Bốn mươi ngày chuẩn bị cho hành trình xin vâng

Suy niệm tin mừng Chúa Nhật I Mùa Chay

(Luca 4,1-13 – CN MC I – C)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

MC 1

Bài Tin Mừng

  • Bản dịch của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ.

1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

——————–

 

  • Bối cảnh sơ lược

 

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Chúa Giê-su chuẩn bị thi hành sứ mạng (Lc 3,1-4,13).

Cụ thể hơn, trong chương 3 Luca nói về hình ảnh của Gioan Tẩy Giả (Lc 3,1-22) và sau đó ông viết về biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa (Lc 3,21-21), và gia phả của Chúa Giê-su (Lc 3,23-38).

Ngoài ra, tiếp với bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa chịu cám dỗ, Luca đi vào phần Chúa Giê-su rao giảng tại miền Ga-li-lê (Lc 4,14-9,50). Câu chuyện đầu tiên trong đoạn này là hình ảnh Chúa Giê-su rao giảng trong hội đường ở Na-da-rét (Lc 4,14-28), và sau đó việc Chúa rao giảng và làm phép lạ ở Ca-phác-na-um (Lc 4,31tt).

So sánh các phúc âm nhất lãm, chúng ta thấy Mát-thêu (4,1-11) và Luca (4,1-13) nêu rõ ràng ba cám dỗ Chúa Giê-su chịu. Sự khác biệt nằm ở trình tự. Còn Mác-cô thì chỉ nhắc ngắn gọn về cơn cám dỗ Chúa phải chịu: Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

 

  • Cấu trúc đoạn Tin Mừng

 

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể thấy các phần sau:

  1. Phần mở đầu câu chuyện với khung cảnh, sự kiện, nhân vật và cả yếu tố thời gian (câu 1-2).
  2. Cám dỗ đầu tiên về đá thành bánh (câu 3-4).
  3. Cám dỗ thứ hai về quyền cai trị (câu 5-8).
  4. Cám dỗ thứ ba về nhu cầu an toàn (câu 9-11).
  5. Phần kết của câu chuyện.

 

 

  • Tìm hiểu và suy niệm

 

1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.

Với lời mở đầu của câu chuyện, Luca cho chúng ta thấy một nhịp cầu chuyển tiếp từ biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan (Lc 3,21-22) đến việc Chúa được Thánh Thần hướng dẫn vào trong hoang địa để chịu quỷ cám dỗ.

Ở đây, Bovon chú ý một yếu tố là Chúa Giê-su đi cùng một con đường như Gioan Tẩy Giả, nhưng ngược hướng, nghĩa là Chúa đi từ sống Gio-đan vào trong hoang địa, còn Gioan thì đi từ hoang địa đến sông Gio-đan để kêu gọi mọi người sám hối và làm phép rửa cho họ. Trong hoang địa thì Gioan nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, còn Chúa Giê-su thì nghe tiếng cám dỗ của ma quỷ.

Ngoài ra, chúng ta thấy hình ảnh của Chúa Thánh Thần xuất hiện rõ rệt trong phần này, khi Chúa Giê-su chuẩn bị cho sứ mạng phục vụ và rao giảng của Ngài. Điều đó nói lên sự kết hiệp rất mật thiết của Chúa Giê-su với Thánh Thần, hay nói khác đi Chúa Giê-su luôn sống trong sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, thánh Luca là thánh sử duy nhất quan tâm nhất đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, cả trong sách Tin Mừng lẫn trong sách Công Vụ Tông Đồ.

 

Bài Tin Mừng còn nêu cho chúng ta biết địa danh nơi Chúa chịu cám dỗ là ở hoang địa. Trước hết hoang địa có hai ý nghĩa trong Thánh Kinh. Ý nghĩa đầu tiên là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là nơi người ta có những trải nghiệm tích cực (positive), và thứ hai hoang địa cũng là nơi người ta trải nghiệm những điều tiêu cực (negative), như việc bị cám dỗ bởi ma quỷ hay thần dữ.

 

Con số 40 được nhắc đến trong bài Tin Mừng có một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Trước hết liên hệ đến con số 40 năm dân Ít-ra-en ở trong sa mạc: “Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không” (Đnl 8,2). Như thế, Luca cũng diễn tả việc Chúa Giê-su cũng phải chịu thử thách và cám dỗ như là một biến cố để Ngài chuẩn bị cho sứ mạng Ngài làm theo như thánh ý và kế hoạch của Thiên Chúa.

 

Tiếp đến liên hệ đến 40 ngày Mô-sê trên núi Si-nai để đón nhận Giao Ước của Thiên Chúa: “Ông Mô-sê vào giữa đám mây và đi lên núi. Ông Mô-sê ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm” (Xh 24,18), và “Khi lên núi để nhận các bia đá, những tấm bia giao ước mà ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, tôi đã ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn bánh, không uống nước” (Đnl 9,9).

Về biến cố này, Đức Benedicto XVI đã suy niệm như sau: “Dân Israel ở chân núi Sinai, trong khi ông Môsê lên núi chờ đợi hồng ân các bia đá Lề Luật bằng cách ăn chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm (x. Xh 24,18, Đnl 9,9). Con số bốn mươi có một giá trị tượng trưng và có nghĩa là toàn bộ kinh nghiệm, trong khi việc ăn chay cho thấy một chân lý là sự sống đến từ Thiên Chúa, là chính Ngài là Đấng bảo tồn nó. Thực ra, việc ăn uống bao gồm việc hấp thụ các chất bổ để nuôi dưỡng chúng ta; cho nên ăn chay, hay kiêng ăn, trong trường hợp này có một tầm quan trọng tôn giáo: Đó là một cách để tỏ ra rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (x. Đnl 8,3). Qua việc ăn chay, ông Môsê chứng tỏ rằng mình đang chờ hồng ân Lề Luật của Thiên Chúa như nguồn mạch sự sống: Điều đó mặc khải Thánh Ý Thiên Chúa và nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho họ được tham dự vào một giao ước với Đấng Toàn Năng, Đấng là nguồn mạch sự sống và là chính sự sống”.

Ngoài ra, con số 40 còn cũng được nhắc đến trong biến cố của ngôn sứ Ê-li-a đi gặp Chúa trên núi: Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa” (1V 19,8).

 

Về từ ngữ quỷ mà Luca sử dụng theo từ ngữ Hy-lạp diabolos-thần dữ thay thế danh xưng Xa-tan của Mc 1,13: Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,13). Theo Bovon, Luca sử dụng từ ngữ diabolos-thần dữ cả thảy bảy lần (05 lần trong phúc âm và 02 lần trong sách Công Vụ).

 

Tóm lại, ở đây, chúng ta thấy Chúa Giê-su như là một Mô-sê mới chuẩn bị sứ mạng của mình trong cầu nguyện và chay tịnh. Ngài chuẩn bị suốt bốn mươi ngày đêm, như ông Mô-sê trong sa mạc Xi-nai, trước khi đón nhận Mười điều răn (Xh 24,18 và Đnl 9,9). Trong Cựu Ước – giao ước cũ, ông Mô-sê xuống núi với những lời Giao Ước, nền tảng của dân Ít-ra-en là dân Chúa chọn; trong Tân Ước – giao ước mới, Chúa Giê-su sẽ rời hoang địa để thiết lập một Giao Ước mới và hình thành nên một dân Thiên Chúa mới.

 

3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

Sau khi diễn tả khung cảnh câu chuyện, Luca bắt đầu nói về cuộc cám dỗ. Cám dỗ đầu tiên diễn tả việc quỷ thách thức Chúa làm phép lạ. Trước hết câu nói theo thể điều kiện nếu ông là Con Thiên Chúa. Điều này nhắc lại biến cố phép rửa của Chúa Giê-su vừa đón nhận và Ngài được tỏ bày là Con Thiên Chúa: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 2,22).

Tuy nhiên, câu thách thức trong thể điều kiện trên còn được nhắc đến trong biến cố Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Giá: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). Ngoài ra, sách Khôn Ngoan đã thấy trước hoàn cảnh này: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù” (2,18).

Như thế, Chúa Giê-su đứng trước những thách thức và chờ đợi của người đời, họ đòi hỏi Ngài phải làm phép lạ nhãn tiền, như thế họ mới tin. Theo Ratzinger, Chế nhạo và cám dỗ hoà lẫn với nhau nơi đây: Đức Ki-tô phải minh chứng cho những đòi hỏi của mình, để có thể tin được. Việc yêu cầu bằng chứng sẽ đi kèm suốt cuộc đời Đức Giê-su, vì người ta không trách cứ là Người đã không tự minh chứng đủ: đáng lý Người phải làm những phép lạ vĩ đại, để loại bỏ những nghi ngờ, chống đối và cho mọi người thấy thật minh bạch, Người là ai, là gì và không phải là gì.

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy điều mà quỷ dùng để cám dỗ Chúa là hòn đá ở xung quanh Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! “. Sự cám dỗ về lương thực như là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt đối với những ai đang đói, như Chúa Giê-su ở trong hoàn cảnh đó, sau 40 ngày Người ăn chay. Điều thường tình chúng ta thấy qua việc cám dỗ này là muốn sống và tồn tại, con người cần phải có cơm bánh. Nếu không có cơm bánh thì thì cuộc sống con người sẽ tàn lụi từ từ và kết thúc với cái chết vì đói. Nhưng không lẽ cuộc sống con người chỉ hệ tại ở cơm bánh thôi sao? Có điều gì quan trọng và cần thiết hơn cơm bánh, hơn lương thực vật chất không?

 

Ở đây, Ratzinger còn đặt ra thêm những vấn nạn. Có điều gì bi đát và chống lại niềm tin Thiên Chúa tốt lành và niềm tin vào một Đấng Cứu Độ loài người cho bằng cơn đói của nhân loại? Tiêu chuẩn đầu tiên để minh chứng Đấng Cứu Độ trước trần gian và cho trần gian, không phải nằm trong việc Người ban bánh và qua đó chấm dứt mọi cơn đói của nhân loại hay sao? Khi dân Ít-ra-en lang thang trong sa mạch, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng bánh từ trời, bằng Manna. Qua đó, người ta có thể nhận ra một hình ảnh về thời Messias: Đấng cứu độ trần gian có phải minh chứng căn tính của mình bằng cách cho mọi người ăn hay không? Vấn đề đói trong thế giới và nói cách chung, những vấn đề xã hội phải chăng là tiêu chuẩn đầu tiên và chính thức để đo lường sự cứu độ? Có ai tự cho mình là Đấng cứu độ mà không thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này không?

Tiếp đến, Ratzinger mời chúng ta chiêm ngắm hai hình ảnh của việc Chúa hoá bánh ra nhiều. Lần đầu tiên là 5000 người ăn, ở trong hoang mạc. Họ đã bỏ lại tất cả đàng sau và theo Chúa để nghe Lời Chúa giảng. Tâm hồn họ đã mở ra cho Chúa và cho anh chị em, nên họ có thể nhận được lương thực đúng đắn. Về phép lạ hoá bánh có 03 điểm nổi bật:

  • việc tìm kiếm Chúa.
  • Tìm kiếm Lời Chúa và
  • Tìm kiếm định hướng đúng đắn cho cả cuộc đời.

Bánh chỉ được van xin Thiên Chúa một cách âm thầm. Cuối cùng sự sẵn sàng của hai bên trở thành yếu tố căn bản cho phép lạ. Việc lắng nghe Lời Chúa trở thành cuộc sống với Thiên Chúa và hướng dẫn từ niềm tin đi đến tình yêu, đến việc khám phá tha nhân. Đức Giê-su không dửng dưng trước cái đói của con người, trước nhu cầu vật chất của họ, nhưng Người đặt chúng vào liên hệ đúng đắn và trật tư thích hợp.

 

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê-su trở thành bí tích Thánh Thể cho các tín hữu và trở thành phép lạ thường xuyên của Đức Ki-tô về bánh. Đức Giê-su tự trở thành hạt giống phải chết đi, để đem lại nhiều hoa trái (Ga 12,24). Người trở thành Bánh cho chúng ta để việc hoá bánh được tràn đầy cho đến tận cùng thời gian.

Như vậy, chúng ta mới có thể hiểu được câu nói của Chúa Giê-su trích dẫn từ sách Đê Nhị Luật: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Trong bản văn của Mát-thêu nói rõ hơn trích dẫn này: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4 và x. Đnl 8,3).

Về đề tài này, có một câu nói nổi tiếng của cha Alfred Delp, dòng Tên bị Quốc Xã hành hình: “Bánh quan trọng, tự do quan trọng hơn, nhưng quan trọng nhất là lòng trung thành kiên vững và sự tôn thờ không phản bội”.

Như thế, cơm bánh là lương thực cần thiết để sống, nhưng trong cuộc sống còn có điều quan trọng hơn cơm bánh, đó chính là đời sống Đức Tin vào Thiên Chúa, vào Lời của Chúa, vào Nước Chúa và trên hết đó là chính Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn… Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Lc 12,22.29-31).

 

Qua cơn cám dỗ đầu tiên Chúa Giê-su chịu, chúng ta cũng ý thức rằng đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn những khao khát của thể xác, và nếu chúng ta để những nỗi thèm thuồng vật chất có chỗ trong tâm hồn và luôn cào cấu trong chúng ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. Ratzinger cũng khuyên các tín hữu, trong thế giới này, chúng ta phải chống lại gạt gẫm của những triết lý dối trá và nhận ra, chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng từ sự vâng phục Lời Thiên Chúa. Và chỉ nơi nào sự vâng phục được thể hiện, nơi đó ước nguyện tạo cơm bánh cho mọi người sẽ càng ngày càng lớn dậy.

 

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Lời Chúa nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng, con người còn có những giá trị cao quí khác cần chú ý, chăm sóc và phát triển, đừng tự hạ thấp mình xuống vật chất: cơm, áo, gạo, tiền.

Đừng bao giờ quên rằng: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111, 10); và sách Huấn ca cũng dạy: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1, 18).

 

5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

 

Cám dỗ thứ hai Chúa chịu nói về quyền hành của thế gian. Khung cảnh của cám dỗ thứ hai theo Luca là ở một nơi cao. Như thế, Luca không nhắc đến hình ảnh núi, trong khi Mát-thêu thì nhắc rõ ràng: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao” (Mt 4,8). Tiếp đến, cả Luca và Mát-thêu đều nói rằng, quỷ chỉ cho Chúa các nước thế gian, và bắt đầu cám dỗ Chúa. Quỷ mở lời rằng: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”.

 

Ở đây, chúng ta có thể nhận ra nội dung của cám dỗ này là về quyền lực chính trị. Ratzinger suy tư như sau, nội dung chính yếu của nó rất dễ nhận ra, dù xuất hiện dưới nhiều hình dạng trong suốt lịch sử. Đế quốc Ki-tô giáo tìm cách biến đức tin trở thành động lực chính trị cho sự thống nhất đế quốc. Vương quốc Đức Ki-tô bấy giờ mang hình dạng một vương quốc chính trị với vinh quang của nó. Quyền lực chính trị và quân sự đã xoá đi sự bất lực của đức tin, bất lực trần thế của Đức Giê-su Ki-tô. Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này luôn xuất hiện, để Đức Tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính Đức Tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực. Cuộc chiến đấu cho Hội thánh được tự do, cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giê-su không bị đồng hoá với bất cứ cơ cấu chính trị nào, phải diễn ra trong mọi thời đại. Vì cái giá phải trả cho việc trộn lẫn Đức tin với quyền lực chính trị nằm ở chỗ: cuối cùng Đức Tin chỉ phục vụ cho quyền lực và phải cúi đầu theo tiêu chuẩn của chính trị.

 

Ngoài ra, trong cơn cám dỗ thứ hai này, một cách nào đó, quỷ đã đụng tới sứ mạng của Chúa là Đấng Cứu Thế, nghĩa là Ngài sẽ cai trị muôn dân. Ratzinger đã đặt vấn nạn, đây không phải là sứ vụ của Đấng Messias sao? Người không phải là vua vũ trụ sao? Kết hợp thế giới vào vương quốc vĩ đại của bình an và hạnh phúc sao?

Nhưng vương quốc của Chúa Giê-su thì khác với vương quốc mà quỷ cám dỗ Chúa, khác với vương quốc trần gian. Vương quốc trần gian mà ma quỷ giới thiệu mang một vinh quang, như thuật ngữ doxa trong tiếng Hy-lạp, rất dễ tan vỡ và sẽ sụp đổ. Vinh quang đó chỉ là hình bóng, là bọt bèo.

Vương quốc trần thế cũng là vương quốc của con người. Và vương quốc của con người vẫn luôn là vương quốc của con người, và ai cho rằng mình có thể thiết lập một thế giới được cứu độ, người đó sẽ lặp lại câu giả trá của Xa-tan và thao túng vũ trụ trong tay mình.

Còn vương quốc của Đức Ki-tô không có thứ vinh quang theo kiểu của vương quốc trần gian. Vương quốc của Chúa phát triển qua việc rao giảng thật khiêm tốn nơi những ai muốn trở thành môn đệ của Người, được thanh tẩy trong danh Chúa Ba Ngôi và tuân giữ giới răn của Người (Mt 28,19t). Vinh quang của vương quốc Chúa Ki-tô tràn đầy khiêm tốn và đầy khổ đau của tình yêu Chúa; vinh quang này đã không mất đi nhưng tồn tại mãi mãi.

Ở đây, có thể liên hệ đến bài cầu nguyện suy gẫm trong sách Linh Thao của thánh I-nhã “Hai cờ hiệu”, diễn tả một bên với lá cờ của Chúa Ki-tô, vị chỉ huy tối cao và Chúa chúng ta, còn bên kia là cờ của Luxiphe, kẻ tử thù của bản tính loài người chúng ta. Thánh I-nhã viết về hình ảnh của Đức Ki-tô: “Nhìn xem Ðức Kitô Chúa chúng ta đang đứng trong doanh trại rộng lớn miền Giêrusalem, ở một chỗ khiêm tốn, đẹp đẽ và phúc hậu như thế nào.

Suy nghĩ về việc Chúa cả thế giới chọn lựa biết bao nhiêu người, tông đồ, môn đệ v.v., và sai họ đi khắp thế gian rao truyền đạo thánh Ngài cho mọi bậc và mọi hạng người như thế nào.

Suy xét về những lời Ðức Kitô Chúa chúng ta phán dạy các tôi tớ và bạn hữu Ngài, mà Ngài sai đi trong cuộc viễn chinh đó, Ngài căn dặn họ tìm cách giúp đỡ mọi người bằng cách lôi kéo họ, thứ nhất đến sự khó nghèo trong lòng tột bực, và đến cả sự khó nghèo thực, nếu bởi đó Thiên Chúa được phụng sự và nếu Ngài muốn chọn họ; thứ hai đến lòng ao ước chịu sỉ nhục và khinh chê, vì bởi hai điều ấy mà có đức khiêm nhường. Như thế có ba bậc thang, bậc thứ nhất là sự khó nghèo đối lại với sự giàu sang, bậc thứ hai là những sự sỉ nhục hoặc khinh chê đối lại với danh vọng thế gian, bậc thứ ba là khiêm nhường đối lại với kiêu ngạo và từ ba bậc thang ấy họ dẫn tới mọi nhân đức khác” (LT 144-146).

Thánh I-nhã đã diễn tả thật đẹp hình ảnh Chúa Ki-tô là Vua và vương quốc của Ngài tràn đầy sự khiêm tốn và yêu thương.

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta còn thấy một sự thô lỗ và hỗn xược của quỷ đối với Chúa, khi nó nói: Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”.

Lời hỗn xược này cám dỗ Chúa nhìn nhận một điều là, nếu Chúa chào thua cám dỗ này là Chúa chấp nhận quyền thống trị trên các nước thế gian từ một kẻ khác, chứ không phải từ Thiên Chúa. Nói khác đi, cám dỗ này đang dụ dỗ Ngài công nhận một kẻ khác thay vì Chúa Cha như là chủ và Chúa của Ngài.

Ở đây, nếu chúng ta liên hệ đến bản thân mình, theo đề nghị của Ratzinger, chúng ta phải chọn lựa, hỏi rằng Đức Giê-su thành Na-da-rét, Con bà Maria, Con của Thiên Chúa, còn có một cơ may nào không? Chúng ta có thật sự biết Đức Giê-su không? Chúng ta có hiểu Người không? Chúng ta có thực sự cố gắng hôm qua như hôm nay để làm quen với Người không? Tên cám dỗ không quá thô lỗ để đề nghị trực tiếp chúng ta thờ lạy ma quỷ. Nó chỉ đề nghị chúng ta quyết định cho điều hợp lý, cho sự ưu tiên của một thế giới đã được tổ chức và quy hoạch, trong đó Thiên Chúa chỉ có một vị trí thật riêng tư, không có quyền xen vào các vấn đề chính yếu của chúng ta.

 

Như thế, một cách nào đó, ma quỷ luôn muốn đưa con người chúng ta vào trong vết mòn của con đường chỉ có nó là chủ, và hình bóng Thiên Chúa không còn nữa.

Nhưng may thay, Chúa không bao giờ ngừng nghỉ đi tìm chúng ta. Ngài luôn hiện diện và sẵn sàng đi tìm chúng ta. Đức Benedicto XVI suy niệm rằng, Chúa không bao giờ mệt mỏi gõ cửa lòng con người trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay mà xem ra đang bị nuốt chửng bởi sự tục hóa. Đây chính là kinh nghiệm của một tín hữu Chính Thống người Nga, có tên Pavel Florenskij. Sau khi được đón nhận một nền giáo dục hoàn toàn vô ngộ, đến độ thách thức và thù nghịch với các giáo huấn tôn giáo ở trường học, nhà khoa học Florenskij thốt lên rằng: “Không, không thể sống mà không có Thiên Chúa được!”, và cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi hoàn toàn đến nỗi ông đã trở thành một đan sĩ.

Tôi cũng nghĩ đến gương mặt của chị Etty Hillversum, một thiếu nữ Hà Lan gốc Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz. Ban đầu chị sống xa Thiên Chúa, nhưng khi nhìn sâu vào chính mình, chị đã khám phá ra Người, chị viết: “Một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và trong cái giếng ấy có Thiên Chúa. Đôi khi tôi có thể vươn đến Người, nhưng thường khi thì đá và cát che phủ Người: khi đó Thiên Chúa bị vùi lấp. Cần phải đào Người lên” (Nhật Ký, 97). Trong cuộc sống phân tán và bất an, chị tìm lại được Thiên Chúa giữa thảm cảnh của cuộc diệt chủng Do thái Shoah của thế kỷ XX. Người thiếu nữ mảnh khảnh và thất vọng này đã được đức tin biến đổi, và chị đã trở thành một phụ nữ tràn đầy tình yêu, an bình nội tâm, nên chị có khả năng khẳng định như sau: “Tôi sống liên lỉ trong sự thân tình với Thiên Chúa”.

 

Chúa ở bên chúng ta luôn mãi, nhưng tiếc rằng chúng ta thường không cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa, nói khác đi chúng ta hay thấy Chúa Người hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng, quyền lực và danh vọng, nhục dục và đam mê…

Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta bằng lới Chúa đã phản ứng trước cám dỗ của quỷ về quyền lực: Đức Giê-su đáp lại: Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Câu trả lời của Chúa Giê-su được trích từ những lời mà ông Mô-sê đã ngỏ lời với dân Do thái vào bối cảnh dân bị thử thách cúng tế các thần Ba-an của dân Ca-na-an: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6,13). Giới răn căn bản của Ít-ra-en cũng là giới răn của các Ki-tô hữu: chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.

 

Chúng ta cũng nên trở về lại câu Thánh Kinh thời danh của Ít-ra-en là ‘Shema Israel’: “Hãy nghe, hỡi Israel: Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất; và anh em phải yêu mến Chúa, là Thiên Chúa của anh em với hết tâm hồn, và hết linh hồn và hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).  Đối với tính tuyệt đối của Thiên Chúa, các tín hữu phải đáp trả bằng một tình yêu tuyệt đối và hoàn toàn, cam kết cả cuộc đời, sức lực và tâm hồn mình.

 

Kế bên giới răn yêu Chúa và thờ lạy một mình Chúa, còn có giới răn yêu thương tha nhân. Hai giới răn này đã được Chúa Ki-tô sống cách cụ thể trong cuộc đời Ngài và giờ đây Ngài mời gọi chúng ta cùng sống theo mẫu gương của Ngài, Đấng chiến thắng ma quỷ để cứu rỗi chúng ta.

 

9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

 

Luca đặt cám dỗ này vào cám dỗ cuối cùng, còn Mát-thêu thì đưa cám dỗ này vào cám dỗ thứ hai. Khung cảnh của cám dỗ là ở tại Giê-ru-sa-lem và cụ thể hơn là ở trên nóc Đền Thờ. Sau đó quỷ dùng phương cách cũ để cám dỗ Chúa, bằng cách nói theo thể điều kiện, như trong cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Như thế, một lần nữa quỷ thách thức Chúa và dụ dỗ Chúa tỏ quyền năng của Ngài. Lần này không còn là biến đá thành bánh như là nhu cầu lương thực cần có, mà là nhào xuống, gieo mình xuống từ nóc đền thờ. Với quỷ, sẽ có thiên sứ giúp đỡ và cứu Chúa. Chúa có dám liều mình làm việc phi thường không? Chúa có muốn chứng tỏ quyền năng của Chúa trước sự thách thức này không? Thật là một cám dỗ nguy hiểm.

Sự ranh ma của quỷ còn được bộc lộ qua việc quỷ trích dẫn Kinh Thánh trong việc cám dỗ lần thứ ba này. Nghĩa là, quỷ đã dùng Thánh Vịnh 91 để thách thức Chúa:

Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,

bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá”
(Tv 91,10-12).

 

Theo Ratzinger, những lời này có một giá trị quan trọng đặc biệt, vì được nói lên ngay trong Thành Thánh, trong nơi Thánh. Thật vậy, Thánh vịnh được trích dẫn liên kết với Đền thờ, người cầu nguyện với Thánh vịnh này, chờ đợi sự che chở trong Đền thờ, vì Nhà Chúa phải là nơi đặc biệt để có được sự che chở của Thiên Chúa. Có nơi nào con người tin Chúa thấy an tâm cho bằng trong khuôn viên của Đền Thờ? Ma quỷ cho thấy mình cũng là người hiểu biết Thánh Kinh, biết trích Thánh vịnh cách chính xác. Cuộc đối thoại trong cám dỗ thứ hai mang hình thức tranh luận giữa hai nhà thông luật. Joanchim Gnilka ghi chú: ma quỷ xuất hiện dười hình dạng một nhà thần học.

 

Trước sự ranh ma xảo quyệt của ma quỷ, Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúa đã trả lời ma quỷ bằng cách Ngài trích dẫn lời Thánh Kinh từ sách Đệ Nhị Luật: Anh em đừng thách thức ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em” (6,16). Theo Ratzinger, lời này trong sách Đệ Nhị Luật ám chỉ câu chuyện Ít-ra-en bị cơn khát hăm doạ trong sa mạc. Thế là dân nổi loạn chống ông Môi-sê, đó cũng là nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa phải cho thấy Người là Thiên Chúa. Cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa được diễn tả trong Thánh Kinh: “con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách ĐỨC CHÚA mà rằng: “Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7). Như thế, ở đây nhằm vào điều đã được báo trước: Thiên Chúa phải đối mặt với thử thách.

 

Liên hệ đến chúng ta, qua cám dỗ này Ratzinger suy tư về việc làm thế nào chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa và làm thế nào chúng ta không thể nhận ra Người, sự kiêu ngạo muốn biến Thiên Chúa thành một đối tượng và đặt cho Người những điều kiện khảo sát của phòng thí nghiệm, sẽ không thể nào tìm gặp được Người, vì giả thiết là phải phủ nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, vì chúng ta đứng trên Người; vì chúng ta phủ nhận chiều kích trọn vẹn của tình yêu, của việc lắng nghe trong tâm hồn và chỉ nhận những gì có thể khảo sát được trong tầm tay của chúng ta là thực. Ai nghĩ mình như thế, sẽ biến mình trở thành Thiên Chúa và không những hạ thấp Thiên Chúa, nhưng còn hạ thấp cả vũ trụ và chính bản thân mình.

 

Ngoài ra, Ratzinger còn giúp chúng ta nhận ra được một chiều kích sâu xa nơi Chúa Giê-su. Cảnh trên đỉnh Đền thờ giúp chúng ta có cái nhìn về thập tự. Đức Ki-tô đã không từ đỉnh cao Đền thờ nhảy xuống, Người cũng không nhảy xuống vực sâu. Người đã không thử thách Thiên Chúa, nhưng đã bước xuống vực sâu của cái chết, trong đêm tối bị bỏ rơi, không có chút gì để tự vệ. Người đã dám thực hiện bước nhảy này như hành động yêu thương loài người của một Thiên Chúa. Vì thế, Người ý thức rằng khi nhảy xuống, Người sẽ hoàn toàn rơi vào bàn tay nhân ái của Thiên Chúa. Đây mới là ý nghĩa thực sự của Thánh vịnh 91, phần thưởng cho sự tin tưởng trọn vẹn trong câu: ai tuân theo thánh ý Thiên Chúa, sẽ biết rằng trong mọi cơn khủng hoảng, mình sẽ không bao giờ mất sự che chở cuối cùng của Thiên Chúa. Người đó biết rằng, nền tảng của vũ trụ là tình yêu và cho dù có gặp hoàn cảnh không ai có thể cứu giúp hay muốn cứu giúp, họ vẫn tin tưởng vào Đấng yêu thương mình. Một sự tin tưởng như thế – nhờ Thánh Kinh củng cố và Đấng Phục Sinh mời gọi – hoàn toàn khác với sự thách thức Thiên Chúa, chỉ muốn biến Thiên Chúa trở thành kẻ nô lệ cho mình.

 

13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

 

Ở đây, nếu so sánh với phúc âm của Mác-cô và Mát-thêu thì Luca đã kết luận với một kiểu bỏ ngỏ và hướng về tên cám dỗ là ma quỷ. Chúng ta đọc phần kết có hậu của hai tác giả phúc âm Nhất lãm khác: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (Mc 1,13 và Mt 4,11).

Như thế, phải chăng Luca hướng đến việc tên cám dỗ còn xuất hiện trên hành trình sứ vụ của Chúa Giê-su, nhất là hướng về cuộc khổ nạn của Chúa mà tên cám dỗ xuất hiện tại đó, nghĩa là ma quỷ chờ đợi lúc Đức Giê-su trải qua cuộc Khổ Nạn của Ngài, thì nó sẽ ra tay nữa: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53).

Ngoài ra, Luca kết thúc câu chuyện với một sự chiến thắng rõ rệt của Chúa Giêsu. Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta, khi chúng ta rơi vào trong những cơn thử thách, chúng ta cũng cần phải bám chặt vào Chúa và với ơn Chúa chiến đấu để không sa vào cám dỗ của sự dữ.

Và khi nói đến cám dỗ, người ta thường liên tưởng đến nhiều điều cụ thể, như dục tình, dối trá, ghét ghen, hờn giận, căm thù. Rồi còn thói ngồi lê mách lẻo, nói xấu người khác hoặc những việc tương tự. Tất cả đều rất phàm tục. Nếu chúng ta quan sát và suy gẫm, cám dỗ quả thật đáng sợ, cụ thể như qua câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ, chúng ta thấy cám dỗ của ma quỷ khiến chúng ta thèm có khả năng chế biến mọi sự thành cơm áo; thúc giục chúng ta tìm đủ mọi cách để thành kẻ đại gia giàu có, rồi kế bên đó là danh vọng, quyến lực và địa vị, nghĩa là chúng ta thèm được để ý, chúng ta thèm quyền hành. Bởi vì có quyền là có thể hành quyền trên người khác, là dễ dàng đạt được mục đích riêng tư của bản thân nhắm đến.

 

Hơn nữa, cái đáng sợ của cám dỗ, là nó kéo con người xuống chỗ thấp kém là đồ vật, là tiền bạc và vật chất, nói khác đi cám dỗ có thể biến người người thành đồ vật hay tệ hơn nữa thành kiểu “súc vật” chỉ chạy theo dục tính và luôn tìm cách để thoả mãn, đến nỗi không màng tới những hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau đó: là gia đình căng thẳng với nhiều cuộc cãi vã, rồi cuối cùng là tan nát với ly thân rồi ly dị. Hậu quả là biết bao nhiêu người trở thành nạn nhân. Nạn nhân trực tiếp của ma quỷ là những người trong cuộc. Nạn nhân gián tiếp và vô tội là các em bé và con cái trong các gia đình tan nát.

Trong cám dỗ của ma quỷ luôn có bản chất ích kỷ và kiêu ngạo. Theo đó là tranh giành và ganh đua, tham lam cách điên cuồng, đến nỗi không màng đến phương tiện tốt hay xấu và cũng chẳng thèm để ý đến hậu quả tai hại xảy ra và người này người khác vô tội sẽ phải lãnh.

Đôi khi trước những cám dỗ và sự xảo quyệt của thần dữ, chúng ta với phận người không thể cựa quậy gì được. May thay, qua bài Tin Mừng này, chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh của Chúa, Đấng cũng đón nhận những cám dỗ như chúng ta gặp, và Ngài đã chiến thắng. Sự chiến thắng của Chúa đưa lại cho ta một niềm hy vọng lớn lao. Thánh Phao-lô có nói: “Kẻ tin vào Người sẽ không thất vọng. Không có khác biệt giữa người Do thái và Hy Lạp. Tất cả, đều có cùng một Chúa, Đấng quảng đại với những ai kêu cầu Người. Ai kêu cầu Danh Chúa, sẽ đưọc cứu” (Rm 10: 11-13).

Vì thế, chúng ta luôn bám chặt vào Chúa, khi chúng ta rơi vào cám dỗ. Và chúng ta không bao giờ quên hai lời cầu nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ”.

 

Cuối cùng, chúng ta cũng nên suy gẫm hình ảnh Chúa Giê-su đã chiến thắng cám dỗ, bằng cách Ngài đã sẵn sàng chịu đựng như chúng ta, trong thân xác như chúng ta, để qua đó chúng ta thấu hiểu được tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Chúa.

Trước hết thánh giáo phụ Ambrosio (337-397), thành Milan chia sẻ rằng: “Ngài đã không hành xử như Thiên Chúa, khi phát huy quyền năng của Ngài; giả như Ngài đã làm như vậy, làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ngài được? Đúng hơn, như một con người, Ngài đã tận dụng những nguồn lực mà Ngài có chung với chúng ta” (St Ambrose, Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).

 

Cũng là một giám mục thành Milan, đức cố hồng y Carlo Maria Martini (1927-2012) đã chia sẻ như sau: “Chúa Giê-su chiến thắng cho chúng ta, bằng cách Ngài đã chọn con đường đúng mặc dù bị cám dỗ nhưng Ngài không chọn con đường sai lầm. Ngài đã quyết định đúng đắn, vì tình yêu dành cho chúng ta Ngài đã sẵn sàng đặt mình vào cơn cám dỗ, để qua đó Ngài cứu rỗi chúng ta, và để cắm rễ sâu vào cuộc đời chúng ta. Trong ý nghĩa này, cơn cám cỗ Chúa chịu là một khởi đầu đem lại ơn cứu rỗi, vì đây không chỉ là một bài tường thuật, mà là một trải nghiệm thực sự mà Chúa Giê-su đã có trong chính thân xác của Chúa. Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả mọi quyền bính có ở trong Ngài, và Ngài đã chọn con đường phục vụ với tinh thần tự huỷ dẫn đến cái chết, dẫn đến sự thất bại. Ngài đã tự đặt mình vào trong mọi hiểm nguy dẫn đến thất bại. Ngài đã từ bỏ mọi sự bảo đảm và an toàn mà với sức mình và với tư cách của Đấng Mê-sia, Ngài có thể tạo nên và dựa vào được. Ngài cũng từ bỏ mọi cơ hội và mọi lợi ích để Ngài có thể trở thành một người siêu phàm có thể làm nhiều phép lạ. Chúa Giê-su cứu rỗi chúng ta khỏi khuynh hướng và cái nhìn của thế gian này. Ngài dạy dỗ chúng ta như là một Sư Phụ sống cuộc sống đích thật không chút giả dối. Ở đây, chúng ta nên đọc lại lời của thánh Phao-lô viết trong thư Do-thái, để hiểu được chiều sâu về tinh thần của Chúa Giê-su: 14 Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ,15 và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.16 Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham.17 Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.18 Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,14-18) và Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16).

 

Để kết thúc, chúng ta nghe cha sở họ Ars giải thích: “Chúng ta may mắn biết bao có một vị Chúa làm mẫu gương. Chúng ta nghèo ư? Chúng ta có một vị Chúa sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng cỏ. Chúng ta bị khinh bỉ ư? Chúng ta có một vị Chúa dẫn lối chỉ đường, Ngài bị đặt trên đầu vương niệm bằng gai, bị khoắc áo choàng đỏ và bị cử xử như một kẻ điên khùng. Chúng ta bị hành hạ một cách đau đớn ư? Trước mắt chúng ta chúng ta có một vị Chúa thương tích đầy mình, hấp hối trong cơn đau đớn không thể tưởng tượng được. Chúng ta bị bách hại ư? Làm thế nào chúng ta có thể phàn nàn khi chúng ta có một vị Chúa bị những lý hình thi hành án tử? Cuối cùng, chúng ta bị quỷ thử thách ư? Chúng ta có Đấng Cứu Chuộc yêu dấu; Ngài cũng đã bị quỷ thử thách và hai lần bị thần ác đó đem lên cao; vì thế, dù những đau khổ chúng ta đang trải qua như thế nào, chúng ta luôn luôn có khắp nơi Chúa chúng ta dẫn lối chỉ đường cho chúng ta và đảm bảo cho chúng ta sự chiến thắng chừng nào chúng ta chân thành ước muốn nó” (Selected Sermons, First Sunday of Lent).

 

  • Câu hỏi gợi ý

 

  1. Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn những khao khát của thể xác; nếu chúng ta cứ để những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta “lên tiếng”, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Là con người, chúng ta ý thức rằng chúng ta còn có những giá trị cao quí hơn tiền bạc và vật chất cùng cơm bánh. Bạn thử ngồi xuống viết ra những giá trị cao quý đó xem. Cũng nên tự hỏi xem bạn có đang bị tiền bạc và vật chất làm chủ đời bạn không? Nếu có bạn nên như thế nào, để không bị sa vào bẫy cám dỗ của ma quỷ?
  2. Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em. Bạn có trải nghiệm gì về cám dỗ thứ hai này không? Với bạn quyền hạn mang ý nghĩa gì? Với bạn người có quyền lực nên dung quyền lực thế nào để không rơi vào hố sâu của cám dỗ thứ hai này?
  1. Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúa đã trả lời ma quỷ như vậy. Thử thách Thiên Chúa là một điều thật tệ, nếu không nói là một tội lớn. Bạn có bao giờ đã trải nghiệm điều đó là bạn thách thức Thiên Chúa? Nếu có, tại sao bạn lại làm như vậy? Động lực nào thúc đẩy bạn thách thức Thiên Chúa? Bạn nên sống Đức Tin thế nào, để tránh được cám dỗ nguy hiểm này?
  1. Chúa Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta trong những cơn thử thách. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn, thử thách nào cũng đòi phải chọn lựa. Chúng ta có dám chọn theo Chúa hơn là theo ma quỉ? Chọn yêu anh em hơn là yêu chính mình? Chọn điều thiện hơn là cái ác?
  1. Cám dỗ thì vô vàn và luôn luôn đến với mỗi người bất cứ lúc nào. Bạn nên dành giờ để xem coi bạn đang bị cám dỗ nào theo bám bạn? Hãy “gọi tên” cám dỗ đó ra. Và hướng lòng về Chúa bạn hãy cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ”. Hãy luôn khiêm tốn và cầu nguyện như vậy!
  1. Lời của Đức Benedicto XVI giúp chúng ta tự hỏi bản thân: “Phản tỉnh lại những cơn cám dỗ được đặt ra với Chúa Giê-su trong sa mạc, chính là một lời mời để ứng đáp một câu hỏi rất ư nền tảng: đâu mới là điều thực sự quan trọng trong đời sống của tôi?”

 

 

  • Tham khảo

 

  • RATZINGER J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần 1, từ phép rửa nơi song Gio-đan đến lúc hiển linh, bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, t.55-80.
  • Đức Benedicto XVI, Những cơn cám dỗ của Chúa Giê-su và cuộc hoán cải trở về với Nước Thiên Chúa, bài huấn giáo thứ 17 trong năm Đức Tin.
  • MARTINI C.M., Was allein notwendig ist, Jesusnachfolge nach dem Lukasevangelium, Herder Verlag 1984, s.83-93.

 

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 18-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 18-11-2024 (Lc 18,35-43) Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 16-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 16/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Lời mời gọi “Ðức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *