Cái chết và phục sinh của Đức Giêsu (Phần VII)

jesus-christThử hình dung nếu bạn là một trong số các môn đệ của Đức Giêsu thì bạn sẽ như thế nào: cùng đi với Ngài, lắng nghe lời Ngài, chăm chú xem Ngài chữa lành người bệnh cũng như người mù với lòng tôn kính. Có một điều gì đó phi thường đang diễn ra nơi bác thợ mộc xuất thân từ làng Nadarét này. Đây là một người không như bất kỳ người nào khác. Tâm hồn bạn ngập tràn hy vọng và phấn khởi. Và thế rồi thình lình tất cả đều biến mất. Thầy của bạn đã bị bắt vào nửa đêm, bị người Rôma xét xử và bị lên án xử tử cách tàn bạo. Trong một đêm bạn còn đang dùng bữa cùng nhau. Không đầy hai mươi bốn giờ sau, Đức Giêsu đã tử nạn. Lúc này đây tất cả những gì bạn đang trải qua là nỗi sợ hãi, sầu khổ và tuyệt vọng.

Kitô giáo đã khởi đầu như thế đó. Chính Đức Giêsu bắt đầu trong lòng mẹ, và trong tình yêu của gia đình ở Nadarét. Nhưng Kitô giáo khởi đầu với nỗi tuyệt vọng và cái chết. Tuy vậy, điều ai cũng cho là sụp đổ, diệt vong lại trở thành ơn cứu độ. Điều ai cũng cho là sự dữ, lại đã tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa cách mạnh mẽ nhất. Điều ai cũng cho là tuyệt vọng đã sinh ra niềm hy vọng. Được cưu mang trên thập giá và giải thoát khỏi nấm mồ, thế giới đã được tái sinh.

Trong chương này, chúng ta chú ý đến trọng tâm đức tin Kitô giáo: cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Chúng ta sẽ tập trung vào các câu hỏi sau:

  1. Tại sao Đức Giêsu bị lên án tử?
  2. Hội Thánh sơ khai hiểu cái chết của Ngài thế nào?
  3. Cái chết của Đức Giêsu có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu và toàn thế giới?
  4. Điều gì đã xảy ra vào lúc phục sinh của Đức Giêsu?
  5. Sự phục sinh có ý nghĩa gì đối với Đức Giêsu và đối với chúng ta?

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thập giá là biểu tượng của đức tin của Kitô giáo. Hãy chiêm ngưỡng thập giá hay tượng chịu nạn. Biểu tượng đó có ý nghĩa gì đối với bạn?

THÔNG TIN NỀN TẢNG

Hầu hết người Kitô hữu ngày nay dường như chấp nhận mối liên hệ tự nhiên giữa đức tin và sự bất tử của linh hồn. Vì đức tin Kitô giáo đặt nền tảng trên sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng phục sinh trong tương lai cho tất cả những ai tin vào Ngài, nên thật khó hình dung nếu chúng ta nghĩ cách khác. Chúng ta nói một cách tự tin về niềm hy vọng của chúng ta rằng cái chết của một người thân yêu không phải là dấu chấm hết. Chúng ta sống trong niềm hy vọng người thân yêu đó đang kết hiệp cùng Chúa trên thiên đàng. Khi trẻ em hỏi chúng ta điều gì xảy đến với con người khi họ chết, điều chúng ta phải cố gắng hết sức để cắt nghĩa cho các em chính là thiên đàng là gì.

Vì đức tin Kitô giáo liên hệ mật thiết với cuộc sống vĩnh cửu, nên thường có giả thiết cho rằng tất cả các tín hữu sùng đạo đều tin vào sự bất tử của mỗi cá nhân. Điều này không đơn giản như vậy. Thực ra nhiều người Do Thái sống cùng thời với Đức Kitô không tin vào sự sống sau khi chết. Rất có khả năng là các vị lãnh đạo tôn giáo vĩ đại nhất thời Cựu Ước cũng không tin vào sự sống sau khi chết. Dân Ít-ra-en thời xưa đặt niềm tin vào một vị Thiên Chúa của lịch sử, một Thiên Chúa có liên hệ rất nhiều với thế giới này mặc dù Ngài trổi vượt thế giới này. Ơn cứu độ Thiên Chúa chính yếu được hiểu là việc Ngài thực hiện các điều đã hứa với dân Ít-ra-en. Điều này rất khác với quan niệm về sự tồn tại của linh hồn mỗi người (sau khi chết). Khởi đầu, ơn cứu độ của Thiên Chúa được hiểu trong phạm vi bối cảnh đời sống và lịch sử của nhân loại. Tuy vậy, có thời dân Ít-ra-en đánh mất vị thế trổi vượt của mình và bị các thế lực ngoại bang đánh bại. Niềm tin vào việc thiết lập các thể chế và quyền lực nhân loại mất dần và người Do Thái bắt đầu mong chờ thời kỳ mới lúc Thiên Chúa sẽ khôi phục Dân của Ngài. Dân Ít-ra-en đã phát triển niềm hy vọng “cánh chung” tổng quát rằng vào thời sau cùng, Thiên Chúa sẽ chiến thắng khải hoàn và phục hồi Dân của Ngài. Khái niệm này được mô tả trong hình ảnh “Ngày của Gia-vê” hay triều đại Thiên Chúa. Như Ngôn sứ Isaia viết: “Trên núi này, Đức Chúa sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước; Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần… Vào ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông!’” (Isaia 25,6-9). Dù vậy, sự cứu độ được Ngôn sứ Isaia hình dung vẫn không phải là sự phục sinh của mỗi người. Chỉ có những ám chỉ mơ hồ về sự bất tử nơi cá nhân. Có niềm tin rằng Gia-vê sẽ cứu những người công chính, nhưng sự cứu độ này cũng không giống với khái niệm phục sinh của chúng ta. Đối với một số người Do Thái, sự bất tử mang hình thức phổ biến là sống nhờ vào tổ tiên, khái niệm đó vẫn còn phổ biến ngày nay. Hầu hết các học giả đương đại cho rằng niềm tin của người Do Thái vào sự phục sinh của cá nhân không xuất hiện cho mãi đến thế kỷ thứ hai TCN. Sự phục sinh này không hạn chế chỉ dành cho những người công chính. Những người gian ác cũng sẽ sống lại nhưng là để chịu sự trừng phạt.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy làm một cuộc thẩm vấn nhỏ với  bạn bè, người thân, hàng xóm, v.v… Hãy hỏi họ: Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết?

Trong thời của Đức Giêsu, dường như có rất nhiều ý kiến khác nhau trong Do Thái giáo(về vấn đề phục sinh). Những người Pharisêu tin vào sự phục sinh chung cuộc vào thời sau hết khi người công chính và người gian ác sẽ bị phán xét. Những người Xa-đốc phản đối bất kỳ khái niệm nào liên quan đến phục sinh. Thực ra, Tin Mừng Mác-cô kể cho chúng ta tranh luận diễn ra giữa Chúa Giêsu và nhóm Xa-đốc:

Một người thuộc nhóm Xa-đốc nói: 19 “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng.21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy.22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết.23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.”

24 Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp.27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”

Vì những người nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận luật đã được viết ra và không tin vào sự phục sinh, họ tìm cách gài bẫy Đức Giêsu. Đức Giêsu giải thích với họ rằng sự hiểu biết của họ về phục sinh quá thiên về vật chất. Họ chỉ thấy phục sinh đơn giản là tiếp nối cuộc sống con người như chúng ta đã biết. Đức Giêsu chỉ ra một thực tại hoàn toàn mới và điều đó sẽ xảy ra nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đức Giêsu nói rằng những người đã chết sẽ giống như các thiên thần trên trời. Rủi thay chúng ta thực sự không biết các thiên thần như thế nào. Chúa Giêsu muốn nói gì khi Ngài dạy điều này?

(còn nữa)

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *