Cầu nguyện theo Inhã là gì? Điều gì khiến nó trở nên khác biệt?

Hãy bắt đầu với thánh Inhaxio thành Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên. Ngài muốn chúng ta cảm nếm tình bạn và kết thân với Chúa. Đó là tất cả những gì cầu nguyện theo thánh Inhã hướng đến.

Thánh Inhã tập hợp những bài thao luyện lại trong nhiều năm vì chúng giúp cho các bạn của ngài biết Chúa hơn, và giúp họ thực hiện những điều Thiên Chúa muốn. Cầu nguyện theo Inhã được đặt nền trên linh thao. Tập sách nhỏ này là một trong những cuốn sách hướng dẫn cầu nguyện có ảnh hưởng lớn nhất từng được viết ra.

“Vì như đi dạo, đi bộ, chạy nhảy, là những hoạt động thể thao giúp giữ vóc dáng và làm cho cơ thể nhanh nhẹn hơn, thì cũng thế, linh thao sửa soạn và chuẩn bị linh hồn để loại bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó quyết tâm trong việc tìm kiếm ý Chúa cho cuộc đời mình.” (Linh thao, số 1)

Đặc tính đầu tiên của cầu nguyện theo Inhã là tính thực tiễn. Đó là phương pháp cầu nguyện đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống thường ngày. Chúa Thánh Thần là thầy dạy ta cầu nguyện, thánh Inhã là người đồng hành, trợ giúp ta. Thánh nhân biết điều gì hiệu quả cho ngài và cho ta.

Trong cầu nguyện theo Inhã, ta tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa ngay trong cách ta bắt đầu giờ cầu nguyện. Ta chọn một nơi chốn phù hợp, rồi hỏi Chúa: Chúa thấy con lúc này thế nào? Ta thân thưa với Ngài như với một người bạn. Ta dùng trí tưởng tượng để đi vào mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu.

Trước tiên, ta đến với Chúa với lòng tôn kính. Cầu nguyện theo Inhã được đặt nền trên cảm thức yêu mến vinh quang Thiên Chúa. Ngài là Đấng Sáng Tạo đem đến tất cả mọi điều tốt lành cho cuộc sống của ta nên ta đến với Ngài trong tâm tình tạ ơn. Điều này đã được thể hiện một cách tuyệt vời trong bài thơ “Uy quyền Thiên Chúa” của tác giả Gerard Manley Hopkins, một tu sĩ dòng Tên thế kỷ 19.

Thiên Chúa thật vĩ đại, nhưng Ngài cũng rất gần gũi với ta. Đây là đặc tính thứ hai của cầu nguyện theo Inhã. Ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Ngài ở thật gần ta. Ta có thể trò chuyện với Ngài như một người bạn.

William Barry, một cha linh hướng dòng Tên đã viết: “Thiên Chúa thật hấp dẫn và đáng kính, thậm chí đáng sợ. Nhưng giả sử có một lúc nào đó Thiên Chúa, vốn đã là một Mầu Nhiệm đáng kính, đáng sợ và khôn thấu, muốn làm bạn với ta. Thì khởi nguồn sự khôn ngoan có lẽ là việc chấp nhận lời mời của Ngài”.

Cầu nguyện diễn tả một mối tương quan sống động với Chúa. Ta dành thời gian cho bạn bè vì có những sở thích và mối bận tâm chung. Việc ta dành thời gian cầu nguyện cũng thế, đó là bởi vì ta yêu mến Chúa và muốn ở cùng Ngài, Đấng yêu ta hoàn toàn.

Đặc tính thứ ba của cầu nguyện theo Inhã là việc dùng trí tưởng tượng. Tâm trí ta là một nhà kho chứa đầy những hình ảnh và ký ức. Việc cầu nguyện bằng trí tưởng tượng giúp mở cửa nhà kho ấy để ta thiết lập mối thân tình sâu xa và cá vị hơn với Chúa Giêsu. Ta thực hành phương pháp này bằng việc lấy những câu chuyện trong Tin Mừng và đặt mình vào trong bối cảnh đó. Chẳng hạn như khi Chúa Giêsu cho năm ngàn người ăn, ta cũng tham dự vào đám đông để ăn cùng họ. Ta thấy gì? Ta nghe gì? Chúa Giêsu hành động như thế nào? Hãy để ý chi tiết, đem khung cảnh ấy vào đời sống bằng việc dùng trí tưởng tượng.

Cầu nguyện bằng trí tưởng tượng có thể thực sự hữu ích, nhưng liệu đó có phải cách duy nhất để gặp gỡ Chúa? Thánh Inhã nói: “Hãy luôn luôn đặt Chúa trước mặt”. Cầu nguyện thực sự là gặp gỡ Chúa, Đấng mong chờ gặp ta; và đây là điều ta có thể làm được. Vì đây là một mối tương quan đích thực, ta nên xin điều mà ta muốn.

Thánh Inhã tin rằng những khát vọng sâu xa nhất của ta luôn dẫn ta đến với Chúa. Qua chúng, Thiên Chúa cho ta thấy điều gì là tốt nhất cho ta. Cầu nguyện đích thực, theo thánh Inhã, là tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự và luôn đặt Ngài trước mặt. Điều Chúa muốn cho ta là tốt nhất cho ta.

Mọi người đều có thể cầu nguyện, và ta có thể dùng bất kỳ phương pháp nào miễn nó đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa thật. Cầu nguyện theo Inhã là việc không ngừng nâng cao ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới và trong cuộc sống thường ngày của ta.

Một phương thế hiệu quả để nhận ra sự hiện diện của Chúa là hồi tâm hằng ngày, trong đó ta nhìn lại ngày sống của mình để nhận ra hoạt động của Thiên Chúa và phân định cách mà Ngài lôi kéo ta. Nếu phải chọn lựa giữa những cách cầu nguyện khác và hồi tâm, thánh Inhã sẽ nói rằng: “Hãy hồi tâm”.

Thánh Inhã quan tâm tới hoa trái của cầu nguyện hơn là cách thức hay thời gian dùng vào việc cầu nguyện. Ngài thêm rằng: Lời cầu nguyện của bạn đem lại điều gì? Ở phần cuối của linh thao, ngài viết rằng mục đích quan trọng nhất của ta là yêu mến và phục vụ trong mọi sự. Nếu khát vọng ấy lớn dần lên trong ta thì ta đang cầu nguyện tốt. Khát vọng thực sự rất quan trọng. Câu hỏi mấu chốt là: Điều tôi thực sự muốn là gì? Khi ta tăng trưởng trong đời sống cầu nguyện, ta sẽ mong muốn điều Thiên Chúa muốn. Để yêu mến và phụng sự, ta nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa mọi nơi: trong công việc, trong mối tương quan, trong thời gian rảnh rỗi, trong những trải nghiệm vui buồn. Ta cần phải tìm kiếm Chúa không chỉ trong thinh lặng của cầu nguyện mà còn trong cuộc sống bề bộn.

Ba câu hỏi thách đố đặt ra tại tâm điểm của linh thao:

Tôi đã làm gì cho Chúa?

Tôi đang làm gì cho Chúa?

Tôi nên làm gì cho Chúa?

Linh đạo Inhã đặt trọng tâm vào công trình của Chúa trong thế giới chúng ta. Giờ đây, ta nỗ lực cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu chuộc và chữa lành thế giới. Chúng tôi xin kết thúc bằng lời cầu nguyện của thánh Têrêsa Avila, người đã sống cùng thời và có tư tưởng giống với thánh Inhã, đó là: “Thiên Chúa chẳng có thân thể nào trừ thân thể bạn, không có đôi tay đôi chân nào trừ của bạn. Bạn chính là đôi mắt qua đó Ngài nhìn thế giới với lòng nhân từ. Bạn là đôi chân qua đó Ngài làm những điều tốt lành. Bạn là cánh tay qua đó Ngài chúc lành cho toàn thế giới. Bạn là đôi tay, đôi chân, đôi mắt. Bạn là chính thân thể Người.

“Thiên Chúa chẳng có thân thể nào trừ thân thể  bạn, không có đôi tay đôi chân nào trừ của bạn. Bạn chính là đôi mắt qua đó Ngài nhìn thế giới với lòng nhân từ. Thiên Chúa chẳng có thân thể nào trừ thân thể bạn.”…

Nguồn: The Ignatian Way #1: What Is Ignatian Prayer? – IgnatianSpirituality.com

Chuyển ngữ: Nam Văn

Hiệu đính: Trung Thu

 

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *