Cha của tôi đã về thiên đàng

 

Nhật ký, ngày con gái rất nhớ Cha.

Ngày ấy, ngày mà tôi không thể quên được. Trên xe cấp cứu đưa Cha về nhà, một điều mà tôi vẫn không mong muốn chút nào. Quá gấp gáp, đột ngột, tôi không dám nghĩ là đây là chuyến đi cuối cùng của tôi với Cha.

Bước lên xe, tôi nhìn thấy Cha trong những hơi thở thoi thóp, giằng co bên bờ vực sự sống và cái chết. Dưới ánh đèn mờ mờ của xe cứu thương, Cha đã không mở mắt nhìn con gái, không nói với con được câu nào, cũng chẳng cử động được nữa. Làm sao mà tôi có thể không khóc đây khi nhìn Cha. Có lẽ, Chúa đã cho thiên thần đến đón Cha về rồi sao? Cảm xúc sợ hãi ùa về trong tâm trí làm tôi rụt rè nắm lấy bàn tay của Cha như muốn níu giữ Cha về với tôi. Rồi thoáng chốc sợ hãi vì bàn tay lạnh buốt ấy chỉ để tôi nắm mà không đáp lại bằng sự siết chặt hay giữ lấy bàn tay tôi. Tôi biết rằng mình không thể giữ Cha nếu Chúa muốn Cha về với Chúa, nhưng tôi có thể giữ lấy bàn tay Cha trong giây phút này để cùng Cha về ngôi nhà thân thương, nơi đầy ắp kỷ niệm của Cha và con gái.

Với sự trông mong, chờ ngày Cha về khỏe mạnh nay thì Cha lại âm thầm lặng lẽ chẳng nói được với ai câu nào. Đâu rồi tiếng gọi Cha… thân thương. Lặng lẽ nhìn Cha, buông cánh tay nhẹ nhàng ra đi mãi mãi khi về đến nhà. Cha đã trở về với Chúa như một tờ giấy khẽ bay nhẹ khi làn gió thổi qua. Quả thật, giây phút sự sống và sự chết giằng co để lại một sự lặng lẽ nhìn người ra đi đầy tiếc nuối. Thế nhưng, chỉ những người đã sống hết mình hết tình mới xứng đáng được an nghỉ nhẹ nhàng, thanh thản khi nhắm mắt xuôi tay. Đó là một sự ra đi bình an đến nỗi lạ lùng, trong một niềm tin tràn đầy hy vọng vào nơi thế giới bên kia đó là thiên đàng nơi mà Thiên Chúa đang chờ – đang đợi đón Cha về. Tại sao tôi luôn tin Cha đã về Thiên Đàng, bởi lẽ tôi tin Thiên Chúa của tôi là Thiên Đàng, Người hằng cứu độ tất cả mọi người và không muốn để một linh hồn nào hư mất. Tôi tin rằng Thiên Chúa của tôi là Thiên Chúa cứu độ, và vì thế Thiên Chúa yêu thương Cha đã đưa Cha của tôi về Thiên Đàng. Đó là ân sủng, đó là mầu nhiệm cứu độ cho tất cả những ai tin vào Người “Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và sẽ được sống lại trong ngày sau hết.”

Tháng 11 đã đến, tôi cảm thấy đầy xúc động khi nhớ đến Cha của mình, một người thân yêu đã khuất nhưng sẽ sống lại trong Đức Ki-tô. Sở dĩ tôi xác tín như thế là bởi lẽ tôi nhận thức rằng đây là một niềm tin kỳ diệu khi tuyên xưng xác loài người ngày sau sống lại. Có lẽ thân xác bằng xương, bằng thịt của Cha tôi đã tan rã theo thời gian. Cái chết và sự tan rã của thân xác làm cho tôi  ý thức về thân phận mong manh cát bụi của mình. Là người Ki-tô hữu cái chết của người thân tuy là mất mát, đau buồn nhưng sống niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa thì chính khi ta sống cho cái chết của người khác là chính khi đó ta đang sống cho cái chết của mình. Vì, đích điểm của hiện hữu chính là tình yêu trong sự liên đới và cuối cùng là đạt được chính Chúa trong tâm hồn. Quả thật, Đức Ki-tô chịu chết và Phục sinh là niềm hy vọng duy nhất cho mọi người được ơn cứu độ. Dẫu biết rằng, người tích cực thì sống dấn thân, người yếm thế thì nghĩ trước sau cũng chết, nhưng con người đâu có sống để đợi chết mà là sống hết mình để chết cho cái chết của mình và của người khác. Nay tôi sống là sống tràn đầy niềm hy vọng để cầu nguyện cho người đã chết, và chết đi với chính mình để sau khi chết tôi được sống dồi dào trong Thiên Chúa.

Thật kỳ diệu khi nghĩ về mầu nhiệm sự sống và sự chết, đó là hai tình trạng luôn tồn tại trong thế giới để con người được nhận ra đầy đủ giá trị của sự hiện hữu trong Thiên Chúa. Trong sự hiệp thông này theo Karl Rahner: cái chết không thể cô lập con người và cũng không thể ngăn cách được sự liên đới giữa người sống và người đã chết. Bên cạnh đó, Đức Ratzinger cho thấy: người chết đi vào mối dây hiệp thông với người khác trong mầu nhiệm Thân Mình của Đức Ki-tô. Sự hiệp thông giữa người chết và người sống là ở chỗ “nếu có một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu có bộ phận nào vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26-27). Thế nên, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, ta được gia nhập vào gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong gia đình này không ai sống một mình mà: sống cùng- sống với – sống cho nhau. Không những chúng ta sống với người còn đang lữ hành, mà còn sống cho những người đã qua đời.

Như vậy, trước những nghịch cảnh đang xảy ra trong đại dịch Covid với biết bao nhiêu con người ra đi lặng lẽ, tôi khao khát sự hiệp thông của những người sống và người chết được nối kết với nhau trong lời cầu nguyện, trong Thánh lễ, những việc lành phúc đức làm món quà để Thiên Đàng được hiện hữu với tất cả mọi người. Và rồi, chính niềm tin nối kết làm cho mọi người nhận ra cuộc sống này thật là ý nghĩa và ra đi làm chứng nhân về sự phục sinh của Đức Ki-tô – và chính Đức Ki-tô Phục Sinh – là nguyên lý và nguồn mạch cho tất cả mọi người ngày sau được sống lại vì Người đã mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (GLCG: #655). Sống trong tình hiệp thông và liên đới với nhau trong lời cầu nguyện tôi tin vẫn còn mối hiệp thông giữa người đã chết và người đang sống trên trần thế. Lời cầu nguyện cho các linh hồn ra đi trong đại dịch đó là lúc ân sủng của Lòng Thương Xót cứu vớt những ai đã lìa đời. Hơn nữa, điều đó khơi lên cho tất cả những ai đang lữ hành trần thế được niềm hy vọng sống niềm tin của mình khi tin rằng Chúa sẽ cứu độ những ai tin vào Người. Và rồi phần thưởng Thiên Đàng là món quà Thiên Chúa sẽ tặng cho mỗi người chúng ta khi ta sống trọn vẹn với tất cả lòng tin, cậy, mến vào Thiên Chúa. Đó là niềm tin của tôi trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, sống hy sinh, làm nhiều việc tốt hơn để tôi xin Chúa cho Cha của mình món quà là Thiên Đàng. Và tôi sẽ nghe Chúa nói: “Cha của con đã về Thiên Đàng, Cha đang đợi con chung hưởng vinh quang Thiên Chúa”.

 

⁕⁕CỎ BỐN LÁ⁕⁕

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *