Bà con Khmer trên khắp cánh đồng Lộc Ninh

Hình minh hoạ từ Internet

 

Từ nhà thờ Lộc Thiện tới Tích Thiện, rồi Lộc Quang, Lộc Hiệp, Lộc Hoà, Lộc An và Lộc Thạnh cho tới Lộc Tấn, lẫn giữa các tín hữu thường xuyên tới tham dự thánh lễ,  có một số bà con người Khmer và Stiêng, cùng chung chia bữa tiệc thánh trong vòng tay Thiên Chúa yêu thương. Thế nhưng giữa người kinh và bà con sắc tộc vẫn còn những khoảng cách nhất định, không hẳn là chuyện kỳ thị; đơn giản vì có quá nhiều cách biệt ngay trong tầng nền tâm thức của đôi bên.

 

Người Khmer ngay từ tấm bé đã quen nghe tiếng chuông chùa, gần gũi với các thầy sư hiền lành trong bộ áo vàng, thân thiết với nhau mỗi lần khi chơi đùa quanh gốc cây bồ đề. Vào những dịp lễ tết, theo mẹ đi chùa, chen chân mọi người lo  tắm Phật; đông vui lắm nhưng không xô bồ, chen lấn. Ngày tết trong làng cũng đầy màu sắc Phật giáo, từ việc đón sư về làng tụng kinh cho tới việc đưa tiễn sư đi. Ngay tờ mờ sáng ngày kết thúc, già làng đến từng nhà mời ra dự  lễ. Mỗi nhà khăn áo đẹp đẽ với cây “hoa được kết từ những đồng tiền” tới đặt trước lễ đài, hoa tiền sẽ được gom lại để lo chi phí cho những ngày lễ, và cũng để dâng lên cho nhà sư đã đến chủ sự buổi lễ.

Có thể nói người Khmer suốt đời gắn bó với nhà chùa, nơi tôn nghiêm nhưng người đến và đi cũng rất hồn nhiên, thanh thiếu niên có thể mở nhạc ca múa vui vẻ, làm nên giai điệu cuộc sống.

 

Tính từ Năm Thánh 2000, đã có nhiều anh chị em trong các làng Khmer rời cửa Phật để tin theo Chúa. Nhưng nhà thờ có thể thay thế được nhà chùa trong lòng của bà con không? Nhà thờ cũng là nơi chào đón, nhưng cách chào đón thì quá khác biệt. Cứ nhìn vào cảnh bà con tới nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa nhật sẽ rõ: cả làng có tới trên trăm người tin theo nhưng người đi lễ được là mấy; chỉ khi cha xứ đứng ra dâng lễ riêng cho bà con thì bà con lớn bé già trẻ mới đông đủ. Duy nhất ngày này, trong thánh lễ, từ lời kinh đến ca nguyện và bài đọc đều bắng tiếng Khmer, mọi người có thể tham gia. Tiếc rằng thánh lễ dành riêng mỗi tháng chỉ có được một lần.

 

Mọi người đều hiểu rằng để có thể loan báo Tin Mừng xuyên văn hoá thì cần phải hội nhập văn hoá, đây là bước khó khăn nhất cần đột phá. Một Việt kiều lớn lên ở Campuchia đã phần nào quen với  văn hoá truyền thống Khmer, tại Lộc Quang, ông có thể đứng ra dạy chữ Khmer, tập cho thanh thiếu niên những điệu múa truyền thống. Nhưng chính ông cũng phải thú nhận rằng thầy tập múa không bao giờ có thể hoà mình trọn vẹn vào giai điệu múa như một người Khmer. Vậy thì một linh mục hay tu sĩ được sai đến đây loan báo Tin Mừng làm sao lời Thiên Chúa có thể thấm vào cảnh đời của bà con khi người loan tin vui chỉ đứng bên rìa cuộc sống mọi người.

 

Được sai đến với bà con, ai cũng nghĩ rằng một khi giảng dạy bằng những lời lẽ đơn giản thì bà con dễ dàng thâu nhận. Tuy vậy, vẫn có một cái gì thiếu ở đây khi không chú ý đến bản sắc văn hoá, cùng với cảnh sống đã hình thành nên một lối suy nghĩ, làm nên những lối mòn cho những tương giao giữa người với người và ngay cả với thần thánh. Bề ngoài chỉ thấy những con người lam lũ, đôi khi lem luốc, nhưng trong lòng chứa đựng và trông mong những gì, khó đấy. Ăn với nhau một bữa, rồi cùng nhau múa hát, theo bà con đến chùa… chưa hẳn đã là tri kỷ.

 

Người Khmer đi lễ chùa khá thường xuyên, “nhưng từ chốn sâu thẳm lòng người, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, vẫn dấu ẩn một khát vọng muốn biết sư thật về con người trong trời đất, về con đường giải thoát khỏi những yếu hèn, và sự chết, dù họ không ý thức về ước vọng ấy” (x.RM 45); họ cũng đang dự phần và đồng hành trong hành trình tiến vào Nước Thiên Chúa. Giữa họ có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa (HĐGM Á Châu 2012).

Người được sai đi loan báo Tin Mừng sẽ nói gì và làm gì, một khi theo chân bà con Khmer tới cửa Phật, cứ loay hoay trên con đường từ bi hỉ xả, bận tâm về những cái quả trổ ra từ vô lượng kiếp? Trong khi từ chốn sâu thẳm của khát vọng, Thánh Thần của Thiên Chúa đã dẫn dắt bà con đi rất xa, và nhiều người trong số họ đã chạm chân vào Nước Thiên Chúa.

 

Hội Thánh qua mọi thời, vui bước trên đường loan báo Tin Mừng, vì đã buông mình cho Thánh Thần dẫn dắt, nhờ đó có thể hoà mình vào trong từng cảnh đời của bà con, thấu cảm những gì diễn ra ngay trong sâu thẳm cõi lòng, nơi diễn ra cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với con người  cùng với tiếng con người tha thiết gọi Thiên Chúa.

Thật vậy, một khi người bạn đường có được một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, và lời Thiên Chúa trở thành một cuộc gặp gỡ đầy an ủi, thì một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên trào dâng… (EG 135,136).

“…tôi biết, chúng tôi biết chúng tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12).

Tin không gì khác hơn là sờ chạm được vào bàn tay Thiên Chúa trong đêm đen của trần thế, và cứ thế – trong tĩnh lặng – lắng nghe Ngài, nhìn thấy tình yêu” (Đức Bênêđictô XVI).

Bước đường loan báo Tin Mừng mở ra cho anh em chúng tôi từ đây.

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *