Bình an giữa sóng gió

Đời người là một hành trình nhiều sóng gió, và ai cũng khao khát đi qua sóng gió để đến được bờ bình an. Đối với người Kitô hữu, niềm khao khát ấy phải chăng là ao ước thấy được Chúa đồng hành và nâng đỡ hành trình đời mình.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 19[1] hôm nay kể lại một hành trình hiểm nguy trắc trở mà các môn đệ của Chúa Giêsu đã trải qua. Trời đã tối, các môn đệ mệt nhoài sau một ngày phụ giúp Chúa Giêsu giảng dạy và nuôi ăn đám đông hơn chục nghìn người trong phép lạ hoá bánh ra nhiều. Khi chưa nguôi niềm vui của một sứ vụ thành công, các ông bước tiếp một hành trình không mấy tươi sáng. Qua bờ bên kia trước – một hành trình không rõ về mục đích, lênh đênh trên biển giữa đêm tối, và thiếu vắng sự đồng hành của Thầy Giêsu. Điều duy nhất các môn đệ chắc chắn chỉ là lời thúc giục ban đầu của Thầy: xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước.

Giông tố thường đến giữa hành trình, vì không ai khởi hành khi trời mưa bão. Trong hành trình của các môn đệ, chuyện không mong muốn đã xảy đến khi sóng to gió lớn ập đến con thuyền nhỏ bé của các ông. Thuyền đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Để có thể đối phó với cơn gió ngược chiều, hành trình sẽ dài và vất vả hơn vì thuyền buồm phải đi dích dắc so với đoạn đường thẳng tới đích. Mệt mỏi, lạnh lẽo, đói khát trong đêm giữa biển khơi sóng gió, ắt hẳn ai cũng đang tự hỏi về vai trò của thầy Giêsu: người đã mời họ bước vào cuộc hành trình đơn độc. Chẳng phải Chúa mời gọi tôi đi vào cuộc hành trình này sao? Chúa có biết tôi đang gặp khó khăn không? Chúa đang ở đâu? Chúa có đồng hành và giúp đỡ tôi khi tôi đang bơ vơ chống chọi sóng gió?

Sóng gió trong cuộc đời là chuyện không ai tránh được, và cũng không ai có thể hiểu hết nguồn cơn của chúng. Học hành, công việc, sức khoẻ, gia đình, tương quan xã hội – tất cả đều là những hành trình không ít sóng gió mà mỗi người đều phải trải qua. Ngay cả những hành trình tốt lành thánh thiện như phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cũng đầy rẫy những gian nan. Chính Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đã từng có kinh nghiệm về những tăm tối trong cuộc đời. Mẹ cảm thấy như Chúa đã bỏ rơi mình trong thời gian gần 50 năm. Mẹ đã từng thú nhận: “Nếu tôi có là thánh, tôi sẽ là vị thánh của tối tăm, và tôi sẽ xin Trời cho tôi làm ánh sáng cho những người sống trong tối tăm trần gian”.[2]

Giữa sóng gió của cuộc hành trình, Chúa Giêsu xuất hiện. Điều lạ lùng là các môn đệ đã không nhận ra Thầy mình – các ông tưởng Thầy là ma, hoảng hốt kêu la bấn loạn giữa cơn sóng gió. Có lẽ chính những khó khăn vất vả đã che mắt các ông. Có lẽ Chúa đến vào lúc các ông không ngờ tới, khi tất cả dường như đã mệt nhoài buông xuôi, hoặc chỉ đang cố chống chọi với sức công phá của sóng gió biển khơi mà không còn hy vọng vào bất cứ một giải pháp nào khác hơn được nữa. Chúa đến giữa canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển, sóng gió vẫn đang vần vũ con thuyền giữa biển khơi, các môn đệ hoảng hốt. Chưa hoàn tất hành trình khó khăn vượt biển, các môn đệ đi tiếp hành trình không dễ dàng của việc nhận ra Chúa Giêsu.

Cách Chúa đến khác lạ, nhẹ nhàng và đối lập hẳn với hoàn cảnh sóng gió mà các môn đệ đang gặp phải. Thay vì dẹp yên sóng gió, Chúa mời gọi Phêrô bước trên sóng biển, đi giữa cơn gió lớn để đến với Ngài. Đến gần Chúa chừng nào thì vượt qua được sóng gió chừng ấy. Trong cuộc hành trình, có lúc Phêrô chìm vì sợ hãi nhưng Chúa vẫn tiếp tục đưa tay nắm lấy và dìu ông vượt qua khó khăn để lên thuyền và đến bờ bình an.

Đi giữa sóng gió, cám dỗ lớn nhất là để nỗi khó khăn sợ hãi bắt chụp lấy mình, thay vì vững tin vào sự hiện diện và đồng hành nhẹ nhàng nhưng vững chắc của Chúa. Sợ hãi và kém tin đã làm Phêrô chìm, còn tin tưởng và nắm lấy tay Chúa mới giữ ông vững vàng tiến bước. Kể cũng lạ, lối nẻo của Chúa là nhẹ nhàng giữa sóng gió, là an bình giữa bão giông. Từ hang Bêlem ngày Giáng Sinh đến đồi Canvê hôm chịu khổ hình, Chúa vẫn trung thành với con đường nghèo khó, âm thầm, nhiều khó khăn nhưng lại rất đỗi bình an, nhân hậu và công minh chính trực. Giữa muôn sóng gió của cuộc đời, Chúa có thể đến qua tha nhân, qua lời động viên an ủi, qua lời cầu nguyện, qua tâm lòng thiện lành đơn sơ, hay nơi niềm tin son sắt bền sâu về sự đồng hành và cứu giúp. Trên núi Horeb, Elia đã trải qua kinh nghiệm gặp Chúa nơi tiếng gió hiu hiu (1V 19,9-13). Sau tất cả những gầm gừ quát tháo của gió bão, động đất, lửa cháy, Elia nhận ra Chúa trong cơn gió nhẹ hiu hiu và tiến ra gặp Ngài.

Lời cầu xin quen thuộc trong Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô cũng mang tinh thần của người an bình giữa sóng gió: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Người tin Chúa thường gặp nhiều thử thách, nhưng họ vẫn an bình cậy trông.

Phải chăng con người quỵ ngã giữa những hành trình, hay là họ chỉ không nhận ra và không nắm lấy bàn tay của Chúa? Rồi giông tố sẽ đến giữa cuộc hành trình, nhưng Chúa vẫn đang đi trên mặt biển mà đến với tôi. Rồi bao ồn ào quát tháo như bão táp, đất động, lửa cháy sẽ ập đến trước mắt, nhưng Chúa vẫn ở trong cơn gió nhẹ hiu hiu để hong mát cuộc đời tôi. Nếu cuộc đời có nhiều cuộc hành trình sóng gió, thì bình an của Chúa neo đậu nơi chính niềm tin sắt son và tấm lòng đơn thành. Bình an ấy thật nhẹ nhàng đến mức bay là trên sóng gió biển khơi.

Đaminh Lê Văn Luận, SJ

[1] CN 19 TN A (Mt 14,22-33), 9-8-2020

[2] http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2009/Thang4/21SachMeTeresa.htm

Kiểm tra tương tự

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *