“Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

“Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

(Mt 28,19)

 

Một lệnh truyền, làm thành những câu chuyện kể,

Người người kể chuyện Giêsu từ kinh nghiệm của mình, và lời Thiên Chúa lan tràn.

Các tông đồ đầu tiên đã nói kinh nghiệm của họ: những gì họ đã nghe, đã thấy với con mắt của mình, đã xem và sờ tay vào Lời Sự Sống (1 Ga 1, 1-4).

Không có kinh nghiệm sâu sắc về Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế, làm sao tôi có thể kể câu chuyện của Ngài một cách thuyết phục giống như một phần câu chuyện của cá nhân tôi?

Thật vậy, kinh nghiệm của thánh Phaolô là cội rễ của đời môn đệ khi ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2, 20).

Vì thế để kể chuyện về Đức Giêsu, những người môn đệ hôm nay cũng phải có một sự gặp gỡ sống động với Đức Giêsu trong cầu nguyện, tôn kính, tương quan với con người, đặc biệt với người nghèo, và các sự kiện tạo thành “các dấu chỉ thời đại.”

 

Câu chuyện của Đức Giêsu diễn tả bản chất của đời môn đệ giữa người nghèo, các nền văn hóa, các tôn giáo ngay trên vùng đất mình đang sống

Giống như một câu chuyện biểu lộ bản chất cá nhân, thì câu chuyện đức tin vào Đức Giêsu cũng  cho thấy bản chất của người kể với tư cách như một người tin và là chứng nhân: tôi kể câu chuyện về việc gặp được Đức Giêsu của tôi, chuyện kể của một người đã trở nên môn đệ của Đấng Cứu Thế.

Như vậy chuyện kể về đức Kitô cho đồng bao tôi được thực hiện trong mối quan hệ với những người quanh tôi, luôn luôn liên hệ với các nền văn hóa và tôn giáo, chứ không tách lìa khỏi họ. Chuyện được chúng tôi  kể là chuyện của những người đang sống với và ở giữa người nghèo, với những người khác văn hóa và tôn giáo. Chuyện của người thi hành sứ vụ hòa mình với người nghèo, với các nền văn hóa của các dân tộc trên quê hương này.

 

Câu chuyện của Đức Giêsu xác định tư cách, lối sống và niềm tin của người môn đệ

Các biểu tượng của đức tin phải được cắm rễ sâu trong câu chuyện căn bản của Đức Giêsu.

Chẳng hạn như khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể, nên được nhìn nhận bằng nhiều câu chuyện của sự chia sẻ, nâng đỡ và hiệp nhất, nếu không có những điều này thì nghi thức bẻ bánh sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Chiếc nhẫn của giám mục nên xuất phát từ một câu chuyện phục vụ sống động đối với cộng đoàn, nếu không thì chiếc nhẫn chỉ là một thứ đồ quý để trang sức. Biểu tượng của một linh mục như sự hiện diện của Đức Giêsu nên phát xuất từ một câu chuyện sống động về sự sẵn sàng cho mọi người, nếu không  thì thiên chức linh mục trở thành một cấp bậc hơn là một ơn gọi.

Tách rời khỏi câu chuyện có nguồn gốc từ Đức Giêsu, các biểu tượng của Giáo Hội có thể trở thành một câu chuyện xa lạ với chính Đức Giêsu.

 

Một Giáo Hội lắng nghe kể chuyện về Đức Giêsu

Các câu chuyện tìm được sự trọn vẹn của chúng nơi người nghe.

Nhưng những câu chuyện mà bị ép buộc thì không dễ nghe đâu. Người kể chuyện phải tin vào sức lan tỏa của chính câu chuyện, thu hút chứ không áp đặt.

Chuyện kể, đã là một câu chuyện tuyệt vời thì chắc chắn sẽ đánh động ngay cả những người ít cởi mở. Trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với chúng ta rằng: Chúng ta chia sẻ món quà của Đức Giêsu không phải để làm cho người khác từ bỏ tín ngưỡng của họ, nhưng từ sự vâng phục đối với Thiên Chúa và như một hành động phục vụ cho con người tại Á Châu (EAs 20).

Để câu chuyện thấm vào lòng người nghe thì trước tiên hết, phải nài xin Chúa Thánh Thần mở con tim và ký ức của người nghe và mời gọi họ biến đổi.

Vô số người nghèo quanh ta có thể đang tìm kiếm lòng trắc ẩn và niềm hy vọng trong câu chuyện của Đức Giêsu. Các nền văn hóa của dân tôi sẽ vang dội với thách đố về sự tự do đích thực trong câu chuyện của Đức Giêsu. Các tôn giáo bạn sẽ kinh ngạc trước sự tôn trọng và sự cảm kích đối với những ai tìm kiếm Thiên Chúa và sự thánh thiện đích thực trong câu chuyện của Đức Giêsu.

Giáo Hội  được mời gọi khiêm tốn để cho Thánh Thần tác động đến những người nghe. Như một người kể chuyện của Chúa Thánh Thần, người thừa sai đi vào những thế giới và ngôn ngữ của người nghe và từ trong họ, kể câu chuyện về Đức Giêsu giống như ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhưng điều đó có nghĩa là mọi thành phần trong Giáo Hội phải thật sự biết lắng nghe Thánh Thần và người nghèo, các nền văn hóa và các tôn giáo nếu muốn câu chuyện đong đầy ý nghĩa.

Một Giáo Hội kể chuyện phải là một Giáo Hội biết lắng nghe.

 

Giáo Hội kể chuyện về Đức Giêsu bằng nhiều cách khác nhau

Các câu chuyện có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau. Vậy, câu chuyện về Đức Giêsu thì sao?

Với một di sản giàu có của việc kể chuyện thu được từ các gia đình, xóm làng, các tôn giáo và những sự khôn ngoan truyền thống dân gian, Giáo Hội có thể sáng tạo trong việc kể chuyện về Đức Giêsu.

Chứng tá của một đời sống thánh thiện, đạo đức và liêm khiết vẫn đang là câu chuyện tuyệt vời nhất về Đức Giêsu giữa dân tôi.

Đời sống của những người nam và người nữ thánh thiện và những người tử vì đạo diễn tả các câu chuyện của Đức Giêsu được khắc ghi trong các cá nhân và cộng đoàn.

Những người nam nữ đã hiến dâng chính mình để phục vụ tha nhân, như thánh Têrêsa Calcutta, là những câu chuyện sống động mà ai cũng thích nghe.

Bảo vệ người nghèo, đấu tranh cho công lý, thúc đẩy sự sống, chăm sóc người bệnh, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, kiến tạo hòa bình, bảo vệ thiên nhiên là những cách kể chuyện về Đức Giêsu ngày nay.

Người môn đệ yêu mến Đức Giêsu sẽ trở thành những người kể chuyện về những người thấp cổ bé miệng, để tiếng nói của Đức Giêsu có thể được nghe trong những câu chuyện bị che dấu của họ.

Tuy nhiên,  Giáo Hội cũng phải sẵn sàng để đón nhận những cách kể chuyện bất ngờ về Đức Giêsu của Chúa Thánh Thần.

 

Để Kết

Loan báo Tin Mừng bằng cách kể chuyện về Đức Giêsu đang rảo bước trên khắp các nẻo đường của  quê hương. Tôn vinh những người kể chuyện của Chúa Thánh Thần, có những câu chuyện, mặc dù bị che dấu, nhưng đã tạo ra nhiều câu chuyện mới trong đời sống giữa chúng ta.

Chuyện mở đầu và kết thúc bằng cách trở về với Đức Giêsu : Ngôi Lời và củng là Câu Chuyện của Thiên Chúa và là người kể chuyện tuyệt vời nhất về Vương Quyền của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm Ngài. Chúng ta hãy học nơi Ngài. Chúng ta hãy mở lòng mình ra với câu chuyện và cách kể chuyện của Ngài.

Câu chuyện của Ngài là kinh nghiệm về Cha (Abba) và một sự sống tròn đầy mà Cha đã ban tặng. Đời sống và căn tính của Ngài đã được cắm rễ trong sự hiệp nhất liên lỉ với Cha. Ngài đã sống như một người Do Thái bình thường, một người Á Châu bình thường, với gia đình, bạn bè, đàn bà, trẻ em, những người ngoại quốc, những nhân viên đền thờ, các thầy thông luật, người nghèo, người bệnh, người đơn côi, người tội lỗi và kẻ thù. Ngài đã là tất cả trong mọi người.

Ngài đã tập họp một cộng đoàn, một gia đình mới của những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Ngài đã kể cho họ những câu chuyện về Cha và đời sống trong Cha. Ngài đã dùng ngôn ngữ của họ. Những dụ ngôn của Ngài thì đơn giản mang lại lời giải đáp cụ thể trong cuộc sống. Ngài kể cho họ về Cha thông qua những bữa ăn, việc chữa lành, sự cảm thông, lòng thương xót, sự tha thứ, và phê phán lối sống đạo đức giả.

Câu chuyện của Ngài dẫn Ngài tới bữa ăn huynh đệ, ở đó Ngài đã trở thành của ăn và ở đó Ngài đã rửa chân cho các bạn của mình.

Không gì có thể ngăn cản Ngài kể câu chuyện của mình, ngay cả khi trên thập giá. Cái chết nhục nhã của Ngài là cái kết của câu chuyện cuộc đời Ngài trong tình Cha ngàn đời  :“Con Của Ta – Ngài đã thật sự trỗi dậy.” Đổ món quà Chúa Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta,

Đức Giêsu trao câu chuyện của Ngài cho chúng ta. Ngài đang nói với chúng ta, những người bạn đường: “Hãy nghe câu chuyện của tôi, hãy đi,  và tiếp tục kể  ở những nơi chưa được kể – trong gia đình, mọi thôn xóm…và đặc biệt những vùng ngoại biên.”

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

Viết theo ĐHY Luis Anrtonio G. Tagle

(Truyền giáo tại Á Châu : Kể chuyện về Đức Giêsu)

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …