Các dụ ngôn về lòng thương xót trong tin mừng Luca

Trong cuộc sống, khi nói đến lòng thương xót, có lẽ chúng ta có xót thương nhau nhưng ít nhiều chúng ta dễ bị chi phối bởi sự tính toán hơn thiệt hay nhuốm sắc màu của lòng thương hại. Để có lòng xót thương vô vị lợi, chúng ta phải trở về chiêm ngắm cội nguồn lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài. Các sách Tin Mừng cho chúng ta khám phá ra lòng thương xót thứ tha vô điều kiện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, vì “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Cách đặc biệt trong Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy lòng thương xót không chỉ thấm đẫm tình yêu nhưng không mà còn làm tuôn trào niềm vui hân hoan của Thiên Chúa dành cho những ai “bé nhỏ thấp hèn.” Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này qua các dụ ngôn đặc trưng của Tin Mừng Luca, đó là các dụ ngôn Người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10, 25-37); Con chiên bị lạc (Lc 15, 4-7); Đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10); và Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32).

  • Dụ ngôn người Sa-mar-ri tốt lành (Lc 10,25-37)

Trước khi đi vào dụ ngôn là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật, ông ta hỏi Chúa: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10, 25) thay vì Chúa trả lời, Ngài hỏi lại ông ta trong luật đã viết gì, và ông ta trích dẫn luật: “Yêu mến Thiên Chúa và người thân cận như chính mình.” Chúa nói: “Cứ làm như vậy thì sẽ được sống” (Lc 10, 28), nhưng ông ta vẫn tiếp tục hỏi để thử Chúa: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29) Đó cũng là cách để ông ta đưa ra “những lý lẽ để tránh né và không làm gì cả”.[i] Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng dẫn ông ta đi vào dụ ngôn người Sa-ma-ri, để chính ông trả lời cho câu hỏi của mình. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho thấy hình bóng của chính ông đang lấp ló nơi thầy tư- tế và Lê-vi, là những người sống vụ hình thức và lề luật mà không có lòng xót thương cụ thể nào. Câu trả lời ông mong đợi lại bất ngờ đổi chiều, người Sa-ma-ri bị khinh ghét lại trở nên mẫu gương cao quí cho những người lãnh đạo tôn giáo.

Dụ ngôn kể vật ra ba nhân vật: Nhân vật thứ nhất là tư tế, người thứ hai là thầy Lê-vi, và người thứ ba là người Sa-ma-ri. Hai người trước đã tránh sang bên kia mà đi, họ là những người đại diện cho những người có địa vị trong xã hội Do-thái và tôn giáo, lẽ ra họ phải là những người phải thi hành luật bác ái và lòng thương xót, nhưng quái gở thay họ tránh né mà chẳng làm điều gì cho người bị nạn. Vì họ cố gắng để giữ cho mình công chính, tránh tội, không bị ô uế theo luật, sợ hiểm nguy… đó có thể là những lý do để họ thoái thác, có nghĩa là họ lo lắng cho cái “tôi” của mình hơn lo cho người khác. Họ không dám chịu liên lụy vì sự khốn cùng của anh em mình, và họ không nhận ra người anh em của mình nên mới hỏi: “…Ai là người thân cận của tôi?” Các nhà chú giải cho rằng: Không phải ai là người thân cận của tôi, nhưng tôi là người thân cận của ai, của tất cả những ai đang cần sự giúp đỡ của tôi.[ii] Theo Cardon, “người Samaritano chứng minh rằng không phải người bị tấn công là anh em của mình, nhưng mình là anh em của người bị thương”.[iii] Còn Ratzinger cho thấy “sức nặng của vấn đề thay đổi chỗ này. Vấn đề không còn là người khác có phải là thân cận của tôi hay không. Vấn đề là về tôi. Tôi phải trở nên người thân cận, và khi tôi làm, người khác được kể ‘như chính tôi’ cho tôi.” [iv] Chúa Giêsu còn đi xa hơn trong những lời khẳng định này: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Chúa Giêsu không chỉ đồng hóa mình với người Sa-ma-ri cúi xuống để cứu người bị thương, Ngài còn đồng hóa mình nơi người bị thương tích mà người Sa-ma-ri đã nhận ra Ngài. Khi sống trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, thì không còn phân biệt và đặt ra ai là người thân cận hay ai là người mà tôi phải yêu thương. Vì khi yêu thương người cần được giúp đỡ là họ yêu chính Thiên Chúa nơi anh em mình, và khi yêu thương anh em mình cũng là yêu chính bản thân mình.

Người Sa-ma-ri là ai và đã làm gì? Anh là người bị người Do-thái coi thường, nhưng anh chẳng bận tâm đến bất kỳ điều gì có thể làm liên lụy anh ta, anh đã băng bó vết thương cho người bị nạn, đặt lên lừa, đưa đến quán trọ, và trả tiền cho chủ quán. Mặc dù anh cũng có đủ lý do hơn thầy tư tế và Lê-vi để có thể bỏ qua mà đi, nhưng tình yêu thì không cho phép con tim của anh làm thế. Anh nhận ra rằng đó là người cùng một phẩm giá, cần được bảo vệ và yêu thương bằng bất cứ giá nào.  Anh ta chấp nhận bị liên lụy để tạo nên bề dày của tình yêu và đặt người bị nạn vào trong chiều sâu của tương quan thân cận. Hành động của anh vượt qua ranh giới của chủ nghĩa cái tôi máu mủ, chủng tộc, màu da, địa vị, giai cấp, và anh vượt lên trên cả mọi dự định, kế hoạch, mọi quan niệm… Anh “đặt nạn nhân trên lưng ngựa,” là anh nhường chỗ của mình. Anh tự nguyện trở nên người đầy tớ cho người bị nạn, anh dám mạo hiểm vì tình yêu.[v] Ratzinger nói, “Sự mạo hiểm về điều tốt lành là những gì mà chúng ta phải học lại từ bên trong, nhưng chúng ta chỉ có thể làm điều này nếu chính chúng ta trở nên tốt lành từ bên trong”. [vi] Bởi lẽ lòng xót thương luôn thách thức ta mạo hiểm để dấn thân cùng chịu với nỗi đau của người khác từ trong chiều sâu của con tim mà từ ngữ lòng xót thương diễn tả thật rõ trong tiếng Latinh là paticum nối lại có nghĩa là “cùng chịu đau khổ với”,[vii] là đi vào nỗi đau, nỗi sợ, và tham dự vào sự đổ vỡ, sự ô nhục đó. Cách sâu xa, lòng xót thương đòi chúng ta đi vào sự khốn cùng và bất lực nhất, yếu đau với người đau yếu, chung chia số phận và điều kiện của con người. Chẳng phải Chúa Giêsu đã đi vào phận người và cùng ăn uống và tiếp đón những kẻ tội lỗi đó sao? (Lc 15,1-2) Cardon cho rằng: Lòng thương yêu thực sự chính là nhường vị trí của mình, ban tặng thời gian, ban tặng tương lai, tự hiến mình. Chọn lựa vì người khác, mặc dù điều này bao hàm những nguy cơ đặt người khác vào chỗ của mình. Lòng thương xót của người Sa-ma-ri mặc lấy hình ảnh của Chúa Giêsu yêu cho đến cùng.[viii] Đây chính là điều mà Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta (Pl 2,6).

  • Con chiên bị mất (Lc 15, 4-7)

Tiếp đến, hình ảnh người mục tử chăn dắt đoàn chiên thì khác với người quản trị đoàn chiên. Mục tử biết từng con chiên một, khi một con bị lạc mất, ông tức tốc đi tìm cho bằng được. Đó cũng là điều bình thường nhưng ở đây diễn tả ông bỏ lại 99 con chiên còn lại để vào nơi hoang vắng mà đi tìm con chiên lạc. Theo Cardon, khi người chăn chiên sẵn sàng đi tìm một con chiên bị lạc thì “mang lại sự an toàn cho 99 con chiên khác” bởi vì  “nếu một con chiên  bị hy sinh nhân danh điều tốt nhất cho cả đàn thì mỗi thành viên của đàn đều có nguy cơ ở trong sự bất an”.[ix] Bởi mỗi con chiên sẽ nghĩ mình chẳng có giá trị và nếu có bị lạc thì cũng sẽ bị bỏ rơi y như thế, và cuối cùng mỗi con chiên cũng nhận ra rằng chủ chăn chẳng gắn bó với con nào cả. Nhưng đàng này, người chăn chiên đã trả một giá rất đắt để cứu một con chiên lạc, cũng là để khẳng định rằng mỗi một người luôn có chỗ đứng duy nhất trong trái tim của Thiên Chúa, không ai thay thế cho ai. Cardon giải thích rất hay về điều này: “Nếu Thiên Chúa bỏ rơi một con người mà thôi thì trong tương lai Nước Trời của Ngài sẽ trống vắng và trái tim của Ngài sẽ trống rỗng. Chỉ một con người mà thôi bị bỏ rơi thì cái lưới khoan dung của Thiên Chúa mãi mãi bị phá vỡ”.[x] Vì thế, dù nơi hoang vắng ấy có nhiều nguy hiểm, có những khó nhọc, ông vẫn đi tìm cho kỳ được, tìm được rồi niềm vui của ông dâng tới tột độ đã làm cho ông phải gọi mời hàng xóm chia vui. Vui vì người mục tử đem chiên lạc trở về trong bình an, vui vì được bạn bè, hàng xóm và cộng đồng chia vui. Vì thế trong cộng đoàn Giáo hội có một người tội lỗi là bị mất đi một người, và cộng đoàn sẽ vui mừng khi người đó trở lại. Cha Vũ Phan Long khẳng định, niềm vui này không phải là lời kêu gọi hãy phạm tội, nhưng vui mừng vì một người hoán cải, nhưng để có thể hoán cải, cần nhìn nhận mình là kẻ có tội.[xi] Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhấn mạnh rằng: chính Cha là Thiên Chúa đi tìm kiếm chúng ta vì chúng ta bị lạc và vì chúng ta là những kẻ tội lỗi, ai coi mình công chính là một thái độ kiêu ngạo.[xii] Không nhìn nhận mình là kẻ có tội, thì cũng không cần đến ơn cứu độ. Cardon xác định: Không ai có thể được ơn cứu độ nhờ nỗ lực riêng của mình. Bởi vì “con chiên thực sự không làm gì cả để thúc đẩy người mục tử đi tìm nó; con chiên không làm gì khác hơn là đi lạc!”[xiii] Đúng vậy, bản chất con người là phạm tội, nhưng hãy chấp nhận để được tìm thấy, cũng có nghĩa là chấp nhận hoán cải, đoàn tụ vào đoàn chiên và như thế thì niềm vui của chủ chăn sẽ lớn lao gấp bội.

Có nhiều chi tiết cho ta chiêm ngắm trong việc kiếm tìm của Thiên Chúa. Khi một con chiên xa đàn, lạc lối nhiều ngày, thì nỗi sợ và sự bất an vây kín tâm trí nó, đôi chân và thân xác nó rã rời. Người chăn chiên cũng mang những nỗi lo sợ cho con chiên đó gặp nguy hiểm, trái tim ông ta cũng bồn chồn biết bao, nên ông rong ruổi kiếm tìm. Nhưng khi tìm thấy con chiên, ông ta liền vác nó trên vai. Lúc này thân xác ông cũng mỏi mệt như con chiên lạc, cộng thêm sức nặng đè trên đôi vai của ông, nhưng niềm vui chiếm hết tâm trí và trái tim của ông, nó mạnh đến nỗi xóa hết mọi phiền muộn và lao nhọc, chỉ còn lại niềm vui.[xiv]

Người chăn chiên đó không ai khác là chính Chúa Giêsu, Ngài thương yêu người tội lỗi, vì Ngài biết rằng, khi một người sống trong tội lỗi là lúc người ấy trở về vị trí khốn cùng nhất và nghèo nàn nhất. Vì người đó chẳng biết bám vào đâu, tựa nương vào ai, chỉ có mình Chúa mới có thể cứu thoát người đó thôi. Nên Ngài chẳng bao giờ ngồi yên đó để giữ 99 còn lại, nhưng Ngài đi tìm vì một con chiên ấy, vì nó cũng cùng một đoàn dưới cùng một sự dẫn dắt yêu thương của một chủ chăn. “Sẽ không có sự tìm thấy đích thực nếu có ai đó bị loại trừ”.[xv]

  • Đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10)

Con chiên bị lạc và đồng bạc bị mất cùng chung một sứ điệp, nói lên niềm vui tìm lại điều đã mất. Nhưng dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất chỉ nằm trong không gian bị mất nó là trong một căn nhà, chỉ cần chịu khó moi móc thì có thể tìm thấy. Để nói lên rằng người tội lỗi ấy không ở đâu xa mà ngay trong cộng đoàn Israel, đó là những người trong cộng đoàn Giáo hội và Giáo hội có bổn phận và trách nhiệm tìm kiếm họ.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến giá trị của vật bị mất đó là 1/10 chứ không phải 1/100 và chú ý nền văn hóa để hiểu giá trị đồng tiền bị mất. Khi mất tiền họ cho đó là một biến cố xui xẻo, và nó cũng có thể là số tiền hồi môn hoặc là tiền làm trang sức phụ nữ. Nếu vòng tiền bị mất đi một đồng thì cũng làm giảm đi sắc đẹp của người đó mà Cardon diễn tả: “Thiên Chúa ghen tị với sắc đẹp của nàng, hơn thế nữa vào thời Chúa Giêsu cũng như vào mọi thời khác; và một người tội lỗi trở về với cuộc sống thì nét đẹp này chiếu sáng thế gian”.[xvi]

Đồng bạc và con chiên bị lạc mất, nói đến việc Thiên Chúa tìm kiếm con người. Hàng ngày Ngài vẫn luôn kiếm tìm và tìm đủ mọi cách để đưa người ấy về lại trong tình thương của chủ và của anh chị em mình. Thiên Chúa không biết mệt mỏi để yêu thương chúng ta, bởi vì mỗi người chúng ta quí giá trước mặt Thiên Chúa, không phải chúng ta xứng đáng, nhưng đó là tình yêu nhưng không và kiên vững của Thiên Chúa. Đó là lý do Thiên Chúa khắc khoải tìm kiếm và tiếp tục kiếm tìm mỗi người chúng ta được hiện rõ qua dụ ngôn người cha nhân hậu.

  • Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-32)

Trong trình thuật này chúng ta thấy người con thứ đòi chia gia tài khi người cha chưa chết đó là điều không thể chấp nhận trong đa số các truyền thống và nhất là vùng Cận Đông, điều đó chẳng khác gì người con coi cha mình như đã chết. Điều anh đòi hỏi cho chúng ta thấy có một sự cắt đứt tương quan với cha. Người cha có thể từ chối, vì biết rằng con mình sẽ trở nên khốn khổ khi sử dụng tự do một cách sai lầm, nhưng tình yêu thì luôn tôn trọng tự do với người mình yêu thương. Cha Nguyễn Ngọc Thế giải thích: “Không tự do thì không có tình yêu, và tự do sẽ không thật là tự do, nếu thiếu vắng trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn hướng về Chân Thiện Mỹ”.[xvii] Tình yêu là tự nguyện là dâng hiến, nên Thiên Chúa chẳng ép buộc ai điều gì, khi người đó không muốn đáp lại.

Người con thứ đã chọn tự do trong lối sống ăn chơi và chác táng, khi không còn đồng bạc nào, tay trắng tay, rồi gặp nạn đói xảy ra. Anh ta bắt đầu mới hồi tâm thấy mình chẳng được đối xử bằng một con vật (heo), đó là một con vật ô uế trong đôi mắt của người Do thái.[xviii]Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,16). Lúc đó anh mới nhận ra tình yêu cha đã giành cho mình mà bấy lâu anh đã đánh mất, anh chỉ mong trở về để được đối xử như người làm công thôi. Cái nhìn và suy nghĩ của anh ta quá hẹp hòi, trong khi đó tình yêu của người cha quá rộng, quá lớn, và quá sâu đến nỗi làm cho anh ta quá ngỡ ngàng vượt xa những gì anh mong đợi.

Thế nên, khi thấy anh, người cha đã chạy vội ôm hôn và “hôn lấy hôn để,” nói lên tình yêu tràn trào nơi người cha dành cho người con. Cái hôn biểu lộ tình yêu tha thứ vô điều kiện của cha. Cardon giải thích đó chính là “cái hôn của Thiên Chúa, chính là Thánh Linh, chính là sự sống được thông truyền.” Giờ này sự sống được tái tạo nơi người con mà không hề đòi hỏi nơi người con bất cứ điều gì. Người cha chẳng quan tâm đến những gì xung quanh mình, trong tâm trí ông chỉ nghĩ đến hạnh phúc của con mình thôi. Cha đeo nhẫn cho anh, là cho phép anh được đại diện cho mình, một vị trí mà trước đây anh chẳng có. Đôi giầy anh mang lúc này là dấu cho biết anh là một người con tự do trong nhà, là chủ trong nhà. Mặc quần áo đẹp nhất cho anh, nói lên sự phục hồi phẩm giá làm con mà Cardon diễn giải: “bộ đồ của người cha đảm bảo cho anh ta được cộng đồng tiếp nhận, và “mặc bộ đồ mới là biểu tượng của thời gian cứu độ” điều này nhắc nhớ chúng ta chiếc áo mới trong ngày rửa tội, để con người được công chính hóa. Còn đối với các Giáo phụ, “chiếc áo đầu tiên” là điểm quy chiếu về chiếc áo đã bị đánh mất đi từ ân sủng mà con người nguyên thủy đã được mặc cho, nhưng họ đã đánh mất vì tội lỗi”.[xix] Tất cả những gì người con thứ mang trên người lúc này, nói lên tư cách của một người con trong gia đình. Anh được phục hồi trong ân sủng, nhưng chưa dừng lại ở đó, người cha mở tiệc ăn mừng với con bê béo cùng với dân làng. Niềm vui của cha gặp lại người con bao nhiêu ngày xa cách, giờ này ông cảm thấy được ở cùng và ở với con là niềm vui khôn tả của ông. Đây chính là hình ảnh Chúa Giêsu dọn bữa tiệc để trao ban chính mình cho con người, để ở với con người, dù con người có yếu đuối tệ bạc thế nào thì người cha vẫn mang tình yêu của một người cha cho con cái mình chẳng bao giờ thay đổi. Các Giáo phụ đọc “bữa tiệc như hình ảnh bữa tiệc đức tin, bữa tiệc Thánh thể, trong đó, báo trước bữa đại tiệc vĩnh cửu”.[xx] Chúa Giêsu tiếp tục mở bữa tiệc này, thế nhưng không phải ai ai cũng sẵn lòng đón nhận, nên Ngài lại chạy ra để nài nỉ mời chúng ta vào (Mt 22, 3-5).

Hình ảnh người con cả: Lẽ thường, khi một người thấy trong gia đình mình có gì xảy ra khác lạ, thì lẽ ra anh phải vội vàng chạy vào nhà xem chuyện gì.  Đằng này anh “liền gọi một tên đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe.” (Lc 15, 26-27). Đáng ra, anh phải mừng lắm vì tin đó, nhưng “người anh lại nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ” (Lc 15, 28). Điều này khá đủ để diễn tả thân xác anh từng ở trong nhà, nhưng lòng anh đã xa nhà từ lâu. Như thế chẳng phải chỉ người con thứ mới bỏ nhà ra đi, mà người con cả cũng đã không coi đó là nhà mình.

Theo truyền thống của dân làng và ngay cả phong tục Á Đông cũng thế, người con cả là người đại diện gia đình trong những bữa tiệc quan trọng. Anh là người quán xuyến và lo bữa tiệc để mời chào khách và nếu có sự cố gì xảy ra thì người con cả là người gánh trách nhiệm. Trong phong tục Ả-rập cũng đòi buộc sự có mặt của anh cả trong bữa tiệc, nên dù có tức cha giận em, thì trước mặt mọi người anh phải vào nhà để làm đúng trách vụ của mình là lo bữa tiệc đãi khách để tránh tai tiếng cho gia đình của mình. Rồi sau đó mới tính chuyện giận cha buồn em như thế nào, nhưng anh đã không làm thế, anh “còn công khai chê trách cha mình trước mặt các khách mời,”[xxi]  nên chẳng khác nào anh làm xấu hổ cha và xúc phạm đến cha chẳng kém gì em mình.

Do đó, anh cả ở trong tình trạng không sẵn sàng đón nhận người em trở về và cũng chẳng muốn ôm người em như cha đã ôm em. Vì anh ở trong nhà mà như kẻ xa lạ, anh không coi người em đó là em của anh. Anh chỉ biết phục vụ cha và làm các công việc trong nhà như một người ở, mà chẳng có chút tâm tình yêu mến, nên anh không cảm nhận được nỗi buồn của cha bao ngày mất con và niềm vui người con đó trở về. Có lẽ anh còn thua cả người làm công trong nhà, họ biết đón được ý chủ của mình. Vậy mà anh vẫn nghĩ anh là người mẫu mực trong nhà cha, nên anh trở nên giận dỗi và lên giọng trách cha và lên án em của mình. Nếu anh nhận ra rằng anh cũng sống tệ bạc chẳng thua gì em của mình, thì có lẽ thái độ của anh đã khác. Ngay trong sự ghen tị từ miệng anh thốt ra cho ta thấy trong chiều sâu cõi lòng của anh cũng đang thèm muốn ăn chơi hư hỏng như thế, nhưng lại chẳng dám làm.

Anh tự hào về một lối sống không sai lỗi, rất chuẩn mực, gương mẫu của mình, anh dễ được nhiều người ưa chuộng và khen ngợi. Nhưng đằng sau đó, khi anh đối diện với niềm vui của cha, với sự trở về của người em, mới làm lộ ra con người ích kỷ, thù hằn, căm giận và kiêu ngạo từ tận đáy chiều sâu tâm hồn anh. Anh cảm thấy mỗi ngày sống với cha trong sự mỏi mệt và chán ngán: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cho cho lấy được một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết con bê béo để ăn mừng” (Lc 15,29-30). Chúng ta chú ý đến các từ ngữ anh ta nói với cha mình “con hầu hạ cha” là từ dùng cho chủ- tớ; chẳng khi nào “trái lệnh” là từ dùng cho cấp trên-dưới.  “còn thằng con của cha đó” giọng nói cay đắng biểu lộ một tương quan đã bị chặt đứt và loại trừ chẳng khác gì giọng điệu của người Pharisêu trong dụ ngôn (Lc 18,10-14) nói đến tên “thu thuế kia”.[xxii] Anh không nhìn nhận nó là em của mình, nó là con của cha nhưng không phải là em của con. Khi anh loại trừ người em của mình thì ngay lập tức anh cũng chẳng nhìn nhận tương quan của mình với cha, nên anh luôn dè dặt đến nỗi chẳng dám xin cha cho “con bê” để ăn mừng. Anh nghĩ rằng cha đã chẳng cho anh “con dê” để ăn mừng với bạn bè. Sự so sánh này làm cho người ta đễ mặc cảm tự ti hay tự cao rồi dẫn đến ghen tị, tức giận. Những từ ngữ anh dùng cho chúng ta thấy anh cũng giống người con thứ đã bỏ nhà ra đi, đánh mất tương quan cha-con ngay cả khi ở trong nhà cha. Trong lời than phiền của người con cả, Nouwen giải thích: “vâng lời và bổn phận là gánh nặng, phục vụ là làm nô lệ”.[xxiii] Sự nổi giận của anh cho thấy anh đang sống trong nhà cha mà chẳng có sự tự do thật sự trong nhà cha mà là kẻ nô lệ. Thế mà anh cứ nghĩ mình là người công chính nên có quyền miệt thị những người tội lỗi.

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32). Những lời nài nỉ và van xin của người cha xuất phát từ chiều sâu của một con tim bị tổn thương, nhưng vẫn bao dung và thuần khiết để đưa hai con của mình đi vào trong hòa giải, trong bình an, và niềm vui sung mãn trong tương quan cha–conanh–em. Những gì của “cha là của con đó,” “em con” đây đã chết mà nay lại sống. Bao lâu một trong hai tương quan không được hàn gắn thì bấy lâu niềm vui của cha không được trọn vẹn. Cũng thế người chăn chiên chẳng thể nào vui khi chưa tìm được con chiên lạc, dù còn lại 99, và người phụ nữ cũng chỉ vui khi tìm được đồng bạc bị mất. Đó là niềm khắc khoải trong trái tim của Thiên Chúa, vì Ngài là Cha.

Thế nên, hàng ngày hàng đêm cha thao thức, ngong ngóng, và chờ đợi mong con mình trở về. Ngày nào ông cũng nhớ thương con, nên khi thấy nó đằng xa đã nhận ra và chạy ra ôm cổ để hôn và vội vàng làm tiệc mừng con trở về. Trong thái độ ông biểu lộ, ông không muốn con mình mặc cảm về quá khứ đau buồn mà thay vào là niềm vui khôn tả đang diễn ra trong nhà của cha và lòng của cha. Ông chẳng quan tâm đến những gì người con thú lỗi, ông chỉ biết trong vòng tay của ông là có con ông rồi, ông đã nhớ thương người con ấy từng giây, từng phút và ông chưa bao giờ ngừng thương yêu con. Trong khi người con cảm thấy mình không xứng đáng làm con, thì người cha làm tất cả để cho người con được vinh hạnh và phục hồi phẩm giá làm con. Trước tình yêu đó người con cả lại tức giận vì cha đã đối xử tốt với em mình. Không phải cha thương yêu em hơn anh, nhưng ngài yêu mỗi người con cách tràn đầy bằng chứng là: Ông không thể trì hoãn mở tiệc mừng, nhưng khi thấy người con cả trở về, ông rời bàn và chạy vội ra năn nỉ con vào chung vui với ông, bởi ông hy vọng người con cả cũng sẽ vui mừng với ông.[xxiv]

Trong dụ ngôn này còn một hình ảnh người con thứ ba, mà Đức Thánh Cha Phanxico nói người con đó ẩn mình, ta có thể tạm gọi người con út.[xxv] Người Con này luôn ở với Cha, cảm nhận tình Cha, thi hành và sống trong tình yêu của Cha.  Ngày ngày anh cũng cưu mang cùng nỗi đau của Cha ngong ngóng người con thứ, và ngày ngày anh ở bên cung lòng Cha để an ủi, vì người anh cả cũng ít tiếp xúc với Cha, anh hoàn tất những công việc được giao mà anh chẳng nếm được niềm vui ở cạnh Cha. Người con út hiểu được tâm tình của hai người anh của mình, nên anh cảm được nỗi đau của Cha mình, anh càng thương Cha và hai anh của mình nhiều hơn. Tình yêu của người con út dành cho Cha vượt qua mọi tính toán hơn thiệt về gia tài vật chất, vì anh cảm nhận được tình yêu quá lớn, tròn đầy và sung mãn nơi Cha, khiến anh chẳng còn tìm kiếm gì ngoài tình yêu đó. Nên anh cũng chẳng bao giờ than phiền, trách móc hay coi thường hai người anh của mình mà ngược lại, trái tim của người con út và của Cha hòa cùng một nhịp đập, một lòng bao dung, một lòng xót thương vô điều kiện. Người con út chẳng đòi chia gia tài, cũng chẳng ganh tị hay trách móc hai người anh của mình, nhưng anh lại tự nguyện trở nên thân phận nô lệ để phục vụ thánh ý của Cha và cứu hai người anh của mình (Pl 2, 6-8). Hai người anh đã nô lệ cho chính hành động của mình, thì “con út” không phải nô lệ vì hậu quả mình làm, nhưng tự nguyện để đáp lại tình Cha và để cứu hai người anh của mình, vì người con út đã sống trọn tình yêu của người Cha: “Tất cả những gì của Cha là của con, và những gì của con là của Cha…” (Ga17,10). Chẳng có gì liên hệ đến Cha mà lại không liên hệ tới Con, và chẳng có gì liên hệ tới Con mà lại không liên hệ tới Cha. Lòng Cha đau Con cũng đau, lòng Cha vui Con vui với niềm vui của Cha.

ĐIỀU ÍCH LỢI CHO BẢN THÂN

  1. Nhận thức về sự yếu đuối của mình để cảm thông, thương yêu anh chị em mình.

Nhìn vào người con thứ, một sự hư hỏng hiển nhiên ai cũng biết và ai cũng thấy, và chính anh ta biết mình có tội, sống sai lạc, dù sự ăn năn của anh ta có thật tình hay chỉ là lý do sinh tồn, thì trong sự khốn cùng nhất của anh đã mở lối cho anh trở về. Còn người anh thì không nhận ra mình cũng hư hỏng chẳng kém gì người em, nên anh ta khó mà trở về. Bởi nơi anh vẫn được nhiều người khen ngợi trong cung cách gương mẫu, thi hành lề luật cách chặt chẽ theo cái nhìn bên ngoài.

Đối diện với hai người con này, thấp thoáng có lúc tôi là người con thứ sống chác táng những ân huệ của Chúa mà chẳng nghĩ hay quan tâm đến ai, nhưng phần lớn trong cuộc đời tôi giống người con cả nhiều hơn. Tôi tuân giữ luật lệ của dòng, cố gắng sống chuẩn mực, vâng phục và chu toàn bổn phận bề trên trao, và như thế, đời sống của tôi khi người khác nhìn vào cũng được thừa nhận, và cũng được khen ngợi. Thế nhưng, tôi dễ khó chịu khi người khác không sống như tôi. Tôi đặt ra những chuẩn mực để đòi hỏi chị em tôi phải sống theo, còn không thì tôi loại trừ hay coi thường ít nhất là trong tâm trí tôi. Tôi trở nên người dễ lên án và bực bội với chị em của mình, vì tôi khó nhận ra rằng tôi đang sống ích kỷ, cao ngạo, coi mình hơn người khác, nên tôi cũng sẵn sàng tuôn ra những lời cay đắng với những người làm tổn thương tôi mà chẳng có một chút lòng bao dung xót thương. Suy niệm đến đây, tôi cảm thấy lòng mình đau lắm, vì tôi tội lỗi mà lại nghĩ mình thánh thiện, chẳng còn gì nguy hiểm hơn là tội không biết mình. Chỉ khi nào tôi nhìn nhận tất cả chúng ta đều bất toàn, đều tội lỗi, và dám sống liên lụy với nhau. Chính sự liên lụy này làm nên bề dày nghĩa tình. Khi tôi cùng ai đó sống trong gian khổ, giúp nhau vượt qua, thì tình thân càng trở nên đậm đà thắm thiết. Chẳng phải Thiên Chúa chọn trái đất này làm nơi cư ngụ, mang thân phận con người và cũng đã liên lụy chúng ta, mang lấy tội lỗi và sự sỉ nhục vào mình vì nhân loại đó sao? Ngài chấp nhận coi mình là kẻ nô lệ và gánh lấy tội của con người (Pl 2, 6-8). Cũng thế, Thiên Chúa mời gọi tôi trở nên giống như người con thứ ba (Đức Giêsu) dám đi vào cái trần trụi của anh chị em tôi để biết xót thương. Tôi suy nghĩ, tại sao tôi đi xưng tội, rồi lại phạm, rồi lại đi xưng tội. Chính vì điều này làm nên bề dày nghĩa tình của tôi với Chúa, vì tôi cảm nhận Chúa thật kiên nhẫn, bao dung và trung tín. Ngài không biết mỏi mệt khi tha thứ cho tôi…và từ cái cảm nhận nghĩa tình ấy, sau mỗi lần xưng tội lòng tôi khắc khoải, khát khao hoán cải và thúc đẩy tôi nỗ lực sống đáp đền nghĩa tình ấy bằng một đời sống yêu Chúa và yêu thương tha nhân mỗi ngày nhiều hơn. Tôi yếu đuối bất toàn, nhưng tôi đang cố gắng vươn lên với ơn của Ngài.

  1. Tin vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa để sống tương quan Cha-Con.

Tôi cần sống niềm tin vào một người Cha luôn yêu thương tôi, Ngài không ngừng yêu tôi, dù tôi tội lỗi đến đâu vẫn không lớn hơn lòng thương xót của Ngài, chỉ cần tôi trở về thôi, thì tôi sẽ cảm nghiệm được cái ôm che trở của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với người đàn bà trong cuốn sách The Name of God is mercy. Người đàn bà trả lời với ngài rằng: nếu Thiên Chúa không tha thứ, thì thế giới này không còn tồn tại.[xxvi] Đúng như vậy, mỗi ngày tội ác trên thế giới làm sao đếm nổi, thế mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi yêu thương, cưu mang và còn dám ở lại trần gian này. Vì thế, tôi không được phép thất vọng về chính mình và về bất cứ ai. Mỗi giây phút Chúa vẫn xót thương tha thứ cho tôi và cho mọi người, vì ngài là Cha và mọi người là con.  Một điều giúp tôi xác tín sống trong mối tương quan này là: Qua bí tích rửa tội con người được Thiên Chúa ký kết giao ước trong tình Cha–con. Sau khi rửa tội, một người có sống trong tội giết người, cướp của…sau đó người ấy trở về thì cũng không phải rửa tội lại, vì ấn tích bí tích không thay đổi, Ngài mãi mãi là Cha và người đó mãi mãi là con, dù người đó có ở trong tình trạng như thế nào. Chẳng còn hình ảnh nào đẹp hơn người con thứ ba sống trọn vẹn tâm tình Cha-con, tôi chiêm ngắm người Con này trong lời nói, tâm tình, cũng như cung cách hành xử yêu thương Cha và anh em của mình qua con đường tự hạ của Ngài.  Tôi muốn thưa với Ngài rằng: Con muốn cùng Ngài đón nhận gia sản mà Thiên Chúa trao cho con: “Mọi sự của Cha đều là của con” (Lc 15,31). Mọi vui buồn, sướng khổ của Cha cũng là của con, mà mọi sự của con cũng là của Cha.

Thay lời kết:  

Lạy Chúa Giêsu, qua các dụ ngôn về lòng xót thương của Chúa, chúng con nhận thấy mình còn ở rất xa lòng thương xót của Chúa. Chúng con là kẻ đi lạc cần được Cha kiếm tìm và cần được xót thương. Xin cho chúng con dám chấp nhận để cho Cha bộc lộ tình yêu, lòng thương xót của Cha cho chúng con và cho anh chị em của chúng con bất cứ cách nào Cha muốn. Có như thế chúng con mới thực sự đi vào một đời sống mới trong nhà Cha của mình, trong căn nhà đó các mối tương quan Cha-con, anh-chị-em được đầy tràn và sung mãn, chứa đựng tình yêu tha thứ và lòng thương xót nhau.

[i] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.171.

[ii] HURAULT, BERNARD & HURAULT, LOIUS, Lời Chúa Cho Mọi Người, Chú Giải 2006, t.1761.

[iii] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.171.

[iv]RATZINGER J., Đức Giesu thành Nazareth, phần 2, chương VII, Người Samari tốt lành (Lc 10,25-37).

[v]PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.165.

[vi] RATZINGER J., Đức Giesu thành Nazareth, phần 2, chương VII, Người Samari tốt lành (Lc 10,25-37).

[vii]NOUWEN, HENRI M., MC NEILL, DONALD P., & MORRISON, DOUGLAS A., Lòng thương xót –Một suy tư về đời sống Kito hữu, dịch giả: Nguyễn Đức Thông CSsR, NXB. Tôn Giáo 2015, t.14.

[viii] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.175.

[ix] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.461.

[x] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.463.

[xi] VŨ PHAN LONG, OFM., Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15,1-13- CN XXIV-C).

[xii] ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO, Huấn dụ của Đức Thánh Cha ba dụ ngôn lòng thương xót.

[xiii] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.473-474.

[xiv]QUESSON NOEL Chú giải: Ai nấy sẽ vui mừng, http://giaoxutanloc.net/cac-bai-chu-giai-va-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xxiv-tn-nam-c/

[xv]PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.486.

[xvi] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 1), NXB. Tôn Giáo 2011, t.479-480.

[xvii] NGUYỄN NGỌC THẾ SJ, Sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một số dụ ngôn.

[xviii] NGUYỄN NGỌC THẾ SJ, Sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một số dụ ngôn.

[xix]RATZINGER J., Đức Giesu thành Nazareth, phần 3, chương VII, Dụ ngôn về người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32).

[xx] RATZINGER J., Đức Giesu thành Nazareth, phần 3, chương VII, Dụ ngôn về người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32).

[xxi] PIERRE CARDON DE LICHTBUER SJ, Các dụ ngôn về nước trời, dịch giả: Tiến Lộc và các bạn, (cuốn 2), NXB. Tôn Giáo 2011, t.942.

[xxii] VŨ PHAN LONG OFM, Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15,1-13- CN XXIV-C).

[xxiii] NOUWEN, HENRI J.M., Người con hoang đàng trở về, Nhóm thực hiện: Anton & Đuốc Sáng, San Diego-Montreal, 1995. t. 98.

[xxiv] NOUWEN, HENRI J.M., Người con hoang đàng trở về, Nhóm thực hiện: Anton & Đuốc Sáng, San Diego-Montreal, 1995. t. 145.

[xxv]ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO, Huấn dụ của Đức Thánh Cha ba dụ ngôn lòng thương xót.

[xxvi] POPE FRANCIS, The name of God is Mercy, 2016, p.25.

Sr. M. Nguyễn Thị Mỹ, FMV

(Chương trình Tập Sống Tin Mừng Luca)

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Một bình luận

  1. con chiên bị mất theo Luca – (lòng thương xot)
    con chiên bị lạc theo Mattheu – (dân Do thánh trở lại)

    soeur viết con chiên bị lạc mất

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *