Cách chia sẻ Lời Chúa

Niềm vui cần được chia sẻ, nỗi buồn cần được chia vơi. Khởi đi từ kinh nghiệm thực tế này để chúng ta bước vào lãnh vực thiêng liêng. Người ta sống không chỉ nhờ vào của ăn, những bữa tiệc linh đình. Trên hết hạnh phúc chỉ có được nếu chúng ta biết để ý đến đời sống nội tâm. Chính trong thế giới tâm hồn này trồi sinh những ý tưởng, những sung động mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Theo cách hiểu của Công giáo, Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn ta để cho mỗi người được no thỏa và chìm đắm trong hạnh phúc. Một trong những cách thế Chúa hoạt động đó là Lời của Ngài. Thiên Chúa dùng chính Kinh Thánh để rót vào tâm hồn những ý tưởng, những cảm xúc để tâm hồn được tươi mát. Chúng ta gọi điều này là ơn an ủi thiêng liêng. Ơn này cần được chia sẻ và cần được lan tỏa cho nhiều người. Do đó chút chia sẻ dưới đây chúng ta thử đi vào những bước để chia sẻ Lời Chúa.

  1. Cho những gì mình có, nhận những gì mình cần

Tôi giả định rằng bạn đang ở trong một nhóm chia sẻ Lời Chúa. Nhóm này thường có người hướng dẫn, vốn được học về cách hướng dẫn chia sẻ Lời Chúa. Người này có thể là giáo dân, quý sơ, thầy hoặc cha. Miễn là người hướng dẫn cần biết rõ tiến trình của một buổi chia sẻ Lời Chúa. Thực tế không có nhiều tài liệu để chia sẻ với chúng ta về chủ đề này. Thay vào đó là những kinh nghiệm rất thực tế mà mỗi người có thể học được.

Tưởng tượng chúng ta đang ở trong một buổi chia sẻ Lời Chúa. Người hướng dẫn chào đón mọi người. Sau những cầu chuyện chào hỏi, tán gẫu hoặc bông đùa là thời gian từ từ cho nhóm ổn định. Lý tưởng là ai cũng có bản văn Kinh Thánh để cùng nhau cầu nguyện. Khi bầu không khí đủ lắng, người hướng dẫn có thể giới thiệu các bước của buổi chia sẻ lời Chúa hôm nay. (Tôi sẽ đề cập trong bài viết này.) Mục đích là để các thành viên biết được chương trình và cùng nhau đi với sự hướng dẫn của Lời Chúa.

Bước đầu tiên phải là thời gian của cầu nguyện riêng tư. Thường thì mọi người cầu nguyện cùng một bản văn Kinh Thánh. Sau khi cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, người hướng dẫn đọc đoạn Kinh Thánh cho mọi người cùng nghe. Sau đó họ có thể gợi ý một chút về nội dung của đoạn Kinh Thánh này. Thường chính bước này cũng giúp các thành viên có chất liệu để bước vào giờ cầu nguyện. Lý tưởng thì mỗi thành viên đã biết cách cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh.[1] Nếu ai đó chưa biết cũng không sao! Cứ để Lời Chúa đến với mình một cách tự nhiên. Sau khi đã thống nhất giờ giải lao và gặp lại, người hướng dẫn cho mỗi thành viên có giờ cầu nguyện cá nhân.

Có thể bước này chưa cần để ý đến việc bạn sẽ chia sẻ điều gì. Quan trọng là bạn đang khao khát gặp Chúa. Bởi chỉ khi bạn có kinh nghiệm về Lời Chúa, bạn sẽ có cái để chia sẻ. Đừng quên chính bạn cũng đang bước vào “cuộc đối thoại của con tim và đời sống, được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ.”[2] Nếu trong giờ cầu nguyện bạn cảm thấy khô khan, trống rỗng, cũng không sao. Khi lắng nghe người khác, chính bạn cũng học được cách Thiên Chúa đang hoạt động nơi mỗi người.

  1. Giờ để gặp gỡ Thiên Chúa

Chắc không cần thời gian quá dài để cầu nguyện riêng. Tùy vào chương trình mà người hướng dẫn dành cho mỗi người suy niệm Lời Chúa. Mỗi người chọn cho mình không gian riêng, chỉ một mình với Chúa trong bối cảnh của nhóm. Chúa chúng ta không chỉ ở giữa hai ba người, giữa cộng đoàn, nhưng Ngài muốn gặp từng người. Cuộc gặp gỡ này sẽ thú vị nếu bạn để Lời Chúa hướng dẫn. Mỗi người là một câu chuyện hoàn cảnh khác nhau. Chúa luôn có cách để đi vào tâm hồn của từng người. Do đó giờ cầu nguyện này cần bạn quảng đại để đối diện với Lời Chúa.

Kinh nghiệm cho thấy nếu bạn chỉ cầu nguyện để tìm ý chia sẻ cho mọi người, bạn sẽ gặp khó khăn. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa. Bạn không thể lèo lái Thiên Chúa đi theo ý của mình được. Thay vào đó, cứ để Thiên Chúa hướng dẫn, soi sáng và trao cho bạn những gì Ngài muốn. Đừng quên ngay cả khi chúng ta không cảm thấy gì, với đầu óc trống rỗng cũng là cách Thiên Chúa đang tác động lên bạn. Vấn đề là mỗi người tôn trọng cách Thiên Chúa hoạt động. Từ tâm thế này, chúng ta sẽ biết chia sẻ những gì cho nhóm.

Sau khi cầu nguyện riêng xong, người hướng dẫn có thể đưa ra hai câu hỏi để từng người sẽ chia sẻ:

  1. Trong Tin mừng hôm nay, đâu là điều bạn thích nhất, nghĩa là bạn cảm thấy Thiên Chúa nói với mình điều gì?
  2. Đâu là những khó khăn đối với bạn trước Lời của Chúa?

Thực ra có rất nhiều câu hỏi mà người hướng dẫn có thể đưa ra, tùy vào từng thời điểm chia sẻ Lời Chúa hoặc tùy vào nhóm đối tượng. Sau khi có câu hỏi, mỗi người có thể nghỉ giải lao với chút nhạc nhẹ du dương.

  1. Thời gian gặp gỡ nhau

Tôi phải nói ngay trước khi chia sẻ Lời Chúa: đây là thời gian để cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa! Với tâm thế này, người nghe cũng tôn trọng người chia sẻ. Những ai chia sẻ chỉ nói những gì mình cảm nhận được. Sẽ là phản cảm nếu tự đề cao chính mình, hoặc lên lớp dạy đời người khác. Lời nhiều năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn thiêng liêng,  Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhắc chúng ta rằng: “Lắng nghe tiếng Chúa qua Lời của Chúa, đồng thời qua việc lắng nghe nhau. Vì thế chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ không đồng nghĩa với việc giảng dạy Kinh Thánh. Cụ thể là việc sử dụng đại từ ‘tôi’ khi chia sẻ. Trong thực tế, đây là điều khó khăn đối với nhiều người vì có thể rơi vào những thái độ không thích hợp: hoặc giảng giải Kinh Thánh và dạy dỗ người khác, “chúng ta phải thế này, thế kia…”, hoặc chỉ lo chuẩn bị phần chia sẻ của mình cho hấp dẫn chứ không lắng nghe người khác.”[3] Cứ chia sẻ chân thành với lòng khiêm tốn, với những gì mình cảm thấy Chúa muốn mình nói. Lúc đầu có thể khó khăn, nhưng càng tập, mỗi người càng biết cách để diễn tả kinh nghiệm thiêng liêng của mình cho người khác.

Lưu ý thứ hai rất quan trọng về tính bảo mật. Nghĩa là các thành viên nên giữ những thông tin trong phạm vi buổi chia sẻ. Tránh tiết lộ hoặc bàn tán xôn xao những gì người khác chia sẻ. Cũng là bất lịch sự nếu bạn nói về người thứ ba trong chia sẻ của mình. Thay vào đó, bạn chỉ nói lên những gì chính bạn cảm nhận về Thiên Chúa.

Với chút lưu ý trên, chúng ta bước vào giờ chia sẻ. Mỗi người có thời gian nhất định để chia sẻ về hai câu hỏi trên. Một người có thể căn giờ rung chuông. Có thể chia sẻ theo vòng tròn hoặc “chuyền banh” cho người tiếp theo mà mình muốn. Người hướng dẫn cũng có thể báo cho mọi người biết vòng thứ hai: đâu là từ ngữ, ý tưởng hoặc điều bạn thích nhất sau khi nghe mọi người chia sẻ?!

Tâm lý bình thường, chúng ta dành rất ít giờ để chia sẻ về Lời của Chúa. Thay vào đó, chúng ta sẽ lan man qua những câu chuyện đời thường. Điều này cũng rất tốt và thực tế, miễn là chúng ta tập để cho Lời Chúa soi sáng vào những ngóc ngách của câu chuyện ấy. Hoặc nói như Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Nhóm nhỏ, cộng đoàn nhỏ là môi trường thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Trong nhóm nhỏ, mọi người có thể dễ dàng biết nhau, có thể nói và được lắng nghe, hình thành bầu khí thân tình và tín nhiệm, vốn là đòi hỏi cần thiết để có thể chia sẻ những điều sâu xa và riêng tư trong đời sống.”[4] Vì chiều kích này mà Giáo hội hằng tin rằng chính Lời Chúa gắn kết mỗi người một cách tốt nhất trên con đường hiệp hành. Cùng nhau để Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta sẽ biết đi cùng với nhau. Đây là nét đẹp của chia sẻ Lời Chúa.

Có những chia sẻ gây cho người nghe khó chịu. Bạn cần kiên nhẫn và thông cảm để lắng nghe tiếp. Đây không phải là thời gian để chê bai hoặc lên án! Chia sẻ Lời Chúa cũng không quá quan trọng tính đúng sai về bản văn Kinh Thánh. Lý do đơn giản là chia sẻ Lời Chúa không phải là một khóa học Kinh Thánh theo nghĩa hàn lâm! Mục đích là cứ để người ấy nói; bước sau chia sẻ sẽ dành giờ để chúng ta cùng nhau nhìn lại để học hỏi thêm.

Chèn vào buổi chia sẻ Lời Chúa này có thể là những bài hát ngắn. Mục đích là để mỗi thành viên cầu nguyện cũng như thanh thản trong tâm hồn. Nếu ai đó không muốn chia sẻ cũng không sao. Đây là bầu không khí của tự do, của làn gió Chúa Thánh Thần thúc đẩy (Lc 24,13-35). Người hướng dẫn cần biết lúc nào nên làm gì để mỗi người thấy thoải mái chia sẻ.

Sau vòng một, mỗi người bước vào vòng hai để nói thật vắn tắt những gì mình được tác động khi nghe người khác chia sẻ. Bước này sẽ giúp bạn đi sâu hơn vào bối cảnh Tin Mừng và cuộc sống.

Người hướng dẫn cảm ơn mọi người và đúc kết cũng như kết thúc bằng một lời nguyện hoặc hát chung với nhau một bài thánh ca. Sau đó là thời gian của lượng giá, nhìn lại những điểm được và chưa được. Nhất là những chỗ còn thắc mắc. Cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề. Đây là cách học rất hữu hiệu và sống động để mỗi người có thể nhớ Lời của Chúa.

Tạm kết

Tôi muốn kết thúc chủ đề này với một ước mơ: Mỗi ngày càng có thêm nhiều nhóm chia sẻ Lời Chúa. Thực vậy, theo lời mời gọi của Giáo hội về tính hiệp hành, các giáo xứ, các giáo phận và các hội đoàn dòng tu nên khuyến khích giáo dân chia sẻ Lời Chúa. Lời mời gọi này không mới, nhưng đã có từ thời Giáo hội sơ khai, khi giáo dân hợp lại để cùng nhau cử hành lễ bẻ bánh và chia sẻ Lời Chúa (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Hoặc cách đây nhiều năm thánh Gioan Phaolô II chia sẻ rằng: “Một cách thế canh tân các giáo xứ, đặc biệt khẩn thiết đối với những giáo xứ trong các thành phố lớn, là nên nhìn giáo xứ như cộng đoàn của các cộng đoàn và phong trào. Do đó, thật thích hợp để hình thành những cộng đoàn hoặc các nhóm nhỏ, ở đó có thể có được những tương quan con người đúng nghĩa. Điều đó giúp cho việc sống tình hiệp thông, không chỉ là trong nhóm nhỏ mà còn với giáo xứ mà nhóm nhỏ thuộc về, cũng như với giáo phận và Giáo Hội phổ quát. Trong khung cảnh đó, sẽ dễ dàng hơn cho việc quy tụ để nghe Lời Chúa, suy nghĩ về các vấn đề nhân sinh trong ánh sáng của Lời, và từng bước đưa ra những quyết định được gợi lên bởi tình yêu rộng mở của Đức Kitô.”[5]

Thử tưởng tượng ai cũng để Lời Chúa chia phối, để Đức Kitô hướng dẫn, Giáo hội sẽ bước đi cùng nhau. Thiên Chúa của chúng ta chỉ có một. Hơn nữa, chỉ có Lời của Thiên Chúa mới có sức để quy tụ từng nhóm nhỏ, từng giáo xứ, giáo phận và lan tỏa tính hiệp nhất trong toàn Giáo hội. Chính trong bối cảnh này, không ai bị bỏ rơi, không ai bị xem thường và không ai bị lạc lõng. Đó là ước mong, là nỗ lực của Giáo hội trong ba năm hiệp hành này. Bạn và tôi mạnh dạn tham gia, và cùng nhau chia sẻ những gì mình có và dám nhận những gì mình còn thiếu. Tấm bánh sẽ nhân lên gấp bội nếu từng người biết bẻ ra và trao cho người khác[6]. Nhât là trong bối cảnh chia sẻ Lời Chúa, ánh sáng của Ngôi Lời sẽ chiếu tỏa đến từng tâm hồn của chúng ta.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-kinh-thanh-theo-phuong-phap-lectio-divina-48910

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-thu-tinh-kinh-thanh-theo-phuong-phap-nhap-canh-48860

[2] X. Ecclesia in Asia, số 24.

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chia-se-loi-chua-trong-cac-cong-doan-kito-huu-nho-41320#_ftnref3

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chia-se-loi-chua-trong-cac-cong-doan-kito-huu-nho-41320

[5] John Paul II, Apostolic Exhortation The Church in America, 1999.

[6] X. Mt 14,12-21; Mc 6,31-44; Lc 8,19-27; Ga 6,5-15.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …