Lửa 18: Cầu nguyện kiên trì

Nghe bài Lửa 18 – Cầu Nguyện Kiên Trì

Đời sống giữ Lửa Giê-su và làm cho Lửa ấy lớn lên không thể không đi đôi với đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là con đường duy nhất để giữ mối liên thông giữa bạn trẻ và thầy của chúng ta, chúa Giê-su. Thánh I-nhã nói “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ.” Vì thế, tâm hồn con người sẽ khao khát tìm về với Đấng đã tạo dựng nên mình. Đó là nhu cầu sâu thẳm của từng con người. Có lẽ các môn đệ xưa kia đã thấy Chúa cầu nguyện nhiều lần, và thích thú với việc cầu nguyện, nên các ngài đã xin Chúa hướng dẫn các Ngài cầu nguyện.

Lời cầu nguyện Chúa dạy cho các môn đệ không giống như những lời cầu nguyện của chúng ta thường ngày. Chúng ta tìm thấy trong lời cầu nguyện ấy vị trí thứ nhất luôn là Chúa Cha. Ngài cầu nguyện cho Danh Thánh Cha vinh hiển, cho ý của Cha được thể hiện dưới đất, cũng như ý ấy đã được thể hiện ở trên trời. Kế tiếp mới đến cầu xin cha ban cho lương thực đủ dùng, xin cho hòa bình giữa con người với nhau, xin cho đừng xa chước cám dỗ của ma quỷ.

Mở đầu lời cầu nguyện, Chúa Giê-su nhắc nhớ các môn đệ của Ngài rằng tất cả mọi người đều là anh em chung một cha trên trời. Ngài không dạy các môn đệ mở đầu lời cầu nguyện bằng câu “Lạy Cha của con”, nhưng là “Lạy Cha của chúng con”. Là con của Cha trên trời, chúng ta có bổn phận làm cho Danh Cha được vinh hiển, là con cùng một Cha, chúng ta ý thức những người chung quanh là anh em của chúng ta. Vì là anh em, nên chúng ta nâng đỡ nhau, tha thứ cho nhau, cùng dìu nhau đi về cùng Cha.

Lời cầu nguyện vừa là nguồn sống, vừa là sức mạnh để các môn đệ của Ngài trong việc làm muối ướp thế gian. Tuy nhiên, là phận người, các môn đệ của Chúa Giê-su cũng gặp những khó khăn trong cầu nguyện. Biết như thế, Chúa Giê-su nâng đỡ và khuyên bảo họ vững tâm kiên trì cầu nguyện cùng Cha trên trời.

Tại sao chúng ta phải kiên trì cầu nguyện? Sự kiên trì ấy không có nghĩa là lời cầu xin của chúng ta làm nên ơn, nhưng sự cầu xin biểu lộ sự tiếp cận và lớn lên trước ơn Chúa. Điều cơ bản trong cầu nguyện còn ở trong chính đối tượng của lời xin. Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban điều tốt. Nhưng con người dễ lẫn lộn trong việc này, có những điều mình xin nếu được ban sẽ nguy hại cho đời sống làm con Chúa mà chúng ta cứ tưởng là tốt đẹp. Vì nguy hại cho đời sống chúng ta nên Ngài không ban. Ngài ban cho chúng ta những điều tốt khác nhưng chúng ta không nhận biết. Đối tượng của lời xin đúng đắn là sự lớn lên của bản thân trong Thần Khí.

Cầu nguyện chiếm vị trí quan trọng trong đời sống thực thi sứ vụ của người môn đệ. Chúa Giê-su cũng đã liên lĩ cầu nguyện với Cha để có thể thực thi sứ mệnh trong ý định của Thiên Chúa. Để sống dưới ánh sáng và hướng dẫn của Thiên Chúa, Ngài tìm mọi cách để sống với cha, thiết lập mối tương quan thiết thân với Cha của Ngài, để hiểu biết Cha và kinh nghiệm về Cha. Nhờ đó, mọi hành vi, cử chỉ của Chúa Giê-su đều tỏ lộ đúng chân dung của Cha. Tin Mừng cho ta thấy Chúa cầu nguyện từ lúc tảng sáng, lú trời còn tối cho thấy chỗ đứng ưu tiên của đời sống cầu nguyện trong thi hành sứ vụ. Vì mối quan hệ với Thiên Chúa là nguồn gốc và nền tảng của mọi mối quan hệ khác. Nếu không như thế, chúng ta có nguy cơ bóp méo Lời Chúa.

Chủ nghĩa thực dụng và vị kỷ đã ảnh hưởng cách này cách khác lên chúng ta, khiến chúng ta lầm tưởng rằng cầu nguyện là nói cho Chúa biết nhu cầu của chúng ta, và Chúa có bổn phần chu toàn những điều chúng ta đã nói với Ngài. Trong thư gởi các chủng sinh ngày 18 tháng 10 năm 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói một điều rất căn bản về cầu nguyện: “Khi Chúa bảo chúng ta ‘phải cầu nguyện luôn’, hiển nhiên Ngài không đòi chúng ta phải kể lể không ngừng những lời cầu xin, nhưng Ngài thúc dục chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự tiến sâu hơn trong tình thân với Chúa. Cầu nguyện có nghĩa là lớn lên trong tình thân mật ấy.” Bạn trẻ chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện không phải là lải nhải với Thiên Chúa nhu cầu của chúng ta, và Thiên Chúa có trách nhiệm thực thi; nhưng đúng hơn, cầu nguyện là gắn kết với Thiên Chúa trong tình thân mật cha-con để từ đó Thiên Chúa khơi mở cho chúng ta biết Ngài muốn chúng ta làm gì, và chúng ta tiếp lấy sức mạnh, tiếp lấy Thánh Thần của Ngài, dấn thân cho thánh ý Ngài được thể hiện. Như vậy, nhờ kiên trì cầu nguyện, bạn trẻ băng qua những trở ngại để kết thân với Thiên Chúa là Cha chúng ta, để thánh ý của Cha được thể hiện nơi mỗi người chúng ta.

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: Lửa

NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

10 sách nói tuyệt vời gia đình cùng thưởng thức

  Đây là những cuốn sách sẽ giúp cả người lớn lẫn trẻ em say …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *