“Tất cả mọi tín hữu đều được tham gia vào việc Tông Đồ, họ được sai vào thế gian để làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa”
Đến với Pleiku vào những ngày giữa tháng 10, từng cơn gió vuốt vào mặt lạnh buốt như sự thách thức người lữ khách bước vào hành trình phía trước. Từng mảng đất đỏ lẹp xẹp bám dính vào đế giày như an ủi, cố níu giữ người lữ khách ở lại đây để trải nghiệm thời gian Hồng Ân với mảnh đất này. Tôi_Người lữ khách đến đây để trải nghiệm đời sống Tông Đồ Dòng Tên.
Nhờ sự sắp đặt của Chúa Thánh Thần, ngay ngày trải nghiệm đầu tiên, tôi được sắp xếp đi cùng Thầy Công đến với vùng đất truyền đạo mới Chư-Sê. Buổi sáng Pleiku đẹp, trời trong xanh, nắng vàng nhẹ. Cái tiết 20oC vừa đủ làm ta có cảm giác se se lạnh trong cái áo khoác mỏng. Từng vạt hoa dã quỳ đã nở vàng ươm hai bên con đường nhỏ trơn trượt dẫn đi ngang qua từng ngôi làng của người dân tộc nghèo, nghèo cả về tiện nghi vật chất và thiêng liêng. Bánh xe lăn dần, đưa tôi đến với gần thực tế hơn. Từng cơn gió lạnh buốt vồ vào làm khô rát mặt. Từng đoạn đường là từng mảnh đời hiện ra trước mắt tôi. Những căn nhà lụp xụp được dựng ngay sát chuồng gia súc của gia đình. Những khuôn mặt lem luốc nhưng đầy nét chân chất của tộc người Jrai. Những em bé chân đất lem nhem vì bị bao phủ bởi lớp bụi bazan Tây Nguyên. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến, nỗi sợ hãi và lo lắng cũng ùa đến theo. Nếu sau này mình được sai đến đây để truyền giáo thì sao? Mình phải hòa nhập vào cuộc sống này như thế nào? Lại phải học một ngôn ngữ mới nữa hả? Làm sao mình có thể áp dụng được kiến thức đã được học ở đại học và cao học trên mảnh đất này?
Đang miên man suy nghĩ thì xe dừng lại tại điểm hẹn. Chúng tôi nhập vào đoàn tám anh chị em người dân tộc Jrai đã đứng chờ sẵn. Mỗi người mỗi cảnh, gia đình các anh chị chẳng khá giả gì, nếu không muốn nói là khó khăn. Nhưng họ lại nhiệt thành, dấn thân với công việc vườn nho của Chúa. Có người đã phải bán vội café, củ mì để có tiền làm phương tiện đi đường. Có người đã phải làm việc đến kiệt sức để vừa chu toàn công việc nương đồng, vừa có thời gian thanh thản để đi làm việc cho Chúa. Nhìn lại chính bản thân mình, tôi cảm thấy xấu hổ vì sự thiếu hy sinh quảng đại của bản thân. Chúa đã ban tràn trề hồng ân cho mình; thế mà mình lại so đo, cân nhắc, tính toán với Ngài.
Lúc nắng đủ mạnh để đẩy từng tia xuyên qua kẽ lá sưởi ấm cho đoàn Yaophu[1], thì cũng là lúc đoàn chúng tôi đến được điểm hẹn đầu tiên. Phụ nữ, đàn ông, trẻ em đã tụ tập đông sân. Họ là những người đến từ nhiều làng khác nhau. Ôi, lạ lùng thay, không có thánh lễ thường xuyên, cứ mỗi hai tuần, họ tập hợp nơi đây, có Thầy, có nhóm Yaophu, thế là họ cầu nguyện với nhau, cùng nhau dâng lời ca tiếng hát để chúc tụng Chúa, rồi chia sẻ lời Chúa, chia sẻ những cảm nghiệm về Chúa trong cuộc sống của mình suốt hai tuần qua. Bệnh, họ không cần thuốc, chỉ cần cầu nguyện là hết bệnh, đức tin đơn sơ làm sao “Lòng tin của con đã cứu con” (Mt 9,22). Lạ lùng hơn nữa, căn nhà chúng tôi tụ tập để cầu nguyện, lại chính là nhà của ông chủ tịch xã, quả đúng là “Uy phong Ngài vượt quá trời cao” (Tv8, 2). Sau buổi cầu nguyện, chúng tôi dùng bữa chung với nhau. Thức ăn là những loại rau được hái từ rừng, cơm được nấu từ những nhúm gạo mà mỗi người tự mang theo. Bữa cơm không thịnh soạn với vị đắng của rau rừng, nhưng lại là bữa cơm hy sinh, bữa cơm của cộng đoàn, bữa cơm của tình yêu.
Xong cơm trưa thì cũng đã gần 1 giờ, giờ mà ta có thể cảm nhận được cái nắng rát da của Tây Nguyên, chúng tôi bắt đầu hành trình thăm hỏi gia đình những anh em đã được rửa tội, nhưng vì không có ai chăm sóc nên đã bỏ đạo. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng tất cả họ đều là những người đáng thương “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt”. Một ông cụ 70 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng, nhưng vài ba tháng tuổi đạo. Ông đã phải giấu thánh giá vào phòng riêng của mình vì con cái ông chưa theo đạo. Một bà cụ đã rất già (cả gia đình không biết bà đã bao nhiêu tuổi) nằm liệt trong nhà sàn mái tôn như đang tự sấy mình, nước mắt bà đã trào ra khi thấy đoàn đến thăm. Một gia đình trẻ 6 người chờ đoàn Yaophu đến từ 8 giờ sáng, những cử chỉ hăm hở vui mừng của gia chủ đã làm vơi đi cái mệt của đoàn. Những em bé lem luốc, ánh mắt thánh thiện, sáng rực, hạnh phúc nhảy lên vui mừng khi được cho một quả bong bóng. Tất cả hình ảnh đó mang lại cho tôi một cảm giác biết ơn. Biết ơn vì đã được tham gia vào chuyến đi lần này, biết ơn vì đã gặp những con người thiếu thốn nhưng nhiệt thành, biết ơn vì được biết ngọn lửa trong tôi vẫn còn đang cháy, biết ơn vì ánh mắt thôi thúc và nụ cười níu giữ của anh em đồng bào.
Trở về nhà, mà lòng còn thao thức. Ước gì có đủ thợ gặt để mỗi tuần ở đây có một thánh lễ, chỉ cần một thánh lễ thôi. Ước gì mỗi người chúng ta, những con người may mắn hơn biết chia sẻ với họ, chỉ một chút chia sẻ thôi là họ có thể cảm nhận được sự săn sóc và tình yêu của những anh em cùng một cha trên trời. Pleiku, trời bắt đầu mưa, những cơn mưa của mùa bão đang dội rào rào lên mái nhà nhắc quay trở lại với thực tế rằng: ta chỉ có một Thầy ở đây và đang có nhiều ngôi làng cần săn sóc. Chắc chắn khi Nước Chúa ngự đến, thì tất cả lúa sẽ được thu vào kho. Trong giai đoạn này, khi Hội Thánh đang bước vào thời kì khởi đầu cho cuộc chiến của những ngày sau cùng, cần nhiều những con người quảng đại và hy sinh. Xin Chúa ban ơn và giữ gìn Thầy; để Thầy đủ sức khỏe can đảm dấn thân và đủ khôn ngoan để săn sóc chiên Chúa và đưa nhiều dân ngoại được gia nhập vào Hội Thánh để dân Chúa đạt đến tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.
Pleiku, 31/10/2017
Nguyên Nguyễn
[1] Là người dân tộc thiểu số được chọn, được đào tạo… để cộng tác vào việc truyền giáo
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)