Biến nỗi đau thành hành động bác ái theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lần tới khi một giáo dân hoặc thành viên trong gia đình làm điều gì đó xúc phạm hoặc khiến bạn tổn thương, thánh Têrêsa có thể chỉ cho bạn cách giữ ngọn lửa tình yêu luôn bừng cháy.

 

 

“Tại sao anh lại mang nó theo?! Cứ để nó ở nhà đi!” một ông già nhìn tôi bằng ánh mắt dữ tợn và tức giận rít lên với tôi khi tôi đang cố gắng đi qua hàng ghế của ông khi rước lễ về với hai cậu con trai nhỏ. Phải đối mặt với một quãng đường dài và khó chịu, tôi chỉ cố tiếp tục di chuyển và đi đến phía sau nhà thờ trong trạng thái rối bời và buồn bã.

 

Thật không may, một trong những ngày Chủ Nhật lại trở nên như vậy. Tôi ở một mình, phải trông nom hai đứa con hai tuổi và một tuổi, và chúng tôi đã dành phần lớn thời gian Thánh lễ ở phía sau nhà thờ. Tôi đã nhẹ nhàng nhắc nhở đứa con hai tuổi rằng chúng tôi sắp đi rước lễ, và rằng cháu cần phải tự đi bộ một mình vì giờ cháu đã lớn rồi. Nó nắm tay tôi một cách vui vẻ trong giây lát, nhưng khi chúng tôi bước qua cánh cửa vào nhà thờ, tâm trạng của bé thay đổi hẳn. Thằng bé phản đối bằng cách kêu lớn tiếng với đôi mắt ngấn lệ: “Khônggggggggg!” “Con không muốn điều này!” Thằng bé liên tục khóc, không chịu di chuyển, và la hét suốt chặng đường lên rước lễ và suốt chặng đường trở về.

 

Tôi đã rất cố gắng nhưng không thể giúp con trai tôi bình tĩnh lại khi cả đứa con út cũng đang quấy phá trong vòng tay, ngoài việc cố gắng tiếp tục tiến lên theo hàng, không thể thay đổi được tình hình. Tôi đã nghĩ đến việc chỉ cần rời khỏi hàng và quay lại phía sau, nhưng nếu tôi làm vậy thì cơ hội đi lên sẽ kết thúc, và tôi sẽ không thể rước Chúa Giêsu. Vì vậy, tôi tiếp tục đi với đứa con nhỏ đang quậy phá và đứa con lớn đang la hét của mình – tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn ở mỗi bước đi.

 

Từ giận dữ đến bình an

 

Khi tôi ngồi lại ở phía cuối sau toàn bộ sự việc, phản ứng đầu tiên của tôi là tức giận. “Lão ta nghĩ gì vậy?! Nếu ông ta cảm thấy cần phải quát tháo ai đó trong Thánh lễ, thì đó là dấu hiệu lão nên câm miệng lại! Ông ta nghĩ rằng tôi chưa đủ xấu hổ sao?! Trời ơi!” Nhưng sau đó, tôi hít một hơi thật sâu và bắt đầu cầu nguyện cho ông ấy. Tôi đã thay đổi độc thoại nội tâm của mình thành cuộc đối thoại với Chúa Giêsu về điều đó và nghĩ rằng: “Ai mà biết chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống của ông, và có lẽ ông ta đã hy vọng sự yên bình và tĩnh lặng của Thánh lễ sẽ là liều thuốc chữa lành — và do đó ông ta càng thất vọng hơn khi những đứa con hay la hét của tôi đi ngang qua mình, phá hỏng sự ổn định ít ỏi của ông ấy.”

Tôi đã cố gắng định hình lại tình huống để hiểu ông và nhu cầu của ông ấy, thay vì chìm đắm trong sự khó chịu và tổn thương của mình. Và bạn biết không? Nó có hiệu quả. Tôi cảm thấy bình yên và chỉ gạt bỏ trải nghiệm đó như một ngày đáng nhớ trong cuộc sống của những bậc cha mẹ có con nhỏ. Tôi phải cảm ơn thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu vì điều đó. Thánh nhân đã dạy tôi học cách đối mặt với các tín hữu mà tôi gặp (bao gồm cả những người trong gia đình tôi) làm tôi thất vọng hoặc tổn thương.

 

Một ân sủng thay đổi cuộc đời

 

Thánh Têrêsa chia sẻ một khoảnh khắc đau đớn trong chương năm của “Truyện Một Tâm Hồn” khi thánh nữ bị tổn thương bởi những lời nói của cha mình, nhưng sau đó đã nhận được ân sủng để vượt qua nỗi đau. Thánh nữ là một cô bé 13 tuổi rất nhạy cảm, và vào dịp Giáng sinh, ngài đã nghe lỏm cha mình bộc bạch trong sự khó chịu “Thôi được, may sao, đây sẽ là năm cuối cùng!” khi ông thấy đôi giày của thánh nữ được đặt ngoài lò sưởi để chờ quà. Đôi mắt thánh Têrêsa ngấn lệ, nhưng sau đó ngài đã nhận được một ân sủng quan trọng có sức biến đổi cuộc đời mình để vượt qua nỗi đau đó và biến nó thành sự phục vụ. Ngài giải thích rằng:

 

“Tôi cảm thấy lòng bác ái đi vào tâm hồn mình, và nhu cầu quên đi bản thân để làm vui lòng người khác; kể từ đó, tôi trở nên hạnh phúc!”

 

Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã công bố một tông huấn về Thánh Têrêsa có tên là C’est la Confiance (Chính Lòng Tin Cậy). Trong đó ngài mô tả cách thánh Têrêsa khám phá ra trái tim của Giáo hội. Ngài viết:

 

“Việc khám phá ra trái tim của Giáo hội này cũng là nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay. Nó bảo vệ chúng ta khỏi bị xúc phạm bởi những hạn chế và yếu đuối của các cơ chế Giáo hội với những bóng tối và tội lỗi của nó và cho phép chúng ta bước vào “trái tim đang bùng cháy với tình yêu” của Giáo hội, trái tim đã bùng lên ngọn lửa vào Lễ Ngũ Tuần nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trái tim đó có ngọn lửa được thắp lên lại với mỗi hành động bác ái của chúng ta” (41).

 

Giữ ngọn lửa tình yêu luôn cháy sáng

 

Thay “các cơ chế Giáo hội” bằng “các anh chị em Kitô hữu của chúng ta” và bạn sẽ có một cách nhìn khác trong việc đối diện với sự thất vọng. Trái tim bừng cháy với tình yêu của Chúa Giêsu sẽ làm lu mờ mọi nỗi đau mà chúng ta gây ra cho nhau. Hơn nữa, những hành động yêu thương và bác ái của chúng ta giúp giữ cho ngọn lửa tình yêu đó luôn sống động và cháy sáng. Những hành động yêu thương và bác ái chủ động của tôi giúp ích khi tôi đặt mình vào vị trí người khác và khi tôi là người gây ra nỗi đau và sự thất vọng cho các anh chị em Kitô hữu khác vì sự yếu đuối và sự chểnh mảng của chính mình. Tôi hy vọng những người khác sẽ cầu nguyện cho tôi khi tôi làm họ thất vọng!

 

Vì vậy, lần tới khi một giáo dân, hoặc cha mẹ hoặc anh chị em ruột, làm điều gì đó xúc phạm hoặc làm tổn thương bạn, hãy giữ ngọn lửa tình yêu cháy sáng. Hãy biến nỗi đau thành hành động bác ái như thánh Têrêsa. Lạy thánh Têrêsa, xin cầu nguyện cho chúng con!

 

Nguồn: Aleteia
Tác giả: Cecilia Pigg
Chuyển ngữ: Kim Linh

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa

Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát …