Được sinh ra và sống trên cõi đời này là một diễm phúc vô cùng to lớn. Ta hiện diện giữa thế nhân, có những mối tương quan nồng ấm, được ngao du khắp nơi và hưởng nếm những hương vị tuyệt vời của cuộc sống. Thế nhưng, cuộc sống không chỉ là những tiếng cười, những buổi họp mặt đầy ắp niềm vui, những niềm hạnh phúc dâng cao chất chứa. Cũng có không ít lần, đến với ta là những buồn phiền cay đắng, những tai họa đau thương. Trong tất cả những cảm giác tiêu cực mà cuộc đời gửi đến cho ta, chắc có lẽ nỗi cô đơn là điều làm ta thấy nặng nề kinh khủng nhất.
Ta sẽ không sợ đối đầu với những mất mát thiệt hại khi bên cạnh ta luôn có người nâng đỡ. Ta cũng sẽ chẳng lo lắng gì những thất bại và khó khăn khi chung quanh ta còn có sự tiếp sức của những người ta mến thương. Nhưng sẽ là một điều gì đó vô cùng đau xót khi ta thấy quanh mình chỉ là một nỗi trống trơn, lạnh lẽo đến vô chừng. Sở dĩ chúng ta sợ cô đơn là vì nó đi ngược lại căn tính sâu thẳm của mình. Mỗi người chúng ta được sinh ra là một hữu thể có tương quan, có sự giao tiếp. Người nào càng thấy mình hòa quyện với người khác, thì càng thấy mình được triển nở và không ngừng lớn lên. Còn người nào bị cô lập và không có sự gắn kết với mọi người, con người ấy chỉ như một cây khô tồn tại cho qua ngày đoạn tháng, héo hắt như đất trời chẳng có mùa xuân. Bởi thế nên một cách tự nhiên, ta luôn có xu hướng muốn mở ra với mọi người, muốn được người khác yêu thương và đón nhận. Cái cảm giác khi đứng giữa dòng người ngược xuôi mà thấy mình bỗng dưng trở nên lạc lõng đơn côi, mới thật kinh khủng và bức bối biết chừng nào.
Có nhiều lý do khiến ta cảm thấy mình như rơi vào trạng thái cô đơn. Nhưng tựu trung lại cũng chỉ quy về một lý do duy nhất là những người sống quanh chúng ta không hiểu được những nỗi niềm mà ta đang vương phải. Ta có những tâm tư ngổn ngang trong lòng, nhưng chẳng ai có thể hiểu thấu và chia sẻ những tâm tư ấy cùng ta. Lòng ta đang chực trào bao cảm xúc, chỉ chờ để bộc lộ ra nhưng ta không tìm thấy ai có cùng một đồng cảm, làm chỗ dựa cho ta, giúp ta hoàn toàn đặt niềm tin vào mà san sẻ. Càng đau đớn hơn nữa khi người mà ta đang muốn giãi bày tâm tư cho lại là người không thể hiểu hay không muốn hiểu. Hay khi tình yêu ta cho đi không được đáp đền giống như ta mong ước. Hay khi tất cả những người thân ta yêu mến nỡ lòng ruồng bỏ ta, gạt ta ra bên ngoài cuộc sống của họ, xem thường tình cảm của ta… Ta cảm thấy chơ vơ lạc lõng, thấy sự hiện hữu của mình trên đời chẳng còn giá trị nào. Đó đích thực là địa ngục chốn trần gian.
Đức Giêsu cũng đã có lúc trải qua nỗi cô đơn kinh khủng như thế. Suốt một đời công khai, Ngài thi triển bao điều tốt lành, mang bao ân huệ đến cho người khác. Đến khi chuẩn bị bước vào cuộc Khổ Giá, một nỗi niềm u sầu vây kín của tâm can, nhưng chẳng ai, cả những người môn đệ thân tín nhất của Ngài, để tâm lưu ý đến. Đã nhiều lần Ngài chia sẻ nỗi niềm của mình với ước mong họ hiểu và sẻ chia với mình, nhưng rốt cuộc, cũng chỉ còn một mình Ngài ngồi lặng lẽ giữa đêm thâu, trong rừng sâu thanh vắng, cố gắng uống chén đắng Cha trao. Rồi khi bị treo thân trên thập giá, Ngài như trở thành tâm điểm của những lời mắng nhiếc, nhục mạ, khinh chê. Không ai chịu hiểu cho những gì Ngài đang làm, chẳng ai cùng Ngài chia sẻ những nỗi niềm sâu kín. Đòn roi có là gì, đinh sắt hay mão gai có là gì. Chính những giày xéo do nỗi cô đơn mang đến trong tâm hồn, mới là điều khiến Ngài cảm thấy kinh khiếp nhất, mới là chóp đỉnh của cái đắng mà Ngài nếm trải qua.
Chính nhờ sự cô đơn thánh thiêng ấy của Ngài, mà mọi sự cô đơn khác trên đời này cũng trở nên có ý nghĩa và bớt phần đau buốt. Giờ đây, cứ mỗi lần cô đơn, ta thấy mình không còn đơn chiếc, bởi luôn có một người đồng cảm với ta trong âm thầm và lặng lẽ. Đấng ấy hiểu thế nào là cô đơn, hiểu mùi vị của nó chua xót biết chừng nào, nên Đấng ấy sẽ chia sẻ với chúng ta và làm cho chúng ta thấy đỡ hơn rất nhiều. Nhờ trải qua sự cô đơn, ta thấy mình được giống với Ngài, được trở nên gần Ngài hơn. Sự cô đơn không còn là nỗi sợ nhưng đã trở thành một duyên cớ để ta được rèn luyện mình và được trở nên giống Chúa. Ước gì mỗi khi thấy cô đơn, ta luôn ý thức điều ấy, để sự cô đơn của ta được thánh hóa nhờ sự cô đơn mang tính của độ của Con Thiên Chúa làm người.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