PHẦN II . NHIỆM VỤ PHẢI XƯNG TỘI ĐỐI VỚI MỌI NGƯỜI
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992)
Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.
“Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn, phải xựng mọi tội trọng ít nhất mỗi năm một lần ” (s. 1457) “Mọi tín hữu được hoàn toàn tự do để xưng tội theo định kỳ như họ muốn, và xưng tội thường xuyên để thăng tiến trên con đường thánh thiện” (s. 1458)
Sách Giáo lý của Hội Đồng Giám mục Pháp gọi đó là: “Xưng tội tiến đức”, vốn bảo tồn sự sáng suốt về tình trạng tội và sự tín nhiệm vào lòng thương xót Chúa “ (GMP s. 435). Thường là hằng tháng, hay nửa tháng hay hằng tuần. “Thái độ thiêng liêng của sự hoán cải, thống hối, đền tội. làm thành một trong những khía cạnh của ân sủng bí tích. Người tín hữu khao khát lãnh nhận bí tích này để được ân sủng siêu nhiên ( GMP s.456)
I. Về luật xưng tội (theo Giáo luật) cho mọi tín hữu:
*XƯNG TỘI TRỌNG: bắt buộc xưng tất cả mọi tội trọng trong đời sống, và ít nhất mỗi năm một lần.
[GL đ. 988 §1 Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội trọng (nặng), theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Hội thánh hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng”.
*XƯNG TỘI NHẸ
[GL đ. 988 §2 Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.
[GL đ. 989 Mọi tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, buộc phải xưng tội kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần.
[GL điều 97 §1, Người đã được 18 tuổi trọn là kẻ trưởng thành, trước tuổi ấy là vị thành niên.
§2. Vị thành niên, trước khi được bảy tuổi trọn được gọi là nhi đồng, và được coi như không tự chủ, một khi đã được bảy tuổi trọn thì được suy đoán là biết sử dụng trí khôn.]
II. ĐÒI BUỘC PHẢI XƯNG TỘI ĐỐI VỚI LINH MỤC,TU SĨ
a) Tu sĩ các Hội Dòng
Điều 664. “Các tu sĩ hãy ra sức hoán cải nội tâm về với Chúa, xét mình hằng ngày và năng lãnh bí tích thống hối.”
[Can. 664 Religious are earnestly to strive for the conversion of soul to God. They are to examine their consciences daily, and to approach the sacrament of penance frequently.]
b) Các thành viên Tu hội đời
Điều 719, §3. Họ hãy lãnh nhận bí tích thống hối cách tự do và thường xuyên,”
[Can 719 §3. They are to approach freely the sacrament of penance which they are to receive frequently.]
c) Chủng sinh và linh mục
Đặc biệt khuyến khích chủng sinh “hãy năng xưng tội thường xuyên” (đ. 246, §4);
[Can 246 §4. Students (seminary) are to become accustomed to approach the sacrament of penance frequently; it is also recommended that each have a director of his spiritual life whom he has freely chosen and to whom he can confidently open his conscience.]
d) Giáo sĩ hãy “năng đi xưng tội”(276, §2. 5).
[Can. 276 §2.5. They are urged to engage in mental prayer regularly, to approach the sacrament of penance frequently, to honor the Virgin Mother of God with particular veneration, and to use other common and particular means of sanctification.]
“Thật đáng khich lệ khi biết rằng Bí tích Giải tội có một vị trí quan trọng trong các tài liệu Công đồng Vaticano II. Có ít nhất sáu tài liệu (nói đến điều đó), và còn được nhấn mạnh trong sắc lệnh về thừa tác vụ linh mục, nơi đó các linh mục được khuyến khích xưng tội thường xuyên và thúc giục dân Chúa xưng tội mình với tâm hồn thống hối trong Bí tích Thống hối´”(Sắc lệnh về đời sống linh mục, 5).
III BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ HOÀ GIẢI trong đời thánh hiến
Sắc lệnh của Thánh Bộ Tu sĩ (08.12.1970): “Tu sĩ phải coi trọng Bí tích Thống hối…Họ cũng phải quý chuộng việc thường xuyên lãnh nhận bí tích này nhờ đó họ có được một hiểu biết đích thực về chính mình, đức khiêm tốn Kitô được củng cố, đồng hành thiêng liêng được thực hiện và ân sủng được gia tăng. Những hiệu quả phi thường này và những lợi ích khác không chỉ đóng góp nhiều vào việc tăng trưởng mỗi ngày trong đức hạnh, mà còn sinh ích lợi lớn hơn cho toàn thể Cộng đồng.”
Bí tích Thánh Thể và Hòa giài trong đời thánh hiến
“Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến.”
“Hoà nhập sâu xa với bí tích Thánh Thể còn có quyết tâm hoán cải liên tục và sự thanh luyện rất cần thiết. Đó là điều mà những người tận hiến hoàn thành trong bí tích Hoà Giải. Nhờ thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa khoan dung, những người tận hiến thanh tẩy và canh tân tâm hồn và nhờ khiêm tốn ý thức tội lỗi của mình, họ làm cho tương quan của mình với Thiên Chúa nên trong sáng hơn. Trên con đường cùng đi với anh chị em, kinh nghiệm hồng phúc của việc tha thứ trong bí tích làm cho tâm hồn họ nên ngoan ngoãn và thúc giục họ dấn thân với một lòng trung tín ngày càng lớn hơn.” (ĐGH Gioan Phaolo II, Tông huấn Vita Consecrata, 95)
“Các tu sĩ hãy ra sức hoán cải nội tâm về với Chúa, xét mình hằng ngày và năng lãnh bí tích thống hối” (x. Giáo luật, điều 664; Tông huấn Vita Consecrata, 95)
“Để cho hoa trái đáng mong chờ của sự hiệp thông và canh tân được sản sinh cách viên mãn, có những điều kiện thiết yếu không thể thiếu vắng, đặc biệt là sự tha thứ lẫn nhau và dấn thân yêu mến lẫn nhau, theo giáo huấn của Chúa; cần có sự hoà giải trọn vẹn trước khi dâng của lễ nơi bàn thờ. (x. Mt 5,23). Bí tích hiệp nhất không thể được cử hành đang khi ta vẫn vô tâm với người khác.” (Tài liệu của Thánh Bộ đời sống thánh hiến, Khởi hành lại từ Chúa Kitô, 26).
Số lượng người đi xưng tội trong những năm vừa qua có thể giảm sút nhưng giáo huấn của Hội thánh về vấn đề này luôn được nhắc lại qua các triều đại Giáo Hoàng.
III. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA XƯNG TỘI VÀ LINH HƯỚNG
Như đã thấy, xưng tội tiến đức trong nguồn gốc, đến từ đời sống đan viện bên Ái nhĩ lan, nơi đó mỗi đêm các đan sĩ đến gặp bề trên hay linh sư, để bày tỏ lương tâm, để xưng thú tội lỗi và xin được hướng dẫn.
Linh hướng là một thực hành quan trọng trong đời sống thiêng liêng, cách đặc biệt và trước tiên, đối với các thánh phụ tìm Chúa trong hoang mạc. Và sau đó là các đan sĩ trong đan viện. Người giiáo dân đạo đức khi xưng tội thường xuyên, cũng ao ước được hướng dẫn trong đời sống thiêng liêng. Việc xưng tội và linh hướng có đối tượng riêng biệt và mục đích khác nhau nhưng trong môi trường đan viện, chúng được nối kết với nhau để thăng tiến đời sống thiêng liệng, cách đơn giản trong việc hối lỗi hàng ngày.
Phong trào ”lòng sùng kính tân đại” (devotio moderna) là một phong trào đạo đức trong Giáo hội công giáo, bắt nguồn từ Hòa lan (từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI) nhấn mạnh đến việc suy niệm và đời sống nội tâm, và không đặt nặng vấn đề nghi thức hay công việc bên ngoài. Phong trào sùng kính tân đại cho ta cảm tưởng Linh đạo siêu lý luận của thế kỷ XIII-XIV và thần học kinh viện, vốn khô khan và trừu tượng, làm cho nhiều người – nhất là giáo dân- xa rời đời sống thiêng liêng,
Phong trào khuyến khích việc trợ giúp thiêng liêng cho người giáo dân. Thực tế là ngày càng đông người muốn được hướng dẫn trong đời sống nội tâm, dưới ánh sáng của Thánh Thần.
Những cuộc tĩnh tâm được hướng dẫn hay đồng hành, phát triển rộng rãi vào tk XVI-, dưới nhiều ảnh hưởng khác nhau, như dòng Tên và thực hành Linh Thao, linh đạo Cát minh (Carmel) nhấn mạnh đến sự cô tịch và sa mạc. Trường linh đạo Pháp quốc áp dụng linh hướng trong việc huấn luyện thiêng liêng cho các chủng sinh. Mỗi linh mục trong chủng viện có thể là linh hướng (directeur) tức là đóng góp vào việc hướng dẫn và đào luyện với ít nhiều thích nghi.
Canh tân trong linh hướng
Linh hướng trong kinh nghiệm gặp gỡ từ xưa và chờ đợi hiện nay,
Hai từ góp phần định nghĩa đồng hành thiêng liêng trong truyền thống Giáo hội: tín nhiệm và lời nói.
Từ khởi đầu của đời sống tu (tức việc tìm Chúa trong hoang mạc), mỗi người, nếu muốn đạt mục đích là tìm Chúa không thể tự mình sống đơn độc, muốn làm gì tùy ý, để rồi mất giờ làm những điều dư thừa, vô ích, thậm chí còn làm những điều có hại, nhưng trong cơ bản, cần phải được một ngưởi trưởng lão có kinh nghiệm dẫn dắt. Người trưởng lão là Cha, là Thầy (Sư phụ). Nhưng mọi người biết rằng Sư phụ không có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Ỏ đây vấn đề là linh đạo tức là tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa chớ không phải chỉ có trắng đen của luân lý. Vì thế cả thầy lẫn trò đều cùng nhau tìm kiếm ánh sáng, bằng cách đặt mình dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, bước đi theo Chúa Kitô, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
Tương quan giữa sư phụ (Thầy) và đệ tử (Trò).
Cách hành xử cùa thầy là lắng nghe. Nghe với con tim. Sự thinh lặng là thái độ thông thường của thầy, hơn là những lời nói dông dài, những diễn từ tràng giang đại hải.. Thầy không dạy. Nhất là không dạy về mình. Không lấy mình làm mẫu mực.(R
Điều cốt yếu là làm chứng về sự Hiện diện cùa một Đấng khác: Thiên Chúa, vốn ban ân sủng và đổi mới chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động trong linh hồn (Rm 8,24)..
Người đệ tử tìm kiếm và ước ao gặp Chúa trong đời sống, bằng cách xin một người thứ ba làm kẻ hướng dẫn.Người đồng hành là một chứng nhân trong môt tương quan “tay ba”.
Tương quan này cắm rễ sâu trong một sự tín nhiệm hỗ tương với một người khác, bằng một hành vi đức tin: tin rằng Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách đặc biệt qua người hướng dẫn chúng ta nhân danh Chúa . Tín nhiệm và hợp tác để cùng nhau hướng về Chúa Kitô, Đấng đã kêu gọi chúng ta.
Lời nói là khí cụ tuyệt hảo của kinh nghiệm này. Nhưng là một lời nói luôn tìm kiếm trung tâm của mình, tức là được cưu mang, nuôi dưỡng trong thinh lặng của kinh nguyện, hay trong chiêm niệm những thực tại vô hình..
Sự cởi mở tâm hồn bằng lời nói, hiệp thông trong tư tưởng, là phương tiện tuyệt hảo để nhận ra ý nuốn của Thiên Chúa.
Lời của sư phụ đưa đệ tử về lại với lời của chính mình. Lắng nghe. Trợ giúp. Ân sủng của việc đàm đạo thiêng liêng dẫn người môn đệ ngày càng trưởng thành trên con đường tìm kiêm ý muốn Thiên Chúa. Dần dà người môn đệ thu nhận một kinh nghiệm thiêng liêng vững chắc để có thể tự mình giải quyết vấn đề của mình mà không sợ lầm lạc.
Trong Thư gửi các linh mục, nhân dịp kỷ niệm lần 160 ngày qua đời của Thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở họ Ars (1786-1859), ĐGH Phanxicô nhắn nhủ các linh mục không nên bỏ qua việc đồng hành thiêng liêng: “cần có một người anh em đê chia sẻ, trao đổi, đối chiếu, thảo luận hay phân định với sư tin tưởng và trong suốt hoàn toàn, con đường của chính mình, một người anh em khôn ngoan, để cùng nhau sống kinh nghiệm của người môn đệ . Tìm người đó, gặp người và sống tron niềm vui để mình được hướng dẫn, đồng hành và khuyên bảo. Đó là một trợ lực không thể thay thế để có thể sống thừa tác vụ bằng cách thi hành thánh ý Cha (x. Dt 10,9) và để trái tim hòa nhịp đập với những tâm tình trong Đức Kitô Giêsu” (Ph 2,5). Những lời của sách Giảng viên làm ích cho chúng ta biêt bao: “Hai thì tốt hơn là một…nếu họ có té ngã, thi người này nâng đỡ người kia. Bất hạnh cho người ở một mình, nếu nó té ngã, chẳng ai đỡ dậy” (Gv 4,9-10)…
Ngày nay, khi có thể xưng tội mà không có tòa giải tội, trong nhiều nhà thờ, (như nhà thờ St Sulpice ở Paris), người ta chuẩn bị những phòng tiếp tân có lắp kính. Nhiều hối nhân có xu hướng đến gặp cha giải tội để nói về tình trạng tâm hồn mình cách mông lung, chớ không kể tội, hay hành vi lỗi phạm của mình cách chinh xác. Người ta lẫn lộn giữa việc xưng tội và linh hướng. Xưng tội là thú nhận mình đã phạm tội cách chính xác (trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót). Linh hướng là trình bày tình trạng linh hồn, sốt sắng, nguội lạnh…những ơn Chúa ban, những trở ngại, những sự cám dỗ…..xin trợ giúp để thấy rõ con đường phải theo để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, theo thánh ý Chúa.
Có thể xưng tội mà không linh hướng và ngược lại, linh hướng mà không xưng tội. Nhưng khi một người biết mình làm gì thì không lẫn lộn hai thứ.
——————————
Phân biệt giữa xưng tội
Các tội và lỗi phạm (trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót).
Tẩy luyện tội lỗi để linh hồn được tái sinh trong ân sủng. Làm cho linh hồn nên trong sạch. Xứng đáng làm con cái Thiên Chúa .
Lãnh vực của ý chí, quyết tâm. Hoán cải. Thay đổi đời sống.
Và Linh Hướng:
Đào luyện đời sống luân lý: sửa các tính hư nết xấu, tập luyện các đức hạnh. Đặt đức hạnh trên nền tảng tự nhiên vững chắc.
Hướng dẫn xếp đặt đời mình trong trật tự theo thánh ý Chúa, loại bỏ những gắn bó vô trật tự. (Thực hành khổ chế: hãm mình, đền tội và cầu nguyện).
Truy tầm nguyên nhân của tội và lỗi phạm để tìm cách giải quyết thích đáng.
Tập luyện linh hồn cho thêm vững mạnh, giúp linh hồn gia tăng đức hạnh, bằng việc cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa.
Nếu linh hồn có thể trở nên tinh sạch trong một khoảnh khắc (nhờ phép giải tội), thi chỉ trở nên đức hạnh sau một thời gian dài. Để được thanh luyện, linh hồn phải biết mình cách sâu xa và học biết các quy luật của đời sống thiêng liêng. Luật của đồng hành thiêng liêng, cách chung cũng diễn tiến theo một trình tự như trong tiến trình đào luyện con người, mà khẩu hiệu quen thuộc là :“Gieo tư tưởng, gặt hành động; gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách.” Thánh Augustinô nhận xét: “Thói quen phạm tội nào đó, cả là to lớn và nghiêm trọng, làm chúng ta coi chúng như nhỏ nhặt và như không có, đến độ thay vì xấu hổ, cuối cùng chúng làm chúng ta huênh hoang và hãnh diện vì chúng”. Không thể tập luyện các đức hạnh mà không có khổ chế, dầu là ở mức độ tối thiểu.
Dầu là linh hướng trong hay ngoài giải tội, thì giá trị của việc linh hướng, trải qua kinh nghiệm của truyền thống tu đức, được chứng minh như một phương thế hữu hiệu để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Nhưng cũng theo kinh nghiệm, bí tích thống hối –và linh hướng- chỉ sinh ích lợi với ba điều kiện: cha giải tội tốt, cộng tác với ân sủng, việc đền tội thích đáng.
Giữa cha và con linh hướng phải có sự tín nhiệm. Nếu không thì không nên nói đến linh hướng. Gặp cha linh hướng để bày tỏ linh hồn mình, chớ không phải đi “tám” cho đỡ buồn. Có người đến cha linh hướng để kể hết mọi chuyện trên trời dưới đất, chuyện cộng đoàn, bề trên, anh em để …cuối cùng không còn giờ để nói về mình. Nhiều cha linh hướng cũng theo cách ấy mà điều tra những tổ chức quanh mình, để khỏi phải mất thời giờ dạy dỗ uốn nắn con linh hồn mình, vì đào luyện tâm hồn là một tiến trình khó nhọc. Phải trả lại danh hiệu linh hướng cho việc cao quý hướng dẫn linh hồn bước theo Chúa trong Hội thánh, cũng như việc xưng tội như bí tích Chúa đã thiết lập. Nếu có vấn đề xưng tôi không đạt chuẩn, thì cũng có vấn đề linh hướng không có kết quả, nhưng ít được biết đến.
Khôn ngoan thật, khôn ngoan giả
Kinh thánh nói về người linh hướng: “Nhưng hãy năng đến với một người đạo đức, người con biết là vẫn tuân giữ lệnh truyền, người tâm đầu ý hợp với con, biết cảm thông khi con lầm lỡ. Rồi con cứ bụng bảo dạ mà làm, vì chẳng còn ai đáng tin hơn. Nhiều khi tâm hồn báo cho con người biết rõ, hơn cả bảy người đứng gác trên trạm cao. Nhưng quan trọng hơn hết: con hãy cầu xin Đấng Tối Cao dẫn con đi theo đường chân lý”(Hc 37,12-15).