Ba Không

4a909c93de183f480737d75f88414f94(Không nhìn, Không nghe, Không nói)

Có những sân vườn, khuôn viên cơ sở chung, nhất là nhiều cửa hàng lưu niệm, ta có dịp nhìn thấy ba con khỉ, con thì bịt mắt, con lại bịt tai, con nữa bịt miệng. Nhiều người thấy lạ, có khi thắc mắc mà chưa hiểu, nhưng thấy “ngồ ngộ” nên cũng mua về chưng hoặc biếu tặng. Thực ra ý nghĩa của của ba con khỉ này rất thâm thúy, mang tính “triết đạo”, từ Nho giáo đến triết lý nhà Phật, cho đến những đạo sống của mọi thời đại.

Bịt mắt, bịt tai, bịt miệng có nghĩa là: KHÔNG NHÌN, KHÔNG NGHE, KHÔNG NÓI. Nguồn gốc ba ý niệm này có lẽ bắt nguồn từ tư tưởng của Khổng Tử cách đây trên hai ngàn năm, vì trong Luận Ngữ (Thiên 12) có câu: “Phi Lễ Vật Thị, Phi Lễ Vật Thính, Phi Lễ Vật Ngôn” (không phải lễ thì đừng nhìn; không phải lễ thì đừng nghe; không phải lễ thì đừng nói). Chữ Lễ của Khổng tử có nghĩa là sự an hòa, cái trật tự của quy luật trời đất – con người, nên mọi người phải tuân thủ phép tắc theo những quy luật này, chứ không phải “lễ lạy” như người ta thường hiểu.

Một số chỗ trong kinh Phật có câu “Tâm viên ý mã”. Nhà Phật cho rằng “Tâm” và “Ý” của con người luôn luôn động, nhảy nhót, phá phách không ngừng, như con khỉ và con ngựa không bao giờ chịu ở yên một chỗ, nếu không kềm chế lại, sẽ suy nghĩ, hành động lung tung hết chuyện này đến chuyện kia, tạo ra nhiều phiền não, sa đà vào điều bất chính. 

Nhật cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng này. Tại đền Toshogu ở Nikko, Nhật Bản, người ta thấy một điêu khắc cổ có hình 3 con khỉ: một con lấy 2 tay che mắt: không muốn thấy chuyện trái lẽ; một con lấy 2 tay che tai: không muốn nghe chuyện nghịch lý; một con lấy 2 tay che miệng: không muốn nói lời không tốt. Ba con khỉ này là hình ảnh đưa ra một phương châm sống: “không ngó bậy, không nghe bậy, không nói bậy (See no evil, Hear no evil, Speak no evil). 

Chung quy:

– PHI LỄ VẬT THỊ: Khuyên răn mọi người không nên dùng mắt vào những việc xấu xa, vì “con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Ai cũng biết mọi vật đều hiển hiện thông qua con mắt, từ đó tư tưởng và trí tưởng tượng hoạt động, sau đó là sự yêu hoặc ghét sẽ thúc đẩy, hướng dẫn đến những hành động. Cần đọc sách tốt, xem hình ảnh tốt, phim ảnh hữu ích. Bởi vậy phải canh chừng con mắt cẩn thận, nếu “không phải lễ thì đừng nhìn”, nếu không sẽ dẫn đến những hành động tội lỗi. Con mắt thường cám dỗ người ta phạm tội, nhất là tội tham lam và tội dâm dục, như Đức Giêsu nói: “Nếu mắt khiến các con phạm tội, thì hãy móc nó ra ném đi, vì chẳng thà thiếu một mắt mà được sự sống thật còn hơn đủ cả hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục” (Mt. 2, 16).

– PHI LỄ VẬT THÍNH: Nếu con mắt là “cửa sổ của tâm hồn” thì có thể nói “tai là cửa sổ rung động tâm hồn”. Vì vậy tai và mắt cũng tương đương nhau. Thiên Chúa muốn con người nghe những lời chân lý, những điều tốt lành, những lẽ phải, Người nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”(Mt 13, 16 -17). Cũng như trong cuộc sống tự nhiên, con người cần nghe nhạc hay (có giá trị, tốt), lời hay, lời tốt, lời đẹp, lời hữu ích… Phải tránh nghe chuyện yêu ghét làm bận lòng mình, gây rắc rối phiền nhiễu cho người chung quanh, nghe những chuyện “đầu đường cuối chợ”, những chuyện chỉ trích phê bình, bới móc gây tai hại cho mình và người khác. Âm thanh, lời nói có sự tác động vào tâm thần con người rất mạnh, ảnh hưởng đến tâm trạng vui buồn, sướng khổ, bất mãn, chán nản…, thậm chí cả những tội lỗi nữa.  Do đó “không phải lễ thì đừng nghe”.

– PHI LỄ VẬT NGÔN: Đức Giêsu nói: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Lc. 6,45). Thánh Giacôbe Tông đồ cũng khuyên : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân”(Gc 3,2),  bởi vì “bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” : bệnh ngoài miệng mà vào, vạ trong miệng chui ra. Cũng như người xưa nói: “Khẩu thiệt giả họa chi môn, diệt thân chi phủ dã” (miệng lưỡi là cửa của tai họa, là búa rìu diệt thân). Tục ngữ VN có câu: “Chó ba quanh mới nằm, người ba lăm mới nói”, hoặc “Trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần”. Ai cũng có những kinh nghiệm về điều này, có rất nhiều tai họa, thâm chí giết được người do“cái lưỡi không xương nhiều điều lắt léo” tạo ra. Người đời thường mỉa mai ví von: ngon nhất cái lưỡi, mà bẩn nhất cũng cái lưỡi. Như Philippe de Commynes nói: “Tôi thường hối tiếc những gì đã nói, chứ không bao giờ vì mình đã im lặng”. Khổng tử rất chú trọng về việc “Tu Ngôn”, vì vậy “Không phải lễ thì đừng nói” là điều rất cần thiết.

Ngoài ra còn có “phi lễ vật động” (không phải lễ thì đừng làm). Nhưng ba con khỉ ngồi nghiêm túc thì đã hàm chứa điều này rồi.

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Tham khảo Luận Ngữ và một số tài liệu

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *