Bài tập Mùa Chay – Bài 25: Bị bắt giữ

Bài 25

Bị bắt giữ

 

Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.” Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy!”, rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt Người. Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm.” Bấy giờ, các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. – Mác-cô 14:43-50

 

Người môn đệ của Chúa Kitô, nếu một lòng trung tín, chắc chắn sẽ phải đối diện với đau khổ. Lý do rất đơn giản: con người vốn dễ phạm tội, và trong bất kỳ thể chế nào, tội lỗi ấy đều có xu hướng bị khuếch đại. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu là minh chứng sống động cho chân lý ấy. Ngài rao giảng về Nước Chúa; bày tỏ tình yêu thương xót, lòng trắc ẩn đối với những người bị gạt ra bên lề xã hội; Ngài thẳng thắn chất vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thời bấy giờ – và họ đã tìm cách giết Ngài.

 

Câu chuyện buồn về Giuđa mở ra cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về hậu quả của tội lỗi. Đây là một con người từng sống gần gũi thân tình với Chúa Giêsu, nhưng vì sự thiếu hiểu biết/vô tri/ngu dốt hay ác ý, ta không thể biết chắc – đã chọn hành động chống lại Người. Có lẽ ông chỉ là một quân cờ nông nổi, mất kiên nhẫn trước sự khiêm nhu của Chúa Giêsu, hy vọng đưa Người vào con đường hoạt động chính trị. Có lẽ ông mong đợi một màn thể hiện quyền năng mạnh mẽ hơn của Chúa Giêsu bằng cách lôi kéo Người vào một cuộc đối đầu công khai với đế quốc Rôma. Hoặc có lẽ, ông tin rằng Chúa Giêsu là kẻ giả mạo. Dù động cơ là gì, tội lỗi của Giuđa chống lại Chúa Giêsu đã bị cuốn vào những toan tính quyền lực lớn hơn giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trong vùng. Và kết quả là Chúa Giêsu bị bắt. Con Một Thiên Chúa bị tống giam.

 

Điều đáng kinh ngạc là Chúa Giêsu hầu như không đưa ra lời biện hộ nào. Tại sao Ngài không chất vấn Hê-rô-đê hay Philatô về sự bất công của họ? Tại sao Ngài không nhân cơ hội đứng trước Thượng Hội Đồng để lên tiếng tố cáo sự xuyên tạc công lý? Tại sao Ngài lại im lặng ra đi? Ngài đang cố tránh điều gì? Và trong tất cả những điều này, Thiên Chúa Cha đang ở đâu?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã để Con Một Chúa bị những kẻ bất công dẫn vào chốn tù đày, và Chúa đã để Người chịu đau khổ. Con không hiểu được nỗi khổ đau của chính mình, cũng chẳng hiểu được nỗi khổ đau của người khác, con càng không hiểu được những bất công đang diễn ra trong thế giới này. Thế nhưng, con tin rằng Chúa vẫn ở với chúng con trong lúc đau khổ, và thánh ý Chúa vẫn tỏ lộ ngay giữa những khổ đau lớn lao nhất. Xin ở lại với con trong nỗi đau khổ, và xin giúp con trở nên sự hiện diện của Chúa bên những người đang đau khổ. Con không cầu xin để có thể hiểu về đau khổ, con chỉ xin ơn Chúa giữa lúc đau khổ mà thôi.

Hành động

Hãy tìm hiểu về các chương trình mục vụ dành cho các tù nhân. Hãy cân nhắc xem bạn có thể tham gia vào sứ vụ ấy như thế nào hoặc hỗ trợ bằng cách nào khác.

 

The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action

Phần III: Exercise 25: Arrest

Tác giả: Tim Muldoon

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước thảm họa tại Myanmar, Thái Lan và Hàn Quốc

Hai bức điện tín từ Đức Thánh Cha, được ký bởi Đức Hồng y Quốc …

Tin nhắn Mùa Chay (5) – Bàn về tham lam

Tin Nhắn 5 Mùa Chay BÀN VỀ THAM LAM Tham lam không chỉ thể hiện …