Chân Lý và Tình Yêu – Vương Quyền của Vua Ki-tô

“… vinh quang của tình yêu được biểu lộ lớn lao nhất khi trao ban sự sống mình cho người mình yêu. Đây chính là mạc khải về vương quốc của Đức Giê-su… Adveniat regnum tuum – “nguyện cho nước Cha ngự đến”.

Trong diễn từ gởi đến các vị tân Hồng Y trong thánh lễ Đại Triều hôm Chúa Nhật Chúa Ki-tô Vua, tại Đền Thờ thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI đã tái nhấn mạnh vương quyền của đấng Mê-si-a “không phải là quyền lực giống kiểu các vương quốc trần thế vốn xuất hiện và bị tiêu vong, nhưng là vương quyền của sự thật và tình yêu”. Là những môn đệ theo Chúa Ki-tô, các tân Hồng Y được mời gọi để phụng sự Vua Tình Yêu và phục vụ dân của Ngài bằng chân lý và yêu thương, chứ không phải bằng sức mạnh vũ trang chính trị. Dưới đây là toàn bộ diễn từ của Ngài trong thánh lễ hôm Chúa Nhật Chúa Ki-tô Vua 25/11/2012. 

Anh chị em thân mến!

Trong Chúa Nhật cuối năm phụng vụ này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Chúng ta được mời gọi hướng nhìn về tương lai, hay đúng hơn là nhìn vào chiều sâu, vào mục đích tối hậu của lịch sử, nơi sẽ xuất hiện vương quốc cuối cùng và vĩnh cửu của Đức Kitô. Ngài ở với Cha ngay từ khởi đầu, khi thế giới được tạo dựng, và Ngài sẽ biểu lộ quyền bính của mình khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Ngài phán xét tất cả nhân loại. Ba bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta về vương quốc ấy. Trong đoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe, trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su xuất hiện trong những cảnh huống khiêm hạ – Ngài đứng trước tòa án, trước vương quyền của Roma. Ngài bị bắt, bị lăng mạ, bị chế giễu và bây giờ kẻ thù hy vọng có thể kết án tử hình Ngài với khổ hình thập giá. Họ đã tố cáo với Phi-la-tô rằng Đức Giê-su là một kẻ đang tìm kiếm quyền lực chính trị, là một vị vua Do-thái tự phong vương cho mình. Vị tổng trấn của Rô-ma dẫn Ngài đến nơi thẩm tra và hỏi Ngài rằng: “Ông có phải là vua dân Dothái không?” (Ga 18,33). Trả lời câu hỏi này, Đức Giê-su đã làm rõ bản chất của vương quyền và chính sứ mạng Mesia của mình, vốn không phải là một quyền lực theo kiểu thế gian nhưng là một tình yêu phục vụ. Ngài nói rằng vương quốc của Ngài thì không thể lẫn lộn với vương quyền theo kiểu chính trị: “Nước tôi không thuộc về thế gian này… Nhưng thật sự Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

Rõ ràng Đức Giê-su không có tham vọng chính trị. Sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng vì say mê phép lạ đã muốn đưa Người đi và đặt Ngài làm vua của họ, để có thể lật đổ quyền bính của Rô-ma và thiết lập một vương quốc chính trị mới, một vương quốc của Thiên Chúa đã được chờ đợi trong một thời gian dài. Thế nhưng, Đức Giê-su biết rằng vương quốc của Thiên Chúa là một vương quốc hoàn toàn khác, không được xây dựng trên quân đội hay vũ lực.

Hóa bánh ra nhiều tự nó vừa là dấu chỉ cho thấy người là Đấng Mê-si-a vừa là một bước ngoặc trong hoạt động của Ngài. Vì từ lúc này, con đường đến thập giá trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nơi đó, hành động cao nhất của tình yêu, vương quốc của lời hứa và vương quốc của Thiên Chúa sẽ xuất hiện. Nhưng đám đông không hiểu điều này; họ thất vọng khi Đức Giê-su bỏ lên núi cầu nguyện trong bầu khí cô tịch, cầu nguyện với Chúa Cha (x. Ga 6,1-15).

Trong trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng các môn đệ, những con người đã chia sẻ đời sống với Đức Giê-su và lắng nghe lời Ngài, nhưng họ vẫn nghĩ về một vương quốc theo nghĩa chính trị, có được nhờ vũ lực. Tại Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô đã tuốt gươm và bắt đầu đánh trả, nhưng Đức Giê-su đã ngăn cản ông. Ngài không muốn được quân đội bảo vệ, nhưng muốn Thánh Ý Cha được thể hiện cho đến tận cùng. Ngài đã thiết lập vương quốc của mình không phải bằng xung đột vũ trang, nhưng bằng sự yếu hèn của một tình yêu trao ban sự sống. Như vậy, vương quốc của Thiên Chúa là một vương quốc hoàn toàn khác với vương quốc trần thế.

Đó là lý do tại sao khi đối diện với Đức Giê-su, một con người đầy yếu đuối, khiêm nhường và không có khả năng tự vệ, thì một người đầy quyền lực như Phi-la-to sao không khỏi phải ngạc nhiên, ngạc nhiên vì ông nghe về một vương quốc và những người phục vụ. Vì thế ông ta hỏi một câu hỏi có vẻ dư thừa: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Một con người như thế thì có thể trở nên vua như thế nào? Nhưng Đức Giê-su đã trả lời đầy quả quyết rằng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Đức Giê-su nói về vua và vương quyền, nhưng Ngài không đề cập đến quyền lực mà là sự thật. Phi-la-tô không thể hiểu: làm gì có một thứ quyền lực nào mà không dùng những phương tiện của con người để đạt được? Một quyền lực nào mà lại không dính dáng đến việc cai trị và dùng võ lực? Đức Giê-su đến để công bố và thiết lập một vương quốc mới, vương quốc của Thiên Chúa. Ngài đến để làm chứng cho sự thật: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8-16). Ngài muốn thiết lập vương quốc của công chính, tình yêu và bình an. Bất cứ ai lắng nghe lời chứng của Ngài với tình yêu và đón nhận với niềm tin thì sẽ được gia nhập vương quốc của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng nhận ra một viễn tượng tương tự trong bài đọc thứ nhất. Ngôn sứ Đa-ni-en đã tiên báo về quyền năng của Con Người nhiệm mầu được thiết lập giữa trời và đất: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Ðấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Ðấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong (Đn 7, 13-14). Những lời này trình bày về một đức vua đặt vương quyền của mình vượt qua biển khơi đến tập cùng trái đất. Ngài nắm trong tay quyền lực tuyệt đối không bao giờ bị tiêu vong. Thị kiến này của ngôn sứ, một thị kiến về Đấng Mê-si-a, được làm rõ và được trở nên viên mãn nơi Đức Ki-tô: Quyền lực của Đấng Mê-si-a, thứ quyền lực sẽ không bao giờ qua đi và bị hủy diệt không phải là quyền lực của các vương quốc trần thế vốn xuất hiện và bị tiêu vong, nhưng là vương quyền của sự thật và tình yêu. Như thế, chúng ta hiểu vương quyền mà Đức Giê-su công bố trong các dụ ngôn và được biểu lộ một cách công khai và minh nhiên trước tổng trấn của Rô-ma là vương quyền của chân lý, một vương quốc trao ban cho mọi thứ ánh sáng và sự vĩ đại của chúng.

Trong bài đọc II, tác giả sách Khải Huyền nói rằng chúng ta cũng được chia sẻ vương quyền của Chúa Ki-tô. “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (1, 5-6).

Ở đây, rõ ràng chúng ta đang nói về một vương quốc dựa trên mối tương quan với Thiên Chúa, với chân lý chứ không phải là một vương quốc theo nghĩa chính trị. Ngang qua sự thánh hiến của mình, Đức Giê-su đã mở ra cho chúng ta con đường để đi vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Trong Ngài, chúng ta trở nên một người con được đón nhận và là những người đồng thừa tự trong vương quốc của Ngài trên thế giới này. Trở nên môn đệ Chúa Ki-tô cũng có nghĩa là không để cho chính mình bị lôi cuốn bởi cách suy nghĩ về quyền lực theo kiểu thế gian, nhưng là mang vào thế giới ánh sáng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Tác giả sách Khải Huyền đã mở rộng viễn cảnh của mình để diễn tả cuộc tái quang lâm của Đức Giê-su để phán xét con người và thiết lập vương quốc của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn trên thế giới này. Ngài cũng nhắc nhở chúng ta hãy hoán cải, như là một sự đáp trả ân sủng của Thiên Chúa, là điều kện cho việc thiết lập vương quốc này. Nó là một lời mời gọi cấp thiết dành cho mọi người và từng người trong chúng ta. Hay hoán cải luôn để đi vào mối tương quan mới mẻ với vương quốc của Thiên Chúa, với chân lý và trong chính chúng ta. Chúng ta cầu nguyện về vương quốc này hàng ngày trong Kinh Lạy Cha với cụm từ “nguyện cho Nước Cha trị đến”; chúng ta hãy thưa với Đức Giê-su, Lạy Chúa, xin làm cho chúng con sống trong Cha, xin ở lại với chúng con, tập hợp lại những con người đầy đau khổ và bị phân tán, để trong Ngài chúng con có thể phụ thuộc vào tình yêu và ân sủng của Cha.

Các chư huynh hồng y thân mến, tôi nghĩ rằng hôm qua các chư huynh đã được giao phó trách nhiệm này, đó là làm chứng cho nước Chúa và chân lý. Điều này có nghĩa là các chư huynh hãy đặt Thiên Chúa và ý muốn của Người trên những lợi lộc và quyền lực của thế gian. Hãy bắt chước Đức Giê-su, trước Phi-la-tô, trong sự khiêm hạ như bài Tin Mừng mô tả, Ngài đã biểu lộ vinh quang của mình: vinh quang của tình yêu được biểu lộ lớn lao nhất khi trao ban sự sống mình cho người mình yêu. Đây chính là mạc khải về vương quốc của Đức Giê-su. Và vì lý do này, chúng ta hãy đồng tâm và hiệp ý cầu nguyện rằng: Adveniat regnum tuum – “nguyện cho nước Cha ngự đến”. Amen.

Từ RadioVaticana, 25/11/2012

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J., chuyển ngữ và giới thiệu

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *