Chiếc xe container ở Grays và những ngôi nhà thờ

Khi bản tin về 39 người bị chết ở trong một xe tải đông lạnh ở thị trấn Grays ở Anh đập vào mắt tôi, hai hình ảnh cũ chợt vụt lên trong đầu: đó là chiếc xe tải bị bỏ quên trong đó có 71 xác chết đã bốc mùi ở Parndorf, gần biên giới Đức năm 2015 và hình ảnh … „người rơm“ Việt Nam. Tôi đã xới các thông tấn xã khác nhau để mong tìm ra thông tin xuất xứ của họ, và được bảo là người Trung Quốc. Tôi tắt bản tin với một trực giác rằng, trong số những con người ấy, thế nào cũng có một đồng bào Việt Nam của tôi. Và đến hôm nay, con số ấy đang tăng dần, chắc chắn dần.

Đã có những bài viết thương cảm các nạn nhân hay trách móc xã hội và chế độ … Cái ấy hẳn cũng là một phần trực giác mang tính hệ quả của những thảm kịch xảy ra với những công dân của đất nước này, cho dù những bi kịch ấy có xảy ra trong nước hay ở nước ngoài, từ cô dâu Việt chết ở xứ Đài, anh công nhân Việt chết ở Trung Đông hay em bé chết trong xe bus ở Hà nội. Rồi như thường lệ, vết thương cũng thôi mưng mủ, kéo làn da đậy lại, làm sẹo trên cơ thể còm cõi của dân tộc này.

Những năm trước đi học xa, khi còn chút thời giờ lang thang với mấy em thanh niên „ở lậu“ bán thuốc lá trên các trạm tàu điện ở Berlin hay sau này với anh em làm „nail“ và nấu bếp ở các nhà hàng ở Đức, Tiệp, Hung, khi gặp tôi, các em vui vẻ khoe: „khi nào cha có dịp ghé giáo phận XYZ chúng con. Cha cứ đi đến vùng XYZ này, hỏi nhà thờ XYZ này, nhà con ở cạnh đấy.“ Rồi em tự hào thêm vào: „nhà thờ họ con to nhất vùng đấy cha ạ!“

Không hiểu sao tôi lại liên tưởng cái xe container chở 39 con người vắn số ấy với những ngôi nhà thờ mà các em „đi nước ngoài“ tự hào, với những tháp chuông chễm chệ nguy nga. Chắc là trong một mét vuông tường của những ngôi nhà thờ hoành tráng, những ngôi nhà thờ mang phong thái Âu Châu ấy, có tiền, có mồ môi và sự bất an của nhiều thanh niên công giáo đang mưu sinh trong sợ hãi và nguy hiểm trên cái lục địa vốn khởi hứng kiến trúc cho những thánh đường làng quê họ. Thỉnh thoảng các em cũng khoe là cha xứ hay cả đức cha nữa cũng đi sang thăm họ. Tôi chợt rùng mình và bâng khuâng khi tự nhiên tâm trí mình lại liên kết hai hình ảnh như vậy.

Đã hẳn, số các nạn nhân Việt Nam và tôi tin chắc lần này, thể nào cũng có vài người công giáo, không là những người đầu tiên bỏ mạng nơi xứ người. Những căn hộ bé tí, chật cứng, ngột ngạt mùi người, sống không khác trại tị nạn của những nhóm đồng hương mà tôi có dịp thăm ở Berlin lại một lần nữa đòi tôi phải liên kết với những ngôi nhà xứ sáng choang và tươm tất của quê hương họ… Rồi tôi len lén tự hỏi Giáo Hội quê nhà đã nhận bao nhiêu từ những đồng euro hay dollar đầy nhọc nhằn và nguy hiểm ấy?

Nghĩ như thế, tôi biết mình không đúng hay có thể gây phật lòng … Nhưng cái xót xa mà tôi đã trải nghiệm trực tiếp từ những cuộc đời tha phương ấy không cho phép tôi bao biện mà phải trải lòng. Giáo Hội Việt Nam ít nhiều mới „thoát nghèo“ và vẫn còn cần tài chính lắm… Giáo hội cũng đã làm nhiều điều để an ủi cái khổ và cái ác trên đất nước này. Nhưng mang phận hành hương, Giáo Hội không thể dừng lại hay tự mãn. Câu hỏi tôi vụng về đặt cho mình thôi: Có vui không, có tâm không khi phải tái thiết một Giáo Hội hoành tráng từ những mong manh phận người như vậy? Nghĩ vậy, tôi chợt thấy những ngôi nhà thờ quay bằng flycam trên youtube về những ngôi nhà thờ lộng lẫy và bề thế dọc theo đất nước Việt Nam của tôi giờ trở nên nhỏ bé và có chút xấu xí. Tôi tự hỏi: Chúa giờ có vui không khi nhà của Ngài được xây bằng những đồng tiền đôi khi trả phần nào bằng long đong phận người?

Thế rồi tôi chợt ao ước, có vị giám mục nào đó kêu lên: dừng lại, đừng xây cất nữa, hãy dùng nguồn lực này mà lo cho dân … Có khi như vậy, người ta mới yên lòng và bình an lương tri mà trách cứ sao chế độ vẫn còn vô tâm!

