Chọn lựa “có nên sống thử hay không?”

Tôi đã từng thất bại trong tình yêu! Sau đó, tôi đã gần như rơi vào khủng hoảng. Vấp ngã để đứng lên đó không phải là điều dễ dàng. Qua bài học ấy, tôi mới nhận ra mình đã chọn lựa đúng. Tôi không hối hận về điều đã quyết định.

Tôi đã chiến đấu thế nào?

Tôi đã từng yêu anh – một chàng trai không cùng tín ngưỡng với mình. Có lẽ, chính nụ cười “tỏa nắng” nơi anh tạo nên điểm nhấn trong tâm hồn tôi, ít là như vậy. Từ đó, tôi chủ động làm quen anh.

Hai năm gắn bó cùng nhau nơi giảng đường Đại Học là những kỉ niệm đẹp đối với cả tôi và anh. Giữa những bon chen, xô bồ của cuộc sống và cả những lo lắng trong học tập, anh là chỗ dựa tinh thần cho tôi trong những năm tháng xa gia đình. Tôi không phủ nhận những khoảnh khắc thật gần bên anh, những cử chỉ âu yếm, những lời động viên chân thành và cả những nụ hôn ngọt ngào cho nhau cũng khiến tôi hạnh phúc. Đứng trước anh, có lúc tôi không đủ can đảm để vượt qua những cám dỗ, những yếu đuối của chính mình; cảm xúc dâng trào, đã có lúc tôi từng muốn “yêu” anh cách sâu đậm hơn. Chiến đấu với nó, thật khó!

Chuyện xảy ra sau đó, khi anh muốn tôi cùng về sống chung với nhau. Tôi hơi bất ngờ, lưỡng lự. Anh chờ câu trả lời từ tôi.

Hôm đó, một cảm giác bối rối tràn ngập tâm hồn tôi, nó phát sinh từ những cảm nghĩ trái ngược nhau: một đàng, lí trí muốn phủ nhận vì đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Đàng khác, con tim muốn chấp nhận nhưng sợ rằng điều đó đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp từ Giáo Hội – nơi đã nuôi dưỡng đức tin đang lớn lên từng ngày trong tôi.

Tôi đã suy nghĩ nhiều và rất nhiều. Nên hay không? Rồi cuối cùng tôi đã quyết định thế nào? Tôi đã từ chối lời đề nghị của anh. Tôi đã làm anh thất vọng. Tôi không dễ để đưa ra quyết định ấy và anh cũng không dễ dàng chấp nhận. Tôi trả lời anh rằng tôi chưa sẵn sàng; rồi mâu thuẫn xảy ra giữa chúng tôi. Làm sao để anh hiểu tôi bây giờ? Thật khó! Anh đã chủ động chia tay.

Tôi đã chiến đấu với nỗi giằng xé ấy rất nhiều, đã rất đau khổ và rất mệt mỏi. Hàng ngàn câu hỏi đã đặt ra trong tôi. Đã có lần, tôi nghi ngờ niềm tin nơi chính mình. Tôi từng ước rằng mình đừng bao giờ thuộc về niềm tin tôn giáo nào đó. Để rồi, tôi sẽ không phải bị lệ thuộc những luật lệ khắt khe và gò bó. Tôi sẽ được tự do làm điều mình thích. Tại sao bạn bè tôi làm được còn tôi lại không? Có phải Giáo Hội mà tôi gắn bó không đủ khả năng để đáp lại muôn vàn nhu cầu và hoàn cảnh của con người hôm nay? Tôi đang bị lung lay về niềm tin của chính mình. Lối thoát nào cho tôi? Dưới ánh sáng của Lời Chúa tôi đã nhận ra rằng: “Tôi được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ tôi.” (1 Cr 6, 12). Có những điều tôi được chọn lựa nhưng có những điều nó không thuộc về tôi. Tôi đã tìm được sự chia sẻ từ chính Giáo Hội của tôi và từ những người bạn cùng sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công Giáo. Tôi đã khóc rất nhiều vì hạnh phúc; để rồi tôi nhận ra rằng tôi không bước đi một mình nhưng vẫn có những động lực thiêng liêng bên cạnh tôi.

 

Tại sao tôi từ chối?

Thú thực lúc đó, tôi chưa nghĩ đến điều đó vì tôi nghĩ mình chưa đủ trưởng thành trong công việc và học tập. Việc học còn dang dở và công việc chưa vững chắc. Tôi nghĩ rằng, một chút chín chắn sẽ tốt hơn cho cả hai.

Bạn học cùng tôi cũng từng theo tiếng gọi của tình yêu để rồi về sống chung với bạn trai. Tôi hỏi nó: “Suy nghĩ kỹ chưa?”. Nó bảo tôi: “Chúng tao yêu nhau thật lòng nên muốn ở với nhau nhiều hơn.”. Sau đó, tôi ít gặp lại nó hơn. Hôm gặp lại nó ở lớp, nó bảo muốn nghỉ học vì lỡ mang bầu. Nó và bạn trai chia tay.

Tự nhiên tôi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là trách nhiệm và sự chân thành với nhau? Tôi không nghĩ chuyện về sống chung với nhau chỉ là chuyện giữa hai người yêu nhau nhưng đằng sau đó lớn hơn là trách nhiệm với nhau, với gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Chuyện tôi từ chối anh có thể anh sẽ nghĩ tôi không yêu anh thật lòng. Nhưng ngay từ bây giờ tôi không muốn lừa gạt anh, và nhất là lừa gạt chính bản thân mình. Tôi không muốn đánh mất tình yêu chân thành tôi dành cho anh, càng không muốn lệ thuộc lẫn nhau, nhất là trong các bản năng dục vọng của chính mình. Tôi nhìn lại mình trong vai trò của một Kitô hữu. Đâu là trách nhiệm của tôi?

Tôi nghĩ đến Giáo Hội đang phải nỗ lực ra sao để bảo vệ cho sự trong sáng của Hôn nhân ngày nay. Động lực nào khiến Giáo Hội làm điều đó? Cho ai và vì ai? Giáo Hội luôn đặt tầm quan trọng của Hôn nhân vì đó như biểu tượng đẹp trong tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Một tình yêu linh thánh và cao quý. Một tình yêu không chấp nhận thử nghiệm nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau trọn vẹn và dứt khoát hơn.[1] Một tình yêu có trách nhiệm và chân thành với nhau, cùng nhau lưu truyền và giáo dục con cái là tặng phẩm cao quý từ Thiên Chúa ban cho.

Một chị đã từng nói với tôi rằng: “Mày có cảm thấy tôn giáo của mày quá khắt khe và cấm đoán không? Yêu nhau ai mà chả muốn cho nhau điều quý nhất. Tao thấy quan hệ tình dục trước hôn nhân đâu có gì là xấu. Nó thuộc về quyền quyết định của mình, nên cứ  thế mà làm thôi”.

Tôi như cứng họng. Làm thế nào để chị hiểu được đây? Với chị đó là chọn lựa đúng đắn nhưng là thách đố cho chính tôi và cho chị nữa. Làm sao tôi có thể cho chị hiểu điều đó không được phép xảy ra trước hôn nhân?

Điều đó giúp tôi nhìn lại chính mình trong hành trình yêu và sống. Với tôi, tính dục gắn liền với những chiều kích sâu xa nhất của con người. Nó không là sở hữu của riêng tôi nhưng là do ân huệ của Thiên Chúa. Tôi không thể nào lí giải nổi tại sao tôi có nó.

Nó chiếm chỗ lớn trong cuộc sống của con người, nhất là trong đời sống hôn nhân. Nó không chỉ là cảm xúc nhất thời nhưng lớn hơn là biểu hiện cho một tình yêu trao hiến trọn vẹn và mãi mãi.

 

Sống giữa và sống với….

Như tôi đã nói, tôi đã không hối hận vì chia tay anh. Qua biến cố ấy, quá trình chiến đấu, giằng co với bản thân mình thật không dễ dàng chút nào. Ý thức rằng, tôi hiện diện trong xã hội này, hơn hết tôi cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng một tình yêu lành mạnh hơn. Mỗi người có một chọn lựa khác nhau, tôi hoàn toàn tôn trọng chọn lựa ấy. Nhất là trong trách nhiệm một Kitô hữu giữa xã hội hiện đại, việc xây dựng một Giáo Hội với khuôn mẫu là Đức Kitô là cả một thách đố cho tôi và cho bạn.

Cảm ơn bạn đã lắng nghe chia sẻ từ chính tôi. Bằng cuộc sống thực tế của mình, đã có lần tôi phải thốt lên rằng: “Tôi đang trình bày một Giáo Hội ra sao? Khắt khe hay đầy bao dung tha thứ?”. Và khi quay nhìn lại hành trình sống của mình, tôi cũng tự hỏi: “Tôi có thấy ray rứt khi đối diện với những đòi hỏi của Tin Mừng khi bản thân vẫn đang sống trong con người cũ không?”.

Maria Thanh Hải

[1] GLHTCG, số 2364, 2391.

Kiểm tra tương tự

Khóa tĩnh tâm dành cho các gia đình – “Lạt mềm buộc chặt”

TĨNH TÂM CHO CÁC GIA ĐÌNH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT”     Có lẽ khi …

Hàn Quốc – Quê hương của hơn 10.000 vị tử đạo

Hàng ngàn Kitô hữu đã tử vì đạo tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *