Đến hẹn lại lên, trên một tầng mây được gọi là Hoa Viên[1], các nhà hiền triết cổ đại lại quây quần với nhau bên bàn tiệc để luận bàn thế sự. Sau vài tuần rượu, Epictetus[2] (EPIC) bắt đầu lên tiếng.
Chúng ta ở đây thì quá hạnh phúc rồi, nhưng ở dưới kia có biết bao người đang sống một cuộc đời vô vị và đau khổ. Họ cũng như chúng ta khi xưa, cũng đang khao khát một cuộc sống hạnh phúc thực sự nhưng có vẻ vẫn bế tắc. Nên tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không giúp họ tìm một con đường để đạt đến hạnh phúc.
Epicurus[3] (EP): Anh nói có lý lắm. Nhưng bây giờ họ đã có quá nhiều con đường để đến hạnh phúc rồi, nên cũng chẳng cần chúng ta chỉ vẽ thêm. Anh cứ đi một vòng các nhà sách mà xem, nào là Hạnh phúc trong tầm tay, Sống hạnh phúc, Hạnh phúc là thứ dễ lây lan…chỉ cần khoảng 50K thôi, họ đã có ngay một con đường đi đến hạnh phúc.
Plato[4] (PLA): Anh Epicurus quan sát đúng lắm, nhưng vấn đề ở chỗ, họ đứng trước quá nhiều con đường, làm sao biết chọn đường nào khả dĩ hơn và phù hợp hơn. Chẳng nói đâu xa, ngay trong chúng ta thôi cũng đã có biết bao quan niệm về hạnh phúc rồi. Đó là chưa kể có lúc những ý tưởng của chúng ta còn trái ngược nhau nữa kìa. Thế nên tôi xin đề nghị, chúng ta cùng nhau phối hợp các tư tưởng về hạnh phúc của mình lại để vẽ ra một con đường, vừa tránh cho bá tánh đỡ hoang mang, vừa giúp họ tự tìm thấy cho mình một cách thức phù hợp nhất.
Aristotle[5] (ARIS): Tôi nhất trí. Nếu không ai phản đối, cứ sự thường xin tôi xin mời một người đáng kính và thông thái là ngài Socrates đây dẫn dắt chủ đề cho chúng ta.
Chúng tôi đồng ý.
Socrates (SOC): Các chú cứ khéo đẩy đưa. Thôi thì già này xin bắt đầu vậy. Theo các chú, thế nào là hạnh phúc ?
EPIC: Hạnh phúc là tâm hồn bình lặng, chẳng còn lo sợ điều gì nữa.
SOC: Vậy theo anh, con người sợ điều gì nhất ?
EPIC: Sợ chết. Chắc chắn là còn nhiều nỗi sợ nữa, nhưng chết là giới hạn cuối cùng của đời người nên nó là cái con người ghê sợ nhất.[6] Vì thế, khi con người dám đối diện và vượt qua nỗi sợ cái chết, họ sẽ bắt đầu cảm nhận được hương vị nồng nàn của ly rượu hạnh phúc.
SOC: Có lý, vậy làm sao vượt qua nỗi sợ đó ?
EPIC: Với tôi, bí quyết ở đây là đừng xem mạng sống là của riêng mình. Mà thực sự là vậy, tôi có mặt trên cõi đời này đâu phải tự ý muốn của tôi, và mỗi ngày tôi tồn tại cũng chẳng do ý định của mình. Bởi thế khi phải đối diện với cái chết, đừng cho rằng tôi sắp mất mạng, nhưng đúng hơn là “tôi sắp trả lại mạng sống này” cho Đấng đã ban nó cho tôi (Con người phải trả cho thượng đế cái mà Ngài đã ban cho họ).[7]
EP: Đúng thế, ghê sợ cái chết là điều không cần thiết trong đời người. Vì “khi chúng ta sống thì cái chết không hiện hữu, khi nó hiện hữu thì chúng ta đã không còn tồn tại nữa rồi”[8]. Bên cạnh đó, nếu có cuộc sống sau cái chết thì tại sao cứ phải lo sợ vì sự chuyển tiếp ngắn ngủi này; còn nếu không, lại càng chẳng phải bận tâm vì cái chết là phương thuốc chấm dứt mọi đau đớn bệnh tật nơi thân xác này. Thế nên, nỗ lực để chiến thắng nỗi sợ cái chết giúp cuộc sống tươi vui và đáng sống hơn.[9]
SOC: Các chú nói về cái chết nghe cũng có lý, nhưng con người phải sống ra sao để hạnh phúc trong một thế giới đầy dẫy những đau khổ và bất công này mới là khó ?
EPIC: Có người đã nói,
“Cuộc đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo đâu đùa với khách thơ”.[10]
Bởi thế, sống giữa một cuộc đời đầy biến động và bon chen này, thì sự an tĩnh (Apathy) trong sâu thẳm tâm hồn là điều giá trị nhất cho một con người. Sự an tĩnh tôi muốn nói ở đây chính là thái độ tự chủ tự chủ (self-mastery) trước các biến cố và khả năng chế ngự (self-control) những dục vọng cũng như ước muốn nơi bản thân.[11]
SOC: Anh có thể nói rõ hơn không anh Epictetus ?
EPIC: Điều tôi nói đây chẳng xa lạ gì với chúng ta, vì chính ngài Socrates đây đã làm chứng cho về điều đó trong chính cuộc xét xử của ngài “Anytus và Meletus có thể giết tôi nhưng không thể làm tôi bị thương”[12].
Quả thật, kẻ khác hay những nghịch cảnh có thể chiếm đoạt hay hành hạ thân xác con người nhưng chúng sẽ không bao giờ lấy đi được sự an tĩnh trong tâm hồn họ nếu họ không cho phép. Mỗi người hoàn toàn có khả năng giữ tâm hồn mình thanh thoát khỏi những khuấy động hoặc sự giận dữ dù cho có bất cứ điều gì xảy ra: “Nếu phải chết, liệu rằng tôi nên chết với lời than phiền hay chẳng? Nếu tôi phải chịu cảnh lưu đày, liệu rằng ai có thể cấm tôi bước đi với một nụ cười, một niềm hoan hỷ và sự hài lòng.”[13]
SOC: Phải chăng anh đang muốn nói đến một trật tự nào đó của tinh thần?
EPIC: Quả là như vậy. Cùng là những điều đến với ta, nhưng có cái ở trong tầm tay có cái lại quá xa tầm tay với của ta. Những điều thuộc cảm xúc và quyết định cá nhân thì ở trong; còn những cái như: tài sản, danh tiếng, địa vị…thì ở bên ngoài. Thế nên, khi càng khao khát những điều ngoài tầm tay thì con người càng tự trói đời mình bằng những phiền não và thất vọng, và như thế lại càng làm mất đi sự an tĩnh trong tâm hồn. Thực tế đã cho thấy, có bao người đã mất ăn mất ngủ, sầu não chán đời chỉ vì những lời bàn tán tiêu cực của người khác về mình. Nếu họ nhận ra rằng, những lời đồn thổi đó chỉ là cái bên ngoài, là điều ngoài tầm tay của tôi, thì có lẽ mọi chuyện đã khác.[14] Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm này: “Chỉ đâu mà vắt ngang trời/ Tay đâu che nổi miệng lời thế gian”
SOC: Tôi vẫn chưa rõ, tại sao sự an tĩnh tâm hồn lại có thể giúp đưa người ta đến hạnh phúc?
EPIC: Bởi vì sự an tĩnh giúp con người nhận ra bản chất thực sự của muôn vật trên đời, từ đó họ có thể quyết định và đón nhận nó như nó là.[15]
Đầu tiên là sự mất mát về vật chất. Nếu tôi vô tình đánh rơi một số tiền, tại sao tôi lại không tự nhủ mình rằng, tiền cuối cùng vẫn chỉ là phương tiện, là cái bên ngoài, nó đến rồi lại đi, và đây là điều tất yếu của nó. Tương tự như vậy, khi ý thức rằng khi đến một đất nước khác tôi sẽ phải sống với một nền văn hoá rất khác biệt, và khi sự va chạm văn hoá xảy ra, lòng tôi sẽ dễ dàng đón nhận nó như nó là.
Tương tự như vậy là sự ra đi của những người thân yêu, sự mất mát về tinh thần. Có lẽ đây là điều đau khổ nhất với những người đã có kinh nghiệm này. Thế nhưng, khi họ nhận ra rằng, mỗi người đều hữu hạn và phải tuân theo quy luật sinh-tử của tạo hoá. Đã là người thì dẫu thân yêu cách mấy thì cũng sẽ có ngày phải chia ly mãi mãi. Khi đã thấu hiểu được như vậy, chắc hẳn lòng người còn ở lại sẽ bớt đau buồn và an tĩnh hơn. [16]
Nói tóm lại, con người cần dựa vào lý trí để nhận ra những định luật tự nhiên trong cuộc sống hầu sống hài hòa và đón nhận những nghịch cảnh một cách nhẹ nhàng như nó là. Như thế họ sẽ tìm được sự an tĩnh và hạnh phúc trong cuộc đời.[17]
SOC: Nếu thế con người phải loại bỏ những cảm xúc và những ước mơ vươn lên, vậy phải chăng chúng ta đang kiềm hãm sự tiến bộ ?
EPIC: Có lẽ phải phân biệt một chút giữa việc “kiềm hãm sự tiến bộ” và “sống đúng chức năng của mình”. Động lực vươn lên là tốt đẹp nhưng nó lại dễ trở nên lý do để biện minh cho bản tính “đứng núi này trông núi nọ” của con người. Khi một ai đó bắt đầu so sánh, ghen tị và ảo tưởng thì sự an tĩnh của tâm hồn họ lại bị dậy sóng bởi những u buồn. Và thế là hạnh phúc đang dần rời xa họ. Tại sao nhiều người không thể chấp nhận mình như một diễn viên để tận tụy hết mình cho vai diễn của mình. Có ích gì khi mãi kêu ca và bực mình vì vở kịch dài, sân khấu tối.[18] Có ích gì khi tức giận cho thân phận mình, tại sao tôi tài năng như vậy mà không được trao một vai quan trọng hơn, dễ thương hơn…Những sự bực tức đi theo những câu hỏi tại sao đó có thay đổi được gì đâu ngoài việc làm cho vở kịch cuộc đời buồn hơn. Thay vào đó, tại sao tôi không nghĩ, sẽ ra sao nếu các ngón trên một bàn tay đều muốn thành ngón cái, sẽ ra sao nếu tất cả điều là kép chính? Mỗi người đều là một phần của vở kịch cuộc đời và chẳng ai có thể thay thế vai diễn cho ai. Còn việc phân vai hay đổi vai, điều đó tùy thuộc vào vị đạo diễn Thượng Đế, cứ diễn hết mình, chuyện gì đến sẽ đến.
PLA: Tôi cũng nghĩ rằng, một người khi đã nhận ra vị trí của mình trong cuộc đời thì không nhất thiết phải cố đèo bồng thêm những điều ngoài chức năng đó, bởi lẽ khi phải phân chia sức lực để làm điều mà anh ấy không chuyên thì hiệu quả sẽ giảm, đồng thời còn ảnh hưởng đến người khác vì sự thiếu sót hay chậm trễ mà anh gây ra.[19]
SOC: Thế làm sao biết tôi sẽ là ai, và sẽ đảm nhận vai trò gì trong cuộc trần này ?
PLA: Tôi thiết nghĩ chỉ có giáo dục mới giúp được. Giáo dục không chỉ là để những thầy dạy biết học trò của mình có những tố chất phù hợp với vai trò nào, mà quan trọng hơn là người học trò biết tự ý thức về mình để nhận ra, tôi là ai và tôi nên đảm nhận vai trò gì trong cuộc đời này?
SOC: Vậy theo anh người được giáo dục sẽ biết mình, biết chọn những điều tốt, biết rèn luyện nhân đức và sẽ hạnh phúc?
PLA: Chắc chắn là vậy.
SOC: Thế tại sao nhiều người có bằng cấp cao nhưng lại có đời sống đạo đức thấp?
PLA: Bằng cấp là một chứng nhận cho một người đã được giáo dục. Tuy nhiên nó không đồng nghĩa với tri thức thực (knowledge). Bởi lẽ với tiền, người ta có thể mua bằng cấp nhưng không thể mua được tri thức. Một người được 10 điểm trong lớp chưa chắc đã là người tốt ngoài xã hội. Quả thật, tri thức đòi người ta phải dấn thân, phải nổ lực với sự kiên trì để hệ thống, chắt lọc những gì đã học thì mới có thể biến cái bên ngoài thành cái bên trong mình được.
Thực chất, tri thức không phải là tấm bằng để che mưa che nắng với đời, nhưng là cái giúp con người nhận ra những điều tốt, điều thiện trong cuộc sống, đồng thời thôi thúc họ thực hiện những điều đó. Xa hơn, khi nổ lực luyện tập để chọn và làm những điều tốt đó ngày qua ngày như một thói quen, con người sẽ đạt được những nhân đức quý giá. Vì thế mới nói, tri thức là một phần của nhân đức.[20]
SOC: Anh đề cập nhiều tới nhân đức, vậy tại sao nhân đức lại cần để con người đạt đến hạnh phúc?
PLA: Chắc hẳn nhiều người đã trải qua kinh nghiệm giằn co trong chính con người mình, có những điều tôi nhận thấy là tốt, vừa ích lợi vừa cần thiết và trong tầm tay, thế mà có lúc tôi không thể làm được. Ngược lại, nhiều khi tôi nhận thấy những điều không tốt mà cũng chẳng cần thiết, vậy mà cuối cùng tôi lại làm. Lý do là bởi, linh hồn đang bị giam hãm trong nhà tù thân xác này.[21] Linh hồn muốn giúp con người hướng lên, để khát khao những điều tốt đẹp, để ước ao những điều thánh thiện, nhưng thân xác với những nặng nề của nó, những ước muốn hỗn loạn, những dục vọng thấp hèn lại kéo ì con người xuống mặt đất. Vì vậy con người cần nhân đức và thực hành nhân đức để thanh luyện tâm hồn của mình ngày càng thanh thoát khỏi ham muốn hỗn loạn, càng quân bình giữa những lý trí – tinh thần – mơ ước. Chỉ như thế, con người mới có thể vươn lên tới ánh thái dương đích thực, là nguồn gốc của chân-thiện-mỹ toàn vẹn. [22]
SOC: Còn anh Aristotle, anh là một con người thực tế, anh nghĩ sao về điều này?
ARIS: Tôi có phần đồng ý với vị thầy đáng kính của tôi về điểm này. Thiết nghĩ mỗi việc chúng ta làm đều có mục đích. Nếu mục đích của thể dục thể thao là gìn giữ sức khỏe, thì mục đích của y học là bảo vệ sức khỏe con người, hoặc mục đích của những hy sinh âm thầm nơi các bậc cha mẹ là chính là đứa con của họ…Cho phép tôi gọi những mục đích tốt đẹp đó là sự thiện.[23] Quả thật, mỗi việc chúng ta làm cũng như mọi sự được sinh ra trên cõi đời này đều có một lý do nào đó để tồn tại. Thế nên khi mỗi vật hướng tới đích nhắm mà từ đó nó được sinh ra thì nó đang hướng tới sự thiện của chính mình. Tuy thế, có những sự thiện lại góp phần làm nên những sự thiện lớn hơn. Chiếc cuốc giúp cho việc làm đất, đất tốt giúp cho rau quả tươi tốt, rau quả làm thức ăn nuôi sống cho động vật và cả con người…và sự liên tục nối tiếp nhau đó chỉ dùng lại khi đạt đến hạnh phúc.
SOC: Vậy với anh, hạnh phúc như là đích điểm cuối cùng của con người?
ARIS: Chính thế. Nếu thầy Plato của tôi diễn tả cái đích điểm đó như thượng đế mà từ nơi đó mọi thứ tốt đẹp nhất được sinh ra, thì tôi xem đích điểm cuối cùng đó là sự chung cục tuyệt đối (the final without qualification). Đó cũng chính là hạnh phúc, điều bao gồm sự toàn thiện, toàn vẹn và tự đủ. Dù gọi như thế nào thì hạnh phúc vẫn là đích điểm cuối cùng của tất cả khát vọng của con người.
SOC: Vậy theo anh, nhân đức đóng vai trò gì trên hành trình tiến đến hạnh phúc?
ARIS: Nhân đức giúp con người sống tốt và giúp họ thực hiện tốt chức năng của mình.[24] Và nếu hạnh phúc là hoạt động phù hợp với nhân đức thì nó phải là phù hợp với nhân đức cao nhất và là nhân đức tốt nhất.[25]
SOC: Làm sao để đạt được nhân đức?
ARIS:[26] Xét về yếu tính và định nghĩa, bản chất của nhân đức là sự trung dung giữa thái quá và bất cập; xét theo sự tốt lành và siêu vời, nhân đức là sự đối lập với cái xấu. Thế nên để luyện tập nhân đức nên thực hiện 3 điều sau:
- Tránh thái cực đối chọi và nếu phải chọn giữa hai cái xấu, hãy chấp nhận cái xấu ít hơn.
- Tìm điểm yếu và các khuynh hướng xấu của bản thân qua sự quan sát niềm vui và đau khổ trong mình, tiếp đó phải ép mình về hướng ngược lại.
- Hạn chế những khoái lạc và những gì mình ưa thích, điều này giúp này giúp giảm bớt những sai lầm trong phán đoán.
Nhìn chung, không dễ để đạt được trung dung một cách tốt nhất, cũng như để phán xét một hành động lúc nào thực sự trung dung, vì nó liên quan đến từng trường với hợp đặc thù riêng. Ví dụ, có lúc ta ca ngợi một người chậm giận là hiền lành, nhưng có lúc lại xem một người là “men lì” vì anh ấy nổi sung lên. Vì thế, có lúc cần phải hơi thiên về thái quá hoặc bất cập, bởi đó là cách dễ nhất để đạt tới trung dung, và cũng là nhân đức.
SOC: Nếu cứ theo anh, thì đời sống hạnh phúc là cứ phải tập cho được các nhân đức, hết cái này lại đến cái khác. Mà nhân đức muốn đạt được phải phụ thuộc vào hoàn cảnh và người khác. Vậy thì hạnh phúc này vi phạm yếu tố tự đủ đã được nêu lúc nãy?
ARIS:[27] Quả là một nhận định sắc bén đó, thưa ngài Socrates. Một đời sống được hướng dẫn bởi loại nhân đức khác (nhân đức thực hành) là đời sống hạnh phúc theo nghĩa phụ thuộc, vì hoạt động của nó bị giới hạn vào con người. Do đó hạnh phúc của đời sống ấy được xem là hạnh phúc nhân bản.
Hạnh phúc hoàn hảo hệ tại ở hoạt động chiêm nghiệm (completation), bởi đó là hoạt động của các thần. Thế nên, qua hoạt động chiêm nghiệm con người sẽ đụng chạm gần nhất với đời sống các thần và cũng là đời sống hạnh phúc nhất.
PLA: Điểm này tôi hoàn toàn đồng ý với cậu, Aristotle. Những nhận thức khả giác không thể đưa con người đến những giá trị tròn đầy của tạo hóa. Chỉ với chiêm nghiệm, con người mới cảm được những ý niệm về cái tuyệt mỹ nhất, cái chân thực nhất trong các nguyên lý của vũ hoàn.[28]
SOC: Nếu chiêm nghiệm là tuyệt vời nhất theo hai anh, vậy thì phải chiêm nghiệm cái gì ?
ARIS: Điều tôi đang nói về chiêm nghiệm (theoria/contemplation/study) không chỉ dừng lại ở tiến trình học biết điều này điều nọ, nhưng đó là hoạt động của những người muốn đạt đến sự khôn ngoan thần thiêng. Đó là một sự hiểu biết một cách tròn đầy những nguyên tắc nền tảng đang chi phối sự hoạt động của cả vũ trụ này. Nhưng đồng thời những người muốn hiến thân để chiêm nghiệm sự hiểu biết này cũng cần có những điều kiện vật chất tương đối đầy đủ để chẳng còn phải lo những nhu cầu thông thường, nhưng hiến thân trọn vẹn cho hành trình cao quý này. Đó chính là chóp đỉnh của hạnh phúc con người.[29]
SOC: Vâng, xin cám ơn vì những đóng góp vô cùng quý báu của các anh cho buổi mạn đàm đêm nay. Như thường lệ, tôi xin mạn phép tóm kết lại con đường hạnh phúc mà chúng ta vừa xây đắp nên. Con đường hạnh phúc khởi đầu bằng việc vượt qua khỏi nỗi sợ, đặc biệt là sợ cái chết và nghịch cảnh; kế đến là chu toàn chức năng làm người qua các nhân đức; và đích đến cuối cùng là sự chiêm nghiệm để đạt đến chóp đỉnh của hạnh phúc.
Dẫu biết là vậy nhưng trong lòng tôi vẫn khắc khoải một điều, phải chăng mỗi người có thể tự tạo ra hạnh phúc cho chính mình hay không?
Paul Phạm Khánh Linh
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên
[1] Hoa viên (Garden) nơi mà Epicurus và các đồng bạn đàm luận về Triết học, được so sánh với trường Academy của Plato và Lyceum của Aristotle.
[2] Epictetus sống khoảng đầu thế kỷ II (55-135 SCN), và được xem là đại diện tiêu biểu cho phái Khắc kỷ (Stoicism).
[3] Epicurus ( 341-371 TCN) là triết gia lập nên phái Epicureanism, hay được gọi là phái Khoái lạc.
[4] Plato (427-347 TCN) là học trò của Socrates và là một trong những triết gia nổi tiếng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất.
[5] Aristotle là triết gia thời cổ đại, học trò của Plato và đã có nhiều đóng góp lớn cho các ngành toán, lý, sinh, logic…
[6] X. Forrest E.Baird, Tuyển Tập Danh Tác Triết Học- Từ Plato Đến Derrida, Đỗ Văn Thuấn-Lưu Văn Hy dịch, NXB Văn Hoá Thông Tin, tr. 153,21.
[7] William S.Sahakan & Mabel L.Sahakan, Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, Lâm Thiện Thanh-Lâm Duy Chân dịch, NXB TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.68
[8] X. Tuyển Tập Danh Tác Triết Học- Từ Plato Đến Derrida, tr.142
[9] X. Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, tr.64
[10] Nam Cao, Đời Thừa.
[11] X. Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, tr.65
[12] Socrates, Biện Hộ, 30c.
[13] Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, tr.67-68.
[14] X. Samuel Enough Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy dịch, NXB Lao Động, 2004, tr.97-97.
[15] 9 X. Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, tr.66
[17] X. Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, Sinag-Tala Publishers.Inc, 1994, p.208.
[18] X. Tuyển Tập Danh Tác Triết Học- Từ Plato Đến Derrida, 152,17.
[19] X. Plato, Republic II.
[20] X. Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, tr.60-62.
[21] X. Plato, Gorgias.
[22] X.Plato, Phaedrus.
[23] X. Aristotle, Nicomachean, cuốn 1.
[24] X. Aristotle, Nicomachean, cuốn 2.
[25] X. Aristotle, Nicomachean, cuốn 10.
[26] X. Aristotle, Nicomachean, cuốn 2.
[27] X. Aristotle, Nicomachean, cuốn 10.
[28] X. Swami Krishnananda, Studies In Comparative Philosophy, http://www.swami-krishnananda.org/com/com_plat.html ( Truy cập ngày 22/06/2014)
[29] X. Richard Kraut, Aristotle’s Ethics, http://plato.stanford.edu/entries/aristotle-ethics/#ThrLivCom (Truy cập ngày 22/06/2014).