Tác giả: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

4 Bình luận

  1. Con chào ban truyền thông dòng Tên. Con cũng đồng quan điểm với cha đăng bài viết này. Con cũng cảm thấy buồn vì cha xứ cứ suốt ngày bảo xây công trình này công trình khác. Như ở xứ con cứ mỗi lần thay đổi cha xứ là những công trình mới lại được xây dựng và những công trình của cha cũ lại bị đập phá. Các cha chỉ biết nói xây và nói tiền bao nhiêu mà không bao giờ biết hỏi ý kiến giáo dân. Giáo dân thì không một ai dám góp ý gì với cha cả dù thấy không hợp lý. Nhiều người nói đi đạo bây giờ cũng phải có tiền. Cha xứ cả mấy năm trời mà ko hề biết nhà giáo dân ở đâu. Người chết không bao giờ cha tới nhà để lo các phép trong đạo và cũng không bao giờ được được xác vào nhà thờ dâng lễ. Con thấy buồn vì người lương dân chết họ còn mời thầy cúng về nhà vậy mà một kì tô hữu qua đời mà cha xứ không hề tới thậm chí cha còn tuyên bố với giáo dân nhà tang quyến không được phép tới xin lễ mà phải nhờ người láng giềng vì cha sợ hơi lạnh. Con luôn nhớ và cảm động khi ở miền nam lúc các cha cử hành lễ an táng cho người đã qua đời cha nói: Đây là thánh lễ cuối cùng của người tín hữu này khi còn ở trần gian và cuối lễ cha còn xông hương và cúi chào tiễn biệt người quá cố. Con thấy thật đau lòng khi ở ngoài con đời sống thiêng liêng không được quan tâm và để ý bằng đời sống vật chất. Cha xứ chỉ biết và tiếp xúc với người giàu còn người nghèo cha không biết ai lại ai. Cha cứ xây hết công trình này đến công trình khác, dân cứ suốt ngày đóng tiền nếu gia đình nào khó khăn chưa có tiền đóng thì lại bị đọc tên giữa nhà thờ suốt. Con ước gì có vị linh mục hay giám mục giúp và dám nói thẳng để các cha có thể thay đổi hướng mục vụ vì phần rỗi giáo dân. Vì vấn đề liên quan đến đức tin nên con chỉ chia sẻ trên trang riêng của nhà dòng. Con cám ơn quý cha và quý thầy rất nhiều. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành xuống trên quý Cha và Quý Thầy. Xin cũng thương cầu nguyện cho con với. Con xin chân thành cảm ơn.

  2. “Thế rồi tôi chợt ao ước, có vị giám mục nào đó kêu lên: dừng lại, đừng xây cất nữa, hãy dùng nguồn lực này mà lo cho dân … Có khi như vậy, người ta mới yên lòng và bình an lương tri mà trách cứ sao chế độ vẫn còn vô tâm!”
    Giáo hội VN là một giáo hội mang nặng hình thức bề ngoài, nhiều khi thiếu chiều sâu của nội tâm; người ta thích khích khoe khoang về thành tích của giáo xứ như nhà thờ to, nhà xứ đẹp; nhưng bề sâu đạo đức và nhân phẩm con người thì lại không được đề cao lắm.
    Mong thay nhiều vị mục tử đọc được bài viết này để biết xây dựng con người cần thiết nhiều hơn là xây dựng vật chất trong giáo xứ.
    Chân thành,
    Andrew Ho

  3. Trọng kính Cha! Con vô cùng khâm phục khl Cha đặt ra một vấn đề gây bức bối trong một bộ phận giáo dân còn nghèo nhưng không phải ai cũng mạnh dạn lên tiếng.Con ước chi…mọi người không phân biệt lương, giáo;; trong hay ngoài nước khi đến bất cứ ngôi Thánh đường nào trong giờ hiệp thông cầu nguyện đều ngưỡng mộ thốt lên : ” Giáo dân ở đây đông quá, thành kính và thân thiện quá” thay vì ngạc nhiên kêu lên:” Nhà thờ nầy đẹp quá, nguy ng và uy nghiêm quá”. Và con cũng ước…có ai đó thưa với một vị Cha xứ rằng:” Đoàn chiên mà Ngài chăm sóc ngày một đông đúc hơn,yêu thương nhau hơn “, thay vì khen:” Giáo xứ của Ngài ngáy càng có nhiều hạng mục công trình được xây dựng hơn ” Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn hồng phúc cho toàn thể dân Người.

  4. Bài viết quá kém. Không biết gì về thực tế đời sống Công giáo miền bắc đã đành, mà tư duy học thuật cũng quá kém: nhận định ẩu trước cơ sở dữ liệu phiến diện…!

    Vài thông tin nên biết:

    – Nhà thờ Lãng Vân do một “đại gia” là tay chân của ông Trần Đại Quang-ở Ninh Bình-đầu tư đến 400 tỉ đồng. Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã can: “Đừng làm vậy. Số tiền đó, nên chia ra có thể xây được nhiều nhà thờ nhỏ, và làm được nhiều việc an sinh có ích hơn”. Nhưng “đại gia” đó không nghe…!
    – Không chỉ có nhà thờ mới xây to. Tôi đã chụp hơn 2000 ngàn nhà thờ trên cả nước trong vòng 3 năm qua. Nhân thể, cũng đã chụp hàng 1000 ngôi chùa “khổng lồ”…!
    – Nhà thờ lớn xây nhiều nhất mấy chục năm sau này, là ở miền bắc. Nhiều nhất là ở Nam Định, Ninh Bình. Xây nhà thờ lớn, không hẳn do chủ trương của các đấng bản quyền hay các mục tử, mà phần lớn, do não trạng “văn hoá làng xã” của các bậc “tiên chỉ” trong các giáo xứ. Nên lưu ý, mỗi làng miền bắc, gắn liền với vài dòng họ. Tiếng nói của các bậc “tiên chỉ” các dòng họ, còn lớn hơn tiếng nói của các đức cha cai quản giáo phận. Có ông còn nói thẳng với đức cha Giuse Nguyễn Năng: “Đức cha nói thì chúng con xin vâng. Nhưng đức cha có cho tiền không? Tiền của chúng con, xin đức cha cho chúng con làm theo ý mình để tôn vinh Chúa…!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *