trên đây cho thấy Dòng không đầu hàng trước thách đố quyết liệt nhất, và đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ đức tin Công Giáo ở nơi tưởng chừng không còn một hy vọng nào.”

Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

Xem thêm

Phần 1: Cuộc ly khai & Dòng Tên nhập cuộc

Phần 2: Thánh Robert Southwell và thánh Nicolas Owen

Phần 3:  Thời Nội Chiến và Cộng Hòa (1640-1660)

Phần 4: Các vị tử đạo năm 1678-1679

Phần 4: Các vị tử đạo năm 1678-1679

Thánh David Lewis

Khi vua Charles I lên ngôi năm 1625, tình hình đã phần nào sáng sủa hơn đối với người Công Giáo. Hoàng hậu Henrietta Marie là người Công Giáo. Nhà vua muốn cai trị mà không cần thông qua nghị viện. Căng thẳng dẫn đến cuộc đối đầu năm 1642: không ai chịu ai. Nội chiến giữa phe Nghị Viện do Cromwell lãnh đạo với phe Bảo Hoàng bùng nổ. Năm 1645, phe Bảo Hoàng bại trận tại Naseby. Năm 1649 vua Charles I bị kết án tử hình. Nước Anh bước vào giai đoạn Cộng Hòa, do Oliver Cromwell lãnh đạo. Con vua Charles I là Charles II được phong vương tại Scotland. Nghị viện ban hành đạo luật không nhìn nhận vua Charles II. Năm 1651, một lần nữa phe Nghị Viện của Cromwell đánh bại phe Bảo Hoàng tại Worcester. Vua Charles II sống lưu vong. Năm 1658, Cromwell qua đời. Phe Bảo Hoàng thắng thế và Charles II về nước nhận ngai vàng.

Vào những năm cuối triều đại James I (1603-1625), tuy luật vẫn được giữ nguyên, nhưng cuộc đàn áp người Công Giáo đã dịu đi nhiều. Năm 1623, một giám mục đã được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh coi sóc tín hữu ở Anh. Số linh mục Công Giáo gia tăng nhanh. Theo bản báo cáo cho Tòa Thánh, vào năm 1634 có 500 linh mục triều, 160 Giêsu hữu, 100 linh mục Biển Đức, 20 linh mục Phanxicô… Trong cuộc tranh giành quyền bính giữa nhà vua và nghị viện, người Công Giáo luôn đứng về phía nhà vua. Vua Charles I đã tiếp tục tỏ ra khoan dung với người Công Giáo, trong khi nghị viện muốn lấy lại chính sách đàn áp. Vua Charles II khi bại trận ở Worcester đã được người Công Giáo cứu và trốn thoát. Từ khi nhận lại quyền vào năm 1660, nhà vua tiếp tục đà cải cách. Năm 1672, nhà vua ban hành Tuyên Bố Ân Xá cho mọi thần dân được tự do theo Công Giáo, nhưng bị nghị viện ép buộc, nhà vua phải rút lại.

Trong thế giằng co ấy, năm 1678 đánh dấu một sự kiện mà các nhà sử học gọi là Âm mưu Oates[1] hay Âm mưu phe Giáo Hoàng[2].

Titus Oates, sinh năm 1649, tố cáo Tòa Thánh Rôma có kế hoạch ám sát vua Charles II để đưa em trai nhà vua là James (sinh 1633, đã trở về với Công Giáo) lên thay, để xóa bỏ Giáo Hội Anh Giáo và phục hồi Giáo Hội Công Giáo. Dòng Tên được giao thực hiện kế hoạch này. Oates ngụy tạo 5 lá thư của cha giám tỉnh Whitbread và 4 anh em Dòng Tên khác ở Luân Đôn gửi cho cha Bedmingfeld[3]. Lời cáo giác của Oates được Israel Tonge, một giáo sư thần học Anh Giáo, thù ghét Công Giáo và đặc biệt là Dòng Tên, hậu thuẫn mạnh mẽ. Hiện nay các nhà sử học thuộc mọi khuynh hướng đều coi đó là một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Chính vua Charles II cũng không tin, nhưng do sức ép của dư luận và nghị viện, nhà vua phải áp dụng lại các biện pháp chống Công Giáo từ thời Elizabeth I.

Cha giám tỉnh Whitbread và các bạn

Trong tình hình tương đối yên ổn vì các luật đàn áp tôn giáo cũ còn hiệu lực, nhưng không được áp dụng khắt khe, và số anh em gia tăng, hạt truyền giáo Anh Quốc được chuyển thành Tỉnh Dòng từ năm 1619, và một cha giám tỉnh thường trú tại chỗ.

Đầu năm 1678, cha Thomas Whitbread được bổ nhiệm làm giám tỉnh.[4] Trong cương vị giám tỉnh, ngài đi thăm anh em trong cũng như ngoài nước. Ngài đến thăm Học viện Anh Quốc ở Saint-Omer vào tháng 6.1678. Tại đó ngài gặp Titus Oates, lúc ấy 29 tuổi, người sẽ là đầu mối cho cuộc bách hại thời vua Charles II. Anh ta đã từng là thừa tác viên Anh Giáo, nhưng bị khai trừ vì sống thiếu kỷ luật. Sau đó anh ta được cho là đã trở về với Công Giáo, đến học ở Học viện Anh Quốc tại Valladolid (Tây Ban Nha), nhưng bị sa thải vào tháng 10.1677. Anh ta đến học ở Học viện Anh Quốc tại Saint-Omer hình như để tìm cách thâm nhập và dò xét Dòng Tên. Gặp cha giám tỉnh, anh ta xin vào Dòng, nhưng biết anh ta là người không vững chắc, thậm chí là không thật lòng, ngài chẳng những từ chối mà còn đuổi khỏi học viện, vì lối sống khác thường và lôi thôi của anh ta. Đó là ngày 23.6.1678. Ngay sau đó anh ta về Luân Đôn gặp Israel Tonge, một giáo sư theo Anh Giáo luôn luôn nghi ngờ Dòng Tên có âm mưu chống lại nhà vua. Hai người dựng lên việc Dòng Tên đã hội họp vào tháng 4.1678 để lên phương án giết vua, lật đổ chính phủ, xóa bỏ Anh Giáo và tái lập Công Giáo. Cáo buộc này được đệ trình vua Charles II vào giữa tháng 8.1678, nhưng nhà vua không tin. Oates đẩy xa hơn: ngày 27.9, anh ta thề trước Hội Đồng Cơ Mật là anh ta nói thật. Tiếp theo đó là truy lùng, giam giữ, xét xử và kết án cha giám tỉnh và một số Giêsu hữu bị cho là đồng phạm.

Tối 28.9, Oates dẫn một toán lính vũ trang của nghị viện đến cộng đoàn Dòng Tên trên phố Wild, quận Covent Gardon, ở Luân Đôn bắt hai cha William Ireland và John Fenwick cùng với người giúp việc là ông John Grove. Rạng sáng hôm sau, cha Whitbread và cha Edward Mico bị bắt, cả hai lúc ấy đang bệnh nặng. Do sứ thần Tây Ban Nha can thiệp (ông là người bảo trợ cộng đoàn Phố Wild, và cha Mico là tuyên úy của ông), hai cha đang liệt giường bị giữ tại chỗ, còn hai cha kia và người giáo dân bị đem về giam ở Newgate. Cha Mico chết khoảng ngày 24.11, trước khi phải ra tòa.[5] Khoảng tháng 12, cha Whitbread cũng bị đưa đến trại giam Newgate.

Ba cha Whitbread, Fenwick và Ireland bị xét xử lần đầu ngày 17.12.1678. Trong phiên xử, Oates làm chứng rằng anh ta đã thấy 3 cha tại cuộc họp Dòng Tên vào tháng 4, lúc lên kế hoạch ám sát vua. Lời chứng của một kẻ khác, tên là William Bedloe, không hoàn toàn củng cố lời khai của Oates: anh ta cho biết là chỉ nghe nói là có 2 cha Whitbread và Fenwick thôi. Vì không đủ chứng cứ buộc tội và do đó đoàn bồi thẩm sẽ buộc phải tuyên bố vô tội, trong khi các thẩm phán muốn buộc tội cha Whitbread là chủ mưu, nên phiên tòa phải hoãn lại. Đây là điều chưa từng có: phiên tòa hoãn sau khi đã nghe các nhân chứng.

Ngày 23.1.1679, cha John Gavan[6] bị bắt. Ngày 7.5 thêm cha William Harcourt[7] bị bắt. Cha Anthony Turner[8] là trường hợp khá đặc biệt: cha tự nộp mình, mặc dù không bị truy nã.

Do lời khai dối trá của Stephen Dugdale, một kẻ đã bị kết án về tội tham ô, ngày 13.6.1679, cả 5 cha lại bị đưa ra tòa. Viên công tố nhắc lại cáo buộc các Giêsu hữu đã họp nhau tại nhà trọ White Horse (Ngựa Trắng) ngày 24.6.1678. Oates một lần nữa xác nhận anh ta có mặt ở đó hôm ấy. Bedloe thay đổi lời khai thành giống như Oates. Cha Gavan thay mặt 4 anh em khác trả lời thỏa đáng những cáo buộc của Oates, Bedloe và Dugdale. Ngài đưa ra 16 bằng chứng cho thấy Oates lúc ấy ở Học viện Saint-Omer, nên không thể có mặt ở nhà trọ. Quả thực các Giêsu hữu có một cuộc họp trong các ngày 24-26.4, nhưng không phải ở bất cứ nhà trọ nào, mà ở cung điện Saint James của nữ quận công xứ York, nơi thánh linh mục Claude La Colombière làm tuyên úy[9]. Đó là cuộc họp được tổ chức 3 năm một lần để chọn một đại biểu của Tỉnh Dòng đi Rôma dự Đại Hội Đại Biểu của Dòng. Chắc là Oates đã nghe nói về cuộc họp này, vì không có gì bí mật. Mặc dù những lời khai dối trá của Oates đã rõ ràng, và Oates không thể có mặt trong cuộc họp, đoàn bồi thẩm vẫn tuyên bố cả 5 phạm tội phản quốc.

Trước lúc tòa tuyên án, cha Harcourt nói: “Trước sự hiện diện của Thiên Chúa toàn năng và toàn thể triều đình thần thánh, cũng như trước cử tọa đông đảo ở đây, tôi tuyên bố: trông cậy vào công ơn Chúa Giêsu nhân hậu, là Chúa và Đấng cứu chuộc tôi, sẽ cho tôi được hạnh phúc vĩnh cửu, tôi tuyên bố là tôi vô tội như một thai nhi còn trong lòng mẹ, hoàn toàn không biết gì về những cáo buộc dựa theo đó tôi phải bị kết án chết… Tôi tha thứ cho mọi người đã cố buộc tội tôi và xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ cho họ… Tôi nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho vua và ban cho vua một thời thịnh trị.” Các cha khác cũng tuyên bố tương tự.

Bất chấp sự thật đã hiển nhiên, tòa kết luận 5 cha phạm tội phản quốc và kết án tử hình.

Bản án được thi hành tại Tyburn ngày 20.6. Các tử tội được phép nói công khai mình nhận tội hay không nhận. Cha Whitbread nói: “Tôi tuyên bố với mọi người có mặt ở đây cũng như với toàn thế giới là tôi lìa bỏ đời này giống như lúc tôi vào đời trong lòng mẹ: tôi vô tội và không vướng mắc điều gì trong những cáo buộc của quan tòa… Đối với những ai vu cáo cho tôi, tôi thật lòng tha thứ và xin Thiên Chúa ban cho họ ơn thánh để họ hối cải về những bất công đối với tôi.” Các cha khác cũng nói tương tự. Sau đó cả 5 anh em thinh lặng cầu nguyện riêng. Bất ngờ một người cưỡi ngựa phóng đến và kêu lớn: “Ân xá! Ân xá!” Viên công an đọc lệnh của vua tha chết cho 5 tử tội, với điều kiện họ thú nhận phần trách nhiệm trong âm mưu và khai hết những điều họ biết. Các vị tử đạo cám ơn nhà vua đã tỏ lòng khoan dung, nhưng vì hoàn toàn không có âm mưu nào cả, nên không thể nhận tội được. Các ngài khẳng định lại các ngài vô tội và cho biết các ngài không chấp nhận khoan dung nếu điều ấy có nghĩa là các ngài đã nói dối.

Sau khi bị treo cổ, các ngài còn bị phân thây.[10]

Thánh David Lewis[11]

Thánh David Lewis

Năm 1646 ngài được gửi về hoạt động tông đồ ở xứ Wales. Năm 1647 ngài đi Rôma làm linh hướng học viện Anh Quốc. Năm 1648 ngài về lại Wales, ở Cwm, một làng nhỏ. Trong 30 năm ngài hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi. Đặc biệt ngài chăm lo cho người nghèo khổ. Bị đe dọa sau Âm mưu Oates: ngài sơ tán đến một nhà lá ở làng Llantarnam. Ngày 17.11.1678 ngài chuẩn bị dâng lễ thì bị bắt, do một cặp vợ chồng bội giáo tố cáo. Bị dẫn về quê để thẩm vấn, ngài nhận là linh mục Công Giáo. Ngày 13.1.1679 ngài bị đưa đến nhà tù Usk. Ngày 29.3 ngài bị đưa ra xét xử ở Monmouth và bị kết án tử hình. Ngài bị đưa đến May ở Luân Đôn để bị thẩm vấn tiếp. Người thẩm vấn lần này là Oates, Bedloe và Dugdale. Họ nhìn nhận là không đủ lý do kết án. Ngài bị đưa lại về Usk ở 3 tháng. Ngày 27.8.1679 ngài bị đưa ra pháp trường Usk.

Trước khi thụ hình, ngài nói: “Tôi tin là quý vị đến đây không chỉ để xem một người đồng hương chết, nhưng cũng để nghe một người đồng hương nói trước khi chết… Tôi không nói với tư cách một kẻ giết người, trộm cắp hay làm điều gì xấu, nhưng với tư cách một Kitô hữu, nên tôi không có gì phải hổ thẹn… Tôi là người Công Giáo, tôi đã sống như vậy 40 năm. Giờ đây tôi chết trong Giáo Hội Công Giáo, sẵn lòng chết. Dù ai cho tôi mọi thứ tốt đẹp trên đời để tôi chối bỏ, tất cả không làm suy suyển được một sợi tơ sợi tóc nào trong đức tin Công Giáo của tôi. Tôi là người Công Giáo, tôi là linh mục Công Giáo, trong Dòng Tên. Chúc tụng Thiên Chúa đã kêu gọi tôi… Hãy biết là tôi bị kết án vì dâng lễ, giải tội, ban các bí tích, cho nên tôi chết vì đạo.” Cuối cùng ngài kêu gọi những người ở đó vững tin.

Lời sau hết của ngài là “Lạy Chúa Giêsu dịu ngọt, xin đón nhận linh hồn con.”[12]

Thánh Philip Evans[13]

Hoạt động tông đồ trong 3 năm, ngài nổi tiếng nhiệt thành và bác ái, không sợ nguy hiểm vì Chúa và vì các linh hồn. Dù được khuyên sơ tán, nhưng ngài ở lại với đoàn chiên. Đang ở nhà ông Christopher Turberville tại Glamorgan, ngài bị bắt. Không chịu tuyên thệ trung thành với vua và nhận quyền tối thượng của vua trên Giáo Hội, ngài bị giam tại lâu đài Cardiff. Trong

3 tuần đầu, ngài bị giam ở hầm. Sau đó ngài bị giam trong phòng thường: gặp cha John Lloyde, linh mục triều. Hai cha trở thành bạn tù và bạn tử đạo.

Ngày 3.5.1679 ngài phải ra tòa. Một phụ nữ và con gái khai đã dự lễ, nghe giảng, rước lễ với cha Evans. Vì họ khai đúng, ngài không chối. Cha Lloyde cũng vậy. Cả hai bị kết án tử hình. Khi nghe tuyên án, ngài cúi đầu cám ơn quan tòa. Về phòng giam, ngài lấy đàn harpe ca hát chúc tụng tạ ơn Chúa đã ban ơn trọng. Ngày 21.7, lúc đang chơi quần vợt, ngài được báo tin là hôm sau bị xử tử, ngài hỏi có được chơi xong không. Khi được tin, nhiều người Công Giáo đến thăm hai cha. Không để cho họ buồn, các ngài khuyên họ kiên vững và nhẫn nại trong đau khổ.

Ngày 22.7 hai ngài bị đưa đến pháp trường. Các ngài quỳ xuống hôn giá treo cổ. Trước khi chết, ngài nói: “Không cần nói quý vị cũng biết tại sao tôi bị đưa đến đây để thụ hình. Bản án của chúng tôi đủ làm chứng là tôi không chết vì một âm mưu hay một tội ác nào; tôi chết vì là linh mục, nên tôi chết vì đạo, vì lương tâm… Chắc chắn lúc người ta nói thật nhất là lúc sắp chết. Vì vậy hy vọng là không ai nghi ngờ lời tôi nói. Nếu tôi có kẻ thù nào trên đời, tôi không biết có ai là kẻ thù tôi không, nếu có, tôi thật lòng tha thứ vì bất cứ lời nói hay việc làm nào gây hại cho tôi. Và nếu tôi xúc phạm ai, tôi thật lòng xin được tha thứ. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và cho vua thịnh đạt. Tôi xin mọi người có mặt, nhất là người Công Giáo, cầu nguyện cho tôi…”

Lời cuối cùng của ngài là “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”[14]

Nhìn lại

Hoàn cảnh khó khăn ở Anh kéo dài 150 năm. Trong thời gian ấy, có 342 vị chứng nhân bị xử tử và 50 người khác chết trong tù. Dòng Tên đã đóng góp 11 vị thánh, 18 vị chân phước, 12 vị khác chưa được tôn phong. Đó thật là những chứng nhân anh dũng.

Ngoài ra, chúng ta không thể quên những năm tháng âm thầm mà hiệu quả của các vị ấy cũng như bao nhiêu vị khác. Bất chấp thiếu thốn hay nguy hiểm, bao nhiêu anh em đã cam đảm hiến dâng cả đời mình để phục vụ đoàn chiên Chúa trong những lúc khó khăn nhất. Dòng cũng vận dụng đến hoạt động văn hóa, chẳng hạn phổ biến sách báo, để nâng đỡ đức tin người Công Giáo và giúp người khác trở về với Hội Thánh duy nhất. Một hoạt động hết sức quan trọng là các cơ sở đào tạo nhân sự cho Giáo Hội ở Anh. Các học viện của Dòng dành riêng cho Giáo Hội nước Anh đã liên tục đóng góp những tông đồ nhiệt thành và trung tín trong hoàn cảnh khắc nghiệt hạng nhất trong lịch sử.

Tất cả những điều trên đây cho thấy Dòng không đầu hàng trước thách đố quyết liệt nhất, và đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ đức tin Công Giáo ở nơi tưởng chừng không còn một hy vọng nào. Khó khăn của người Công Giáo nói chung và của Dòng Tên nói riêng là bị xâu xé giữa một bên là tổ quốc, một bên là Hội Thánh. Nhưng Giáo Hội không có ý đồ chính trị nào, chính khi trung thành với Hội Thánh, các tín hữu cũng như các linh mục thực sự trung thành với tổ quốc hơn ai hết.

– Hết –

 



[1] Oates Plot.

[2] Popish Plot.

[3] Cha Thomas Bedingfeld tên thật là Downes (Bedingfeld là họ mẹ), sinh năm 1617 tại Norfolk. Năm 1630 học ở Saint-Omer, năm 1639 vào Dòng Tên, năm 1645 thụ phong linh mục, năm 1670 về nước đến lâu đài Wildsor làm tuyên úy cho quận công xứ York, tức là hoàng tử James, em trai vua Charles II, người Công Giáo, cũng là người sẽ kế nghiệp (1688). Đang lúc quận công tiếp vua tại lâu đài Windsor, một gói 5 lá thư được gửi đến cho cha Bedingfeld: giả là của cha giám tỉnh và các cha khác ở Luân Đôn, nhưng thật ra là của Oates và Tonge. Các thư chỉ thị là việc ám sát vua phải được thực hiện ngay khi có cơ hội đầu tiên, và không được tiết lộ cho quận công. Hai kẻ gian manh sắp xếp để thư bị ngăn chặn và ‘âm mưu’ bị lộ. Ngày 1.9.1678, cha Bedingfeld đến phòng thư trong lâu đài, thấy thư gửi cho mình thì nhận. Ngài ngạc nhiên: nét chữ khác lạ, nhiều lỗi chính tả, và chắc chắn không phải do những người đề tên trên phong bì gửi. Ngài cho là ngụy tạo, đem cho quận công xem, và vị này trao cho vua xem. Nhà vua cho biết đã nghe về điều này, nhưng không tin và các lá thư là bịa đặt, nên cha Bedingfeld chắc chắn không liên lụy gì. Cha Bedingfeld đem các thư cho cha giám tỉnh và anh em Dòng Tên ở Luân Đôn xem. Sau khi đọc, cha giám tỉnh tiên liệu một cuộc bách hại Dòng. Do áp lực của dân chúng và nghị viện, vua ra lệnh bắt giam cha Bedingfeld ngày 3.11.1678. Cha bị Hội Đồng Cơ Mật thẩm vấn. Vốn sức khỏe kém, cha chết trong tù ngày 21.11.1678. Ngài được tuyên bố là Đáng Kính năm 1886.

[4] Ngài sinh năm 1618, sang học ở Pháp năm 1630, vào Dòng Tên 1635, thụ phong linh mục năm 1645. Năm 1647, ngài về Anh, dưới tên giả là Harcourt. Trong 30 năm, ngài nhiệt thành hoạt động tông đồ và thu lượm được hoa trái thiêng liêng đáng kể.

[5] Ngài sinh năm 1628 trong một gia đình Công Giáo ở Essex, theo học ở Học viện Anh Quốc tại Saint-Omer rồi Rôma, gia nhập Dòng Tên năm 1650, thụ phong linh mục năm 1657, về Anh năm 1661. Ngài làm phụ tá cho ba đời giám tỉnh liên tiếp. Ngài chưa được phong chân phước.

[6] Ngài sinh năm 1640 tại Luân Đôn. Ở Học viện Anh Quốc tại Saint-Omer, ngài được bạn bè gọi là ‘thiên thần’ vì tính tình đơn sơ thật thà. Ngài gia nhập Dòng Tên năm 1660, thụ phong linh mục năm 1670 và về Anh năm 1671. trong 8 năm ngài hoạt động ở vùng Staffordshire, trú ngụ tại Wolverhampton, đưa được nhiều người trở về với Công Giáo, nên người ta gọi Wolverhampton là ‘Rôma nhỏ’. Ngài đang tìm đường ra nước ngoài để tránh bách hại thì bị bắt tại Luân Đôn.

[7] Ngài tên thật là Barrow, sinh khoảng năm 1610 tại Lancashire, theo học tại Học viện Anh Quốc ở Saint-Omer, gia nhập Dòng Tên năm 1632, thụ phong linh mục năm 1641, về Anh năm 1644. Ngài hoạt động tông đồ tại Luân Đôn, làm bề trên Dòng Tên Luân Đôn năm 1678. Vì công an lùng sục khắp nơi, ngài khuyên anh em tạm rời Luân Đôn để lánh nạn. Nhưng khi anh em thúc giục ngài ra nước ngoài thì ngài cho biết là phải ở lại để giúp những anh em bị bắt giam. Ngài phải thay đổi chỗ ở mỗi ngày và phải giả trang đủ cách. Một người phụ nữ giúp việc cho gia đình nơi ngài trú ẩn đã tố cáo ngài với công an: thấy ngài nhã nhặn nên chắc là một linh mục. Ngài bị bắt lúc đã gần 70 tuổi.

[8] Ngài sinh năm 1628 tại vùng Leicestershire, cha là mục sư Anh Giáo. Sau khi theo gương mẹ và cùng với anh (hay em trai) trở về với Công Giáo, năm 1650 ngài đến Rôma học ở Học viện Anh Quốc với ý định làm linh mục. Năm 1653 ngài gia nhập Dòng Tên, năm 1659 thụ phong linh mục, năm 1661 về nước. Trong 18 năm, ngài hoạt động tông đồ tại vùng Worcestershire. Ngài thích tranh luận với người Anh Giáo để đưa họ về với Công Giáo. Được tin một số anh em bị bắt, ngài muốn vào tù chung với họ. Bề trên bảo ngài tìm đường ra nước ngoài, nhưng ngài không có tiền đi tàu. Cuối cùng ngài quyết định tự nôp mình.

[9] Nữ công tước là người Pháp, theo Công Giáo, em dâu vua Charles II.

[10] Cả năm chứng nhân được phong chân phước năm 1929.

[11] Tên giả là Charles Baker; cũng gọi là Tad y Tlodion (cha của người nghèo). Sinh năm 1616 tại Gwent, xứ Wales. Cha theo Anh Giáo, mẹ theo Công Giáo. Là con út trong 9 người con. Học trường tiểu học do thân sinh là hiệu trưởng. Năm 1632 học luật trường Middle Temple ở Luân Đôn. Năm 1635 thăm Paris và theo Công Giáo. Về quê, gặp cậu John Pritchard, linh mục Dòng Tên hoạt động ở Nam Wales. Năm 1638 vào Học viện Anh Quốc ở Rôma. Năm 1642 Thụ phong linh mục. Năm 1645 vào Dòng Tên.

[12] Ngài được phong thánh năm 1970

[13] Sinh năm 1645 tại Gwent, xứ Wales. Học ở Saint-Omer. 1665 vào Dòng Tên. Học triết và thần ở Bì. Thụ phong linh mục 1675, về quê ngay.

[14] Ngài được phong thánh năm 1970.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Thánh Gioan Thánh Giá trước sự bách hại của hàng giáo sĩ

  Thánh Gioan Thánh Giá là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *