Cánh cửa và thời gian

 

(Chút tản mạn vào những ngày cuối năm)

 

Tôi đã đứng đây như một chứng nhân về hiện tượng của những sự vật trong dòng thời gian, dù tôi chẳng hiểu sự tình bên trong những hiện tượng ấy. Thời gian trôi qua, mọi sự vật và con người sống quanh tôi cũng biến chuyển. Lạ lắm! Tạo Hóa đã ban cho tôi có khả năng nhìn thấy hiện tượng hai chiều nơi những sự vật khác nhau cùng một lúc.

 

Tôi có thể thấy những chú chuột nhắt phập phồng chờ mẹ về, đang khi chú mèo hung dữ đang đứng bên kia cánh cửa cố dùng những móng nhọn sắc để giật cánh cửa. Tôi cũng thấy những chú kiến bên này cửa đang khi ì ạch cõng những hạt cơm trên lưng, vẫn ngoái lại chờ đồng đội của mình, đang cố vượt qua khe cửa hẹp, để nối đuôi đi theo hàng.

 

Tôi cũng muốn kể cho bạn nghe những hiện tượng mà tôi có dịp chứng kiến nơi con người và những điều ấy khiến tôi suy nghĩ mãi cũng chẳng hiểu được.

 

Tiếng xe thắng dứt khoát đậu lại trước cửa nhà. Những thành viên trong nhà nhốn nháo báo nhau: “Về rồi! Về rồi!” Rồi mọi người đổ xô ra mở cửa với vẻ mặt háo hức. Bên kia cánh cửa là cặp vợ chồng trẻ đang bế đứa con vừa chào đời, cả hai nhìn nhau mỉm cười hạnh phúc. Cửa mở ra, hiện tượng khóc cười lẫn lộn.

 

Nắm tay vặn cửa mở ra vội vàng, tôi thấy khuôn mặt của người phụ nữ trung niên đầy lo lắng. Bên kia là người đàn ông đang dắt đứa nhỏ chừng hai hay ba tuổi, đứa bé đang khóc mếu máo với vết trầy xước trên tay và mặt.

 

Cảm giác bị giật rất mạnh, tôi thấy người đàn ông đang cố níu tay người phụ nữ lại, nhưng người phụ nữ cố giật tay ra mà với tới nấm cửa vặn thật mạnh và nhanh. Đứa bé líu ríu chạy theo, nước mắt đầm đìa, miệng năn nỉ thảm thiết: “Đừng bỏ con mà! Đừng!”, nhưng người phụ nữ như có sự thôi thúc mãnh liệt nào đó, dù người đàn ông cố giữ cũng không được. Cửa mở toang và để như vậy. Tôi một mặt nhìn vách tường xám lạnh, một mặt nhìn người đàn ông đang ôm đứa bé vào lòng, sụt sùi.

 

Cũng một mặt áp tường, cửa để mở toang hoác. Người ra vào liên tục. Đèn sáng choang. Mùi hương xông lên nồng nặc. Tiếng khóc thảm thiết. Ông cụ cao niên trong nhà đã được đặt trong quan tài, đứa con trai và đứa cháu khóc ầm ĩ. Những người hàng xóm vừa bịn rịn vừa cầu kinh cho ông. Tầm ba ngày, họ đưa quan tài của ông đi đâu đó tôi chẳng biết.

 

Một người phụ nữ đứng trước cửa bấm chuông. Một cậu thanh niên đẹp trai ra mở cửa với thái độ vội vàng vì bộ phim còn dở trên sóng truyền hình. “Cho hỏi! Đây có phải nhà ông…?”. “Dạ! Đúng rồi!” cậu thanh niên lịch sự đáp lại. Rồi người phụ nữ được mời vào nhà, người đàn ông từ dưới bếp bước lên một tay còn chùi vào tạp dề đang đeo trước mình, tay kia cầm ly nước cho khách. “Choảng!” Tiếng ly bể.

 

“Hú! Hú! Hú!” Tiếng còi cứu thương kéo dài. Cậu thanh niên chạy ra cửa gấp gáp chỉ ngón tay vào bên trong, nhân viên cứu thương chạy vào với tấm băng ca. Bên trong nhà, người đàn ông nằm trên nền gạch bất tỉnh. Người phụ nữ khóc lóc thảm thiết. Băng ca đặt người đàn ông được cáng ra xe, người phụ nữ và cậu thanh niên chạy theo lên xe. Cửa mở toang hoác, một bên đối diện tường xám, một bên căn nhà trống hoác, đồ đạc lộn xộn.

 

Khi tôi kể lại những hiện tượng này, là lúc ngọn lửa đã sắp ngoạm hết người tôi. Chỉ còn nấm đấm cửa bằng kim loại nên vẫn trơ trơ dưới sức nóng của lò đốt. Tôi đã trở nên cũ kỹ và mục nát sau mấy mươi năm phục vụ. Tôi chợt nghĩ về cuộc đời của mình lẫn cuộc đời của những sự vật, những con người mà tôi được chứng kiến. Thực sự khó hiểu về những điều ấy. Nơi những trạng thái trái ngược của mèo và chuột; nơi những sự mong chờ đồng đội của những chú kiến. Còn con người thì lại càng khó hiểu hơn hết vì những biến chuyển vui-buồn, hợp-tan, giận-hòa của họ. Xoành xoạch!

 

Nghĩa là sao nhỉ? Tôi chỉ thấy vậy thôi! Mà… hình như suốt mấy mươi năm chứng kiến, tôi thấy họ khóc nhiều hơn cười thì phải!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …